Bất Hòa Trong Hôn Nhân (3)

Bất Hòa Trong Hôn Nhân (3)

 

Câu Chuyện Gia Ðình

BẤT HÒA TRONG HÔN NHÂN (3)
NHỮNG YẾU TỐ BÊN TRONG GÂY RA BẤT HÒA
 
Khi vợ chồng có điều bất hòa, nếu khách quan nhìn lại, chúng ta sẽ thấy hầu hết những bất hòa đó thật là vô lý. Khi đang giận nhau, chúng ta thường thấy người kia có lỗi hoặc vô lý, còn chúng ta có lý và không có lỗi. Nhưng khi cơn giận dịu xuống, nếu suy nghĩ một cách công tâm, chúng ta phải nhận rằng mình cũng có lỗi, vì nếu chỉ một người có lỗi và chỉ một người nổi giận, đã không có bất hòa xảy ra. Kinh Thánh dạy: Củi tàn thì lửa tắt, hết kẻ mach lẻo thì cũng bớt đôi co (Châm Ngôn 26,20). Khi một người bất bình mà người kia không phản ứng giận dữ, bất hòa không có cơ hội bộc phát. Tương tự như thế, khi vợ hay chồng phiền giận mà chúng ta bình tĩnh, nói cách dịu dàng, từ tốn, hai vợ chồng sẽ khó đi đến chỗ cãi nhau. Nguyên tắc của Lời Chúa mà chúng ta cần áp dụng khi vợ chồng có điều bất bình với nhau là: nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng, vì: Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan, lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ (Châm Ngôn 15,1).

Như chúng ta đã biết, bất hòa hay bất đồng ý kiến giữa vợ chồng là điều không tránh được, hoặc nhiều hoặc ít, vợ chồng nào cũng có lúc bất hòa với nhau. Điều quan trọng là chúng ta biết làm thế nào để giải quyết hoặc giảm bớt những bất hòa đó. Để giải quyết một nan đề gì chúng ta cần biết nguyên nhân. Đó là lý do trong các bài gần đây chúng tôi nói về những giai đoạn và hoàn cảnh khiến vợ chồng dễ bất hòa với nhau. Ngoài những lý do bên ngoài như hoàn cảnh sống và những giai đoạn khác nhau trong đời sống, còn có những yếu tố bên trong, từ mỗi cá nhân, khiến vợ chồng dễ bất đồng ý kiến với nhau. Những yếu tố đó gồm có:
 
Những yếu tố bên trong gây ra bất hòa

1. Vì vợ chồng có những quan niệm hay cái nhìn khác nhau về sự việc chung quanh

Bất đồng ý kiến có thể xảy ra khi mỗi người nhìn vào vấn đề một cách khác nhau. Từ chỗ có cái nhìn khác nhau, chúng ta có ý kiến khác nhau và những quyết định khác nhau. Ví dụ, các ông thường không lo lắng nhiều khi con bị đau vì nghĩ đau ốm là chuyện bình thường của trẻ con, các em đau để lớn. Vì nghĩ như thế, khi con nóng sốt, ho hen, các ông vẫn bình tĩnh, ăn ngon ngủ yên và đi làm bình thường, lắm khi cũng không nghĩ đến chuyện đưa con đi bác sĩ. Các bà thì khác, thấy con đau thì sốt ruột và lo lắng. Các bà đau lòng khi thấy con bỏ ăn, không chơi, và sợ con bị bệnh gì nguy hiểm mà mình không biết. Vì nghĩ như thế, các bà lo tìm hỏi bác sĩ và muốn chồng đưa con đi bác sĩ. Vì có hai cái nhìn khác nhau, chồng cho là vợ lo lắng quá đáng, vợ thì nghĩ là chồng không thương con, con đau mà không quan tâm; vì thế, vợ chồng phiền trách nhau và gia đình không vui. Một ví dụ khác, trong cách ứng xử với người chung quanh chẳng hạn, các bà thường có tính dễ tin, ai nói gì cũng tin và sẵn sàng nghe lời góp ý của người khác. Trong khi đó, các ông thường nghi ngờ hoặc cứng rắn hơn nên ít tin những gì người khác nói, do đó khi ai nói gì thường không nghe theo. Vì có hai cái nhìn khác nhau như thế, vợ chồng sẽ dễ bất đồng ý kiến trong mối quan hệ với bà con, bạn bè. Khi vợ chồng bất đồng ý kiến vì có cái nhìn khác nhau, chúng ta cần chịu khó dành thì giờ lắng nghe ý kiến của nhau, nhờ đó sẽ bớt đi bất hòa hay bất đồng ý kiến.

2. Vì vợ chồng có tiêu chuẩn sống hoặc mục tiêu sống khác nhau

Nếu vợ chồng không có cùng niềm tin, hai người sẽ có hai tiêu chuẩn sống khác nhau. Một người thì tin cậy Chúa và sống theo Lời Chúa dạy, trong khi người kia, vì không tin Chúa, nên không biết Lời Chúa dạy và không sống theo nguyên tắc của Kinh Thánh. Sự khác biệt này sẽ khiến vợ chồng có những tiêu chuẩn sống khác nhau. Có những việc người này không làm vì đi ngược với lời Chúa dạy nhưng người kia thì cho rằng không làm là dại. Cũng có những điều người này ưa thích hoặc say mê thì người kia sẽ không đồng ý, cho là những việc đó không cần thiết hoặc không quan trọng. Nếu vợ chồng có mục tiêu khác nhau cho đời sống cũng dễ có xung đột và bất hòa. Nếu người chồng thích làm giàu còn người vợ thích sống đơn giản, hai vợ chồng sẽ dễ bất đồng ý kiến khi phải quyết định những chuyện liên quan đến tiền bạc hay công ăn việc làm. Tương tự như thế, nếu chồng muốn sống hòa đồng với người chung quanh, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ người khác nhưng người vợ thì chỉ nghĩ đến mình và gia đình mình, không muốn liên lụy đến việc của người khác. Khác biệt này cũng có thể khiến vợ chồng bất đồng ý kiến và bất hòa với nhau. Nếu một người muốn sống cho Chúa, xem vấn đề niềm tin và phụng thờ Chúa là quan trọng, còn người kia dù cũng tin Chúa nhưng cho rằng mỗi tuần đến nhà thờ một lần là đủ, việc trong nhà thờ là của những người khác, vợ chồng cũng sẽ khó tránh được bất đồng ý kiến. Nếu một người chủ trương hễ việc gì có lợi thì làm, còn người kia sống theo lời dạy của Kinh Thánh, rằng bất cứ việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi, hai tiêu chuẩn sống khác nhau như thế sẽ dễ khiến vợ chồng bất đồng ý kiến và phiền giận nhau.

3. Vì vợ chồng có những kinh nghiệm sống khác nhau

Có kinh nghiệm sống khác nhau hoặc lớn lên trong hoàn cảnh khác nhau cũng có thể là nguyên nhân đưa đến bất đồng ý kiến giữa vợ chồng. Chẳng hạn như, người chồng vì lớn lên trong đầy đủ, sung túc nên thấy không cần tính toán kỹ mỗi khi mua sắm; trong khi đó, nếu người vợ lớn lên trong gia đình nghèo thiếu, sẽ có khuynh hướng cẩn thận trong việc chi tiêu, nhất là chi tiêu những việc có vẻ xa xỉ như đi nghỉ hè, ăn tiệm, v.v... Có hai vợ chồng kia, người vợ sinh ra trong gia đình đông con và sống về nghề buôn bán nên lúc nào cũng phải làm việc, ít khi nào nghỉ ngơi. Khi có gia đình người vợ cứ làm việc luôn tay, hễ nghỉ ngơi là cảm thấy phí phạm thì giờ. Người chồng thì trái lại, vì lớn lên trong gia đình ít con, cha mẹ lại làm công chức nên đời sống thư thả, thoải mái. Người chồng quen đời sống nhàn nhã, khi làm xong việc thì nghỉ ngơi cách thoải mái. Vì có kinh nghiệm sống khác nhau, người chồng khó chịu khi thấy vợ lúc nào cũng làm việc, còn người vợ thì bực bội khi thấy chồng đọc báo hay xem ti-vi cả giờ đồng hồ. Nếu vợ chồng người này lớn lên ở thành phố, người kia ở thôn quê cũng dễ bất đồng ý kiến với nhau về những điều nhỏ nhặt trong đời sống. Đây là những điều chúng ta cần biết để không ngạc nhiên hay bực bội khi vợ chồng bất đồng ý kiến trong những chuyện nhỏ nhặt.

4. Vì vợ chồng có những nhu cầu khác nhau

Điều khác nhau rõ ràng nhất mà chúng ta thấy nơi nam và nữ là các ông ít nói và các bà nói nhiều. Trong hai vợ chồng thường có một người nói ít một người nói nhiều, và các bà thường là người nói nhiều. Các bà cần diễn đạt điều mình suy nghĩ bằng lời nói. Các ông thì suy nghĩ và nói thầm trong lòng nên không cần phải nói ra. Vì nhu cầu nói và nghe khác nhau, vợ chồng dễ bất đồng ý kiến trong vấn đề đối thoại. Người này muốn nói trong khi người kia thấy không có gì cần phải nói. Người hay nói thì cần có người lắng nghe, còn người ít nói thì ít muốn nghe và vì thế vợ chồng dễ phiền giận nhau. Chúng ta cần biết vợ hay chồng mình có nhu cầu gì để thông cảm và đáp ứng cách thích đáng. Ngoài ra, vợ chồng còn có những ý thích khác trái ngược nhau. Chẳng hạn như, người thì sau khi làm xong công việc thích gặp bạn bè trò chuyện cho tinh thần thư duỗi; người kia thì ngược lại, sau khi làm xong việc, muốn ở chỗ yên tĩnh một mình, để tâm trí được nghỉ ngơi. Có khi người vợ không thích giao tiếp nhiều, dù là với bạn bè hay bà con, còn người chồng lại thích tiếp khách hoặc lúc nào cũng muốn có người để trò chuyện chứ không thích sự yên tĩnh, vắng vẻ. Những nhu cầu hay ý thích khác nhau này cũng có thể khiến vợ chồng bất đồng ý kiến trong việc chọn bạn, mời bạn đến nhà hay đi chơi với bạn. Nếu vợ chồng có nhu cầu khác nhau nhưng hai người sẵn sàng nhường nhau để nhu cầu mỗi người được đáp ứng, bất hòa vì những khác biệt đó sẽ giảm đi. Trái lại, nếu có nhu cầu khác nhau nhưng chúng ta không quan tâm và không nhường nhau, sẽ có thể đưa đến xung đột trầm trọng. Khi vợ chồng có điều bất hòa, chúng ta cần nhìn lại xem có phải vì người bạn đời của mình có những nhu cầu đặc biệt mà mình vì vô tình đã không để ý đến. Khi biết nhu cầu của nhau và quan tâm đáp ứng cho nhau, mối quan hệ vợ chồng sẽ trở nên ngọt ngào, tốt đẹp. Lời Chúa dạy chúng ta phải quan tâm đến nhau và sống cho phúc lợi của nhau. Thánh Tông đồ Phaolô khuyên: Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác (Philiphê 2,4), và: Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng (Rôma 15,2).
 
Minh Nguyên