Bất hiếu

 

 

 
BẤT HIẾU

Đời vua Minh Mạng, có hai cha con kia nhà ở gần nhau. Cha thì nghèo mà con thì rất giầu. Đêm khuya nọ, cha lén sang nhà con xúc trộm gạo.

Con thức giấc tưởng là kẻ trộm, vội vác gậy đánh vào lưng, chẳng may cha lăn ra chết. Toà án xã huyện đều xử là “ngộ sát”, sau đó hồ sơ đựợc gởi về kinh đô Huế. Vua Minh mạng mở hồ sơ ra, ngài thức cả đêm đọc đi đọc lại vụ án, và cuối cùng vua quyết định cho xử lại và truyền lệnh xử tử người con. Vua Minh mạng phân tích rằng: “Không phải chỉ xét việc giết người, mà phải xét việc ăn trộm. Tại sao người cha phải đi ăn trộm? Lại là ăn trộm của con? Một người con giầu có mà để cha mình đói khổ, đến nỗi đêm hôm phải sang nhà con ăn trộm gạo, thế thì người con đó là gì? Có đáng là con không?

Tội con bất hiếu như thế là thật đáng phải chết. Trước khi đã giết lầm cha bằng gậy, thì đứa con đã để cha nhục nhã và chết đói rồi!

[Sưu tầm]
 
Phải nhận rằng, luật về báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ ngày nay dễ dãi dần so với trước, cùng với khuynh hướng quy về chính mình, dù luật đời vẫn còn, luật đạo càng không thể bỏ.

Phải nhận rằng, con người nói chung, con cái nói riêng, ngày nay văn minh lịch sự, kiến thức nâng cao, phương tiện hiện đại hơn, nhưng về mặt đạo đức, đạo hiếu, đạo nghĩa thì lại không quan tâm đúng mức, lại coi đó là những nhu cầu giống mọi nhu cầu khác trong cuộc sống. Nghĩa là có cũng được, không có cũng chẳng sao.

Vì thế, ngày càng có nhiều hoàn cảnh éo le và bi ai hơn cho các bậc sinh thành dưỡng dục là ông bà, cha mẹ, dầu con cái vẫn còn, và kinh tế của chúng không quá nghèo đến nỗi không thể lo cho mẹ cha được.

Có nhiều người tìm cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để cho đỡ phiền hà, nhờ vậy có nhiều thời gian để lo việc riêng, để đi nghỉ, đi du lịch.

Có nhiều người môi miệng ngon ngọt, nhưng lại tìm cách đẩy cho anh em, người khác nhận nuôi cha mẹ, còn mình thì đứng ngoài cuộc.

Có nhiều tìm bỏ tiền ra mướn người khác lo cho cha mẹ, thay vì chính mình phải làm.

Có nhiều người để cho cha mẹ sống cùng, nhưng lại coi cha mẹ như con cái, như người làm, như người ở, nghĩa là muốn ăn thì phải làm.

Có nhiều người còn hành hạ cha mẹ như người ở, như tù nhân, không cho cha mẹ bất cứ một quyền lợi gì trong gia đình, dù vẫn phải làm lụng vất vả như mọi người trong nhà.

Có nhiều người tiền bạc chẳng thiếu, vậy mà chẳng giúp đỡ anh em đã đành, ngay cả cha mẹ cũng không giúp đỡ, để các ngài phải quá vất vả lo cơm ăn áo mặc, phải đi ăn đong từng ngày.

Có nhiều người dùng tiền để tiếp tế cho cha mẹ, rồi coi đó là đã làm xong bổn phận của mình đối với các ngài.

Có nhiều người coi tiền bạc vật chất và những việc làm cho bố mẹ là việc bác ái, nên cha mẹ phải tỏ lòng biết ơn, còn không thì chẳng hài lòng.

Có nhiều người khinh thường bố mẹ ra mặt, nặng lời, chửi bới xỏ xiên, chì chiết. Như trường hợp nọ: vợ chồng con cái ăn cơm nóng ở nhà trên, còn cho mẹ già ở nhà ngang, ăn một tô cơm nguội, thức ăn là lựa con cá nào ngon trong đống cá khô mua nấu cho heo, rồi rửa sạch, kho cho mẹ ăn. Lúc mẹ chết thì lại khóc thật to, đám thật lớn, và có đủ trống kèn ầm ĩ. Đúng là :

Lúc sống thì chẳng cho ăn
Đến khi nhắm mắt làm văn tế ruồi

Thực tế càng nhìn càng suy thì càng đau lòng cho nhiều bố mẹ khi phải rơi vào những tình cảnh khó nói, hoặc không nói được. Bởi các đã ngài tự nguyện ban hết sức khỏe, thời gian, tiền bạc, hy sinh, tình yêu cho con, nên giờ chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.

Thương thay cho các bố, buồn thay cho các mẹ.

Nếu luật pháp nghiêm minh thì chắc số cha mẹ bị con cái bỏ rơi, coi thường hay lơ là sẽ ít lại.

Nếu mỗi người con nhờ học cao hiểu rộng mà hết lòng yêu thương phụng dưỡng cha mẹ, thì các ngài bớt buồn tủi và nhục nhã khi sức đã tàn, đời đã khép.

Ta hãy tâm niệm những câu sau:

Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
 
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Ta có thể mua được nhiều thứ, nhưng không thể mua được cha mẹ.

Đừng để hối tiếc khi các ngài qua đi trong đau buồn rồi ta phải hối hận, giá mà, biết vậy, nếu còn sống thì thì…
 
THANH THANH