Ảo tưởng trong hôn nhân
ẢO TƯỞNG TRONG HÔN NHÂN
5 ảo tưởng phá vỡ hôn nhân
Hôn nhân có thể tan vỡ trong thất vọng khi người ta ảo tưởng và kì vọng quá nhiều vào những điều không thực tế.
5 ảo tưởng phá vỡ hôn nhân
Hôn nhân có thể tan vỡ trong thất vọng khi người ta ảo tưởng và kì vọng quá nhiều vào những điều không thực tế.
1. Người bạn đời có thể đọc được rằng bạn muốn gì, cần gì
Đây là suy nghĩ phổ biến ở nhiều cặp vợ chồng. Người này tin rằng nếu người kia thực sự yêu thì anh ấy/cô ấy có thể biết và nên biết bằng trực giác về những nhu cầu và mong muốn của họ. Và tất nhiên kèm theo mong muốn là kì vọng rằng người bạn đời sẽ làm những điều khiến bạn hài lòng và biết tránh những điều có thể làm tổn thương bạn.
Khi người bạn đời không đủ tinh tế và nhạy cảm để hiểu hết những mong muốn của bạn, cảm xúc tổn thương hay sự tức giận tích tụ sẽ hình thành nên khoảng cách giữa các cặp vợ chồng.
Khắc phục:
Sự thực là đừng bắt người bạn đời luôn phải đoán hay cố gắng đọc suy nghĩ của bạn trong mọi trường hợp. Bạn cần chia sẻ những nhu cầu và mong muốn của mình một cách trực tiếp.
Khi anh/cô không làm những điều mà bạn mong muốn, thay vì giận hờn hãy chỉ ra điều gì bạn thực sự mong đợi. Hãy tập nói: “Em có một ngày rất mệt mỏi và thật sự rất muốn được xoa bóp, anh giúp em được không?”.
2. Người bạn đời cần phải thay đổi và điều đó sẽ giúp cuộc hôn nhân hạnh phúc
Lập luận của suy nghĩ này là bạn hy vọng người bạn đời của mình phải thay đổi trước khi mình thay đổi. Việc này đặt người đó vào vị thế bị động. Còn bạn, tin vào giả thuyết này khiến bạn không làm gì ngoại trừ việc đổ lỗi cho vợ/chồng và đợi anh/cô ấy thay đổi.
Khắc phục:
Hạnh phúc gia đình nằm trong tay của chính bạn. Tận tụy với hạnh phúc dù bạn đời bạn có thay đổi hay không chính là cách để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hãy cố gắng hoàn thiện bản thân để trở thành người vợ/ chồng tuyệt vời và hãy làm anh/cô ấy cảm động bằng sự tận tuỵ với hạnh phúc gia đình của chính bạn.
3. Một người vợ/chồng tốt là luôn luôn đặt nhu cầu của bạn đời lên hàng đầu
Suy nghĩ này phổ biến ở những người vợ. Ai đã nói rằng bạn cần đặt nhu cầu của bạn đời lên hàng đầu? Và bạn sẽ bị coi là ích kỷ nếu không làm vậy?
Trong thực tế hôn nhân, không hề tốt khi luôn luôn đặt nhu cầu của người bạn đời lên trước mong muốn của riêng bạn. Làm vậy chỉ tạo ra một sự thiếu tôn trọng bản thân và suy nghĩ đó có thể lấy mất tất cả thời gian của bạn, nhu cầu của bạn và mục tiêu trong cuộc sống của riêng bạn. Hãy quan tâm đến nhu cầu của riêng bạn ở mức độ nhất định.
Thử thách của cuộc sống hôn nhân là người này cần dành thời gian và suy nghĩ để cố gắng tìm ra cách thức để đáp ứng nhu cầu của người kia. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu bạn lãng quên hay hạ thấp những nhu cầu của mình và làm theo bất cứ điều gì mà người bạn đời của bạn mong muốn.
Khắc phục:
Điều bạn cần làm là thể hiện sự tôn trọng với chính bạn bằng việc đánh giá bản thân và những nhu cầu, sở thích của bạn. Hôn nhân là sự cam kết hạnh phúc và để đạt được điều đó cả hai đều cần được đáp ứng những nhu cầu. Nếu bạn không biết đánh giá bản thân thì người khác cũng sẽ không biết.
4. Trong hôn nhân, vợ và chồng đóng góp 50% vào cuộc hôn nhân
Về lý thuyết nghe có vẻ đúng nhưng trong thực tế hôn nhân hầu như lại không phải chia đôi một cách rõ ràng và công bằng như vậy. Cần phải trải qua một thời gian dài trong hôn nhân với những thử thách thì giữa vợ chồng mới có một sự cân bằng như vậy. Thậm chí, có nhiều thời điểm, hầu như chỉ một người nỗ lực trong hôn nhân.
Và trong những trường hợp này vợ/chồng có thể đóng góp đến 80% vào cuộc hôn nhân trong khi bạn đời họ chỉ cố gắng 20%. Tuy nhiên sau quãng thời gian đó, sẽ có sự điều chỉnh để cân bằng hoặc đổi chỗ cho nhau trong việc nỗ lực cho đời sống gia đình.
Khắc phục:
Nếu cả bạn và vợ/chồng bạn đều biết rằng có những thời điểm mà mỗi người sẽ phải nỗ lực 100% thì đó là nền tảng tuyệt vời để hai bạn giải quyết những căng thẳng và những thách thức không nhìn thấy trước được của hôn nhân.
5. Mục tiêu là một cuộc hôn nhân yên bình với càng ít tranh cãi càng tốt
Không ít những cặp đôi khoe rằng họ chưa bao giờ cãi nhau và hầu như không hề có bất đồng. Trong một cuộc hôn nhân như vậy thì hầu như luôn luôn có một sự cố gắng kiềm chế tức giận tích tụ giống như một chiếc nắp chai luôn luôn đóng giữ khí gas. Sau một thời gian dài, khi đủ áp lực, cái nắp nổ tung và tất cả những cảm xúc trào ra và phá hủy mối quan hệ hôn nhân của hai bạn.
Khắc phục:
Bạn đừng đặt mục tiêu là có một cuộc hôn nhân không tranh cãi và bất đồng. Mục tiêu là tìm thấy cách thức để hai bạn giải quyết những bất đồng để có thể thống nhất.
Hãy nhớ rằng một cuộc hôn nhân có thể thu được những lợi ích từ những bất đồng cởi mở, những tranh luận được nói ra thẳng thắn. Ít nhất thì sau đó hai người sẽ đều tích cực vì mối quan hệ, hơn là để nó chết đi một cách thầm lặng.
(Theo TGPN/Family)