'Nhòm' vào bụng mẹ xem sự phát triển của thai nhi
"NHÒM" VÀO BỤNG MẸ XEM SỰ PHÁT TRIỂN THAI NHI
Bạn háo hức muốn biết bé yêu trong bụng lớn lên như thế nào? Bé trông ra sao và làm gì trong đó vậy? Nào, hãy cùng "lén" nhìn trộm vào tử cung để thỏa sự tò mò này nhé.
Sự thụ thai
Nếu tinh trùng gặp và xuyên thủng được vỏ trứng thì sự thụ tinh sẽ bắt đầu. Gọi nôm na là "cấn thai". Ở thời điểm này, gene đã được xác lập, trong đó có cả giới tính của đứa trẻ. Trong 3 ngày sau thụ thai, tế bào trứng đã được thụ tinh sẽ phân chia không ngừng, di chuyển theo ống vòi trứng xuống thành tử cung. Nhau thai có nhiệm vụ cung cấp dưỡng chất cho thai nhi cũng bắt đầu hình thành.
Sự phát triển của thai 4 tuần tuổi
Ở thời điểm này, sự phát triển về mặt cấu trúc thể hiện rõ nét nhất là ở sự khác biệt giữa phần đầu và cổ. Tim và mạch máu đang phát triển. Phổi, dạ dày và gan bắt đầu phát triển. Test thử thai tại nhà lúc này đã có thể hiển thị kết quả 2 vạch rất rõ nét.
Sự phát triển của thai ở 8 tuần tuổi
Bé giờ đã có kích thước của 1 quả nho - khoảng 2,5cm. Mý mắt và tai đang hình thành và cả chóp mũi cũng đã khá rõ. Tay và chân đang phát triển rất tốt. Các ngón tay và ngón chân mọc dài hơn và ngày càng có sự tách biệt rõ rệt.
Sự phát triển của thai ở tuần 12
Thai lúc này dài khoảng 6cm và bắt đầu có thể tự di chuyển. Bạn sẽ thấy đỉnh của tử cung ở phía trên xương chậu. Bác sĩ có thể nghe thấy tim thai bằng 1 thiết bị đặc biệt. Giới tính thai nhi lúc này đã bắt đầu rõ ràng.
Sự phát triển của thai ở 16 tuần
Thai lúc này dài khoảng 10-11cm và nặng khoảng 90g. Đỉnh của tử cung lúc này khoảng 7,5cm và nằm dưới rốn. Mắt bé đã có thể chớp; tim và mạch máu đã phát triển đầy đủ. Các ngón tay và ngón chân đã có vân rõ nét.
Sự phát triển của thai ở 20 tuần tuổi
Cân nặng của bé lúc này khoảng 270g và dài khoảng 15cm. Tử cung lúc này có vị trí ngang với rốn. Bé đã có thể mút ngón tay, co duỗi ngón tay và thể hiện nét mặt. Chẳng bao lâu nữa bạn sẽ cảm nhận được sự di chuyển của bé mà chúng ta vẫn thường gọi là thai "máy".
Thời điểm siêu âm
Một siêu âm định kỳ mà mọi thai phụ đều thực hiện khi thai được 20 tuần tuổi. Trong lần siêu âm này, bác sĩ sẽ xác định xem nhau thai có khỏe mạnh và bám tốt vào thành tử cung không. Bé có phát triển bình thường trong tử cung không. Nhịp tim và sự vận động của các bộ phận trên cơ thể bé cũng như hoạt động của chân tay sẽ nhìn thấy rõ trên siêu âm.
Giới tính của bé lúc này cũng được xác định.
Sự phát triển của thai ở 24 tuần tuổi
Thai nhi nặng khoảng gần 1 cân. Người mẹ có thể cảm nhận được rằng bé đang nấc. Do tai đã phát triển hoàn chỉnh nên bé đã có thể nghe.
Sự phát triển của thai ở 28 tuần tuổi
Thai lúc này nặng khoảng hơn 1 cân. Bé lúc này rất hiếu động, thay đổi vị trí thường xuyên. Thời điểm này bé có thể sống tốt nếu phải chào đời sớm. Hãy hỏi bác sĩ về các dấu hiệu sinh non để đề phòng. Tham gia các lớp học tiền sản để được trang bị các kiến thức sinh nở và nuôi con.
Sự phát triển của thai ở tuần 32
Ở thời điểm này, thai đã nặng khoảng 2kilo. Da bé ít nếp nhăn hơn nhờ lớp mỡ đang dày lên ở phía dưới bề mặt da. Hãy hỏi bác sĩ cách trò chuyện với thai nhi. Sữa non xuất hiện với biểu hiện là chất dịch lỏng màu vàng nhạt, dinh dính.
Sự phát triển của thai ở 36 tuần tuổi
Kích thước và trọng lượng của mỗi bé giờ rất khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố (như giới tính, số thai trong tử cung và cả "kích cỡ" của cha mẹ). Nhìn chung, bé lúc này dài khoảng hơn 30cm và nặng khoảng 2,5kilo. Não phát triển rất nhanh. Phổi gần như hoàn chỉnh. Đầu của bé lúc này đã chạm vào hông. Khi được 37 tuần tuổi, thai được coi là phát triển hoàn chỉnh, có thể chào đời ngay.
Sinh nở
40 tuần là thời điểm kết thúc quá trình mang thai vất vả nhưng vô cùng thú vị của người phụ nữ với biểu hiện là những cơn co tử cung liên tục. Thời hạn tối đa để bé nằm trong bụng mẹ là 42 tuần (tính tuổi thai bắt đầu từ ngày đầu có kinh của kỳ kinh cuối cùng).
Nhân Hà
(Thao Dân Trí)