«QUÍ TRỌNG» BẬC SỐNG KHIẾT TỊNH HƠN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ XEM THƯỜNG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
1. Hướng nhìn về Đức Kitô Đấng Cứu Thế, giờ đây chúng ta tiếp tục suy tư về sự độc thân trinh khiết «vì Nước Trời», theo lời của Đức Kitô được kể lại trong Tin mừng thánh Matthêu (Mt 19,10-12).
Khi loan báo đời khiết tịnh «vì Nước Trời», Đức Kitô chấp nhận trọn vẹn tất cả những gì từ thuở ban đầu đã được Đấng Tạo Thành thực hiện và thiết lập. Bởi thế, một đàng, đời sống khiết tịnh phải cho thấy rằng con người trong cấu trúc thâm sâu nhất của mình không những là «lưỡng giới», nhưng còn «đơn độc» (trong tình trạng lưỡng tính này) trước mặt Thiên Chúa, và với Thiên Chúa. Thế nhưng, đàng khác, trong ơn gọi khiết tịnh vì Nước Trời, lời mời gọi hướng tới sống đơn thân vì Chúa tôn trọng đồng thời, «nhân tính lưỡng giới» (tức là nam tính và nữ tính của nó), và cả chiều kích hiệp thông của cuộc sống vốn là cái thuộc về riêng ngôi vị. Nói theo kiểu của Đức Kitô thì, những ai «hiểu» đúng tiếng gọi hướng đến bậc sống khiết tịnh «vì Nước Trời», thì đi theo tiếng gọi ấy, và như thế gìn giữ sự thật nguyên vẹn của nhân tính mình, chứ không đánh mất trong cuộc hành trình bất cứ một yếu tố cốt yếu nào của ơn gọi làm người vốn được tạo dựng «theo hình ảnh và theo họa ảnh của Thiên Chúa». Điều này là quan trọng bởi chính lý tưởng hay nói cho đúng hơn, bởi chính lý tưởng tiết dục, nghĩa là bởi nội dung khách quan của nó xuất hiện trong giáo huấn của Đức Kitô như một điều tuyệt đối mới mẻ. Điều quan trọng không kém là sự thực hiện lý tưởng này, tức là một người lấy quyết định cụ thể sống đời độc thân trinh khiết vì Nước Trời (người «tự ý yêm hoạn» vì Nước Trời, nếu dùng từ của Đức Kitô), hoàn toàn trung thực trong động cơ theo đuổi của mình.
2. Từ văn mạch của Tin mừng thánh Matthêu (Mt 19,10-12) ta thấy khá rõ rằng vấn đề ở đây không phải là hạ thấp giá trị của hôn nhân để đề cao bậc khiết tịnh mà cũng không phải làm lu mờ đi một giá trị này bằng cách làm tỏa sáng một giá trị khác. Ngược lại, vấn đề là, với ý thức đầy đủ người ta «đi ra» khỏi những gì mà trong con người (theo như ý muốn của chính Đấng Tạo Hóa đã định) dẫn ta đến với hôn nhân để đi đến với đời khiết tịnh, khi ấy tỏ hiện trước mắt một con người cụ thể, dù là nam hay là nữ, như một lời mời gọi và một ơn riêng với ý nghĩa đặc biệt: «vì Nước Trời». Những lời lẽ của Đức Kitô (Mt 19,11-12) bắt đầu từ hoàn cảnh hết sức thực tế của con người và từ chính thực tế đó dẫn đưa người ấy đi ra hướng tới ơn gọi đặc biệt này; một cách mới mẻ con người có thể khám phá ra, dù do bản tính tự nhiên con người vẫn mang đặc tính «đôi lứa» (nghĩa là, là nam thì hướng đến người nữ, là nữ thì hướng đến người nam), trong tình trạng đơn độc của mình (vốn luôn là một chiều kích ngôi vị với tương giao lưỡng giới của mỗi người), một hình thức hiệp thông liên chủ vị với tha nhân không những mới mẻ mà còn viên mãn hơn. Định hướng ơn gọi này giải thích cách rõ ràng diễn ngữ «vì Nước Trời». Quả thật, sự thực hiện Nước Trời này phải cùng trong hướng phát triển đích thật của hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, theo nghĩa là «hiệp thông» của Ba Ngôi chí thánh. Khi chọn lựa đời khiết tịnh vì Nước Trời, con người ý thức mình có thể thực hiện chính mình «một cách khác biệt» và, theo một nghĩa nào đó, «còn hơn cả đời hôn nhân», bằng cách trở nên «tặng phẩm tự hiến chân thành cho tha nhân» (GS 24).
3. Qua những lời trong Mt 19,11-12 Đức Kitô cho ta hiểu rõ ràng rằng «ra đi» để đển với đời khiết tịnh vì Nước Trời gắn liền với sự khước từ tự nguyện đời hôn nhân, nghĩa là từ chối bậc sống trong đó người nam và người nữ (theo ý nghĩa kết hợp mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho từ «thuở ban đầu») tự hiến cho nhau nhờ nam tính và nữ tính của họ và nhờ cả việc hợp hôn trên thân xác. Đời khiết tịnh có nghĩa là khước từ cách ý thức và tự nguyện sự hợp hôn ấy và tất cả những gì gắn liền với việc ấy trong chiều kích rộng lớn của sự sống và đời sống chung của con người. Những ai khước từ đời hôn nhân thì cũng khước từ việc sinh con cái, xét như là nền tảng của cộng đồng gia đình vốn được làm nên bởi cha mẹ và con cái. Những lời của Đức Kitô mà chúng ta đang nói đến hẳn đã chỉ ra tất cả phạm trù của sự từ khước này, dẫu chúng không dừng lại ở những điểm đặc thù. Và cách thức theo đó những lời này được công bố cho ta nghĩ rằng Đức Kitô đã hiểu tầm quan trọng của sự khước từ ấy, và Người hiểu điều đó không chỉ đối với những quan điểm hiện hành của xã hội Do thái thời bấy giờ về chủ đề ấy. Người còn hiểu tầm quan trọng của sự từ khước này trong tương quan với phúc lộc mà hôn nhân và gia đình tạo nên bởi định chế thần linh. Bởi thế, qua cách thức loan báo những lời lẽ đó Người cho ta hiểu rằng chấp nhận đi ra khỏi vòng luân chuyển những lợi lộc mà chính Người gọi là «vì Nước Trời», một cách nào đó chính là sự hiến tế bản thân mình. Sự xuất hành đó cũng là khởi đầu cho một chuỗi những từ khước tiếp theo và những hi tế tự nguyện hết sức cần thiết, nếu chọn lựa đầu tiên và nền tảng phải chi phối toàn thể cuộc sống trần gian; và chỉ nhờ mạch nối ấy, tự bên trong chọn lựa kia mới hợp lí và không mâu thuẫn.
4. Như thế, trong ơn gọi sống khiết tịnh như Đức Kitô đã loan báo – một cách rất súc tích và hết sức chính xác – ta thấy phác họa ra nét chân dung và năng động của mầu nhiệm cứu chuộc, như đã nói trước đây. Đó chính là chân dung trong đó Đức Giêsu đã loan báo trong diễn từ trên núi sự cần thiết phải cảnh tỉnh trước dục vọng của thân xác, trước dục tình do «cái nhìn» gây nên vốn có thể đã thành tội «ngoại tình trong lòng». Đàng sau những lời của Matthêu ở chương 19 (cc. 11-12) cũng như ở chương 5 (cc. 27-28), lộ ra cả một khoa nhân học và đạo đức học. Trong lời mời gọi tự nguyện sống khiết tịnh vì Nước Trời, những viễn tượng của nền đạo đức này được mở rộng: trong tầm nhìn của những lời loan báo trong diễn từ trên núi có cả một khoa nhân học về con người «lịch sử»; trong tầm nhìn của những lời loan báo về đời khiết tịnh tự nguyện, vẫn chủ yếu là nhân học ấy nhưng lại được chiếu sáng bởi viễn tượng «Nước Trời», hay nói rõ hơn, bởi khoa nhân học tương lai về sự phục sinh. Tuy nhiên, trên hành trình của đời sống khiết tịnh tự nguyện trong cuộc sống trần thế này, nhân học phục sinh không thay thế nhân học của con người «lịch sử». Chính con người này (con người «lịch sử» vẫn còn mang di sản của các dục vọng, di sản của tội lỗi và đồng thời cả di sản của ơn cứu chuộc) phải quyết định về đời sống khiết tịnh «vì Nước Trời». Con người ấy phải thực thi quyết định này bằng cách để cho bản tính nhân loại tội lỗi của mình phục tùng trước các sức mạnh tuôn trào từ mầu nhiệm cứu chuộc thân xác. Người ấy phải làm thế giống như mọi con người khác, những người vốn không có quyết định giống như vậy nhưng ở lại trong hành trình đời hôn nhân. Điều khác nhau chỉ là ở loại trách nhiệm đối với điều thiện hảo mình lựa chọn, cũng như khác nhau ở chính loại thiện hảo mình lựa chọn.
5. Có chăng Đức Kitô trong lời phát biểu của mình đã nêu bật giá trị ưu tiên của đời khiết tịnh vì Nước Trời trên đời hôn nhân? Chắc chắn Người có nói rằng đó là một ơn gọi «ngoại lệ», hay «ngoại thường». Hơn nữa, Người còn khẳng định bậc sống ấy là đặc biệt quan trọng, và cần thiết cho Nước Trời. Nếu ta hiểu có sự ưu việt hơn hôn nhân ở đây, thì phải chấp nhận rằng Đức Kitô có ý hàm ẩn thôi; Người đã không diễn tả nó ra cách trực tiếp. Chỉ có thánh Phaolô mới là người nói ai chọn đời hôn nhân thì đã làm một «điều tốt», và, ai sẵn sàng tự ý chọn sống đời độc thân khiết tịnh, thì ngài nói, kẻ ấy đã làm điều «tốt hơn» (cf. 1Cr 7,38).
6. Đó cũng là ý kiến của toàn thể Truyền thống, cả về phương diện giáo thuyết lẫn mục vụ. Nhưng trong Truyền thống đích thật của Hội thánh, sự «ưu việt» của đời khiết tịnh trên đời hôn nhân không hề có nghĩa coi thường đời hôn nhân hay làm suy giảm đi giá trị cốt yếu của nó. Cái nhìn này không hề ngả về, dẫu chỉ ngấm ngầm, quan điểm của phái Manikê, hoặc ủng hộ những cách thức định giá hay hoạt động làm nên tảng cho một cách hiểu về thân xác và giới tính, về hôn nhân và sinh sản theo kiểu Manikê. Việc Tin mừng và Kitô giáo đích thực quí trọng bậc độc thân khiết tịnh hơn là một hệ lụy của lí do là vì Nước Trời. Trong những lời của Đức Kitô trong đoạn Mt 19,11-12, chúng ta thấy một nền tảng chắc chắn để chỉ chấp nhận một thái độ ưu tiên như thế; ngoài ra chúng ta không thấy một cơ sở nào để có thể cho là quan điểm nhìn nhận tính ưu việt của khiết tịnh ở trên tỏ lộ một sự khinh chê đời hôn nhân.
Chúng ta sẽ còn quay lại vấn đề này trong bài suy tư lần tới.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch