Nhân Đức Tiết Độ Gắn Liền Với Toàn Thể Linh Đạo Hôn Nhân (bài 125) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II
Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:
CXXII
NHÂN ĐỨC TIẾT ĐỘ GẮN LIỀN VỚI TOÀN THỂ LINH ĐẠO HÔN NHÂN
(Ngày 31 tháng 10 năm 1984)
1. Chúng ta tiếp tục phân tích đức tiết độ dưới ánh sáng của giáo huấn của Thông điệp «Humanae Vitae».
Người ta thường nghĩ rằng tiết dục tạo nên những căng thẳng bên trong, một điều cần phải tránh thoát. Dưới ánh sáng của những gì chúng ta đã phân tích thì tiết dục, nếu hiểu cách đầy đủ, đúng hơn sẽ là con đường duy nhất để giải phóng con người khỏi những căng thẳng ấy. Điều ấy không có nghĩa gì khác hơn là một nỗ lực thiêng liêng không những nhằm diễn tả «ngôn ngữ thân xác» trong sự thật, mà còn «biểu lộ tình yêu» thật phong phú.
2. Nỗ lực ấy có thể thực hiện được không? Nói cách khác (và dưới khía cạnh khác) đó là thắc mắc về «tính khả thi của luật luân lí» mà «Humanae Vitae» đã lưu ý và xác nhận. Đó là một trong những câu hỏi cốt yếu nhất (và hiện nay cũng là cấp bách nhất) trong lãnh vực linh đạo hôn nhân.
Hội Thánh hoàn toàn xác tín nguyên tắc khẳng định việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm (theo nghĩa như đã nói trước đây) là đúng đắn và điều đó không chỉ vì những lí do «nhân khẩu học» mà còn bởi những lí do cốt yếu hơn. Chúng ta gọi làm cha làm mẹ có trách nhiệm những người cha người mẹ sống phù hợp với phẩm giá nhân vị của vợ chồng, phù hợp với sự thật của nhân vị họ và của hành vi vợ chồng. Từ đó mới có mối tương quan chặt chẽ và trực tiếp nối kết chiều kích này với toàn thể linh đạo hôn nhân.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI, trong «Humanae Vitae», đã diễn tả điều mà nhiều nhà luân lí và học giả cả người không công giáo[1] có thế giá đã khẳng định, cụ thể là trong lãnh vực này, một lãnh vực nhân bản và nhân vị rất sâu sắc và cốt yếu, trước hết ta cần phải tham chiếu đến con người như là một nhân vị, tham chiếu đến chủ thể kẻ tự quyết định về chính mình, chứ không phải các «phương tiện» biến con người thành «đồ vật» (để thao túng) và «phi nhân vị hóa» con người. Bởi thế, vấn đề ở đây là ý nghĩa «duy nhân vị» đích thật cho công cuộc phát triển và tiến bộ của nền văn minh nhân loại.
3. Nỗ lực ấy có thể thực hiện được không? Tất cả vấn đề của Thông điệp «Humanae Vitae» không đơn giản chỉ là về sự thụ thai con người (vấn đề những «chu kì mang thai tự nhiên ») trên bình diện sinh học, mà chạm lên tới chính chủ thể tính của con người, chạm tới «cái tôi» nhân vị, bởi đó họ là một người đàn ông hay một người đàn bà.
Trong Công Đồng Vatican II, khi thảo luận đến chương «Phẩm giá cao quí của hôn nhân và gia đình» của «Gaudium et Spes», người ta nói cần thiết phải làm một phân tích sâu xa về các phản ứng (và cả về những cảm xúc) gắn liền với ảnh hưởng tương hỗ của nam tính và nữ tính trên chủ thể con người.[2] Vấn đề này không thuộc về sinh học nhiều cho bằng thuộc về tâm lí học: từ sinh học và tâm lí học tiếp đến chuyển qua lãnh vực linh đạo hôn nhân và gia đình. Quả thật, vấn đề ở đây liên hệ chặt chẽ với phương pháp hiểu nhân đức tiết độ, nghĩa là biết làm chủ bản thân và đặc biệt là, sự tiết dục định kì.
4. Phân tích kĩ càng tâm lí con người (cũng là sự tự phân tích bản thân cách chủ quan, rồi sau đó trở thành phân tích một «đối tượng» khả đạt đối với khoa học nhân văn) giúp ta khẳng định một số điều cốt yếu. Quả thật, trong các tương quan liên vị diễn tả tác động tương hỗ giữa nam tính và nữ tính, ngoài một phản ứng có thể gọi là «kích thích» trong chủ thể cảm xúc – tâm lí trong bản ngã nhân tính còn phóng thích một phản ứng khác có thể và phải được gọi là «cảm xúc». Cho dù hai loại phản ứng này có vẻ kết hợp với nhau, nhưng người ta có thể phân biệt chúng trong kinh nghiệm thực tế và «tách biệt chúng» tùy theo nội dung hoặc «đối tượng» của chúng.[3]
Sự dị biệt khách quan giữa hai loại phản ứng này là do sự kiện sự kích thích trước hết «trên thể xác» và theo nghĩa đó, nó là kích thích «tình dục»; còn cảm xúc – dẫu được gây ra bởi phản ứng tương hỗ giữa nam tính và nữ tính – liên hệ trên hết đến tha nhân kia, «toàn thể» nhân vị con người đó. Có thể nói rằng đó là một «cảm xúc do ngôi vị tạo ra», có liên hệ tới nam tính hay nữ tính của người ấy.
5. Những gì chúng tôi khẳng định ở đây liên quan đến những phản ứng tâm lí giữa nam giới và nữ giới với nhau giúp ta hiểu hoạt động của đức tiết độ, nhân đức mà chúng ta đã nói tới trước đây. Đây không chỉ là – và cũng không chính yếu là – khả năng «kiêng khem» tức sự làm chủ được nhiều phản ứng đan dệt nhau trong tác động tương hỗ giữa nam giới và nữ giới: chức năng như thế có thể còn được cho là «tiêu cực». Nhưng còn có một chức năng khác (có thể gọi là «tích cực») làm chủ bản thân: và đó chính là khả năng điều khiển các phản ứng tương ứng, xét về cả nội dung cũng như về đặc tính của chúng.
Như đã nói, trong lãnh vực các tương tác giữa nam giới và nữ giới đối với nhau, các «kích thích» và «cảm xúc» không những xuất hiện như hai kinh nghiệm rõ ràng và khác biệt của bản ngã nhân vị, nhưng rất thường xuyên hai yếu tố khác biệt ấy kết hợp với nhau xuất hiện trong cùng một kinh nghiệm. Tùy theo hoàn cảnh khác nhau về bản chất bên trong hay bên ngoài, tỉ lệ của hai yếu tố này xuất hiện khác nhau trong mỗi kinh nghiệm nhất định. Có những lúc yếu tố này kia hiển lộ rõ ràng hơn, lúc khác chúng xuất hiện cân bằng.
6. Sự tiết độ, tức khả năng điều hướng các «kích thích» và «cảm xúc» trong tương tác giữa người nam và người nữ, có nhiệm vụ cốt yếu duy trì sự cân bằng giữa sự hiệp thông vợ chồng diễn tả qua việc hai người muốn chỉ hợp giao thân mật riêng tư với nhau thôi và sự hiệp thông (ít là hiểu ngầm) nhằm đến việc sinh con có trách nhiệm. Quả thật, các «kích thích» và «cảm xúc» có thể, từ phía chủ thể, đã định hướng và xác định tính chất trước cho «ngôn ngữ của thân xác» giữa hai vợ chồng rồi.
Kích thích tìm cách bộc lộ trước hết dưới hình thức khoái lạc dục tình và thể xác, hướng đến hành vi vợ chồng vốn (tùy theo «chu kì thụ thai tự nhiên») có khả năng sinh sản. Còn cảm xúc gây nên bởi một người khác, cho dù trong nội dung tình cảm của nó cảm xúc tùy thuộc vào nữ tính hay nam tính của «người kia», tự nó cảm xúc không hướng đến hành vi vợ chồng, nhưng tự giới hạn vào các «biểu lộ tình cảm», qua đó biểu lộ ra ý nghĩa hôn phối của thân xác, nhưng không hàm chứa ý nghĩa (tiềm ẩn) sinh sản của nó .
Dễ hiểu những hệ luận rút ra từ đó những gì liên quan đến việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Những hệ luận này có tính chất luân lí.
[1] X. các tuyên bố, ví dụ như, «Bund für evangelischkatholische Wiedervereinigung» (O.R. 19/09/1968, p.3); như của tiến sĩ F.King, người anh (O.R. 5/10/1968, p.3) và cả của một người Hồi giáo như đức Mohammed Chérif Zeghoudu (trong cùng số ấy). Đặc biệt ý nghĩa là thư viết ngày 28/11/1968 cho đức hồng y Cicognani do K. Barth, trong đó ông đã ca tụng lòng can đảm lớn lao của đức Phaolô VI.
[2] Cfr. Các tham luận của đức hồng y Leo Suenens tại Phiên họp khoáng đại 138, ngày 29.09.1965: «Acta Synodalia S. Concilii Oecumenici Vaticani II», vol. 4, pars 3, p. 30.
[3] Về điều này chúng ta có thể nhớ đến những gì Th. Tôma nói trong một phân tích tinh tế về tình yêu của con người trong tương quan với «dục vọng» và ý chí (cfr. Summa Theologiae, I – IIae, q.26, art. 2).