«PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN» KHÔNG THỂ TÁCH BIỆT VỚI PHẠM VI ĐẠO ĐỨC (bài 121) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II
Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:
CXXI
«PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN» KHÔNG THỂ TÁCH BIỆT VỚI PHẠM VI ĐẠO ĐỨC
(Ngày 05 tháng 9 năm 1984)
1. Chúng ta đã nói trước đây về sự điều hòa thụ thai chính đáng, theo đạo lí của Thông điệp «Humanae Vitae»,[1] và Tông huấn «Familiaris Consortio». Cái gọi là «tự nhiên», được gán cho sự điều hòa việc thụ thai chính đáng (theo chu kì tự nhiên),[2] được hiểu như là một lối sống phù hợp với sự thật của ngôi vị và phẩm giá của ngôi vị: một phẩm giá «bởi bản tính» thuộc về con người có lí trí và tự do. Như là một hữu thể có lí trí và tự do, con người có thể và phải đọc lại cách sáng suốt nhịp điệu sinh học này vốn thuộc về bình diện tự nhiên. Con người có thể và phải hòa mình vào đó, để thực thi việc «làm cha – làm mẹ có trách nhiệm», mà theo ý định của Đấng Tạo Hóa nó được ghi khắc trong trật tự tự nhiên của sự sinh sôi nẩy nở loài người. Khái niệm về sự điều hòa thụ thai chính đáng không gì khác hơn là sự đọc lại «ngôn ngữ thân xác» trong sự thật. Chính những «nhịp tự nhiên nội tại trong các chức năng sinh sản» thuộc về sự thật khách quan của ngôn ngữ ấy, mà những người liên hệ phải đọc lại trong nội dung khách quan đầy đủ của nó. Cần phải nhớ rằng «thân xác nói» không những với toàn thể biểu lộ trường cửu của nam tính và nữ tính, nhưng còn với những cấu trúc của cơ quan nội tạng, của phản ứng thể lí và tâm thể lí. Tất cả điều đó phải có chỗ của nó trong ngôn ngữ thân xác, mà đôi vợ chồng dùng để đối thoại với nhau như những người được gọi sống hiệp thông «nên một xương một thịt».
2. Tất cả những nỗ lực nhằm hiểu biết ngày càng chính xác hơn các «nhịp tự nhiên» này, vốn được bộc lộ ra trong sinh sản của con người, tất cả mọi cố gắng của các nhà tham vấn gia đình và sau cùng là của chính đôi vợ chồng có liên quan, không được nhằm tới mục đích «sinh học hóa» ngôn ngữ của thân xác (hay «sinh học hóa đạo đức học» như một số người nghĩ cách sai lầm). Nhưng tất cả chỉ nhằm tới việc bảo đảm sự thật toàn vẹn cho «ngôn ngữ thân xác» ấy, qua đó đôi vợ chồng phải tự tỏ lộ một cách trưởng thành trước những đòi hỏi của việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm.
Thông điệp «Humanae Vitae» nhấn mạnh nhiều lần rằng việc «làm cha làm mẹ có trách nhiệm» được gắn liền với một nỗ lực và dấn thân không ngừng, và trách nhiệm ấy được thực hiện với cái giá của một sự hi sinh khổ chế nào đó.[3] Tất cả những biểu lộ này hay biểu lộ khác tương tự cho thấy rằng trong trường hợp của việc «làm cha làm mẹ có trách nhiệm» hay sự điều hòa thụ thai chính đáng, điều quan trọng là thiện ích thật sự của các nhân vị và những gì xứng với phẩm giá thật sự của ngôi vị.
3. Việc hưởng dùng «các thời kì không thụ thai» trong cuộc sống vợ chồng có thể là nguồn của lạm dụng, nếu như bằng cách đó đôi bạn tìm cách tránh sinh sản mà không có lí do chính đáng, và hạ thấp nó xuống dưới chuẩn mức sinh sản trong gia đình ấy. Cần thiết lập chuẩn mức số con này bằng cách không những xét tới thiện ích của gia đình mình, cũng như tình trạng sức khỏe và khả năng của chính đôi vợ chồng, nhưng còn phải xem xét thiện ích của xã hội nơi họ đang sống, của Giáo hội, và ngay cả của nhân loại toàn thể nữa.
Thông điệp «Humanae Vitae» trình bày việc «làm cha làm mẹ có trách nhiệm» như biểu lộ của một giá trị đạo đức cao cả. Việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm dẫu thế nào cũng không chỉ nhằm việc hạn chế sinh sản và lại càng không loại trừ việc có con cái. Trái lại việc ấy còn có nghĩa là sẵn lòng đón nhận nhiều con cái hơn. Trên hết, theo Thông điệp «Humanae Vitae», việc «làm cha làm mẹ có trách nhiệm» thể hiện một «tương quan sâu sắc hơn với bình diện luân lí gọi là khách quan do Chúa thiết lập, và lương tâm ngay thẳng phải giải thích trung thành».[4]
4. Sự thật của việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm cũng như sự thực hành nó đồng nhất với sự trưởng thành về luân lí của ngôi vị, và chính chỗ này rất thường tỏ lộ ra có sự dị biệt giữa cái mà Thông điệp gán một cách minh nhiên điều tối thượng và cái mà điều này được gán cho theo cách nghĩ thông thường.
Trong Thông điệp chiều kích đạo đức của vấn đề được nêu lên hàng đầu, bằng việc nhấn mạnh đến nhân đức điều độ hiểu cách đúng đắn. Trong giới hạn của chiều kích này cũng có một «phương pháp» thích hợp để hành động. Theo lối suy nghĩ thông thường, người ta thường tách biệt «phương pháp» khỏi chiều kích đạo đức vốn thuộc riêng về nó, và thực hành nó một cách thuần túy kĩ thuật, và duy lợi. Nếu tách biệt «phương pháp tự nhiên» khỏi chiều kích đạo đức, thì người ta sẽ không còn thấy được sự khác biệt giữa phương pháp này với các «phương pháp nhân tạo» và rốt cuộc xem nó cũng chỉ như một trong những hình thức ngừa thai khác mà thôi.
5. Từ quan điểm của đạo lí đích thực, được Thông điệp «Humanae Vitae» diễn tả, trình bày đúng đắn chính phương pháp ấy là điều quan trọng, vấn đề cũng được chính văn kiện này nhắc đến;[5] mà trên hết điều quan trọng là đào sâu chiều kích đạo đức, trong đó phương pháp «tự nhiên» mới có được ý nghĩa của một phương pháp ngay chính, «hợp đạo lí». Bởi thế, trong khung cảnh của phân tích hiện tại, đã đến lúc ta tập chú chủ yếu vào đề tài làm chủ bản thân và tiết dục như Thông điệp khẳng định. Nếu không giải thích thấu đáo đề tài ấy ta sẽ không đạt tới cốt lõi của sự thật luân lí, cũng không đạt tới cốt lõi của chân lí nhân học của vấn đề. Đầu tiên ta đã phải nêu lên ngay rằng những nền tảng của vấn đề này nằm trong thần học về thân xác: chính cái này (một khi nó trở thành và phải trở thành khoa sư phạm của thân xác) thực ra mới là «phương pháp» điều hòa sinh sản hợp đạo lí (được hiểu theo nghĩa sâu xa nhất và đầy đủ nhất).
6. Tiếp theo bằng cách mô tả các giá trị luân lí đặc biệt của phương pháp điều hòa sinh sản «tự nhiên» (tức là lương thiện, hợp đạo lí), tác giả của «Humanae Vitae» tự bộc lộ như sau: «Kỉ luật này ... đem lại cho đời sống gia đình hoa quả là sự yên ổn và bình an và giúp giải quyết các vấn đề khác nữa; nó khuyến khích quan tâm đến người bạn đời kia, giúp đôi vợ chồng dứt bỏ sự ích kỉ, vốn là kẻ thù của tình yêu đích thật, và đào sâu ý thức trách nhiệm của họ. Các cha mẹ nhờ đó có một ảnh hưởng sâu hơn và hiệu quả hơn khi giáo dục con cái; các trẻ nhỏ và thanh thiếu niên tăng trưởng trong sự biết lượng giá đúng đắn các giá trị nhân văn và trong sự phát triển thanh bình và hòa điệu các khả năng về tâm linh cũng như tâm cảm».[6]
7. Đoạn trích dẫn trên đây kiện toàn bức tranh của Thông điệp «Humanae Vitae» có ý nói về «sự thực hành chính đáng việc điều hòa sinh sản».[7] Như người ta thấy, đây không chỉ là một «phương pháp hành xử» trong một lãnh vực nhất định, nhưng là một thái độ sống đặt nền tảng trên sự trưởng thành luân lí của các nhân vị và đồng thời hoàn tất sự trưởng thành luân lí đó.
[1] Pauli VI, Humanae Vitae, 19.
[2] Cfr. ibid. 16.
[3] Pauli VI, Humanae Vitae, 21.
[4] Pauli VI, Humanae Vitae, 10.
[5] Cfr. ibid. 16.
[6] Pauli VI, Humanae Vitae, 21.
[7] Ibid.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch