Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:
XVI
Ý THỨC VỀ Ý NGHĨA CỦA THÂN XÁC
VÀ SỰ VÔ TỘI NGUYÊN THỦY
(Ngày 30 tháng 1 năm 1980)
1. Thực tại của tặng phẩm và hành động trao hiến, mà các chương đầu của sách Sáng thế mô tả như nội dung cơ bản của mầu nhiệm tạo dựng, xác nhận rằng Tình Yêu tỏa sáng là thành phần cốt yếu của mầu nhiệm này. Chỉ có Tình Yêu mới tạo nên điều thiện hảo, nói tóm lại, chỉ có Tình Yêu mới có thể được nhận biết trong mọi chiều kích và mọi mặt của nó trong các thọ tạo, nhất là trong con người. Sự có mặt của Tình Yêu hầu như là kết quả cuối cùng của khoa lí giải (ermeneutica) về tặng phẩm hay ơn ban mà chúng ta đang khảo sát ở đây. Hạnh phúc nguyên thủy, «thuở ban đầu» hồng phúc của con người kẻ đã được Thiên Chúa dựng nên «có nam có nữ», ý nghĩa hôn phối của thân xác trong sự trần truồng nguyên thủy của nó : tất cả những điều ấy đều bộc lộ gốc rễ từ trong Tình Yêu.
Chính sự trao hiến hiển lộ những điều ở nơi cội rễ thâm sâu nhất của tâm thức con người, ở tầng sâu cơ bản nhất của cuộc sống chủ thể của cả hai người, nam cũng như nữ, sự trao hiến của đôi bạn phản chiếu nơi «kinh nghiệm thân xác» về nhau, là chứng từ của Tình Yêu như là căn nguyên. Những đoạn kinh thánh đầu tiên nói rất nhiều về điều ấy đến mức không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng không chỉ nói về tạo thành thế giới và con người trong thế giới, mà còn nói về ân sủng nữa, nghĩa là nói về thông truyền sự thánh thiện, sự tỏa sáng Thần Khí là Đấng làm phát sinh ra một trạng thái đặc biệt nơi con người đầu tiên đó, trạng thái «tâm linh hóa». Trong ngôn ngữ kinh thánh, tức là ngôn ngữ của mạc khải, tính từ «đầu tiên» đó chính xác có nghĩa là «của Thiên Chúa»: «Ađam, con của Thiên Chúa» (x. Lc 3,38).
2. Hạnh phúc bắt nguồn từ căn nguyên Tình Yêu. Hạnh phúc nguyên thủy nói với ta về «thuở ban đầu» của con người, kẻ vốn thoát thai từ Tình Yêu và cho tình yêu bắt đầu. Và sự thể đó là không thể thay đổi cho dù sau đó con người có phạm tội và phải chết. Vào thời đại của mình, Đức Kitô sẽ là chứng tá cho tình yêu không thể đổi thay ấy của Đấng Tạo Hóa là Chúa Cha, Ngài vốn đã tỏ mình ra trong mầu nhiệm tạo dựng và trong ân sủng của tình trạng vô tội nguyên thủy. Và bởi thế, cả cái «thuở ban đầu» chung của người nam và người nữ, nghĩa là sự thật nguyên thủy về thân xác đàn ông và đàn bà của họ, mà đoạn St 2,25 đã lưu ý chúng ta, không biết tới xấu hổ là gì. Cái «thuở ban đầu» ấy cũng có thể được định nghĩa như là một sự miễn nhiễm nguyên thủy và diễm phúc đối với sự xấu hổ nhờ hiệu quả của tình yêu.
3. Sự miễn nhiễm ấy hướng chúng ta đến mầu nhiệm vô tội nguyên thủy của con người. Đó là một mầu nhiệm của cuộc sống con người có trước khi họ biết đến điều thiện điều ác và nó hầu như «ở bên ngoài» nhận thức ấy. Con người đã sống như thế trước khi Giao ước thứ nhất với Đấng Tạo Hóa bị phá vỡ, đó là mầu nhiệm tạo dựng ở tình trạng viên mãn. Như chúng tôi đã nói, nếu tạo thành là một ơn huệ được ban tặng cho con người, thế thì sự viên mãn của tạo thành và chiều kích sâu xa nhất của nó được xác định bởi ân sủng, nghĩa là được tham dự vào đời sống nội tại của chính Thiên Chúa, tham dự vào sự thánh thiện của Ngài. Nơi con người, đây cũng là nền tảng bên trong và là nguồn mạch của sự trong trắng nguyên thủy của con người. Bằng chính ý niệm này – chính xác hơn, bằng chính ý niệm về «sự công chính nguyên thủy» - thần học đã định nghĩa tình trạng của con người trước khi phạm tội nguyên tổ. Khi phân tích về «thuở ban đầu», việc ấy giúp ta mở những con đường cần thiết để hiểu thần học thân xác, chúng ta phải dừng lại một chút ở mầu nhiệm tình trạng nguyên thủy của con người. Thật vậy, chính ý thức về thân xác – đúng hơn, chính ý thức về ý nghĩa của thân xác – mà chúng ta đã cố làm rõ qua sự phân tích về «thuở ban đầu», đã mạc khải nét đặc biệt của sự vô tội nguyên thủy.
Có lẽ điểm chính yếu St 2,25 cho thấy trực tiếp là chính mầu nhiệm về sự vô tội nguyên thủy đó mà cả đàn ông lẫn đàn bà đều mang lấy như nhau, mỗi người trong bản thân mình. Thân xác họ theo nghĩa nào đó là chứng nhân «tận mắt» về đặc trưng này. Thật là ý nghĩa, khẳng định hàm chứa trong St 2,25 – về sự trần truồng mà không xấu hổ đối với nhau – là một tuyên ngôn duy nhất thuộc loại này trong toàn thể Kinh thánh, không hề thấy có lặp lại một lần nào khác. Ngược lại, chúng ta có thể trích dẫn ra đây rất nhiều bản văn nói về sự trần truồng nhưng gắn liền với sự xấu hổ hoặc (thậm chí còn tệ hơn) với sự nhục nhã [1]. Trong bối cảnh rộng lớn đó, ta càng thấy rõ hơn những lí do để nhận ra trong St 2,25 một dấu tích đặc biệt của mầu nhiệm vô tội nguyên thủy và một nhân tố đặc biệt của sự tỏa sáng của mầu nhiệm ấy trong chủ thể con người. Sự vô tội đó thuộc về bình diện ân sủng ẩn chứa trong mầu nhiệm tạo dựng, nghĩa là, tặng phẩm huyền nhiệm được trao ban cho trong thâm cung «lòng» con người, trong đó cả hai người nam và nữ từ «thuở ban đầu» ưng thuận sống mối tương quan tự hiến vô cầu. Điều đó bao hàm sự mạc khải và cũng đồng thời là một sự khám phá ý nghĩa «hôn phối» của thân xác có giới tính, là nam là nữ. Dễ hiểu tại sao chúng ta lại nói ở đây về mạc khải và đồng thời cả về sự khám phá. Từ điểm nhìn mà chúng ta đã phân tích, sự khám phá ý nghĩa hôn phối của thân xác mà ta đọc thấy trong sách Sáng thế phải được thực hiện qua tình trạng vô tội nguyên thủy; đúng hơn, chính sự khám phá đó mới biểu lộ công khai sự vô tội nguyên thủy.
4. Sự vô tội nguyên thủy thuộc về mầu nhiệm «thuở ban đầu» của con người, sau khi nguyên tổ phạm tội con người «lịch sử» tự tách mình ra khỏi tình trạng ấy. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta không thể tiếp cận mầu nhiệm ấy nhờ nhận thức thần học. Con người «lịch sử» cố tìm hiểu mầu nhiệm vô tội nguyên thủy gần như nhờ một tương phản, nghĩa là nhờ đi ngược lên kinh nghiệm tội lỗi của chính mình và tình trạng tội lỗi của mình [2]. Con người ấy cố tìm hiểu sự vô tội nguyên thủy như là đặc tính cốt yếu đối với thần học thân xác, khởi đi từ kinh nghiệm về sự xấu hổ; quả thật, cũng bản văn kinh thánh đó đã hướng dẫn con người như vậy. Bởi thế sự vô tội nguyên thủy tuyệt đối loại trừ (nghĩa là loại bỏ từ gốc rễ của nó) sự xấu hổ nơi thân xác trong mối quan hệ nam-nữ, loại trừ tính tất yếu (nhu cầu) của nó trong con người, trong tâm hồn, hay trong tâm thức của con người. Dẫu rằng sự vô tội nguyên thủy nói đến trước hết tặng phẩm của Đấng Tạo Hóa, nói đến ân sủng giúp con người có thể sống ý nghĩa của tặng phẩm đệ nhất là thế giới và cách đặc biệt sống ý nghĩa của sự trao hiến của người này cho người kia nhờ mầu nhiệm khác biệt giới tính trong thế giới này. Thế nhưng, sự vô tội đó xem ra trước hết muốn nói đến tình trạng nội tâm của tâm hồn, của ý chí con người. Ít là cách gián tiếp, trong sự vô tội nguyên thủy có mạc khải và khám phá lương tâm con người, sự mạc khải và khám phá của toàn thể chiều kích của tâm thức – dĩ nhiên, trước cả nhận thức điều thiện điều ác. Theo nghĩa nào đó, nên hiểu đó như là sự chính trực nguyên thủy.
5. Dưới lăng kính của chúng ta, lăng kính của «hậu nghiệm lịch sử», chúng ta cố xây dựng lại cách nào đó đặc trưng của tình trạng vô tội nguyên thủy, hiểu như là nội dung của kinh nghiệm thân xác của nhau như là kinh nghiệm ý nghĩa hôn phối của thân xác (thao St 2,23-25). Hạnh phúc và ngây thơ (vô tội) được ghi khắc trong cấu trúc của sự hiệp thông các ngôi vị, như hai đường chỉ hội tụ của cuộc sống con người trong cùng mầu nhiệm tạo dựng. Do đó, sự ý thức về ý nghĩa của thân xác (tức là về ý nghĩa hôn phối của tính dục con người) được qui định bởi sự ngây thơ nguyên thủy. Dường như không có gì cản trở ta hiểu ở đây sự vô tội nguyên thủy như là một «sự trong trắng của tâm hồn», đặc biệt để gìn giữ nội tâm con người luôn trung thành với sự tự hiến hợp với ý nghĩa hôn phối của thân xác. Do đó, sự vô tội nguyên thủy được hiểu như thế bộc lộ như một chứng từ lặng lẽ của một ý thức (tâm thức) có trước mọi kinh nghiệm về điều tốt và điều xấu. Nhưng bằng chứng về một ý thức âm thầm như thế là cái gì đó thật diễm phúc. Quả thật, có thể nói rằng ý thức về ý nghĩa hôn phối của thân xác (với giới tính) trở thành một hồng phúc thật, và rất «người», chỉ nhờ một chứng từ như vậy.
Chúng ta sẽ dành chủ đề này, tức là mối liên kết giữa sự ngây thơ (có tâm hồn trong sạch) và hạnh phúc, cho kỳ tới.
------------
[1] Sự «trần truồng», theo nghĩa «không mặc áo quần», trong văn hóa vùng Trung Đông cổ đại có nghĩa là một tình trạng hèn hạ của những kẻ không có tự do, chẳng hạn như: những người nô lệ, những tù nhân chiến tranh hay bị kết án, những người không được hưởng quyền được pháp luật bảo vệ. Sự trần truồng của người phụ nữ được xem là một nỗi ô nhục (x. ví dụ như những ngăm đe của các vị tiên tri: Hs 1,2 và Ez 23,26,29).
Một con người tự do, biết chăm sóc phẩm giá mình, phải ăn mặc bảnh bao, lộng lẫy. Y phục của họ càng dài thướt càng thêm giá trị (x. vd. áo của Giuse, đã làm cho các anh của ông ghen tị; hoặc như những người Pharisêu nới rộng tua áo của họ).
Ý nghĩa thứ hai của «trần truồng», liên hệ tới hành vi tính dục. Chữ ‘erwat trong tiếng Do thái có nghĩa là một khoảng trống không (như một quang cảnh chẳng hạn), không có quần áo che đậy, thoát y, nhưng tự nó không có gì nhục nhã, ghê tởm.
[2] «Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu : vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.... Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa ; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lí trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ?» (Rm 7,14-15.17-24; x. «Video meliora proboque, deteriora sequor» (tôi thấy điều tốt tôi ưng, nhưng lại làm điều xấu): Ovidio, Metamorph. VII, 20).
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
|