Ý NIỆM VỀ ĐỜI SỐNG TRINH KHIẾT HAY ĐỘC THÂN NHƯ LÀ MỘT TIỀN DỰ SỰ PHỤC SINH VÀ LÀ DẤU CHỈ CÁNH CHUNG

Ý NIỆM VỀ ĐỜI SỐNG TRINH KHIẾT HAY ĐỘC THÂN NHƯ LÀ MỘT TIỀN DỰ SỰ PHỤC SINH VÀ LÀ DẤU CHỈ  CÁNH CHUNG

1. Giờ đây chúng ta bắt đầu suy tư về đời sống trinh khiết hay độc thân «vì Nước Trời».

Vấn đề ơn gọi độc thân trinh khiết dâng hiến cho Thiên Chúa có cội rễ bắt nguồn sâu xa từ mảnh đất tin mừng của thần học về thân xác. Để làm sáng tỏ hơn những chiều kích của riêng nó, cần nhớ những lời của Đức Kitô nói đến «thuở ban đầu», và cả những lời Người nói về sự phục sinh của thân xác. Lời minh xác này: «Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng» (Mc 12,25

), cho thấy có một hoàn cảnh sống không hôn nhân trong đó con người, dù là nam hay nữ, hiến dâng chính mình và đồng thời sống mối hiệp thông liên chủ thể ngã vị cách viên mãn, nhờ tôn vinh toàn thể con người thể xác – tâm linh mình trong sự kết hợp miên viễn với Thiên Chúa. Khi trong tâm hồn người ta nghe thấy tiếng âm vang của lời gọi mời tiết chế «vì Nước Trời», ngay ở trong cõi đời tạm này hay trong hoàn cảnh sống mà thông thường thì người ta vẫn «lấy vợ lấy chồng» (Lc 20,34), không khó nhận ra ở đó một cảm thức đặc biệt của tinh thần con người, ngay trong cuộc sống tại thế này, như tiền dự rồi vào sự sống lại tương lai.

 

 

2. Thế nhưng, trong bối cảnh đàm đạo với những người Sađucêu (x. Mt 22,23-30; Mc 12, 18-25; Lc 20,27-36) đang chất vấn Người về sự phục sinh của thân xác, Đức Kitô không trực tiếp nói về vấn đề này, về ơn gọi đặc biệt này. Nhưng trước đó, trong bối cảnh Người đàm đạo với những người Pharisêu về hôn nhân và nền tảng của hôn nhân bất khả phân li, Người đã nói đến ơn gọi độc thân vì Nước Trời như một đề tài tiếp nối của cuộc trao đổi kia (x. Mt 19,3-9). Những lời kết thúc liên hệ tới cái gọi là giấy li dị mà Môsê đã cho phép trong một số trường hợp. Đức Kitô nói: «vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình» (Mt 19,8-9). Bấy giờ, các môn đệ – như văn mạch cho thấy – đang chú tâm theo dõi cuộc trao đổi và đặc biệt chú ý đến những lời cuối cùng của Đức Giêsu, họ nói với Người: «Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn» (Mt 19,10). Đức Kitô trả lời họ như sau: «Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng ; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn ; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu» (Mt 19,11-12).

 

 

3. Liên hệ đến cuộc trao đổi mà Matthêu đã tường thuật ấy, có thể chúng ta tự hỏi: sau khi nghe Đức Giêsu trả lời những người Pharisêu về hôn nhân và tính bất khả phân li của nó, các môn đệ đã nghĩ gì khi họ đưa ra nhận định của họ: «Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn»? Dù sao đi nữa, Đức Giêsu cũng nhân cơ hội đó để nói với họ về sự tiết dục tự nguyện vì Nước Trời. Khi nói điều đó, Người không trực tiếp bày tỏ quan điểm về tuyên bố của các môn đệ, Người cũng không tỏ ý đồng thuận với lí luận của họ [1]. Bởi thế, Người không trả lời là «nên kết hôn» hay «không nên kết hôn». Vấn đề tiết dục vì Nước Trời không đối nghịch lại với hôn nhân, cũng không căn cứ trên một phán quyết tiêu cực về tầm quan trọng của hôn nhân. Hơn nữa, khi trước đó Đức Kitô nói đến hôn nhân bất khả phân li, Người đã nói tới «thuở ban đầu» (nguyên lí) nghĩa là mầu nhiệm tạo dựng, và như thế đồng thời chỉ ra nguồn mạch đầu tiên và nền tảng của giá trị của hôn nhân. Do đó, để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ, hay đúng hơn để làm sáng tỏ vấn đề họ đặt ra, Đức Kitô đã nại đến một nguyên lí khác. Không phải vì sự «không nên kết hôn», cũng không phải vì hôn nhân giả thiết không có giá trị tích cực mà những người chọn sống độc thân «vì Nước Trời» phải sống tiết dục, nhưng vì họ nhằm tới một giá trị đặc biệt gắn liền với chọn lựa ấy và điều ấy cần được khám phá cách cá nhân và đón nhận như ơn gọi riêng của cá nhân ấy. Trước hết Người nói liền: «Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được cho hiểu mới hiểu» (Mt 19,11).

 

 

4. Như đã thấy, trong câu trả lời cho vấn đề các môn đệ đặt ra cho Người, Đức Kitô xác định rõ một qui luật để hiểu được những lời của Người. Trong giáo lí của Giáo hội niềm tin sau đây vẫn còn, đó là, những lời ấy không diễn tả một lệnh truyền (hay giới răn) bắt buộc tất cả mọi người, nhưng là một lời khuyên liên hệ đến chỉ một số người [2]: những người có thể «hiểu được điều ấy». Và những kẻ có thể «hiểu được điều ấy» chính là những ai «đã được Thiên Chúa cho hiểu». Những lời trích dẫn trên đây cho thấy rất rõ ràng yếu tố chọn lựa cá nhân đồng thời cũng là yếu tố của ân sủng đặc biệt, tức là ơn huệ mà con người lãnh nhận để thực hiện chọn lựa ấy. Người ta có thể nói rằng chọn lựa tiết dục vì Nước Trời  là một định hướng với đặc sủng hướng đến tình trạng cánh chung khi mà người ta «chẳng còn lấy vợ lấy chồng». Tuy nhiên, giữa tình trạng sống trong thân xác phục sinh và chọn lựa tiết dục tự nguyện vì Nước Trời trong cuộc sống trần gian này và trong tình trạng lịch sử của loài người đã sa ngã và được cứu chuộc, có một sự khác biệt cốt yếu. Việc «không cưới vợ lấy chồng» thời cánh chung là một «tình trạng (hay bậc sống)», nghĩa là đó là một lối sống riêng và căn bản của con người, nam cũng như nữ, trong thân xác đã được tôn vinh. Sự tiết dục vì Nước Trời, như là hoa quả của một chọn lựa đặc sủng, là một trường hợp ngoại lệ đối với bậc sống kia, tức là bậc sống mà con người «từ thuở ban đầu» đã được và vẫn còn được tham dự trong suốt cuộc sống trần gian.

 

 

5. Thật là ý nghĩa khi Đức Kitô không nối kết trực tiếp những lời Người nói về sự tiết dục vì Nước Trời với lời tiên báo về «đời sau», là đời sống trong đó người ta «không còn cưới vợ lấy chồng» (Mc 12,25). Nhưng, những lời ấy – như chúng ta đã nói – là sự tiếp nối cuộc trao đổi với những người Pharisêu, trong đó Đức Giêsu đã tham chiếu tới «thuở ban đầu» và cho họ thấy định chế hôn nhân do Đấng Tạo Hóa thiết lập và đặc tính bất khả phân li của sự phối hôn giữa người nam và người nữ, như Thiên Chúa đã định.

 

 

Lời khuyên mà cũng là sự chọn lựa đặc sủng tiết dục vì Nước Trời, được Đức Kitô nối kết với thái độ nhìn nhận tối đa bình diện «lịch sử» của cuộc nhân sinh, vốn liên hệ tới cả linh hồn và thân xác. Trong bối cảnh trực tiếp những lời khuyên tiết dục vì Nước Trời trong cuộc sống trần gian của con người ấy, ta phải thấy ơn gọi sống trinh khiết đó là một trường hợp ngoại lệ so với định luật chung của đời này. Đức Kitô nhấn mạnh trên hết điều đó. Kế đến, ngoại lệ ấy tự nó muốn tiên báo đời sống cánh chung vốn không có chuyện vợ chồng và là đặc tính riêng của «đời sau» (nghĩa là giai đoạn chung cuộc của «Nước Trời»), điều mà Đức Kitô không trực tiếp nói đến ở đây. Điều quan trọng, thật ra không phải là sự tiết dục trong Nước Trời, mà là sự tiết dục « Nước Trời». Ý tưởng trinh khiết hay độc thân, xét như là sự tiền dự vào Nước Trời hay như dấu chỉ cánh chung [3], có được là do liên tưởng những lời nói ở đây với những lời Đức Giêsu phát biểu trong một dịp khác, đó là trong cuộc trao đổi với những người Sađucêu khi Người tuyên bố sự phục sinh thân xác tương lai.

 

 

Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong những bài suy tư kế tiếp.

 

 

 

 

 

 

 

 

-----------------------------------------

 

 

[1] Về vấn đề chú giải chi tiết đoạn văn này, nên tham khảo chẳng hạn như L. Sabourin, Il Vangelo di Matteo. Teologia e Esesegi, vol.II., Paoline, Roma 1977, 834-836; The Positive Values of Consecrated Celibacy, «The Way», Supplement 10, summer 1970, 51; J. Blinzler, Eisin eunuchoi. Zur Auslegung von Mt 19,12, «Zeitschrift für die Neutestamentliche Wissenschaft», 48 (1957), 268tt.

 

 

[2] «Sự thánh thiện của Giáo hội cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề ra trong Phúc âm cho môn đệ noi theo. trong những lời khuyên ấy, trước hết phải kể ân huệ cao quí mà Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19,11; 1Cr 7,7),  để họ tận hiến trọn tình yêu không chia xẻ cho một mình Chúa cách dễ dàng hơn, trong bậc độc thân trinh khiết» ( Lumen gentium 42).