XÁC NHẬN LẦN NỮA TÍNH CHẤT BẤT HỢP PHÁP CỦA VIỆC PHÁ THAI, NGỪA THAI VÀ TRIỆT SẢN TRỰC TIẾP (bài 118) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

XÁC NHẬN LẦN NỮA TÍNH CHẤT BẤT HỢP PHÁP CỦA VIỆC PHÁ THAI, NGỪA THAI VÀ TRIỆT SẢN TRỰC TIẾP (bài 118) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

CXVIII

XÁC NHẬN LẦN NỮA TÍNH CHẤT BẤT HỢP PHÁP CỦA VIỆC PHÁ THAI, NGỪA THAI VÀ TRIỆT SẢN TRỰC TIẾP

(Ngày 08 tháng 8 năm 1984)

1. Chúng ta đã nói trước đây rằng nguyên tắc của đạo vợ chồng mà Hội Thánh đã dạy (Công Đồng Vatican II và đức Giáo hoàng Phaolô VI), là tiêu chuẩn trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa.

Phù hợp với nguyên tắc này Thông điệp «Humanae Vitae» phân biệt kĩ lưỡng giữa cách điều hòa sinh sản (hoặc nói chính xác hơn, điều hòa việc mang thai) bất hợp pháp về luân lí và cách điều hòa đúng đắn về luân lí.

Trước hết, «can thiệp trực tiếp vào tiến trình sinh sản đã bắt đầu» («phá thai»),[1] «triệt sản trực tiếp» và «mọi hành động, hoặc trước sự giao hợp vợ chồng, hoặc trong khi diễn ra việc ấy, hoặc trong lúc diễn tiến của hậu quả tự nhiên, thực hiện nhằm như là mục đích hay chỉ như phương tiện, ngăn cản sự sinh sản»,[2] và mọi phương tiện ngừa thai, là bất hợp pháp về mặt luân lí (hay phi luân). Còn như việc «nhờ tới các thời kì không thụ thai»[3] thì hợp pháp: «Vì thế nếu như để giãn quãng cách thời gian giữa các lần sinh con và vợ chồng có những lí do hệ trọng, hoặc do sức khỏe thể lí hoặc tâm lí, hoặc do hoàn cảnh bên ngoài, Hội Thánh dạy rằng khi ấy, việc xét đến các thời kì của nhịp độ tự nhiên nội tại trong các chức năng sinh sản để giao phối vợ chồng chỉ trong các thời kì không thụ thai, và như thế đó là điều hòa sinh sản mà không phạm các nguyên tắc luân lí ...»[4].

2. Cách riêng Thông điệp nhấn mạnh rằng «hai trường hợp đó có bản chất khác biệt nhau»[5] nghĩa là khác nhau về bản tính đạo đức: «trường hợp thứ nhất, đôi bạn lợi dụng cách hợp pháp hoàn cảnh tự nhiên sẵn có; còn trường hợp kia, họ ngăn cản không cho hoàn tất tiến trình tự nhiên».[6]

Bởi đó, hai hành động có phẩm chất đạo đức khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau: điều hòa tự nhiên việc thụ thai là hợp luân lí, còn việc ngừa thai thì không hợp luân lí. Sự khác biệt cốt yếu này giữa hai hành động (cách thức hành động) liên quan tới phẩm chất đạo đức nội tại của chúng, cho dẫu đấng tiền nhiệm của tôi, đức Phaolô VI, xác định rằng «trong cả hai trường hợp đôi vợ chồng đồng lòng tích cực muốn tránh có con vì những lí do hợp lí», và ngài còn viết: «đang khi họ tìm một sự an toàn không chắc chắn».[7] Trong những lời đó văn kiện nhìn nhận rằng, dù cả nơi những người sử dụng các thực hành chống thụ thai có thể được thúc đẩy bởi «những lí do hợp lí» đi nữa, nhưng điều ấy cũng không làm thay đổi phẩm chất luân lí vốn đặt nền tảng trên chính cấu trúc của hành vi vợ chồng xét như là chính hành vi ấy.

3. Tại đây người ta có thể nhận thấy các cặp vợ chồng, những người cậy nhờ tới phương thế điều hòa tự nhiên sự thụ thai, có lẽ không có đủ những lí do hợp pháp mà chúng ta đã nói trước đây: nhưng điều đó phần nào đó tạo nên một vấn đề đạo đức, khi điều căn bản lại là thiếu mất ý nghĩa luân lí của «việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm».

Giả như các lí do để quyết định không sinh con nữa là chính đáng về luân lí, thì vẫn còn một vấn đề luân lí phải xét là người ta sử dụng cách thức nào trong trường hợp đó, và điều đó được diễn tả qua một hành vi – theo đạo lí Hội Thánh truyền lại qua Thông điệp – vốn tự thân đã có phẩm chất luân lí là tốt (tích cực) hay xấu (tiêu cực). Hành vi thứ nhất, tích cực, ứng với việc điều hòa sinh sản tự nhiên; hành vi thứ hai, tiêu cực, ứng với «việc ngừa thai nhân tạo».

4. Tất cả những lí luận trên đây được tóm lược trong phần trình bày đạo lí của «Humanae Vitae», có nêu lên cả tính chất pháp lí và mục vụ của nó. Về mặt pháp lí, cần thiết phải xác định và làm sáng tỏ các nguyên tắc luân lí cho hành vi; về mặt mục vụ, cần trước hết là làm rõ khả năng hành động theo các nguyên tắc đó («khả năng tuân giữ luật Chúa»)[8].

Chúng ta phải dừng lại ở việc chú giải  nội dung của Thông điệp. Nhằm mục đích ấy ta phải nhìn nội dung ấy, cả trên toàn thể bình diện pháp lí – mục vụ dưới ánh sáng của thần học về thân xác, một suy tư xuất phát từ phân tích các bản văn thánh kinh.

5. Thần học về thân xác không là một lí thuyết cho bằng là một lối sư phạm về thân xác có nét đặc thù, phúc âm, Kitô giáo. Điều đó rút ra từ đặc tính của Thánh Kinh, và nhất là của Tin Mừng, vốn là một sứ điệp cứu độ, mạc khải cái gì là điều tốt thật sự của con người, nhằm mục đích nắn đúc – trong tầm ngắm của thiện ích này – đời sống trên trái đất này trong viễn tượng của niềm hi vọng vào thế giới tương lai.

Thông điệp «Humanae Vitae», theo hướng đi đó, trả lời cho chất vấn về thiện ích đích thật của con người như một nhân vị, như một người nam và như một người nữ; về những gì tương ứng với phẩm giá của người nam và người nữ, khi bàn đến vấn đề quan trọng truyền sinh và vợ chồng sống chung.

Chúng ta sẽ dành vấn đề này cho những suy tư sau.

 


[1] Pauli VI, Humanae Vitae, 14.

[2] Ibid.

[3] Ibid, 16.

[4] Ibid.

[5] Pauli VI, Humanae Vitae, 16.

[6] Ibid.

[7] Ibid.

[8] Pauli VI, Humanae Vitae, 20.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch