TƯƠNG QUAN GIỮA BẬC SỐNG TIẾT DỤC «VÌ NƯỚC TRỜI» VÀ SỰ PHONG NHIÊU SIÊU NHIÊN CỦA TÂM LINH CON NGƯỜI

TƯƠNG QUAN GIỮA BẬC SỐNG TIẾT DỤC «VÌ NƯỚC TRỜI» VÀ SỰ PHONG NHIÊU SIÊU NHIÊN CỦA TÂM LINH CON NGƯỜI

1. Chúng ta tiếp tục suy tư về bậc độc thân trinh khiết «vì Nước Trời».

Sự tiết dục Nước Trời hẳn là có quan hệ với mạc khải sự kiện là trong Nước Trời «người ta không cưới vợ lấy chồng» (Mt 22,30). Đó là một dấu chỉ của đặc sủng. Người nam cũng như nữ sống ở đời này, nơi thông thường người ta vẫn «lấy vợ lấy chồng» (Lc 20,34), mà lại muốn chọn tự do sống tiết dục «vì Nước Trời», cho thấy trong Nước ấy, tức là ở «đời sau» khi phục sinh, người ta «chẳng còn lấy vợ lấy chồng» (Mc 12,25), bởi vì Thiên Chúa sẽ là «tất cả trong mọi sự» (1Cr 15,28). Thế nên, những người ấy, dù là nam hay nữ, cho thấy «sự trinh khiết» mang tính cánh chung của con người phục sinh, khi ý nghĩa hôn phối tuyệt đối và vĩnh cửu của thân xác vinh quang được mạc khải ra trong sự kết hợp với chính Thiên Chúa, nhờ được nhìn thấy Ngài «diện đối diện»; và được tôn vinh nhờ sự kết hợp liên chủ vị hoàn hảo, nối kết mọi «người tham dự vào đời sau», nam cũng như nữ, vào mầu nhiệm hiệp thông các thánh. Sự tiết dục ở đời này «vì Nước Trời» rõ ràng là một dấu chỉ cho thấy chân lí này và thực tại này. Thân xác ấy chính là dấu chỉ, một thân xác mà đích đến không phải là cái chết nhưng hướng tới được tôn vinh và bởi chính vì thế đã là một chứng từ giữa loài người báo trước sự phục sinh mai sau. Tuy nhiên, dấu chỉ đặc sủng này về «đời sau» bộc lộ sức mạnh và sự năng động đích thật nhất của mầu nhiệm «cứu chuộc thân xác»: một mầu nhiệm bởi Đức Kitô đã được ghi dấu vào trong lịch sử của con người trần gian và nhờ Người cắm rễ sâu vào trong lịch sử này. Như thế, sự tiết dục «vì Nước Trời» trước hết mang dấu ấn họa ảnh theo Đức Kitô, chính Người, trong công trình cứu chuộc, đã làm chọn lựa này «vì Nước Trời».

2. Hơn nữa, toàn thể đời sống của Đức Kitô, từ khởi đầu, tuy âm thầm kín đáo nhưng rõ ràng tách lìa với những gì Cựu ước trình bày rất sâu sắc về ý nghĩa của thân xác. Đức Kitô – gần như là ngược lại với những mong đợi của toàn thể truyền thống Cựu ước – sinh hạ từ Đức Maria, Mẹ đã nói minh nhiên về bản thân mình trong lúc Truyền tin rằng: «Việc ấy làm sao xảy ra được, vì tôi không biết đến người nam?», có nghĩa là Mẹ tuyên bố về hoàn cảnh sống đồng trinh của mình. Và dẫu cho Người sinh ra từ Mẹ như mọi con người, vốn là con của một người mẹ, dẫu cho Người đến thế gian này còn với sự có mặt tháp tùng của một người đàn ông, mà trước mặt luật pháp và trước mặt người ta, là chồng của Đức Maria, thế nhưng Mẹ vẫn là một người mẹ đồng trinh. Sự kiện làm mẹ đồng trinh này của Đức Maria tương ứng với mầu nhiệm đồng trinh của thánh Giuse, người đã vâng nghe theo tiếng gọi từ trời cao không ngần ngại «đón Đức Maria về... bởi Đấng được cưu mang sinh ra từ Mẹ là do quyền năng Thánh Thần» (Mt 1,20). Bởi thế, mặc dù việc Đức Kitô được cưu mang trinh khiết và sinh hạ trong thế gian không được người ta biết đến, mặc dù trước con mắt những người đồng hương quê Nazaret Người được cho là «con bác thợ mộc» (Mt 13,55; «ut putabatur filius Joseph», Lc 3,23), thế nhưng chính thực tại và sự thật cốt yếu của sự việc Người được cưu mang và sinh hạ như thế đó tự nó khác xa với quan điểm truyền thống Cựu ước vốn ủng hộ hôn nhân cách đặc biệt và coi sự tiết dục là một điều khó hiểu và xã hội chê bỏ. Vậy thì, «tiết dục vì Nước Trời» có thể được hiểu như thế nào, nếu như Đấng Mêsia mà người ta mong đợi phải là «dòng dõi vua Đavít», tức là theo như người ta nghĩ, phải là con cháu thuộc dòng họ nhà vua «theo xác thịt»? Chỉ Đức Maria và thánh Giuse, những người đã sống mầu nhiệm thụ thai và sinh hạ của Người, mới là những chứng nhân đầu tiên về sự phong nhiêu của Thánh Thần: «người con mà bà cưu mang là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần» (Mt 1,20).

3. Chuyện Đức Giêsu sinh ra đời hẳn là phù hợp với mạc khải về sự «tiết dục vì Nước Trời», điều mà một ngày kia Đức Kitô sẽ nói với các môn đệ Người. Nhưng sự kiện này lúc bấy giờ vẫn còn ẩn khuất trước con mắt người đời và cả các môn đệ người nữa. Chỉ dần dà với thời gian điều ấy mới được hiển lộ ra trước mắt Hội Thánh dựa trên chứng từ và các bản văn của Tin mừng thánh Matthêu và Luca. Ẩn bên trong cuộc hôn nhân của Đức Maria với thánh Giuse (trong đó Hội Thánh tôn vinh thánh Giuse như là hôn phu của Đức Maria và Đức Maria như là hôn thê của người), là mầu nhiệm hiệp thông trọn hảo các ngôi vị, hiệp thông giữa một người nam và một người nữ trong khế ước hôn nhân, và đồng thời với mầu nhiệm «tiết dục vì Nước Trời» lạ thường: một sự tiết dục dùng để phục vụ cho sự «phong nhiêu của Thánh Thần» hoàn hảo hơn, trong lịch sử cứu độ. Đúng hơn, sự phong nhiêu của Thánh Thần, theo một nghĩa nào đó, là sự viên mãn tuyệt đối của sự phong nhiêu thiêng liêng, bởi vì chính trong hoàn cảnh xã hội Nazaret bấy giờ của giao ước hôn nhân và sự trinh khiết của Đức Maria và thánh Giuse mà mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời Vĩnh Cửu được thực hiện: Con Thiên Chúa, vốn đồng bản thể với Chúa Cha, được thụ thai và sinh hạ làm người bởi Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm ân sủng ngôi hiệp kết hợp với chính sự phong nhiêu siêu nhiên tuyệt đối viên mãn, là sự phong nhiêu của Chúa Thánh Thần, một  sự phong nhiêu lại được một con người thụ tạo, là Đức Maria, dự phần vào trên phương diện «tiết dục vì Nước Trời». Việc Đức Maria làm Mẹ Thiên Chúa, theo nghĩa nào đó, cũng mạc khải đầy tràn sự phong nhiêu trong Thánh Thần; sự phong nhiêu ấy tuôn tràn xuống tinh thần con người, khi con người tự nguyện chọn sống tiết dục «nơi thân xác», tiết dục «vì Nước Trời».

4. Hình ảnh ấy đã dần được hiển lộ ra và được Hội Thánh biết đến trong các thế hệ những chứng nhân đức tin [1] mỗi ngày một mới mẻ, khi các ngài xác tín – cùng với Phúc âm thời thơ ấu – ngày một chắc chắn hơn vào mẫu tính thần linh của Đức Trinh Nữ, vì Mẹ đã cưu mang Con Một Chúa bởi phép Chúa Thánh Thần. Dù chỉ có tính cách gián tiếp – nhưng rất nền tảng và cốt yếu – xác tín đó đã giúp ta hiểu, một đàng, về sự thánh thiện của hôn nhân, và đàng khác, về sự vô cầu vì viễn ảnh «của Nước Trời», điều mà Đức Kitô đã nói với các môn đệ. Tuy nhiên, khi Người nói với họ về điều ấy lần đầu tiên (như tác giả sách Tin mừng theo thánh Matthêu trong chương 19,10-12 đã xác nhận), mầu nhiệm cao cả về chính sự thụ thai và sinh hạ của Người, họ hoàn toàn không biết đến, họ bị che khuất cũng giống như mọi người thính giả đang đối chất với Người, Giêsu Nazaret. Khi Đức Kitô nói về những người «tự ý không kết hôn vì Nước Trời» (Mt 19,12), các môn đệ chỉ có thể hiểu điều ấy dựa trên bản thân người mẫu là chính Người. Một cuộc sống độc thân trinh khiết như thế phải được khắc ghi vào tâm thức của họ như một phác thảo đặc thù họa lại Đức Kitô, chính Người đã sống độc thân như thế «vì Nước Trời». Sự xa lìa truyền thống Cựu ước vốn là tôn giáo coi trọng hôn nhân và sự phong nhiêu «thể lí» thể hiện qua sinh sản, trước hết phải chính từ Đức Kitô thực hiện làm mẫu. Chỉ từ từ từng bước theo thời gian người ta mới ý thức được ngày càng sâu rằng vì «Nước Trời» sự phong nhiêu thiêng liêng và siêu nhiên, vốn xuất phát từ Thánh Thần (Thần Khí Chúa), có một ý nghĩa đặc biệt, và sự phong nhiêu ấy, theo một nghĩa riêng và trong các trường hợp nhất định, được phục vụ bởi chính cuộc sống tiết dục, và đây chính là sự tiết dục «vì Nước Trời».

Hầu như tất cả những yếu tố thuộc ý thức tin mừng này (tức là chính ý thức của Giao ước Mới trong Đức Kitô) liên hệ đến sự tiết dục, chúng ta sẽ gặp lại trong các thư của thánh Phaolô. Chúng ta sẽ cho thấy điều đó lúc thuận tiện.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng đề tài chính của suy tư hiện tại này chính là mối tương quan giữa bậc sống tiết dục «vì Nước Trời» mà Đức Kitô đã tuyên bố và sự phong nhiêu siêu nhiên của tinh thần con người, sự phong nhiếu ấy vốn xuất phát từ Thánh Thần.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch