Từ vấn đề xã hội trở về vấn đề con người

Từ vấn đề xã hội trở về vấn đề con người

 

Suy tư từ thông điệp “Bác Ái trong Chân Lý”:
 
TỪ VẤN ĐỀ XÃ HỘI TRỞ VỀ VẤN ĐỀ CON NGƯỜI
 
1. «Bác Ái trong Chân Lý» là xung lực cốt yếu của Phát triển

Trong một thế giới mang đặc tính toàn cầu hóa như hiện nay, người ta dễ hiểu tại sao cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chánh của thế giới lan tỏa nhanh chóng và đang tác động đến đời sống của mọi quốc gia, mọi gia đình, mọi con người. Cuộc khủng hoảng ấy có một chiều sâu hơn và đó là một cuộc khủng hoảng thiếu : thiếu một chiều kích cơ bản – thiếu quan tâm đến chính con người trong sự thật cuối cùng của mình – đó là thiếu TÌNH YÊU, mà đôi khi còn được diễn tả trên bình diện xã hội bởi những tên gọi khác (như bác ái, huynh đệ, liên đới,...). Thế nhưng, thế giới hôm nay không thiếu những con người có lương tri ngay thẳng và trái tim mẫn cảm, với những xác tín về tôn giáo, ý thức hệ, nhân sinh quan và thế giới quan rất khác nhau thậm chí đối nghịch nhau, cho nên cuộc khủng hoảng hiện nay thực ra phát xuất từ cuộc khủng hoảng về Sự thật. Nói chung, nền văn hóa thế giới hiện nay đang thiếu một Tình yêu trong Sự thật. Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI (7.7.2009) ra đời đúng lúc để nói với thế giới điều cốt yếu đó. Suy tư này của đức giáo hoàng Bênêđictô, trên cơ sở Học thuyết xã hội Công giáo, phát triển và tiếp tục đào sâu suy tư về “sự Phát triển các dân tộc” (Populorum Progressio) của vị tiền nhiệm của ngài là đức Phaolô VI hơn bốn mươi năm trước (26.3.1967) về vấn đề xã hội. Mặt phải của cuộc khủng hoảng hiện nay chính là sự phát triển – phát triển con người và phát triển của các dân tộc. Cái thiếu cốt yếu của cuộc khủng hoảng cũng là động lực (mà cũng là hướng lực) cốt yếu của sự phát triển đích thật của mỗi con người và của toàn thể nhân loại, đó là “Tình yêu trong Sự thật” (Caritas in Veritate, 1).

Khi giữa các quốc gia, các khu vực, các miền, các nhóm xã hội, các gia đình, cũng như trong mỗi gia đình, còn chiến tranh, nghĩa là chưa có hòa bình đích thực, điều đó có nghĩa là sự Bình an do Tình yêu thương mang lại chưa ngự trị trong các tâm hồn, chưa có sự phát triển đích thực của con người, của các dân tộc, vì Phát triển là tên gọi mới của Hòa Bình[1]. Đối với đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, người ta cũng có thể nói: Phát triển là một tên gọi mới khác của Bác ái trong Chân lý[2]. Như vậy, ngài muốn chỉ cho thế giới thấy cái bản chất vốn ít được thấy (là Tình yêu đích thật) làm nên hiện tượng là sự Phát triển. Hiện tượng có ra tối tăm hay biến dạng méo mó là bởi bản chất đã bị tha hóa. Nếu nghèo đói, bệnh tật, nạn thất nghiệp, chiến tranh vẫn còn trên thế giới, điều đó có nghĩa là vẫn còn vắng bóng công lý, mà sâu xa là thiếu vắng tình yêu thương bác ái, mà cội nguồn là chính Thiên Chúa, là Tình Yêu và là Chân Lý-Sự Sống. Nhân loại vẫn chưa được xem như là một gia đình, trong đó con người sống tương quan hợp nhất với nhau dựa trên bác ái yêu thương huynh đệ trong sự tôn trọng và yêu mến người khác như một nhân vị, được tạo dựng theo «hình ảnh của Thiên Chúa».

Cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị của thế giới hiện nay xuất phát từ căn bản là khủng hoảng về văn hóa – tư tưởng – tôn giáo, mà ở cội rễ sâu xa là khủng hoảng về Chân Lý, vốn không tách lìa với Thực Tại tối hậu mang bản chất là TÌNH YÊU. Thế nhưng, trước hết ta cần nhìn lại từ hiện tượng

2. Bối cảnh văn hóa hiện nay

Người ta có thể nhận ra đặc trưng của bối cảnh văn hóa thế giới hôm nay qua một số nét cơ bản sau đây:

a. Một nền văn hóa phân rẽ[3]

Suy nghĩ của con người ngày nay có xu hướng thích phân biệt đến độ tách biệt. Trên bình diện xã hội, suy nghĩ ấy phản ánh qua sự kỳ thị tôn giáo, ý thức hệ, chủng tộc, kỳ thị màu da, giai cấp, .... Lý do cơ bản của não trang phân biệt đến mức kì thị ấy xuất từ một cái nhìn sai lệch về con người như một cá nhân chứ không là một nhân vị. Trong tương quan cá nhân giữa người với người, con người đối xử với nhau thường theo một não trạng xem thân xác, giới tính, tương quan con người như tách biệt khỏi nhân vị.

Thân xác bị coi như một thứ đồ vật, một đối tượng để con người chiếm hữu và tùy tiện vận dụng theo xu hướng duy lợi, duy khoái lạc, chứ không phải là một yếu tố cốt yếu làm nên nhân vị, là chủ thể. Tính dục, tình yêu và sự sinh sản được coi như ba lãnh vực không liên hệ gì với nhau. Cái gọi là «tình dục an toàn» được quảng cáo bởi nền «văn minh kĩ thuật» thật ra chẳng an toàn chút nào, vì nó đe dọa nhân vị bởi  nó đánh mất sự thật về chính con người, và như thế cũng đánh mất luôn sự tự do tình yêu đích thực. Hơn nữa, thân xác con người bị tách biệt khỏi tinh thần như thế kéo theo một hệ lụy, đó là, thân xác ấy (từ lúc thụ thai cho đến khi chấm dứt cuộc sống bởi cái chết sinh học) không còn được xem như là «hình ảnh của Thiên Chúa» mà bị đối xử như những thân xác các sinh vật khác ở trong thiên nhiên, như chất liệu sinh học để sản xuất phục vụ cho thiện ích của những con người khác. Kĩ thuật sinh học ngày nay phát triển đến mức độ như đặt sự sống dưới bàn tay con người có thể thao túng tùy tiện. Nền văn hóa ngày nay phản chiếu phần lớn xu hướng duy lợi (utilitarism) xem mọi sự chỉ như đồ vật để hưởng dùng kể cả con người, đối nghịch với nền «văn minh tình thương», nền văn minh của nhân vị. Đức Bênêđictô XVI lưu ý rằng : «Trong cuộc đấu tranh văn hóa ngày nay giữa sự thống trị của kĩ thuật và trách nhiệm luân lý, lãnh vực đạo đức sinh học là trận địa then chốt. Đó là nơi mà chính khả năng phát triển con người toàn diện bị đặt thành vấn đề ở mức độ căn để nhất. Trong lãnh vực tế nhị và có tính quyết định này, câu hỏi nền tảng là : con người là sản phẩm của chính mình hay nó lệ thuộc vào Thiên Chúa?»[4].

Giới tính con người xem ra được đề cao nhưng phải chăng thực ra đã bị khinh thị?Xác và hồn con người bị phân rẽ là thế, thì giới tính con người nam và nữ cũng bị tách biệt như thể hai phạm trù riêng biệt, độc lập. Những phong trào của giới đồng tính đòi «quyền con người» cho giới của họ đang xói mòn dần và phá hủy giá trị truyền thống là gia đình dựa trên nền tảng hôn nhân của một người nam và một người nữ. Điều đó khiến ta tự hỏi phải chăng giới tính chỉ là một yếu tố phụ thuộc không liên quan thiết yếu gì đến sự cấu thành nhân vị?

Tương quan của con người xét như là một cá nhân với cộng đồng xã hội, trong đó - gia đình tế bào của xã hội - là cộng đồng nhỏ nhất, cũng bị đặt vào hàng thứ yếu trong những yếu tố cấu thành nhân vị. Tương quan liên vị ở bên ngoài ngôi vị. Người ta nghĩ tới những hình thức khác nhau của chủ nghĩa vị kỷ (egoism): vị kỷ cá nhân, vị kỷ trong đời đôi bạn, vị kỷ xã hội (giai cấp hay quốc gia) – óc phân biệt giai cấp và chủ nghĩa quốc gia. Trong khi đó, đức Gioan-Phaolô II khi nói về con người là hình ảnh của Thiên Chúa thì khẳng định một chiều kích cốt yếu của hình ảnh này là yếu tố tương quan[5]. Còn đức Bênêđictô XVI trong Bác ái trong Chân lý nói: «Là thọ tạo có bản tính tinh thần (tâm linh), con người thực hiện chính mình qua những tương quan liên vị. Khi càng sống những tương quan này cách chân thực, con người càng làm cho căn tính nhân vị của mình trưởng thành. Con người xác lập phẩm giá của mình không phải trong sự cô lập nhưng bằng cách đặt mình trong mối tương quan với tha nhân và với Thiên Chúa. Do đó những tương quan này có tầm quan trọng nền tảng. Điều này cũng áp dụng cho mọi dân tộc»[6].

Ngày nay chúng ta cần khẳng định như đức Bênêđictô XVI rằng vấn đề xã hội đã trở thành vấn đề nhân học ở tại gốc rễ của nó[7].

b. Một nền văn hóa khủng hoảng sự thật

Kiểu tư duy theo xu hướng tách biệt nói trên, về phương diện văn hóa, có thể được thấy rõ trong điều mà đức giáo hoàng Bênêđictô XVI gọi là «chủ nghĩa chiết trung về mặt văn hóa» (cultural eclecticism)[8]. Theo trào lưu đó, văn hóa thường được đón nhận mà thiếu sự phê bình. Nghĩa là các thứ văn hóa cứ được đặt bên cạnh nhau, xem như có thể trao đổi với nhau vì chúng có cùng giá trị theo bản chất. Điều này sẽ dẫn tới chỗ xã hội rơi vào chủ nghĩa tương đối, mà điều đó không giúp ích gì cho việc trao đổi văn hóa đích thực. Trên bình diện xã hội, chủ nghĩa tương đối tạo ra một đời sống tách biệt. Những nhóm văn hóa sống cận kề nhau mà không có đối thoại hay hội nhập thực sự như ta thấy tình trạng thiếu sự thông cảm giữa các thế hệ nối tiếp trong các gia đình, hay trong một số xã hội phát triển như châu Âu. Ngoài ra, còn có nguy cơ san bằng văn hóa, đồng hóa các động thái và lối sống thành ra như nhau. Từ đó, ý nghĩa sâu xa của các nền văn hóa của các quốc gia khác nhau, truyền thống của nhiều dân tộc khác nhau bị đánh mất.

 Từ đó hẳn chúng ta phải nhìn nhận rằng thời đại hôm nay đang có khủng hoảng lớn, bộc lộ trước hết như là «khủng hoảng sự thật». Khủng hoảng về sự thật, theo đức Gioan-Phaolô  II, trước hết là sự khủng hoảng về những quan niệm[9]. Quan niệm về tình yêu, về sự tự do, về sự tự hiến chân thành, về nhân vị, quyền con người, trong thực tế đang mang một nghĩa khác có khi đối nghịch lại với bản chất của chúng.

Khái niệm về con người, về nhân vị ngày nay dường như càng ngày càng bị thu hẹp chỉ còn ở phương diện tâm lý. Nhân vị chỉ được hiểu như là một ý thức, một khẳng định về chính mình. Từ đó phát sinh những vấn đề không tìm được giải đáp: đâu là nền tảng cuối cùng của phẩm giá con người? của những quyền con người? Hơn nữa, như đã nói trên, dường như người ta coi tương quan (giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với Thiên Chúa) hay tính liên vị chỉ như là cái gì thêm vào sau, chứ không căn bản thuộc bản thể của nhân vị. Điều đó tạo tiền đề cho cá nhân chủ nghĩa (individualism), duy ngã luận (solipsism). Đồng thời, sự «tự do» theo như người ta nghĩ xem ra như cái gì đó đến sau «tự ngã» (self), bởi lẽ người ta nghĩ: tôi trao hiến cái gì khi nói tôi «thành tâm tự hiến»! Người ta thường lẫn lộn «sự thật» (truth) về sự trao hiến với «sự thành thực» (sincerity) trong mối quan hệ. Sự tự do ấy của chủ thể được hiểu như là tự do làm điều mình muốn và đồng thời tự mình xác định cái gì là điều thiện hảo thật, mà không chấp nhận để người khác yêu sách mình nhân danh một sự thật khách quan. Thế là, xét cho cùng, người ta không còn trao hiến thực sự nữa. Nói tắt một lời, tình yêu không còn là tình yêu trong chính yếu tính của mình nữa.

Con người không còn phụ thuộc vào Sự thật nữa, nhưng là kẻ tạo ra sự thật. Căn bệnh «khủng hoảng sự thật» của thế giới ngày nay thực ra có một nguyên nhân sâu xa, đó là vì con người chối bỏ một Nền tảng mầu nhiệm.

c. Một nền văn hóa chối bỏ mầu nhiệm

Một trong những thành quả của thời hiện đại là đẩy kinh nghiệm tôn giáo vào chỗ riêng tư. Tôn giáo bị xem như là một cái gì đó chỉ liên hệ tới lựa chọn cá nhân của tôi mà không được xuất hiện trong các quan hệ với người khác. Đạo đức trở nên chuyện riêng chỉ liên hệ đến lương tâm của mỗi cá nhân. Mỗi người có xác tín đạo đức riêng theo như mình muốn, miễn là đừng xen vào chuyện riêng của người khác: không ai được áp đặt quan niệm đạo đức của mình trên người khác kể cả con cái trong gia đình. Lao động, chính trị, kinh tế từ lâu rồi xa lạ với tôn giáo. Niềm tin tôn giáo là chuyện riêng tư không ảnh hưởng gì đến cuộc đời! Nhiều người ngày nay nói “Thiên Chúa nếu có chẳng liên quan gì đến tôi”.

Con người ngày nay sống trong nền văn minh kỹ trị (technocracy) với những tiến bộ kỹ thuật kỳ diệu nghĩ rằng chỉ cần kỹ thuật là đủ. Từ đó, họ cho rằng mình là tác giả duy nhất của phát triển. Tiến trình toàn cầu hóa có thể lấy kỹ thuật thay thế cho các ý thức hệ. Đến lượt nó, kỹ thuật lại trở thành một quyền lực ý thức hệ đẩy con người đến chỗ khép kín chính mình, khiến con người không thể bước ra bên ngoài để gặp gỡ hữu thể và chân lý[10]. Con người chối bỏ Nền tảng siêu việt của mình, và như thế cũng chối bỏ sự thật về mình, và chối bỏ mầu nhiệm. Không có gì là mầu nhiệm nữa cả. Tính dục, tình yêu, sự sống con người bị dung tục hóa, vật chất hóa. Chối bỏ mầu nhiệm con người đồng thời hạ thấp phẩm giá chính mình, chối bỏ chính mình. Lý trí chỉ cậy dựa vào kỹ thuật thiếu mở rộng ra với mầu nhiệm siêu việt, sẽ tan biến trong ảo tưởng về sự toàn năng của mình.[11]

Không có Thiên Chúa , con người không biết mình sẽ đi về đâu và cũng không thể hiểu mình là ai. Khép kín với Thiên Chúa, theo chủ thuyết vô thần dửng dưng, quên Đấng Tạo Dựng, có nguy cơ quên đi những giá trị nhân bản.[12] Một nền nhân bản mà loại trừ Thiên Chúa là một nền nhân bản phi nhân. Với bối cảnh văn hóa như thế, người ta chỉ có thể giải quyết những vấn đề xã hội cách rốt ráo khi đồng thời đối diện với vấn đề sự thật về con người. Con người thật sự là ai? Tôi là ai?

Chìa khóa để hiểu vấn đề này chính là vấn đề triết học siêu hình về mối quan hệ giữa Sự thật và Tự do. Điều này cần được dành cho một bài suy tư lần khác.
 
Louis Nguyễn Anh Tuấn

[1] x. Phaolô VI, tđ. Sự Phát triển của các dân tộc (Populorum Progressio), 76-77.
[2] x. Bênêđictô XVI, tđ. Bác ái trong Chân lý (Caritas in Veritate), 1: «tình yêu này là sức mạnh điều hướng chính yếu cho sự phát triển đích thực mỗi người và toàn thể nhân loại».
[3] x. Gioan-phaolô II, Thư gửi các gia đình (năm quốc tế về gia đình 2.2.1994), 19.
[4] Bênêđictô XVI, Bác ái trong Chân lý, 74.
[5] X. Gioan-Phaolô II, Uomo e Donna lo creò, Città Nuova Editrice, Città del Vaticano V ed. 2001, 58-61.
[6] Bênêđictô XVI, Bác ái trong Chân lý,53.
[7] X. Ibid.., 75.
[8] X. Ibid., 26.
[9] X. Gioan-Phaolô II, Thư Gửi các gia đình, 13.
[10] X. Bênêđictô XVI, Bác ái trong Chân lý, 70.
[11] X. Ibid., 74.
[12] X. Ibid., 78.