Tình Yêu Hôn Nhân dưới cái nhìn Nhân Học KiTô giáo - Tình Hiệp Thông

Tình Yêu Hôn Nhân dưới cái nhìn Nhân Học KiTô giáo - Tình Hiệp Thông

 

TÌNH YÊU HÔN NHÂN
DƯỚI CÁI NHÌN NHÂN HỌC KITÔ GIÁO - TÌNH HIỆP THÔNG
 
Sáng nay thứ bảy 21/11/2009 là buổi học tuần thứ ba về Tình Yêu Hôn Nhân dưới cái nhìn Nhân Học Kitô giáo, trước khi bắt đầu buổi học, các học viên có ít phút để chúc mừng quí cha nhân ngày Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11. 
 
Sáng nay có sự hiện diện của cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền Phó giám đốc TTMV và cha Louis Nguyễn Anh Tuấn. Một đại diện học viên thay mặt cho tất cả anh chị em đã nói lên lời tri ân sâu sắc về sự quan tâm ưu ái của quí Đức cha và quí cha tại TTMV của giáo phận đã dạy dỗ và chia sẻ cho các học viên những kiến thức bổ ích để mỗi học viên có những vốn kiến thức quí giá về đời sống tâm linh và nhân bản để đời sống đạo của các học viên sống xứng đáng với tư cách là người Kitô hữu mỗi ngày một hơn. Những bông hoa tươi thắm kính dâng quí cha tượng trưng cho tấm lòng tri ân của các học viên.
 
Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền thay mặt quí Đức cha và quí cha trong TTMV đón nhận tấm lòng của các học viên và cũng chia sẻ cho học viên về những ưu tư sứ mạng hàng đầu của giáo phận là lưu tâm đến GIA ĐÌNH và GIỚI TRẺ, cha cũng ước mong sao những khóa học như thế này được tổ chức đều đặn và các bậc phụ huynh tham gia mỗi ngày một đông hơn hầu cũng cố và duy trì đời sống gia đình công giáo mỗi ngày tốt đẹp hơn để ánh sáng Tin Mừng được chiếu tỏa từ trong gia đình và lan truyền ra ngoài xã hội.
 
*******************
 
Bài 3) TÌNH HIỆP THÔNG
 
Hôm nay cha Louis Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ cho các học viên một vấn đề cốt lõi và là nền tảng trong đời sống vợ chồng đó là Tình Hiệp Thông thiếu yếu tố này đời sống vợ chồng không thể nào có được niềm hạnh phúc thật sự.
 
1) Những Nguy Hiểm (Narcissistic)
 
Con người dễ bị rơi vào u mê lầm lạc khi xu hướng Eros được đẩy lên quá cao, con người lúc đó không thoát ra khỏi vòng xiềng xích của cái “tôi”, không thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của bản ngã, luôn coi mình là trung tâm của mọi tình cảm, mọi ý nghĩ, nó chi phối trong mọi mối tương giao, vì ghen tương và ích kỷ nó muốn chiếm hữu và thống trị bằng mọi giá, lúc đó người kia chỉ là tấm gương phản chiếu bản thân mình, tư tưởng của con người lúc đó bị sa vào bóng tối của sự dữ, để chiếm hữu tình yêu con người có thể dùng bạo lực và bằng mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn đê hèn, man rợ …. Đây là điều hết sức nguy hiểm của tình yêu. Như thế có đáng gọi là tình yêu hay không?
 
Để minh họa cha Louis kể về hai câu chuyện sau:
 
Câu chuyện thứ nhất về một người chồng đã giết vợ một cách dã man sau khi đã li dị vợ được vài năm, đây là một câu chuyện đã được đăng báo cách đây không lâu.
 
Câu chuyện thứ hai nói về mối quan hệ của hai mẹ con. Có một người phụ nữ kia có một người con trai, chồng chết sớm khi tuổi đời còn rất trẻ, vì thương con chị đã mạnh dạn từ chối nhiều cuộc tình đến sau để an tâm nuôi con ăn học cho đến ngày con được trưởng thành, mọi tình cảm chị dành hết cho con và sau này người con đã công thành danh toại, lúc đó xung đột giữa hai mẹ con mới xảy ra, mối tương quan mẹ con bị đổ vỡ, chị đã yêu con theo cách của mình không chấp nhận sự độc lập suy nghĩ của riêng con, khi người con muốn quyết định tương lai của mình muốn được đi trên chính đôi chân của mình, chị đã không tôn trọng những quyết định của riêng con, chị yêu con theo kiểu thống trị, chiếm hữu khi không đạt được thì tâm hồn bức xúc, nổi loạn mà ta gọi đó là “ghen”. Quả thật chị đã bị stress, thân thể suy kiệt tàn tạ phải nằm bệnh viện và hậu quả dẫn đến chị bị tâm thần. (đây cũng là câu chuyện có thật đang xảy ra trong hiện tại)

Vậy yêu con như chị có đúng không?
 
Vì sao mà người chồng kia lại giết vợ khi mà hai người đã li dị được vài năm? Vì sao người mẹ kia yêu thương con hết lòng mà lại trở lên điên loạn?
 
Vì người chồng kia và người mẹ kia đã không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn, chỉ biết yêu chính mình, coi mình là trung tâm của mọi sự, họ không nhìn nhận sự khác biệt của các mối tương quan, không ra khỏi lâu đài ích kỷ kềm hãm chính mình mà tình yêu theo kiểu thống trị và chiếm đạt có nguy cơ giết chết tình yêu và giết chết chính mình.
 
Vậy con người phải làm gì để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm này? Con người phải đi ra khỏi mình, phải nhận biết “tôi là ai?”, “tôi khác với người khác và người khác khác với tôi”, nhìn nhận sự khác biệt của nhau để bổ sung cho nhau.
 
2) Tha tính (Tính khác biệt)
 
Con người phải thay đổi chính mình, phải biết khám phá ra những dị biệt của nhau và chấp nhận những dị biệt đó, có thể những dị biệt đó làm cho ta bực mình, khó chịu, đôi khi khó chấp nhận được, những dị biệt đó có thể là khác biệt về giáo dục, tính tình, niềm tin …v..v… nếu không nhìn nhận sự khác biệt đó thì con người không thể hiểu nhau và thiếu khả năng empathy (sự đồng cảm), trong tương quan con người cần phải hiểu được ý nghĩ của nhau, người này phải hiểu được tình cảm của người kia, con người cần phải nhận ra sự khác biệt của nhau mới nhận ra được giá trị khát vọng trở nên một, có như thế con người mới đạt được đình cao của sự hiệp thông.
 
Một con người trưởng thành về đời sống tâm linh thì không đi tìm những cái gì ưng ý để thỏa mãn chính mình, con người trưởng thành cần phải có thái độ communicative (cởi mở), con người cần phải biết nói chuyện với người khác, có khả năng biết lắng nghe, chấp nhận sự hạn chế của mình, và mình cần phải được bổ túc, cho dù người bổ túc cho mình có trình độ thấp, thua kém ta nhiều mặt nhưng ta tin tưởng rằng có “MỘT AI ĐÓ” đang có mặt, đang hiện diện ở giữa chúng tôi, nhờ đó ta dám đi ra khỏi mình, mở rộng cõi lòng để đón nhận, để lắng nghe những ý nghĩ, tình cảm của người kia.
 
Thông thường ta thích đi tìm những người giỏi hơn mình, thông minh hơn mình, có nhiều khả năng trí tuệ hơn mình để bổ túc, ta cần phải vượt qua thái độ tâm lý đó mà phải tin tưởng rằng luôn luôn có một sứ điệp của “MỘT AI ĐÓ” đang tiềm ẩn nơi người kia để ta bắt đầu “tập yêu” và chấp nhận sự khác biệt trong mối tương quan.
 
3) Tình Yêu Đích Thực:
 
Ngày nào ta còn dùng uy quyền để thống trị người khác là ta đang đi vào sự chết, đang bóp chết tình yêu, còn sống trong xiềng xích của sự dữ vì không đi vào tương quan ngôi vị với nhau, không chấp nhận sự khác biệt là ta đang vướng vào vòng kềm tỏa của bóng đêm và mang xu hướng tội lỗi. Vì thế chấp nhận sự khác biệt trong mối tương quan là rất quan trọng vì nó sẽ dẫn hai người đến một tình yêu đích thực đó chính là yếu tố hấp dẫn ta và người kia trở nên một, chấp nhận người kia như chính họ và ở lại với họ, khi ta biết chấp nhận người kia là chấp nhận hy sinh cho nhau, chấp nhận thánh giá, đó mới chính là tình yêu, mới có nghĩa hiệp thông của Tình Yêu Thiên Chúa, lúc đó đời sống vợ chồng mới phản ánh Tình Yêu Thiên Chúa, đó chính là yếu tố Mầu Nhiệm Hôn Nhân.
 
Câu hỏi thảo luận:
 
Lớp học được chia thành 5 tổ Cha Louis đã đưa ra 3 câu hỏi để các tổ cùng thảo luận với nhau, sau đó một người đại diện  sẽ nói lên quan điểm của tổ mình về 3 câu hỏi gợi ý:
 
Câu hỏi 1)   Những dị biệt nào thường xảy ra trong đời sống hôn nhân gia đình.
 
Câu hỏi 2)    Anh chị em đã sống, đã nỗ lực hòa hợp thế nào với những dị biệt này trong đời sống hôn nhân gia đình.
 
Câu hỏi 3)    Thiên Chúa có vai trò nào trong cuộc hòa giải này.
 
Sau phần thảo luận các tổ lần lượt cử người đại diện lên phát biểu quan điểm thảo luận của tổ mình, nhìn chung cả 5 tổ đều đưa ra những quan điểm và những ý kiến gần giống nhau, mọi người gần như cùng chung một dòng suy tư qua 3 câu hỏi gợi ý.
 
Những dị biệt nào thường xảy ra:

Đó là khác biệt về tôn giáo, công việc, thói quen trong cuộc sống, văn hóa, giáo dục, chênh lệch về tuổi tác, về trình độ và về vấn đề tài chánh trong gia đình.
 
Cách khắc phục:

Cần nhìn lại chính con người thật của mình, cần biết lắng nghe, chấp nhận dị biệt, tôn trọng nhau, yêu thương nhau và biết tha thứ.
 
Vai trò của Thiên Chúa:

Vợ chồng cần biết cầu nguyện cho nhau để xin ơn Chúa đến hòa giải, xin ơn sức mạnh để vượt qua, và xin ơn can đảm để vác thánh giá hằng ngày. Vai trò của Thiên Chúa là mấu chốt trong việc hòa giải.
 
Kết thúc buổi học cha Louis đưa ra một bí quyết để sống hạnh phúc theo ý tưởng của một cha giáo đó là trong cuộc sống hằng ngày luôn thầm đọc và thực hành câu:
 
I Love You. I’m Sorry.
 
A.P Mặc Trầm Cung