Tình yêu hôn nhân dưới cái nhìn nhân học Kitô giáo: Chiều kích xã hội & Mầu nhiệm tình yêu đôi bạn
TÌNH YÊU HÔN NHÂN DƯỚI CÁI NHÌN NHÂN HỌC KITÔ GIÁO
Bài 8: CHIỀU KÍCH XÃ HỘI & MẦU NHIỆM TÌNH YÊU ĐÔI BẠN
I) CHIỀU KÍCH XÃ HỘI:
Con người là một hữu thể có thân xác và ngôi vị (= hồn), thân xác biểu lộ ngôi vị, tỏ hiện tương quan với thế giới, với con người. Thân xác có giới tính, có phân cực nam – nữ, thuộc về thực tại tính dục, thân xác và ngôi vị luôn luôn chiến đấu không mệt mỏi để tìm nguồn bình an cho chính mình và trong mối tương giao với các hữu thể khác.
Phân cực cộng đồng luôn có đặc tính là mang một bầu khí yêu thương, tương quan của tôi với gia đình, đồng bào, đồng loại của tôi. Tôi luôn hiện diện cùng lúc với cộng đoàn giao hữu đó.
Con người cảm thấy bất an và luôn đi tìm bình an, tôi phải làm sao để tạo được bầu khí chung quanh tôi? Bao nhiêu vấn nạn, khó khăn, sóng gió luôn muốn phá vỡ bầu khí yêu thương đó của con người.
Chúng ta, con người có niềm tin vào Thiên Chúa. Ta chỉ tìm thấy bình an khi ta biết đón nhận sự khác biệt của những ngôi vị chung quanh ta, tất cả đều nằm trong kế hoạch của Đấng Tạo Hóa. Còn khi chúng ta không biết tiếp nhận mọi sự theo ý muốn của Người, sống tách ra khỏi ý muốn của Người là chúng ta sẽ cảm thấy bất an, tội lỗi và làm nô lệ cho tội lỗi, cho chính thân xác yếu hèn của chúng ta.
a) Chiều kích cá nhân với cộng đồng:
Con người luôn bị cám dỗ quay về với chính mình, cám dỗ khép kín chỉ biết đến cái “tôi”, dường như nó là hệ lụy của tội nguyên tổ, xu hướng đó khi lớn lên có khả năng sinh ra tội lỗi, khi con người chỉ biết lấy cái “tôi” của mình làm trung tâm của vũ trụ. Như thế, con người vẫn còn sống trong sự nô lệ, xiềng xích.
Để không sống trong xiềng xích, nô lệ, con người cần phải biết hướng về người khác, biết chia sẻ nỗi đau hoặc niềm vui của người khác. Cái “tôi” cần được khắng định nhưng cũng cần biết nhìn nó trong các mối tương quan với người khác.
Vì thế, trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ là giáo dục con cái biết nghĩ đến người khác. Hạnh phúc của con người ở hệ tại mối tương quan giũa cái tôi và chúng ta.
Nhưng ngược lại, nếu chỉ biết nhìn đến cái “chúng ta” mà không biết đến những cái “tôi”, những cá nhân trong cộng đồng thì tương giao đó cũng trở nên cực đoan.
Một bầu khí yêu thương và hạnh phúc là biết hài hòa giữa cái “tôi” và cái “chúng ta”
b) Cám dỗ khép kín:
Tình yêu vợ chồng cũng cần tỏ lộ, khai hóa cho mọi người chung quanh biết. Tình yêu lứa đôi mà không hướng tới chiều kích xã hội sẽ làm cho tình yêu đôi bạn héo tàn.
Tình yêu lứa đôi cần phải được xác định của cộng đoàn, nhìn nhận sự ưng thuận của đôi bạn và tình yêu của họ cần được sự nâng đỡ và phụ thuộc vào cộng đoàn. Đó chính là hôn nhân.
Vì thế, để tình yêu đôi lứa không bị héo tàn, đôi bạn cần phải vượt lên sự khép kín để hướng tới cộng đoàn, tới xã hội, và phải ý thức rằng: để sống mạnh, sống tốt ta cần phải biết nhìn lại bản thân mình và mình cũng đang phụ thuộc vào xã hội dân sự hay tôn giáo. Tôi đang sống nhờ vào cộng đồng, xã hội.
Và xã hội, cộng đồng trong đó còn có tôi, do tôi, mỗi chúng ta còn có một phần trong đó, tôi cũng đóng góp một phần mình trong xã hội, có sự tham gia của tôi vào xã hội, chứ không chỉ biết hưởng thụ, dù nhiều hay ít.
Ai cũng có phần đóng góp của mình cho xã hội, ngay cả các bệnh nhân. Nếu cuộc sống này chỉ có vật chất, thì các bệnh nhân người già là một gánh nặng.
Vì thế, ta cần tránh cả hai thái độ tự ti và tự tôn, cả hai thái độ này đều giả trá và lầm lạc
Trong xã hội hôm nay ở những đất nước và những thành thị giàu có, cái mà người ta đang quảng bá loan truyền về sự phát triển, sự tiến bộ và con người đeo đuổi cho bằng được bằng quyền lực để chiếm hữu các tiện nghi mới, nhằm để thỏa mãn những thú vui hạ đẳng. Chính những lý tưởng bị thu hẹp nơi sự tôn vinh ngẫu tượng, chiếm hữu, khoái lạc, quyền lực ấy là điều xã hội tiêu thụ quảng bá để tồn tại. Từ những xu hướng phổ biến ấy của xã hội, cùng với lề thói ứng xử đi kèm, con người ngày nay rút ra một thái độ sống theo chủ nghĩa cá nhân cũng rất phố biến. Họ chỉ đi tìm lợi ích và sự khẳng định cá nhân riêng tư, điều đó dẫn đến thái độ lãnh đạm với người khác và có lối sống khép kín.
Ta cần ý thức những cám dỗ khép kín. Ta có cảm nhận, ý thức và biết ơn cộng đồng và xã hội mà ta đang sống không?
Tình yêu đôi bạn, họ không chỉ sống cho nhau, họ vui vẻ dấn thân phục vụ cho cộng đồng mà họ đang được sống trong bầu khí yêu thương. Ngay cả những đội bạn hiếm muộn, tình yêu của họ cũng trở nên phong nhiêu khi họ biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, yêu thương, lo lắng cho người khác.
Như một Văn sĩ người Pháp đã nói: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng cùng nhau nhìn về một hướng”. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”.
Cho nên, sự khác biệt niềm tin là một sự bất lợi trong hôn nhân, nhưng ta phải biết tôn trọng, một điều hết sức quan trọng trong tương quan tình yêu vợ chồng đó là sự tự do. Những cuộc hôn nhân áp đặt, ép buộc có tỷ lệ nguy cơ đổ vỡ khá cao.
Đối với đôi bạn Kitô hữu không chỉ là tương quan với xã hội hữu hình mà còn phải biết sống yêu thương trong sự thật, không chạy theo sự giả trá.
Nếu đôi bạn Kitô giáo biết hướng ra bên ngoài, cởi mở tâm hồn, hòa nhập vào cộng đồng xã hội mà mình đang sống và coi đó chính là môi sinh của gia đình thì đó chính là mầu nhiệm của sự sống.
II) CHIỀU KÍCH GIÁO HỘI. (Mầu nhiệm hiệp thông)
Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của hai bạn trẻ nam nữ đang yêu. Ta tự hỏi, bởi đâu có thực tại lạ lùng kỳ diệu như vậy? Vâng, họ đang yêu, con tim của họ đang rạo rực, đang cháy bỏng yêu thương. Nhưng tình yêu của họ sẽ chết, nếu hai người chỉ biết nhìn nhau, đời sống của họ sẽ trở thành ao tù, trở thành đầm lầy, không có sự sống. Hai người cần phải biết nhìn về một hướng, tình yêu của họ cần được khai thông với một dòng chảy từ thượng nguồn. Nối thượng nguồn với biển cả và trở thành biển cả thì tình yêu của họ mới sống động.
Trong cái nhìn đức tin. Cộng đoàn đôi bạn được nuôi dưỡng, hít thở mầu nhiệm sự sống đó từng giây, từng phút, từng ngày trong cuộc sống làm cho người khác cũng được hưởng nhờ từ đời sống của đôi bạn, làm cho tình yêu của đôi bạn được phong phú hóa. Nhìn sâu vào cộng đoàn của đôi bạn người ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng cá nhân nơi cộng đoàn ấy.
Hội thánh là bí tích của Chúa Kitô, Hội thánh là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Cộng đoàn đôi bạn là Hội thánh tại gia, vì thế, tôi tiếp tục hiện hữu và làm cho cộng đoàn tôi đang sống được trở nên sống động, nên phong phú để cộng đoàn nhỏ của tôi cũng trở nên bí tích, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cộng đoàn đôi bạn cần phải tháp nhập trong Hội thánh, tiếp nhận nguồn lực từ sự hiến tế của Chúa Kitô, giúp đôi bạn vượt qua những khó khăn, những trở ngại, không có nguồn lực thần linh đôi bạn không thể vượt qua những khó khăn, trở ngại đó, không bám vào thần linh, tình yêu của đôi bạn sẽ tàn héo nhanh chóng. Đôi bạn cần phải nối kết chặt chẽ với nguồn chảy sự sống, nguồn chảy không ngơi nghỉ vẫn tuôn trào cho đôi bạn, đời sống vợ chồng tách lìa dòng chảy này, tình yêu của đôi bạn sẽ chết.
Hôn phối là một bí tích được Hội thánh xác nhận, đôi bạn là một bí tích đang hiện diện trong Hội thánh, tôi chạm được Thiên Chúa ngay trong ly nước mát, trong chén cơm nóng, trong những thực tại nhỏ nhặt nhất hằng ngày, tất cả đều ẩn chứa cái vô hình trong đó. Cái hữu hình ẩn chứa cái vô hình, phàm nhân ẩn chứa thần linh.
Thiên Chúa tạo dựng nên ta là một con người có tự do, tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Cộng đoàn gia đình mang tính Hội thánh, hiệp thông với Hội thánh phẩm trật, đều trở thành bí tích của Chúa Kitô. Mọi cộng đoàn thiếu đức tin vâng phục trong Hội thánh là đã đi lạc đường. Nhiều người đấu tranh cho Hội thánh phát triển nhưng lại đi theo đường lối thế gian, không theo con đường của Chúa Giêsu là chấp nhận đau khổ trong tình yêu, chấp nhận hy sinh, kể cả cái chết.
Đôi bạn cũng phải biết phát triển làm cho tình yêu của mình được nảy nở xum xuê, lớn lên trong đức tin, nối kết trong cộng đoàn Hội thánh theo nghĩa hữu hình là những người đón nhận năng quyền từ các tông đồ để tình yêu của mình được phát triển, được lớn lên trong Đức Kitô.
Hội thánh là bí tích là một sự hiệp thông với các cộng đoàn địa phương. Để sống được mầu nhiệm hiệp thông phong nhiêu với tư cách cộng đoàn. Đôi bạn phải sống lời trăn trối của Đức Giêsu là phục vụ - yêu thương và rửa chân cho nhau. “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14 – 15)
Con người không có khả năng quỳ gối trước mặt người khác nói lời xin lỗi, nếu không có nguồn năng lực từ thần linh, huống chi là những hành động lớn lao hơn, hy sinh hơn.
Chúa Giêsu mời gọi đôi bạn trở nên phục vụ, đôi bạn tham gia vào Hội thánh vào cộng đoàn địa phương trong tư cách cá nhân họ phục vụ lẫn nhau và phục vụ cho người khác. Họ sống mầu nhiệm tha tính, mầu nhiệm vượt trên sự khác biệt, tôn trọng sự khác biệt của nhau, yêu nhau trong hiệp thông, chừng nào ta chưa chấp nhận đau khổ, thì ta chưa sống trong mầu nhiệm hiệp thông.
Vì tình yêu tôi chấp nhận đau khổ, để cho dòng chảy được khai thông.
Tình yêu muốn chiếm hữu, còn coi trọng cái “tôi”, dòng chảy bị tắc nghẽn.
Tôi phục vụ cho nàng. Nàng lại phục vụ cho tôi. Cả tôi và nàng cùng phục vụ cho cộng đồng không theo cách tính toán của thế gian, từ đó tình yêu của tôi và nàng được triển nở, tôi và nàng cùng tham gia vào cộng đồng, tham gia vào dòng chảy, chấp nhận hy sinh chính mình, trong khiêm tốn – phục vụ và yêu thương.
Trong tâm tình phục vụ lẫn nhau đôi bạn cũng cần phải có hiểu biết về nghệ thuật tâm lý nữa. Đôi bạn cần phải biết nhìn vào con tim của nhau đang hé mở, để biết đón nhận những hương vị ngọt ngào của tình yêu, nếu không nhìn thấy sự hé mở của nhau, đôi bạn cũng cần phải biết chấp nhận đau khổ.
Chẳng hạn, như một người chồng trước đây vẫn thường dồn hết công việc trong nhà cho người vợ, dù cả hai người đều đi làm việc cơ quan và cùng về đến nhà giờ giấc như nhau, nhưng anh không hề đụng tay vào bất cứ việc gì trong gia đình vì cho đó là việc của phụ nữ, theo quan niệm của anh ta, bổn phận của người vợ là phải chăm lo cơm nước cho chồng con. Nhưng từ khi anh đi học một khóa về Hôn Nhân Gia Đình, quan niệm của anh đã thay đổi, anh thấy mình đã thiếu sót bổn phận với người vợ.
Nhân ngày sinh nhật của vợ, anh muốn dành cho nàng một sự ngạc nhiên thú vị. Anh xin phép cơ quan nghỉ nửa buổi, anh đi chợ mua thức ăn để nấu cho vợ những món ăn mà vợ anh ưa thích, ngoài bó hoa tươi mà anh đã đặt ở cửa hàng nhờ nhân viên cửa hàng mang đến vào giờ anh muốn.
Những ôi thôi! Nhưng món ăn mà anh nấu, món thì mặn quá, món thì ngọt quá, có món còn bay cả mùi khét vì để lửa lớn quá.
Khi người vợ đi làm về đến cửa, anh vui vẻ chào đón nàng bằng một bó hoa xinh tươi và kèm theo lời chúc “Happy Birthday to You”, rồi mời nàng vào bàn tiệc mà anh đã dọn sẵn.
Thái độ của người vợ như thế nào khi thưởng thức các món ăn?:
· Nhăn mặt, chê bai những món chồng nấu quá dở, và lên lớp cho chồng một loạt bài học Nữ công gia chánh.
· Mỉm cười duyên dáng tìm cách khen chồng một câu thật tế nhị. Vì nàng đã nhìn thấy con tim của chàng đang hé mở, trong các món ăn mặn chát kia có cả hương vị tình yêu nồng nàn của chàng. Đó mới chính là hương vị mà nàng cần và đang thưởng thức.
Lúc đó đôi bạn là bí tích của Thiên Chúa, trở thành Hội thánh thường trực ở trong các gia đình, là sự hiện diện thường trực của Chúa Kitô, là thánh lễ được tiếp tục trong các gia đình. Để cho Thiên Chúa được hiện diện, để cho Chúa Giêsu còn được hiện diện sống giữa trần gian đôi bạn phải biết yêu thương nhau – phục vụ lẫn nhau và cùng nhau phục vụ cộng đồng.
Ai cũng phải tham gia vào mầu nhiệm hiệp thông trong Hội thánh, phải đấu tranh để vượt qua sự khép kín để sống mầu nhiệm hiệp thông này.
Tóm lại: Tình yêu luôn luôn mang trong mình chiều kích xã hội và chiều kích mầu nhiệm, nội tại ở bên trong sự hiện diện của Thiên Chúa được cụ thể hóa qua các hành động yêu thương và phục vụ.
Lm. Louis Nguyễn Anh Tuấn thuyết trình
A.P Mặc Trầm Cung ghi lại.