Thư ĐGM Giáo phận Vĩnh Long về gia đình
TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, P. 1
Tx Vĩnh Long
103 đường 3/2, P. 1
Tx Vĩnh Long
Vĩnh Long, ngày 27.5.2009
V/v Gia đình trường dạy Hiếu thảo
và Thờ phượng Thiên Chúa
và Thờ phượng Thiên Chúa
Kính gởi : Các Linh Mục, các Tu Sĩ Nam Nữ,
Anh Chị Em Giáo Dân Giáo Phận Vĩnh Long
Nói về Gia đình là nói chuyện nhà, chuyện của mình: Ai sống trên đời mà không cha mẹ không họ hàng. Nhưng đó cũng là chuyện của Chúa: Gia Đình là một tổ chức do Chúa thiết lập từ thuở ban đầu để con người mang hình ảnh Thiên Chúa học sống ơn gọi làm người và ơn gọi làm con của Chúa.
1. Lệnh truyền của Chúa cho kẻ làm con "Hãy thảo kính cha mẹ" (Xh 20,12) thì đồng thời cũng đặt để cho cha mẹ một bổn phận có thể nói đuợc là ‘đối xứng’. Cha mẹ phải tôn trọng con cái, không phân biệt nhỏ hay lớn, và thái độ nầy cần thiết trong suốt quá trình giáo dục, gồm cả giai đoạn giáo dục học đường (Gioan Phaolô II, Thư gởi các gia đình 2.2.1994, số 16).
2. Thảo Kính cha mẹ là lệnh truyền thứ tư, tiếp theo ba lệnh truyền liên quan đến bổn phận con người đối với Thiên Chúa. Cha mẹ là những người thay mặt Chúa để lưu truyền sự sống và đưa những sinh mạng mới vào trong một dòng tộc, một dân tộc, vào gia đình nhân loại. Họ là những ân nhân đầu tiên của con cái. Họ phải được kính trọng và tri ân.
Sách Huấn ca mô tả Lệnh truyền "Hãy thảo kính cha mẹ" một cách cụ thể hơn: "Ai thờ cha thì bù đấp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha, sẽ được vui mừng vì con cái; khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe Ai tôn vinh cha, sẽ được trường thọ, ai an ủi mẹ, sẽ được công nơi Chúa…
Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già của cha ngươi. Chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy cảm thông. Ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. vì việc nghĩa làm cho cha sẽ không rơi vào quên lãng, nhưng sẽ đền bù tội lỗi, và vào ngày bĩ cực, công việc con sẽ được nhớ đến, như băng giá khi trời tốt, tội con sẽ tan đi’ (3,2-6. 12-15).
3. Các Lệnh Truyền của Giao Ước Sinai được xếp thành hai bảng: Ba lệnh Truyền đầu qui định các bổn phận trong tương quan với Thiên Chúa và tóm kết trong giới răn "Phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết tâm hồn và hết sức ngươi"(Đnl 6,5); bảy Lệnh Truyền còn lại qui định những bổn phận của con người trong tương quan với chính mình và với tha nhân, được xếp trong bảng thứ hai và được tóm kết trong giới răn "Hãy yêu thương đồng loại như chính mình" (Lêvi 19,18).
Trả lời cho một luật sĩ thuộc nhóm Biệt Phái, Chúa Giêsu quả quyết : ‘Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi! Đó là giới răn lớn, giới răn đệ nhất. Thứ đến cũng giống như điều ấy : Ngươi phải yêu mến đồng loại như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật cùng các tiên tri đều qui vào hai giới răn ấy’ (Mat. 22,37-40).
Như thế Lệnh Truyền thứ tư liên kết mật thiết với lệnh truyền yêu thương. Thảo kính cha mẹ là một nghĩa vụ công bằng, mà nhiều lúc khó thực thi nếu không có đức ái; vả lại, ơn gọi căn bản của con người là sống yêu thương, là mến Chúa và yêu tha nhân, yêu thương những người gần gũi mình trước, nhưng còn ai gần gũi với nhau hơn cha mẹ với con cái?
Thánh Phaolô nhắc lại lệnh truyền thứ tư, bằng những lời khuyên cụ thể : "Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa, vì đó là phải lẽ. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất có kèm thêm lời hứa : ngõ hầu ngưới được phúc và hưởng thọ trên đất" (Eph. 6,1-3).
Nơi khác, Thánh Tông đồ thêm: "Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Chúa" (Col. 3,20) .
Chắc chắn, tình phụ tử và tình mẫu tử là yếu tố quan trọng và cần thiết để phát huy tình hiếu thảo nơi con cái.
Trong thực tế, người ta dùng những phương thế nào để phát triển lòng hiếu thảo? Như chăm sóc cho nhau từ chỗ ở đến bàn ăn, những bữa ăn gia đình như cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa các thành viên, những dịp đặc biệt như những ngày kỷ niệm của gia đình như ngày thành hôn của cha mẹ, kỷ niệm của một thành viên như sinh nhật, ngày tốt nghiệp…
4. Gia đình công giáo chắc chắn giữ vai trò quan trọng, không thể thay thế, trong lãnh vực giáo dục tôn giáo. Trong gia đình, người mẹ tự giới thiệu mình cho con qua những cử chỉ âu yếm, ân cần chăm sóc, rồi sau đó giới thiệu cho con biết những người gần gũi nó, là người cha, các anh chị, ông bà, họ hàng. Cũng vậy, người mẹ trước tiên nói về Chúa cho con, dạy con cầu nguyện. Kinh chung gia đình là một sinh hoạt cần thiết để giáo dục đức tin, để chứng tỏ Gia đình là Hội Thánh tại gia.
Hoàn cảnh xã hội thay đổi quá nhanh, giáo dân không còn gần gũi, lui tới Nhà Thờ như trước kia, con cái vì lý do học hành sống xa cha mẹ, thậm chí có gia đình, không còn dùng bữa chung với nhau, không còn giờ kinh chung với nhau. Do đó tình gia đình, lòng hiếu thảo cũng phai mờ đi và lòng đạo cũng suy giảm. Người ta quên rằng Gia Đình là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người để từ đó học sống đạo làm người và đạo làm con Chúa. Gia đình Công giáo cũng nói được là Mầu nhiệm vì nơi đó sự sống là một giá trị thánh thiêng được trao ban; là Hội Thánh Hiệp Thông khi nhờ ơn Chúa mà phát triển lòng hiếu thảo; là Hội Thánh Sứ Vụ để làm chứng ơn gọi sống hạnh phúc cho mọi người.
Hãy cầu xin cho mọi người biết tôn trọng gia đình và mộ mến các nhân đức về đời sống gia đình .
Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long.