THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG KHI KẾT ƯỚC VỚI CON NGƯỜI - CANH TÂN LIÊN TỤC CHÍNH THỰC TẠI SỰ SỐNG

THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG KHI KẾT ƯỚC VỚI CON NGƯỜI - CANH TÂN LIÊN TỤC CHÍNH THỰC TẠI SỰ SỐNG
1. «Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa» (Mt 22,29), Đức Kitô nói như thế với những người Sađđucêu, đó là những người từ chối niềm tin phục sinh tương lai của thân xác và đã đặt ra cho Người trường hợp sau đây: «Trong chúng tôi, nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, rồi chết, và vì không có con nối dòng, nên để vợ lại cho em» (theo luật Môsê gọi là Lêviratô); «Người thứ hai, rồi người thứ ba, cho đến hết bảy người, người nào cũng vậy. Sau hết, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy, trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ ai trong số bảy người, vì tất cả đều đã lấy bà?» (Mt 22,25-28).
Đức Kitô trả lời những người Sađđucêu khẳng định, ở đầu và cuối đoạn trả lời, rằng họ lầm to vì không biết Kinh Thánh và cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa (x. Mc 12,24; Mt 22,29). Vì cuộc đối thoại với những người Sađđucêu được cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật lại, chúng tôi xem xét cách vắn tắt các bản văn liên hệ.
 
2. Bản văn Mt 22,24-30, dẫu không đề cập tới bụi cây bốc cháy, tương hợp hoàn toàn với bản văn Mc 12,18-25. Cả hai bản này đều có hai yếu tố cốt yếu: 1) tuyên bố thân xác sẽ sống lại trong tương lai; 2) tuyên bố về tình trạng thân xác của con người sống lại [1]. Hai yếu tố này cũng có trong Lc 20,27-36 [2]. Yếu tố thứ nhất liên quan thân xác sống lại mai sau, gắn liền, nhất là trong Matthêu và Marcô, với những lời Chúa nói với những người Sađđucêu, theo đó, họ «không biết Kinh Thánh cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa». Lời khẳng định ấy đáng được lưu ý đặc biệt, bởi vì chính ở đó Đức Kitô xác định những nền tảng của niềm tin vào sự phục sinh, là điểm mà Người đã qui chiếu về khi trả lời cho câu hỏi những người Sađđucêu đặt ra với cái ví dụ cụ thể của luật Lêviratô của Môsê.
 
3. Chắc hẳn là những người Sađđucêu coi vấn đề về sự sống lại như là một loại lí thuyết hay giả thuyết có thể bỏ qua được [3]. Đức Giêsu chứng minh trước hết cho họ thấy họ sai lầm về mặt phương pháp: họ không biết Kinh Thánh; rồi kế đến cho thấy họ sai lầm về phán đoán giá trị: họ đã không đón nhận những gì Sách Thánh mạc khải – họ không biết quyền năng của Thiên Chúa, – họ không tin vào Đấng đã tự mạc khải mình ra cho Môsê trong bụi gai bốc cháy. Đó là câu trả lời rất ý nghĩa và rất chính xác. Tại đây Đức Kitô gặp những người nổi tiếng là chuyên viên và là nhà chú giải Kinh Thánh thông thái. Đức Giêsu trả lời những người này – tức những người thuộc phái Sađđucêu – rằng biết Kinh Thánh theo nghĩa mặt chữ là chưa đủ. Quả thật, Kinh Thánh trước hết là một phương thế để nhận biết quyền năng của Thiên Chúa hằng sống, vì Ngài tỏ mình ra trong đó như đã tỏ mình ra cho Môsê trong bụi gai bốc cháy. Trong mạc khải này, Ngài đã gọi chính mình là «Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob» [4] – tức là của những người tiên tổ của Môsê trong đức tin, một đức tin tuôn trào từ cuộc mạc khải của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả những người đó đã chết từ lâu; nhưng Đức Kitô tham chiếu đến các ngài với khẳng định Thiên Chúa «không là Thiên Chúa của kẻ chết, mà của kẻ sống». Khẳng định chìa khóa ấy ở trong bối cảnh Đức Kitô giải thích những lời nói với Môsê từ bụi cây bốc cháy, chỉ có thể được hiểu khi người ta chấp nhận một thực tại sự sống vượt trên cái chết. Các tổ phụ của Môsê, là Abraham, Isaac và Giacob, đối với Thiên Chúa là những người đang sống (x. Lc 20,38: «vì đối với Người tất cả đều đang sống»), thế nhưng theo các tiêu chuẩn của phàm nhân họ phải được kể như những người chết. Đọc lại Kinh thánh cho đúng đắn, và nhất là những lời của Thiên Chúa nói trên đây, là nhận thức và đón nhận trong đức tin quyền năng của Đấng Ban Sự Sống, Đấng không bị ràng buộc bởi luật sự chết thống lãnh lịch sử phàm trần của con người.
 
4. Như thế có lẽ chúng ta phải giải thích câu trả lời của Đức Kitô cho những người Sađđucêu về khả năng phục sinh [5], theo tường thuật của ba bản văn Nhất Lãm. Đành rằng sẽ đến lúc Đức Kitô trả lời cho câu hỏi đó bằng chính sự phục sinh của Người; thế nhưng lúc này đây, Người nhắc đến bằng chứng của Cựu ước khi cho thấy chân lí về sự bất tử và phục sinh được khám phá ra ở đó. Cần phải làm như thế mà không chỉ dừng lại ở vang âm của lời lẽ, trái lại cần vươn tới quyền năng của Thiên Chúa mà những lời ấy biểu lộ. Nhắc tới Abraham, Isaac và Giacob trong cuộc thần hiện cho Môsê ấy được đọc thấy trong Sách Xuất Hành (3,2-6), là một bằng chứng Thiên Chúa hằng sống ban cho những ai đang sống «đối với Người»: tức là, cho những người đang sống bởi quyền năng của Người, cho dẫu trong chiều kích lịch sử họ phải được kể từ lâu rồi như ở trong số những kẻ đã chết.
 
5. Ý nghĩa đầy đủ của chứng từ này, chứng từ mà Đức Giêsu nại đến trong cuộc đối chất với những người Sađđucêu, có thể hiểu (luôn chỉ trong ánh sáng của Cựu ước) như sau: Đấng Hiện Hữu – Đấng đang sống và là Sự Sống – là nguồn mạch không ngừng tuôn chảy của hiện hữu và sự sống, như Ngài đã tự mạc khải mình từ «khởi thủy», trong sách Sáng thế (x. St 1-3). Dẫu cho, vì tội lỗi mà sự chết thể lí đã trở thành số phận của con người (x. St 3,19) [6], và dẫu cho con người bị cấm (x. St 3,22) đi vào con đường dẫn đến cây Trường Sinh (là một biểu tượng lớn của sách Sáng thế), nhưng Thiên Chúa hằng sống, trong khi kí kết Giao ước của Ngài với con người (Abraham, các Tổ phụ, Môsê, Israel), đã không ngừng canh tân chính thực tại Sự Sống trong Giao ước ấy, Ngài lại bộc lộ viễn ảnh Sự Sống ấy và theo một nghĩa nào đó Ngài lại mở ra con đường dẫn đến cây Trường Sinh. Cùng với Giao ước, sự sống vốn cónguồn mạch từ Thiên Chúa này được chia sẻ cho chính con người, là kẻ đã đánh mất lối đường dẫn đến cây Trường Sinh, và trong phạm trù lịch sử trần thế họ đã bị đặt dưới ách của sự chết.
 
6. Đức Kitô là lời cuối cùng của Thiên Chúa nói về luận đề này. Quả thật, Giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại được thiết lập với Người và nhờ Người, đã mở ra một viễn ảnh vô hạn cho Sự Sống: và lối đường dẫn tới cây Trường Sinh – theo kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa về Giao ước – được mạc khải cho mỗi con người trong sự viên mãn cuối cùng của nó. Đây sẽ là ý nghĩa của sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô, đây sẽ là chứng từ của mầu nhiệm phục sinh. Tuy nhiên, cuộc đổi thoại với những người Sađđucêu diễn ra trong giai đoạn tiền-phục-sinh của sứ vụ mêsia của Đức Kitô. Diễn tiến cuộc đối thoại theo Matthêu (22,24-30), Marcô (12,18-27), và Luca (20,27-36) cho thấy Đức Kitô – Người đã nhiều lần, nhất là trong khi nói với các môn đệ, nói về sự phục sinh của Con Người trong tương lai (x. vd. Mt 17, 9.23; 20,19 và ss.) – trái lại trong cuộc đối thoại với những người Sađđucêu Người không nhắc đến luận đề này. Lí do thì rõ ràng hiển nhiên. Cuộc đối thoại diễn ra với những người Sađđucêu, «là những người khẳng định không có sự sống lại» (như tác giả sách Tin mừng nhấn mạnh), nghĩa là họ nghi ngờ chính cái khả năng đó của Người, và đồng thời họ tự coi mình là những chuyên viên Kinh Thánh Cựu ước, và là những nhà chú giải Kinh Thánh đủ tư cách. Và vì thế mà Đức Giêsu liên hệ đến Cựu ước và trên cơ sở đó Người cho thấy rằng họ «không biết quyền năng của Thiên Chúa» [7].
 
7. Về khả năng phục sinh, Đức Kitô nại tới chính quyền năng song hành với chứng từ Thiên Chúa hằng sống, là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacob – và là Thiên Chúa của Môsê. Vị Thiên Chúa mà những người Sađđucêu «tước mất» đi quyền năng này không còn là Thiên Chúa đích thật của cha ông họ nữa, nhưng là một Thiên Chúa do họ đặt ra và giải thích. Ngược lại, Đức Kitô đã đến để làm chứng về Thiên Chúa của Sự Sống trong tất cả sự thật về quyền năng Ngài trải rộng trên đời sống con người.

Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
------------------------------
[1] Mặc dầu Tân ước không biết đến diễn ngữ «thân xác sống lại» (diễn ngữ này chỉ xuất hiện lần đầu tiên nơi thánh Clementê: trong 2 Clem 9,1 và nơi thánh Giustinô trong: Dial 80,5) và sử dụng diễn ngữ «kẻ chết sống lại», với ý nghĩa là con người toàn diện, tuy nhiên người ta có thể thấy trong nhiều bản văn của Tân ước niềm tin vào sự bất tử của linh hồn và tin vào cả sự hiện hữu của linh hồn bên ngoài thân xác (x. vd. Lc 23,43; Pl 1,23-24; 2Cr 5,6-8).
[2] Bản văn của Luca chứa một vài yếu tố mới mà các nhà chú giải còn đang tranh luận.
[3] Như ta biết, trong Do thái giáo thời bấy giờ người ta chưa hình thành rõ ràng một giáo thuyết về sự sống lại, mà chỉ có những lí thuyết khác nhau chủ trương bởi những trường phái riêng lẻ khác nhau.
Những người Pharisêu, thích xây dựng thứ thần học suy biện, họ nhìn thấy những lời ám chỉ về sự sống lại trong tất cả các sách của Cựu ước, đã phát triển mạnh giáo thuyết về sự sống lại. Tuy nhiên, họ hiểu sự sống lại mai sau theo kiểu còn trần tục và thô thiển, loan báo trước chẳng hạn sự tăng trưởng một vụ mùa lớn lao và sự sống phong nhiêu sau khi sống lại.
Còn những người Sađđucêu thì phản bác quan niệm đó, họ lập luận khởi đi từ tiền đề cho rằng Ngũ Thư không có nói đến cánh chung học. Cũng cần nhớ rằng trong thế kỉ thứ nhất qui điển các sách Cựu ước vẫn còn chưa được xác định.
Trong trường hợp đang được nói tới, những người Sađđucêu tấn công trực tiếp quan niệm của những người Pharisêu về sự sống lại. Quả thật, những người Sađđucêu nghĩ rằng Đức Kitô ủng hộ lập trường đó. Giải đáp của Đức Kitô điều chỉnh cả quan niệm của những người Pharisêu, và của cả những người Sađđucêu.
[4] Diễn ngữ này không có nghĩa là: «Thiên Chúa mà Abraham, Isaac và Giacob đã thờ kính», nhưng là: «Thiên Chúa Đấng đã chăm sóc đến các Tổ phụ và giải thoát họ».
Công thức đó xuất hiện lại trong sách Xuất Hành: 3,6; 3,15.16; 4,5, luôn luôn trong bối cảnh của lời hứa giải thoát Israel: danh của Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacob là bảo đảm của sự giải thoát này.
«Thiên Chúa của X đồng nghĩa với sự cứu vớt, giúp đỡ và là nơi ẩn trú cho Israel». Ý nghĩa tương tự có trong St 49,24: «Thiên Chúa của Giacob – Vị Mục Tữ và Tảng Đá của Israel – Thiên Chúa của cha ngươi sẽ phù trợ ngươi» (x. St 49,24-25; x. thêm St 24,27; 26,24; 28,13; 32,10; 46,3). X. F. Dreyfus OP, L’argument scripturaire de Jésus en faveur de la résurrection des morts (Mc 12,26-27), «Revue Biblique», 66 (1959), tr. 218.
Công thức : «Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacob» trong đó nêu lên cả ba tên Giáo phụ, trong chú giải của Do thái giaó hiện nay về Đức Giêsu, biểu lộ mối tương quan của Thiên Chúa với dân Giao ước như một cộng đoàn. X. E. Ellis, Jesus, The Sadducees and Qumran, «New Testament Studies», 10 (1963-64). tr. 275.
[5] Trong cách hiểu bản văn Tin mừng này của chúng ta hiện nay, lập luận của Đức Giêsu không chỉ liên hệ đến sự bất tử; quả thật nếu như các Tổ phụ hiện đang sống sau khi họ đã chết rồi nhưng trước cuộc phục sinh chung cuộc của thân xác, thì bằng chứng của Đức Giêsu liên hệ đến sự bất tử của linh hồn chứ không nói về sự phục sinh của thân xác.
[6] Ở đây chúng ta không dừng lại ở quan niệm sự chết theo nghĩa thuần Cựu ước, nhưng xem xét một nhân luận thần học trong tổng thể của nó.
[7] Đây là luận cứ quyết định xác nhận tính chân thực của cuộc tranh luận với những người Sađđucêu.
Nếu đoạn Kinh Thánh này là «được thêm vào sau bởi cộng đoàn kitô hữu thời hậu-phục-sinh» (như R. Bultmann đã nghĩ chẳng hạn), thì niềm tin vào sự phục sinh của thân xác sẽ được nâng đỡ bởi sự kiện phục sinh của Đức Kitô, đó là một yếu tố rất mạnh như thánh Phaolô chẳng hạn đã gíup ta hiểu điều đó (x. 1Cr 15,12).
X. J. Jeremias, Neutestamentliche Theologie, I Teil, Mohn, Gutersloh 1971; hơn nữa x. I.H. Marshall, The Gospel of Luke, The Paternoster Press, Exeter 1978, 738.
Khi tham khảo Ngũ Thư – đang khi trong Cựu ước có những bản văn khác nói trực tiếp đến sự phục sinh (ví dụ như Is 26,19 hoặc Đn 12,2) – người ta thấy rằng cuộc đối thoại thực sự đã diễn ra với những người Sađđucêu, là những kẻ cho rằng chỉ Ngũ Thư là duy nhất có thẩm quyền quyết định.
Cấu trúc của cuộc tranh luận biểu lộ đây là một tranh luận giữa các bậc thầy Kinh Thánh, theo những mô hình cổ điển giới học thuật bấy giờ đang vận hành. X. J. Le Moyne OSB, Les Sadducéens, Gabalda, Paris 1972, 124 t.; E. Lohmeyer, Das Evangelium des Markus, Göttingen 195915, 257; D. Daube, New Testament and Rabbinic Judaism, London 1956, 158-163; J. Rademakers SJ, La bonne nouvelle de Jésus selon St Marc, Institut d’Etudes Théologiques, Bruxelles 1974, 313.