Theo dấu vết đức tin trên núi Tabor
Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Matthêu (17, 1-8), theo Thánh Marcô (9,2-13), và theo Thánh Luca (9, 28-33) viết thuật lại quang cảnh Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ Pherô, Gioan và Giacôbê lên núi cao. Trên đỉnh núi Chúa Giêsu biến hình với hai vị Tiên tri Maisen và Elija.
Phúc âm không nói đến tên ngọn núi nào. Nhưng theo truyền thống và khoa khảo cổ nghiên cứu đó là ngọn núi Tabor.
1. Ngọn núi Tabor
Núi Tabor cao 558 mét trên mặt nước biển ở vùng miền Galilea phía Bắc nước Do Thái. Ngọn núi này cao hơn mặt đất ruộng vùng dưới chân núi 300 mét.Từ xa ngọn núi có hình thế như một qủa đồi có cấu trúc một qủa cầu hình tròn. Theo phỏng đoán ngọn núi được hình thành do phún xuất thạch của núi lửa phun ra từ thời cổ xa xưa tồn đọng lại, mặc dù đá ở đây là loại đá vôi.
Vào mùa Xuân thảo mộc cây hoa huệ nhiều thứ loại mọc trổ bông hoa nơi đây rất đẹp.
Từ trên cao đỉnh núi người ta có thể quan sát nhìn toàn cảnh xung quanh rất hùng vĩ thơ mộng. Có thể vì đó, nơi đây thời xa xưa cũng là nơi thờ tự kính thần linh của người Canaan. Và ngọn núi này cũng có xây tường thành lũy để bảo vệ thành phố làng mạc xung quanh bên dưới. Dấu vết này người ta tìm thấy ở khắp nơi trong vùng này kéo dài ngược về thời trước tới năm 7000 trước Chúa giáng sinh.
Theo sách Kinh Thánh, sau khi dân Do Thái về đến miền đất Chúa hứa từ Ai Cập trở về, ngọn núi này là trở thành ranh giới giữa chi tộc Sebulon, chi tộc Issacha và chi tộc Neptali - (Sách Giosua 19,10/34). Với họ ngọn núi này là nơi thánh thờ tự, họ mang lễ vật hiến lễ đến đây hiến tế thờ kính thần thánh- (Sách Dân số 33,19). Ngôn sứ Hosea lên án tục lệ thờ cúng này, vì nó mang gây ra sự tách ly chia rẽ ,và còn chứng tỏ sự ăn chơi tội lỗi - (Sách Hosea 5, 1).
Tác giả Thánh Vịnh 89,13 đã nói đến tên núi Tabor cùng với núi Hermon như hình ảnh của tất cả mọi núi trên mặt đất. Còn Ngôn sứ Gieremia so sánh nó với sự vượt trội về sức mạnh của quân Nabukadnesa trên quân thù (Giêremia 46,18) .
2. Tabor, nơi thờ tự
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết một thánh địa được xây dựng trên núi Tabor có từ thời thế kỷ 4. hoặc thứ 5., và cả những di tích nơi thờ kính thần thánh của người Canaan ngày xưa đã xây ở đây còn lưu sót lại.
Cũng có một vài chứng minh cổ xưa còn cho rằng nơi đây Thánh nữ Helena có thể đã xây một đền thờ. Những người hành hương hồi thế kỷ 6 và 7 còn nói đến ba vương cung thánh đường đã được xây ở đây. Ba vương cung thánh đường nhắc nhớ đến lời Thánh Phêrô xin làm ba lều, khi chứng kiến thấy cảnh Chúa Giêsu biến hình cùng với Tiên tri Maisen và Elija.
Người ta cũng thuật lại nơi đây ngày xưa có thời là nơi các vị Tu sỹ đến hội họp sinh sống. Và ngày nay còn tìm thấy một bức tranh khắc ráp theo hình thể Mosaic trên nền nhà vào thời xa xưa đó.
Năm 533 sau Chúa giáng sinh Công đồng Constantinople họp trên núi Tabor. Năm 808 sau Chúa giáng sinh 18 Tu sỹ cùng với Giám mục Theophanes đến đây cư ngụ chăm sóc ngôi thánh đường trên núi Tabor.
Năm 1101 sau Chúa giáng sinh các Tu Sỹ Dòng Bênêđictô đến xây dựng lập Dòng sinh sống tu trì, xây đền thờ trên núi Tabor. Nhưng khoảng từ năm 1212 sau Chúa giáng sinh, quân Sarazenen đến xâm chiếm nhà Dòng. Họ xây thành lũy chống kẻ thù. Sau đó những tín hữu Chúa Kitô được phép nhận lại đất địa nơi đây. Đến 1263 sau Chúa giáng sinh quân của Sultan Bibars đến xâm chiếm và phá hủy toàn bộ cơ sở.
Từ thời điểm này núi Tabor hoàn toàn bỏ trống cho đến 1631 sau Chúa giáng sinh các Tu Sỹ Dòng Phanxicô đến lập nhà Dòng, xây vương cung thánh đường trên ngọn núi này vào năm 1924.
3. Vương cung thánh đường Chúa biến hình
Trên đỉnh núi một đại lộ rộng lớn có cổng dẫn vào vương cung thánh đường Chúa biến hình được Dòng Phanxicô xây dựng năm 1924 theo hình dạng ba cánh hình con thuyền trên nền tảng của nền đền thờ cũ.
Ngoài mặt tiền vương cungthánh đường có một vòng cung ở giữa hai tháp vươn cao làm thành như một bức tường có ba phần vươn lên trời. Hình ảnh này như chào đón khách hành hương đến viếng đền thờ, và đồng thời cũng nhắc gợi tâm trí nâng tâm hồn lên cao. Ba hình vòng cung mặt tiền ngoài đền thờ nhắc nhớ đến Chúa Giêsu biến hình đàm đạo với hai Tiên Tri Maisen và Elija trên núi này.
Trong vương cung thánh đường ở hai bên phía cuối có hai nhà nguyện nhỏ, một kính Thánh Tiên tri Maisen ở bên trái và một ở bên phải kính Thánh Tiên Tri Elija. Phía cung thánh là bàn thờ kính Chúa Giêsu biến hình. Trên trần cung thánh có hình khắc mầu vàng sáng chói vẽ quang cảnh Chúa Giêsu biến hình đang nói chuyện với hai Thánh Tiên tri và sự hiện diện của ba môn đệ Phero, Gioan và Giacôbê.
4. Thời điểm và mối tương quan
Phúc âm theo Thánh Matthêu và Marcô nói 6 ngày sau đó Chúa Giêsu mang theo ba môn độ lên núi. Còn Thánh Luca viết 8 ngày sau đó. Thời gian sáu hay tám ngày cho ta thông tin vào dịp tuần lễ Sukkot - lễ Lều trại của nười Do Thái- Và như thế Chúa biến hình vào ngày sau cùng của lễ Sukkot.
Lễ Sukkot - Lễ Lều trại - theo số nhiều là Sukka, của người Do Thái là một trong ba lễ hành hương trong đạo Do Thái . Lễ mừng này diễn ra vào mùa Thu trong tháng 9. hoặc tháng 10. và kéo dài 7 ngày, từ ngày 15. đến ngày 21 tháng Tischri tháng thứ bảy theo niên lịch Do Thái. Lễ Sukkot, lễ Lều trại, năm 2015 sẽ diễn ra từ ngày 28. tháng chín đến 04. tháng mười.
Biến cố Chúa Giêsu biến hình trong mối liên quan với lễ Sukkot của đạo Do Thái nói lên tất cả lễ mừng trong đạo Do Thái đều có bao gồm khía cạnh: đến từ niềm tin thiên nhiên, nói về Đấng Tạo Hóa và công trình sáng tạo, nhắc nhớ đến việc Thiên Chúa làm và sau cùng đưa đến lễ niềm hy vọng Thiên Chúa đến. Ngài đến để hoàn thành công việc cứu chuộc cùng mang lại sự hòa giải với toàn thế công trình sáng tạo.
Những biến chuyển lớn trong cuộc đời Chúa Giêsu đều có liên quan mật thiết tới lễ mừng trong đạo Do Thái. Trong nghi lễ phụng vụ của đạo Do Thái ý tưởng về sự mong đợi, sự sống luôn đóng vai trò chính yếu trung tâm.
Cũng có suy diễn cho rằng biến cố biến hình của Chúa Giêsu thời Tân ước đối chiếu với biến cố lên núi của Tiên Tri Maisen ngày xưa thời Cựu ước trên núi Sinai như trong sách Xuất hành 24, 16 thuật lại - Hình ảnh này được vẽ trên tường chung quanh nhà nguyện Sixtina ở Vatican, một bên là những hình ảnh biến cố thời Cựu Ước và một bên đối diện là những biến cố thời Tân ước với Chúa Giêsu - trong số đó có quang cảnh biến cố cảnh Maisen lên núi Sinai nhận bản Lề luật của Thiên Chúa và hình ảnh cảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor.
Tiên tri Maisen lên núi Sinai theo lệnh của Thiên Chúa với ba cộng sự viên Aaron, Nadab và Abihu. Chúa Giêsu lên núi Tabor với ba môn đệ Phero, Gioan và Giacôbê.
5. Những ngọn núi và cuộc đời Chúa Giêsu
Phúc âm thuật lại, Chúa Giêsu sinh ra trong hang chuồng súc vật ngoài cánh đồng Bethlehem. Nhưng cuộc đời rao giảng và chết sống lại cùng lên trời của Chúa Giêsu lại gắn liền với núi đá cao.
Ngài ăn chay nơi thanh vắng ở hoang địa sa mạc, nhưng lại bị ma qủy đưa lên núi cao dụ dỗ. Bài giảng đầu tiên Tám mối phúc thật Chúa Giêsu giảng từ trên núi cao, ngài thường tìm lên núi cầu nguyện, biến hình trên ngọn núi Tabor, trong núi vườn cây dầu hấp hối lo buồn đổ mồ hôi máu, bị đóng đinh chịu tử hình trên núi sọ Golgotha và sau cùng sống lại lên núi cao trở về trời cùng Thiên Chúa Cha.
Song song trước đó trong thời Cựu ước là những ngọn núi Sinai, Horeb, Morija, là những ngọn núi mạc khải và đồng thời nói về ngọn núi đền thờ.
Như thế núi là hình ảnh nói về nơi chốn đi lên, không phải chỉ khung cảnh hình thức bên ngoài, nhưng mang sâu đậm ý nghĩa thâm sâu của nội tâm. Núi cao như hình ảnh sự giải thoát khỏi những gánh nặng trong đời sống hằng ngày, trên núi cao người ta hít thở không khí trong lành của công trình thiên nhiên, từ trên núi cao người ta có tầm nhìn bao quát xa rộng của cảnh thiên nhiên và vẻ đẹp của nó rõ hơn.
Thánh sử Luca, người duy nhất viết tường thuật: „Đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện, ngài biến hình. mặt ngài sáng chói, áo ngài trắng như tuyết.“ (Lc 9,29). Như thế cuộc biến hình là một biến cố cầu nguyện.
Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha. Tâm hồn ngài kết hợp với Thiên Chúa Cha. Trong sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha, Đấng là ánh sáng tinh ròng, Chúa Giêsu đã trở thành ánh sáng, trong ánh sáng Thiên Chúa và trong ánh sáng của chính ngài là Con Thiên Chúa.
Ngày xưa Tiên tri Maisen lên núi Sinai gặp gỡ Thiên Chúa, khi xuống núi „ da mặt ông chiếu sáng“ ( Sách Xuất hành 34,29). Do được nhìn thấy cùng nói chuyện với Thiên Chúa, ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa trên ông, và làm cho ông trở nên sáng chói.
Như thế có thể nói, từ bên ngoài ánh sáng chiếu trên Maisen làm cho ông thành ánh sáng chiếu tỏa ra. Còn Chúa Giêsu thì không vậy, Ngài chiếu sáng từ trong thâm tâm tâm hồn của chính ngài ra bên ngoài. Ngài không chỉ tiếp nhận ánh sáng từ Thiên Chúa, mà chính ngài là ánh sáng bởi ánh sáng.
Áo Chúa Giêsu trở nên trắng sáng chói lúc biến hình là hình ảnh diễn tả tương lai ơn cứu độ của con người chúng ta. Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan, áo trắng là hình ảnh diễn tả bản chất của nước trời, áo của các Thìên Thần trên trời, áo của của những người được Chúa cứu độ. Áo của những người được cứu độ trắng tinh ròng , vì họ được tắm rửa trong máu Con Chiên. ( Kh 7,14.)
Hình ảnh này nhắc nhớ đến tấm áo trắng ngày nhận lãnh Bí Tích rửa tội. Qua Bí tích rửa tội được cùng liên kết với sự thương khó của Chúa Giêsu. Và sự thương khó khổ nạn của Chúa Giêsu thanh tẩy họ trở nên trong trắng tinh tuyền khỏi vết nhơ tội lỗi. Qua bí tích rửa tội chúng ta được cùng với Chúa Giêsu Kitô mặc chiếc áo trắng ánh sáng tinh tuyền và trở thành ánh sáng.
Phúc âm thuật lại Thánh Phero sau khi ngủ mê bừng tỉnh nói với Chúa Giêsu „ Thưa Thầy, ở đây thật hay. Chúng con xin dựng ba lều, một cái cho Thầy, một cái cho Maisen và một cái cho Elija“.
Tại sao Thánh Phero lại nói đến những chiếc lều mà không nói đến điều gì khác hơn nữa?
Như đã nói, cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi cao Tabor trùng vào ngày chót của lễ Sukkot, lễ lều trại, trong đạo Do Thái. Ngày lễ này theo sách Levi 23, 41- 43 nói rõ“ Các ngươi phải mừng lễ Sukkot, lễ Lều trại, như một lễ kính Đức Chúa trong vòng bảy ngày mỗi năm: đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi. Vào tháng thứ bảy, các ngươi phải mừng lễ đó . Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải ở trong lều bằng cành cây, mọi người bản xứ tại Israel phải ở trong lều bằng cành cây, để các thế hệ của các ngươi biết rằng Ta đã cho con cái Israel ở trong lều bằng cành cây, khi ta đưa chúng ra khỏi đất Ai Cập. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.“
Lễ lều trại với những chiếc lều làm bằng cành cây thiên nhiên không chỉ nhắc nhớ đến kỷ niện biến cố bảo vệ gìn giữ của Thiên Chúa cho dân Do Thái ngày xưa đi trong sa mạc, nhưng còn nói đến điều quan trọng hơn nữa về một lễ lều trại tương lai sau này cho mọi người trong thời gian đang tới, mà nơi đó họ được cứu thoát cư ngụ. Như vậy lễ Lều trại nói lên đặc tính về một ý nghĩa thời gian cứu độ ngày sau cùng.
Thánh Phêrô người Do Thái cùng là tín hữu theo đạo Do Thái chắc chắn đã biết cùng hiểu ý nghĩa đạo đức thần học của lễ Sukkot, lễ Lều trại, mà Ông cùng với Chúa Giêu vừa mừng.
Ông cũng vừa trước đó mấy ngày đã nói lên lòng tin của mình, khi ông tuyên xưng công khai Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa với Thầy mình.
Ông cũng thấu hiểu nhận ra trong thâm tâm thời giờ đấng cứu độ đang đến. Vì thế lễ Sukkot, lễ Lều trại, là hình ảnh gương mẫu cho tâm trí ông đang trong lúc ngây ngất được chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của Chúa Giêsu. Nên ông đã có suy nghĩ và nói đến dựng ba chiếc lều. Đó là những chiếc lều công trình sáng tạo của Thiên Chúa, những chiếc lều lịch sử ơn cứu độ và những chiếc lều niềm hy vọng.
Lời nói của Phero xin làm ba Lều không là bộc trực ngẫu hứng do cảm tính. Nhưng là kết qủa của một đời sống từ một con người có tâm hồn đạo đức yêu mến những gì có liên quan đến việc làm ơn cứu độ của Thiên Chúa đã, đang cùng sẽ mang lại ảnh hưởng sâu rộng tích cực cho đời sống con người.
***************
Trên núi Sinai, Thánh tiên tri Maisen tiếp nhận bản Lề Luật, Thora, của Thiên Chúa cho dân Israel trong thời Cựu Ước.
Còn trên núi Tabor chính Chúa Giêsu tỏ mình ra là Thora, sách Lề Luật thời Tân ước cho toàn thể nhân loại.
Trên núi Sinai, Thiên Chúa đã mặc khải cho Maisen bản Lề Luật của Người truyền cho dân Israel. Họ phải căn cứ theo luật này mà sống.
Trên núi Tabor biến hình, Chúa Giêsu mạc khải cho ba môn đệ không chỉ vinh quang của Thiên Chúa, nhưng còn về cuộc xuất hành chịu khổ nạn thương khó của Ngài bắt đầu ở Giêrusalem. Cuộc thương khó khổ nạn của ngài mang lại ơn cứu chuộc niềm hy vọng cho mọi con người. Và Thiên Chúa Cha trên núi này đã mặc khải cho ba môn đệ biết về Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài.
Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị, khi còn sinh thời đã lập ra nguyện ngắm sự sáng trong cho chuỗi tràng hạt mân côi:
„Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
********************
Lấy cảm hứng từ:
- Joseph Ratzinger BENEDIKT XVI. JESUS von Nazareth I., Herder Fr. im Bresgau 2007, Chương hai trang 353 - 365.
- Heinz Schuermann, Das Lukasevangelium, chương 1,1-9,50, Sonderausgabe, Herder i. Bresgau 1984.
- Nguyễn tầm Thường, Kẻ đi tìm, 34 bài suy niệm trên đường đi, in lần thứ hai 2009, chương 25. và 26. về Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor.