Bảy Bài Giáo Lý của Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2018: Bài 3. Giấc Mơ Vĩ Đại Của Thiên Chúa

Bảy Bài Giáo Lý của Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2018: Bài 3. Giấc Mơ Vĩ Đại Của Thiên Chúa

BÀI GIÁO LÝ THỨ 3

 Giấc Mơ Vĩ Đại Của Thiên Chúa
“CHA MẸ KHÔNG BIẾT LÀ CON CÓ BỔN PHẬN Ở NHÀ CHA CON SAO?” 

                                                                                                                 (Lc 2, 49).

Đối với tín hữu chúng ta, Đức Lang quân của Hội thánh luôn luôn tuyệt mỹ. Người tuyệt mỹ như Thiên Chúa, vì Ngôi Lời chính là Thiên Chúa; trong cung lòng Đức Trinh Nữ, Người mặc lấy bản tính nhân loại mà vẫn không mất đi bản tính Thiên Chúa: Ngôi Lời hài nhi tuyệt mỹ khi sinh ra; vì chính Hài nhi bú sữa mẹ và nằm trong cánh tay mẹ này lên tiếng cho các tầng trời, khiến cho các thiên thần phải ca ngợi vinh quang Người; một vì sao chỉ lối cho các Đạo sĩ tìm đường đến hang đá nơi Người sinh ra để thờ lạy Người. Người là lương thực cho những kẻ an hòa. Người tuyệt mỹ trên trời và tuyệt mỹ dưới đất; tuyệt mỹ trong cung lòng khiết trinh, tuyệt mỹ trên đôi tay mẹ hiền; tuyệt mỹ trong những phép lạ và tuyệt mỹ khi bị đánh đòn; tuyệt mỹ khi Người mời gọi chúng ta đến với Người, tuyệt mỹ khi Người coi thường cái chết; tuyệt mỹ khi Người trút linh hồn, và tuyệt mỹ khi Người lấy lại linh hồn ấy; tuyệt mỹ trên thập giá, tuyệt mỹ trong mộ đá, tuyệt mỹ  trên trời. Hãy nghe thánh thi này để hiểu được điều ấy, và để cho tật nguyền của thân xác không khiến cho mắt bạn không nhìn thấy được vẻ huy hoàng và tuyệt mỹ  của Đức Lang quân. Vẻ đẹp huy hoàng và chân thực, chính là đức công chính : ngay khi ngươi khám phá ra sự bất chính, thì mắt ngươi sẽ không còn thấy chi là mỹ miều nữa; vậy nếu Người luôn công chính, thì hẳn Người luôn tuyệt mỹ.
(Thánh Augustinô, Chú giải các Thánh vịnh, 44,3).

“Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (Lc 2, 49) là những lời duy nhất của Chúa Giêsu ở tuổi 12 mà các sách Tin Mừng ghi chép lại cho chúng ta.
Không có một lời cảm thán, một tuyên bố hay một lời đơn sơ nào khác ở vào tuổi này của Người. Rõ ràng chúng ta đang gặp thấy một lời phát biểu khá phức tạp mà thoạt vừa nghe gần như đã khiến ta nghĩ đến một sự thiếu tôn trọng của Đức Giêsu đối với Thánh Giuse và Đức Maria; dường như Người ngạc nhiên và bực mình vì cha mẹ Người lẽ ra phải biết là Người sẽ nán ở lại trong Đền thờ của Thiên Chúa mà không cần phải báo cho các ngài hay. Thực ra, đằng sau những lời ít nhiều bí nhiệm này, có ẩn chứa mầu nhiệm làm Con của Người và chính nơi Người mầu nhiệm làm con của mỗi con người chúng ta, vì mỗi một trong số những con người nhỏ bé này, ngay trước khi được dệt nên hình nên dạng trong cung lòng mẹ, ngay cả trước khi được mong muốn bởi cha mẹ (và cũng biết bao lần không được mong muốn vì đã xuất hiện ngoài dự tính của con người), thì đã được mong muốn từ muôn thuở trong lòng Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết như vậy: “Mọi con trẻ hình thành trong lòng mẹ đều bởi ý định và tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa Cha : “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1, 5). Mỗi đứa trẻ tự muôn đời đã có một chỗ ở trong trái tim Thiên Chúa, và vào chính lúc nó được thụ thai là lúc giấc mơ vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa trở thành hiện thực. Chúng ta hãy nghĩ đến giá trị của cái bào thai từ giây phút bắt đầu được hình thành! Cần phải nhìn nó bằng chính ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha, vượt trên mọi dáng vẻ bên ngoài”(AL 168). Chẳng những Chúa Giêsu, trong tư cách Con Thiên Chúa, được kêu gọi chăm sóc những công trình của Cha Ngài, nhưng mỗi con trẻ, không bao giờ là vật sở hữu của cha mẹ chúng, đều thuộc về Cha trên trời, vốn từ đời đời có một giấc mơ rất lớn lao và độc đáo cho nó vượt hẳn trí tưởng và mọi kỳ vọng của mọi cha mẹ trần gian của nó. Cho nên, câu hỏi căn bản là sau đây: đâu là giấc mơ của Thiên Chúa đối với mỗi con người? Thực sự Thiên Chúa mơ ước về điều gì  cho mỗi một con trẻ của Ngài có thể làm cho đời mình tốt đẹp và độc đáo ? Với một tính cách tức thời và thâm thúy đặc biệt, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đáp lại câu hỏi này : “Con người không thể nào sống không có tình yêu. Nếu không có tình yêu, nó sẽ trở thành một hữu thể không tài nào hiểu được, cuộc đời sẽ vô nghĩa nếu nó không nhận lãnh được mạc khải của tình yêu, nếu nó không gặp được tình yêu, nếu nó không được trải nghiệm về tình yêu, nếu nó không sở hữu được tình yêu, nếu nó không tham gia mãnh liệt vào tình yêu” (Redemptor hominis 10). Giải đáp này nói rất đúng về mạc khải của tình yêu, về sự gặp gỡ được tình yêu, về sự trải nghiệm và về cả sự tham gia của tình yêu, điều này cho thấy rằng hơn là một phương châm ở trong tâm hồn hay một tác động quên mình hy sinh, tình yêu được hiển thị, được gặp gỡ, được trải nghiệm và tham gia chính là  một Nhân vị cụ thể, một Nhân vị sống động, đó chính là bản thân Chúa Kitô vốn “trong àkhi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, cũng giúp con  người thấu hiểu đầy đủ về chính bản thân mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình” (Gaudium et Spes 22). Thiên Chúa không có một giấc mơ tình yêu trừu tượng hay bình dị về mỗi người chúng ta đâu. Nơi Con của Ngài, nơi Đấng đã trả lời và gây sững sờ cho Thánh Giuse và Đức Maria rằng mình còn phải lo những công việc của Cha mình, mạc khải cho ta con đường tình yêu đích thực. Và tình yêu có ngôn từ riêng, có cách biểu lộ độc đáo riêng, có cách hóa thân riêng. Cách nào? Thưa : ngôn từ của hôn phối! Chính vì thế Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố rằng chỉ duy “ hôn nhân xây dựng trên tình yêu độc chiếm và vĩnh viễn mới trở thành biểu tượng cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Ngài cũng như ngược lại : cung cách yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo  tình yêu thương của con người” (Deus caritas est 11). Thực ra, có một “tầm vóc bao la về ý nghĩa của chữ ‘yêu thương’ : người ta nói đến tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đối với nghề nghiệp, tình yêu thương giữa bằng hữu, lòng yêu thích lao động, tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, tình yêu thương giữa anh chị em và họ hàng thân thích, tình yêu thương tha nhân và tình yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên, giữa muôn vàn ý nghĩa ấy, tình yêu thương giữa người nam và người nữ, trong đó thể xác và tâm hồn liên kết một cách bất khả phân ly và hé mở cho con người một hứa hẹn hạnh phúc không tài nào cưỡng lại được, xuất hiện như mẫu mực của tình yêu tuyệt hảo, trước mẫu hình đó, ngay từ cái nhìn đầu tiên, mọi mẫu hình yêu thương khác đều ra lu mờ” (Deus caritas est 2). Chính tình yêu phối ngẫu giữa nam và nữ hé lộ cho ta sự tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô. Đó chính là ngôn từ dấu ẩn một Mầu Nhiệm thực sự Vĩ Đại. Chỉ nguyên nghĩ tưởng đến việc Thiên Chúa đã lấy tình yêu này để mạc khải trái tim của Ngài cho nhân loại, đã là công bố một phần chân lý của mầu nhiệm này rồi. Hiển nhiên là khi đọc trọn bộ Sách Thánh, nhất là các sách Ngôn sứ, chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa thường hay dùng ngôn từ  của hôn nhân để diễn tả và mạc khải tương quan đặc thù của Ngài với dân Israel Ngài tuyển chọn. Nhưng, trước cả điều đó nữa, không phải chỉ theo chiều kích thời gian nhưng còn là, và nhất là, theo thần học, trong mầu nhiệm Thiên Chúa còn có một chân lý cao cả hơn nhiều ; Thiên Chúa không tham gia vào tình yêu hôn phối để mạc khải chính mình vì, từ đời đời, tình yêu hôn phối là mạc khải nguồn cội dung nhan Thiên Chúa.“Đôi vợ chồng yêu thương và sinh sản đích thực là ‘tác phẩm điêu khắc’ sống động (không phải ngẫu tượng điêu khắc bằng đá hay bằng vàng mà Thập giới cấm ngặt), có thể biểu tỏ được Thiên Chúa – Đấng sáng tạo và cứu độ. […] Dưới ánh sáng này, mối quan hệ phong nhiêu của đôi vợ chồng trở thành một hình ảnh để khám phá và diễn tả mầu nhiệm của Thiên Chúa, nền tảng trong cái nhìn Kitô giáo về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chiêm ngắm Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần Tình Yêu. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy. […] Khía cạnh tam vị này nơi cặp vợ chồng có một hình ảnh mới mẻ trong thần học của Thánh Phaolô” (AL 11). Khi Tông đồ Phaolô viết trong thư gửi tín hữu ở Êphêsô : “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả : tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh!” (Ep 5, 31-32), ngài tuyên bố rằng nơi tạo vật Ađam và Evà, nơi hữu thể được tạo dựng nên để hình thành nên chỉ một thân mình, Thiên Chúa từ muôn thuở đã nghĩ đến Mầu Nhiệm Vĩ Đại này nơi Đức Kitô và Hội Thánh. Từ tạo thiên lập địa, trước cả khi tạo dựng nên Ađam và trước khi lấy một xương sườn rồi phủ thịt lên để tạo dựng Evà, Thiên Chúa đã nhìn thấy Giấc Mơ Vĩ Đại của Ngài rồi, Mầu Nhiệm Vĩ Đại Chúa Kitô và Hội Thánh, được mạc khải cho chúng ta hôm nay nơi Con của Ngài. Đó là lý do khiến Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định với niềm xác tín rằng “muốn lập gia đình là quyết định tham gia vào giấc mơ của Thiên Chúa, là chọn ước mơ với Ngài, là muốn xây dựng với Ngài, là tham gia với Ngài trong sự nghiệp kiến tạo một thế giới trong đó không có ai cảm thấy cô đơn” (AL 321). Mầu Nhiệm Vĩ Đại này không phải là một lý tưởng hay một chân lý, nhưng là một biến cố thực sự mang một hình thức rõ rệt,Thập giá ; không có ai bao giờ nghĩ đến điều đó, tuy nhiên Thập giá không ngừng hiện diện với chúng ta, trong đời sống chúng ta, luôn luôn mới mẻ và sáng tạo. Thế nào? Ở đâu? Khi nào? “Đôi vợ chồng là lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội Thánh về điều đã xảy ra trên thập giá; họ là chứng nhân cho nhau và cho con cái về ơn cứu độ mà bí tích làm cho họ được dự phần” (FC 13 được dẫn lại trong AL 72). Tất cả điều này xóa bỏ cái nhìn và tình cảm rất phổ biến, đặc biệt nông cạn và sai lạc về bí tích hôn phối; bí tích này không thể được hiểu và sống như “một quy ước xã hội, một nghi thức trống rỗng, hay chỉ là dấu hiệu bề ngoài của một thứ cam kết. Bí tích này là một ân ban nhằm thánh hóa và cứu độ cho đôi phối ngẫu, vì “cùng thuộc về nhau, họ thể hiện thực sự, nhờ dấu chỉ bí tích, mối quan hệ của Chúa Kitô với Hội Thánh của Người“(AL 72). Vì chúng ta nói về Mầu Nhiệm Vĩ Đại mà ngôn từ nhân loại không bao giờ có thể diễn tả đầy đủ được chiều sâu, chiều rộng, chiều cao và sự vĩ đại của Mầu Nhiệm này, nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết bằng một ngôn từ trực tiếp hơn, rằng “bí tích không phải là một “sự vật” hay một “sức mạnh” nào đó, vì thực ra chính Đức Kitô “đến gặp gỡ các đôi vợ chồng kitô hữu qua Bí tích Hôn phối. Người ở lại với họ, ban cho họ sức mạnh để vác thập giá mình mà bước theo chân Người, để trỗi dậy sau mỗi lần quỵ ngã, tha thứ cho nhau, và mang lấy những gánh nặng của nhau”. Hôn nhân Kitô giáo là một dấu chỉ không chỉ cho thấy Đức Kitô đã yêu Hội Thánh của Người biết bao qua Giao ước được đóng ấn trên Thập giá, mà còn làm cho tình yêu ấy hiện diện trong mối hiệp thông của các đôi vợ chồng” (AL 73). Tình yêu của Đức Kitô hiến mình trên Thập giá cho Hội Thánh cũng chính là tình yêu của các đôi bạn và ngược lại. Đây chính là sự thực hiện phương trình đặc biệt, mà nếu người ta bỏ thời giờ ra suy nghĩ thì sẽ phải rùng mình khiếp sợ. Những cặp vợ chồng được mạnh mẽ nhờ ơn bí tích hôn phối yêu thương nhau một cách thánh thiện, yêu thương nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã gặp lại viễn điểm tình yêu Ngài ở đâu? “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một của Ngài” (Ga 3, 16). Đôi vợ chồng thể hiện và tỏ cho mọi người biết sự điên cuồng của tình yêu Thiên Chúa. Như ĐTC Phanxicô đã tuyên bố: “toàn thể đời sống chung của đôi vợ chồng, toàn thể những mối quan hệ họ dệt nên giữa họ, với con cái họ và với thế giới, tất cả sẽ được thấm nhuần và củng cố trong ân sủng của bí tích, phát khởi từ mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua, trong đó Thiên Chúa biểu lộ tất cả tình yêu của Ngài đối với nhân loại và tình yêu đó đã kết hiệp thâm sâu với nhân tính. Họ sẽ không bao giờ đơn độc, hay chịu thu mình vào sức riêng của họ mà đương đầu với các thánh đố xuất hiện trên đường đời. Họ được mời gọi đáp lại ơn huệ Thiên Chúa bằng sự dấn thân, sáng tạo, kiên trì, và chiến đấu hằng ngày, nhưng họ luôn có thể khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Đấng đã thánh hiến mối kết hợp của họ, để ân sủng mà họ nhận lãnh được thể hiện không ngừng trong mỗi hoàn cảnh mới” (AL 74).Cho dù tình yêu của họ là một “dấu chỉ không hoàn hảo của tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh” (AL 72),“sự so sánh loại suy giữa người chồng và người vợ […] là một so sánh loại suy bất toàn” (AL 73), vì hôn nhân, dẫu là cuộc hôn nhân thành công nhất, tự hào nhất và thánh thiện nhất, cũng không thể và cũng chẳng bao giờ phải là sự hoàn tất của một con người. Nguyên cớ của biết bao nỗi khổ đau gia đình chính là điều này : cứ cho rằng - như rất thường nghe nói ngày nay- hôn nhân là sự thực hiện một đích điểm chung cuộc con người hằng mơ ước. Không phải là tình yêu hôn nhân cùng với người phối ngẫu đưa chúng ta tới hạnh phúc con người, vì chẳng có người phối ngẫu nào mà không có giới hạn, yêu đuối hay những sự mỏng giòn, và do đó, có khả năng đáp ứng những mong chờ lớn lao của tình yêu mà một con người có thể có. Hôn nhân không bao giờ là một kết thúc, nhưng “trong những niềm vui của tình yêu và của đời sống gia đình, Thiên Chúa ban cho họ được nếm trước  tiệc cưới Con Chiên ngay từ đời này” (AL 73). Như vậy, các đôi vợ chồng được an bài không phải cho cuộc hôn nhân trần thế đâu, nhưng là cho cuộc hôn nhân vĩnh cửu : tiệc cưới của Đức Kitô Lang Quân với Hội Thánh Hiền Thê của Người. Khi đánh mất phương hướng cơ bản này, chính giao ước hôn nhân sẽ mất đi ý nghĩa và tính bền vững của mình. Chính cái vĩnh cửu đem lại sự thích thú và hương vị cho cái phàm nhân, nhưng nếu không có sự quy chiếu này thì tất cả sẽ trở thành vô vị và lạc hướng, gây nên những khủng hoảng giữa đời sống vợ chồng và gia đình liên miên không sao thoát khỏi được. Hôn nhân chỉ là món khai vị của hạnh phúc, chứ không phải là chính hạnh phúc. Bạn mong muốn hạnh phúc ư ? Bạn đừng cố sức xây dựng một chỗ cư ngụ vĩnh cửu trong hôn nhân để rồi tìm kiếm nó. Đây chính là cánh cửa đích thực đưa đến con đường dẫn ta tới niềm vui tràn đầy, nhưng dừng lại ở cánh cửa là liều mình không bao giờ được dự tiệc cưới muôn đời. Do đó, khẩn thiết là phải thực sự loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho các gia đình, chỉ cho họ thấy “trong cuộc nhập thể, Người đã đảm nhận thế nào tình yêu nhân loại, thanh luyện nó và đưa nó đến chỗ viên mãn và ban cho họ, với Thánh Thần của Người, khả năng sống tình yêu ấy bằng cách làm cho toàn thể đời sống họ thấm nhuần đức tin, đức cậy và đức mến. Nhờ đó, đôi vợ chồng được thánh hiến, và nhờ một ân sủng đặc biệt, họ xây dựng Thân Mình Đức Kitô và làm nên một Hội thánh tại gia’ (AL 67). Đây không phải là vấn đề chăm sóc chiều kích tôn giáo hay thiêng liêng các gia đình, nhưng là làm cho họ trải nghiệm công trình cứu độ lạ lùng mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong nhân tính của chúng ta ; không có Người, tình yêu nhân thế sẽ không bao giờ là chính con người và sẽ mất đi vẻ đẹp nguyên thủy của nó. Vì thế, cộng đoàn giáo hội nhất thiết phải sử dụng hết mọi năng lực cho các gia đình, vì, nếu quả thực “thiện ích của gia đình là điều có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và Hội thánh” (AL 31), thì cũng thế “Hội thánh, nếu muốn hiểu biết đầy đủ mầu nhiệm của mình, sẽ nhìn ngắm gia đình vốn hằng biểu lộ mầu nhiệm đó một cách chân thực”(AL 67).Trong gia đình, Mầu Nhiêm Vĩ Đại của Đức Kitô và Hội thánh đang bị đe dọa. Nói khác đi, khi bảo vệ gia đình, Hội Thánh không  chỉ trở nên chính mình, nhưng Thiên Chúa còn tỏ lộ Thánh Nhan Ngài cho nhân thế trong thể xác phàm nhân của những quan hệ gia đình và thực hiện như thế Giấc Mơ Vĩ Đại của Ngài đối với nhân loại.

                                          Trong Gia đình

Hãy suy niệm

  1. Giấc mơ vĩ đại của Thiên Chúa cho con người có mối liên hệ nào với giấc mơ con người vẫn có cho chính mình?
  1. Hôn nhân không phải là hạnh phúc nhưng chỉ là món khai vị của hạnh phúc mà thôi. Đâu là hệ quả thực tiễn mà lời khẳng định này đưa tới trong đời sống vợ chồng và gia đình?

Hãy sống

  1. “Toàn thể đời sống chung của đôi vợ chồng, toàn thể những mối quan hệ họ dệt nên giữa họ, với con cái họ và với thế giới, tất cả sẽ được thấm nhuần và củng cố bởi ân sủng của bí tích phát khởi từ mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua, trong đó Thiên Chúa biểu lộ tất cả tình yêu của Ngài đối với nhân loại và tình yêu đó đã kết hiệp thâm sâu với nhân tính. Họ sẽ không bao giờ đơn độc, hay chịu thu mình vào sức riêng của họ để đương đầu với các thánh đố xuất hiện trên đường đời. Họ được mời gọi đáp lại ơn huệ Thiên Chúa bằng sự dấn thân, sáng tạo, kiên trì, và chiến đấu hằng ngày, nhưng họ luôn có thể khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hiến mối kết hợp của họ, để ân sủng mà họ nhận lãnh được thể hiện không ngừng trong mỗi hoàn cảnh mới” (AL 74). Bằng cách nào Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống vợ chồng và gia đình?
  1. Yêu thương nhau như Chúa Kitô đã thương yêu Hội thánh bằng cách hiến mạng sống mình trên Thập giá. Ta có thể thực hiện điều đó như thế nào ?                              

                                    Trong Hội thánh

Hãy suy nghĩ

  1. Tại sao việc loan báo Tin Mừng hôn nhân và gia đình lại khó khởi động trong tác vụ mục vụ của Hội thánh ?
  1. Trong gia đình, Mầu Nhiệm Vĩ Đại Chúa Kitô và Hội thánh đang bị đe dọa. Điều này có nghĩa thế nào?

Hãy sống

  1. “Để hiểu biết đầy đủ mầu nhiệm của mình, Hội thánh cũng phải nhìn ngắm gia đình nhân loại vốn biểu lộ mầu nhiệm đó một cách trung thực” (AL 67). Làm thế nào có thể thực hiện tất cả điều đó?
  1. Nếu quả thực “thiện ích của gia đình là điều có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và Hội thánh” (AL 31), thì tác vụ mục vụ của Hội thánh phải thực hiện ra sao?

----------------------------
Antôn Uông Đại Bằng chuyển dịch từ bản Pháp ngữ ngày 10/9/2018