Bảy Bài Giáo Lý của Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2018: Bài 6. Nền Văn Hóa Hy Vọng

Bảy Bài Giáo Lý của Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2018: Bài 6. Nền Văn Hóa Hy Vọng

BÀI GIÁO LÝ THỨ 6

NỀN VĂN HÓA HY VỌNG

“MẸ NGƯỜI HẰNG GHI NHỚ TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU ẤY TRONG LÒNG” (LC 2, 51)

 Giêsu, Maria, Giuse! Chúng con ngưỡng mộ vẻ đẹp huy hoàng tình yêu các ngài và chúng con tin tưởng chạy đến các ngài.

Lạy Thánh gia Nazaret! Xin làm cho gia đình chúng con thành nơi hiệp thông và cầu nguyện, thành trường học đích thực của Tin Mừng và những tiểu hội thánh tại gia.

Lạy Thánh gia Nazaret! Xin cho gia đình chúng con đừng bao giờ xảy ra bạo lực, khước từ và chia rẽ: xin cho hết thảy những ai đã bị tổn thương hay giận hờn được mau chóng ủi an và chữa lành.

Lạy Thánh gia Nazaret! Xin cho Thượng hội đồng Giám mục sắp tới làm thức tỉnh nơi mọi người chúng con ý thức về tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình, và vẻ đẹp của kế hoạch Thiên Chúa.

Giêsu, Maria, Giuse! Xin lắng nghe và nhậm lời nguyện cầu của chúng con. Amen.

(ĐTC Phanxicô, Kinh cầu cho Thượng hội đồng giám mục về Gia đình ngày 25-3-2015)

        Thường khi, gặp những biến cố đột ngột, bất ngờ, khiến ta phải sững sờ, không thấy một ý nghĩa hợp lý nào, và cũng không thể rút ra một lợi ích gì, phản ứng của ta là ghê sợ, muốn nổi loạn, đôi khi tới mức phát điên lên, chìm đắm vào cơn tức giận. Chẳng một ai ở trần thế này thấy cuộc đời diễn ra theo những kế hoạch và chương trình mình đã lựa chọn. Cho nên, cuộc sống trở thành cuộc chiến đấu không ngừng, thường tạo nên bởi những thỏa hiệp và tính toán, như một người nghiến chặt hàm răng đi tìm kiếm những gì mình phải có. Như thế, từ “hy vọng” trong ngôn ngữ hiện thời trở thành tham vọng phải đạt được, bằng hết sức mình và tin tưởng thành công, những gì mình mong ước. Điều này đưa tới một câu hỏi: liệu có thể nào hy vọng hàm nghĩa đi vào trong cơn lốc của sự bất trắc cùng với sự chiến đấu liên tục cho một lý tưởng mà mỗi ngày đều phải được tái khẳng định và chinh phục không? Liệu có bõ công sống một cuộc đời không ngừng theo đuổi một cái gì xem ra chẳng bao giờ đạt được không? Đối diện cái lý ưu thế đang ngự trị thế giới này, nhân vật Maria tiến lên, mẹ là người đã từng nếm trải đến tột cùng   động năng của những sự việc nhân sinh, nhưng mẹ xử sự một cách khác hẳn, hơn thế nữa, một cách ngược lại. Nếu ta nhìn vào lịch sử cuộc đời Đức Maria theo các trình thuật của Tin Mừng, ta sẽ thấy Đức Trinh Nữ đã sống một cuộc đời mà ngài chắc hẳn chẳng bao giờ có thể tưởng tượng ra được. Quả thực, những lời đầu tiên của ngài ta biết được là những lời sau đây: “Điều ấy xảy ra thế nào được?”Trong niềm tin bình dân, có lẽ một hình ảnh Đức Maria được khẳng định một cách cực độ, cho thấy ngài rất ngoan ngoãn, vâng phục, tự động đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa và những biến cố mà cuộc đời mang đến cho ngài. Người ta quên rằng ngài cũng có một trái tim nhân loại, và trong tư cách một tạo vật, ngài chỉ có thể tự thắc mắc, tự đặt ra câu hỏi về chiều hướng hành trình lịch sử của riêng mình. Các sách Tin Mừng chưa bao giờ nói rằng Đức Maria đã có được những câu trả lời rõ ràng và minh bạch cho những câu hỏi của ngài. Tuy nhiên, chỉ có một điều đã được kể lại nhiều lần về ngài và được bộc lộ trong câu này: “Mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 51). Trước những biến cố bất ngờ, không thể tưởng tượng được và đôi khi không mong muốn, Đức Maria biểu lộ và dạy cho tất cả chúng ta nghệ thuật bảo lưu tất cả những gì xảy ra trong lòng ngài. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là không được bỏ đi bất cứ điều gì đã xảy ra trong đời mình, trái lại, tất cả phải được bảo toàn trọn vẹn nơi mình, hầu cho ý nghĩa của mọi sự có thể trở nên rõ rệt theo dòng thời gian và sự diệu kỳ của kế hoạch Thiên Chúa được tỏ lộ.

Hẳn nhiên là một phàm nhân thì làm sao hiểu được đầy đủ những thăng trầm của cuộc đời. Và càng hợp với thân phận con người hơn nữa khi ta phải bất ngờ và ngạc nhiên. Ngược lại, sẽ là thiếu nhân tính khi khước từ những đổi thay đó, và cứ tìm cách quên đi những gì cuộc đời bắt chúng ta phải chịu. Ở đây, chúng ta không mảy may tìm cách khẳng định một thứ định mệnh thuyết thần linh, theo đó, tất cả những gì con người trải nghiệm đều đã được tiền định và có thể hiểu được đối với tinh thần hữu hạn của con người với thời gian qua đi. Điều này hàm ý loại bỏ hoàn toàn tự do con người. Lịch sử mỗi con người, trái lại, là một khẳng định vĩ đại và lạ lùng nhất của tự do con người. Quả thực, thiên thần Gabriel hỏi Đức Maria có sẵn sàng tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa hay không. Đức Maria có tự do hoàn toàn để trả lời “có” hay “không”. Cũng cùng một thứ động năng từng thực hiện trong lịch sử của thánh Giuse. Thiên Chúa không bao giờ bắt buộc bất kỳ ai phải làm một điều gì, cũng chẳng sắp đặt lịch sử nhân thế từ trời cao. Nếu tất cả đều để mặc cho tự do con người thì Thiên Chúa đi vào và tương tác như thế nào trong cuộc đời con người? Đức Thánh Cha Phanxicô mời chúng ta luôn luôn tìm ánh sáng trong Lời Chúa, vốn “không phải là một chuỗi những ý tưởng trừu tượng, nhưng đúng ra như một nguồn  khích lệ, người bạn đồng hành cho mỗi gia đình đang gặp khủng hoảng hay đang trải qua đau khổ, và chỉ cho họ thấy đích đến của cuộc hành trình, khi Thiên Chúa “sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21, 4)” (AL 22). Lời cốt lõi là người bạn đồng hành với mọi người, không trừ ai. Không có một tình huống khủng hoảng của vợ chồng hay gia đình nào mà Lời Chúa không thể tỏ ra gần gũi. Nhưng câu hỏi căn bản là như sau: Thiên Chúa mạc khải điều gì dưới ánh sáng của Lời Ngài? Đức Thánh Cha Phanxicô không nói về việc giải thích ý nghĩa những biến cố cá nhân riêng lẻ mà đa số hay làm. Ngài làm rõ rệt một điều duy nhất này vốn đồng thời là điều xác thực được khẳng định nhiều lần trong những đoạn Kinh thánh khác nhau: “đích đến của con đường”. Câu hỏi nền tảng của thời đại chúng ta rõ ràng là câu này: con người có sống cuộc đời mình bằng cách nhận biết và nhắm tới đích điểm hành trình của mình trên đời này không? Khi một cung thủ bắn mũi tên cho trúng đích, điều thật quan trọng đối với anh ta không phải là chuyện biết được tư thế nào làm cho mũi tên bắn đi hay con đường nào làm cho mũi tên trúng được mục tiêu của nó.

Chắc hẳn, những yếu tố này là thành phần không thể thiếu của nghệ thuật tác xạ, nhưng chúng không phải là phần cốt yếu. Trái lại, điều quan trọng nhất chính là trúng được mục tiêu. Ngày nay, đối với nhiều người, điều đó không diễn ra như vậy. Người ta có khuynh hướng nhìn vào điểm xuất phát, mà hay bị suy thoái thành việc dễ dãi tự biến mình thành nạn nhân, bởi vì người  ta sinh ra trong những bối cảnh và gốc gác gia đình mà người ta không được lựa chọn mà cũng chẳng trân trọng. Hơn nữa, có một xu hướng bận tâm nhiều hơn về những gì người ta đang xây dựng trong cuộc đời, vào từng giai đoạn một, nhưng chẳng bao giờ tự hỏi hay tìm biết xem mình sẽ kết thúc tại đâu. Hiếm khi nào chúng ta sống mà chịu nhìn xem mục đích của đời ta. Điều này có vẻ như phi lý, nhưng đó chính là thực tế cụ thể và thông thường nhất. Duy chỉ Lời Chúa có thể ban cho ta một ánh sáng đủ thẩm quyền liên can đến mục đích  của nhân sinh, và chính khởi  từ kết điểm duy nhất này mà tất cả mọi biến cố của nhân sinh mới có được sự thẩm định chân xác và hương vị đích thực. Theo cách này, niềm hy vọng bao hàm những gì lớn lao và sâu xa hơn: đừng có lo lắng mà nhìn xem diễn tiến của những biến cố riêng rẽ, nhưng hãy xem trong từng biến cố lẻ loi lúc nào cũng có nỗ lực vươn tới thân phận tối hậu của con người. Vậy đâu là  nơi đào tạo cho nền văn hóa hy vọng? Duy chỉ có gia đình là nơi nguyên ủy và chủ yếu ở đó tất cả trở thành lương thực hằng ngày khởi đi từ mối quan hệ cơ bản giữa đôi vợ chồng. Về điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra một đề nghị cụ thể với cặp phối ngẫu: “Sẽ đến một thời điểm tình yêu vợ chồng đạt tới đỉnh cao của tự do và trở thành nền tảng của một sự độc lập lành mạnh. Điều này xảy ra khi người này khám phá ra người kia không thuộc về riêng mình, mà có một chủ nhân quan trọng hơn rất nhiều, đó là Đức Chúa duy nhất. Ngoại trừ Người, không ai có thể có tham vọng chiếm được nơi thầm kín riêng tư và bí mật nhất của người mình yêu, và chỉ có Chúa mới là trung tâm tối hậu của đời họ” (AL 320). Người phối ngẫu không phải và cũng không bao giờ được coi là niềm vui tối hậu của cuộc đời mình, nhưng chỉ biểu trưng con đường, chắc chắn là cơ bản, đưa tới sự sống dồi dào: quý trọng thay ân sủng, bình an, và niềm vui các đôi phối ngẫu sẽ được nhận lãnh nếu họ sống mối quan hệ vợ chồng theo viễn tượng cụ thể này! Tìm kiếm niềm vui của đời mình nơi người phối ngẫu là sự dối trá, và, đồng thời, là mối nguy lớn nhất cho một cuộc hôn nhân. Con người mà mình cưới không phải là toàn thể cuộc đời, nhưng thật ra là con đường chính đưa đến Đấng Toàn Hữu mà chúng ta được mời gọi từ muôn thuở đến cùng Người. Chỉ bằng cách sống trong viễn tượng này mà niềm hy vọng có thể cũng được khẳng định ngay cả trong những tình huống trong đó niềm hy vọng có thể xem như một từ không thích hợp và vô nghĩa, nhất là khi “cuộc sống gia đình bị thách thức bới cái chết của một người thân yêu” (AL 253) Đặc biệt trong bối cảnh mà “chúng ta không được nản chí đem ánh sáng đức tin đồng hành với những gia đình đang đau khổ trong những lúc này. Bỏ mặc một gia đình đang đau đớn vì mất đi người thân yêu là thiếu lòng thương xót, là bỏ mất một cơ hội cho mục vụ, và thái độ này có thể đóng lại mọi cánh cửa với chúng ta, khiến cho không thể làm bất cứ điều gì khác để loan báo Tin Mừng” (AL 253).

Vậy còn hy vọng nào có thể loan báo Tin Mừng trong những tình huống bi thảm này ? Hiển nhiên sự hiện diện thể lý của người thân trong gia đình “không còn nữa, nhưng nếu sự chết là một cái gì mạnh mẽ, thì “tình yêu cũng mạnh như sự chết” (Dc 8, 6). Tình yêu có một trực giác giúp ta nghe được cái vô thanh và thấy được cái vô hình. Đây không phải là cứ tưởng tượng người thân yêu đó y như họ vốn từng là, không thể chấp nhận họ đã biến đổi như họ đang là trong hiện tại. Đức Giêsu phục sinh, khi cô Maria bạn Người muốn ôm chặt lấy Người, Người đã bảo chị đừng chạm đến Người (x. Ga 20, 17) để đưa chị tới một cuộc gặp gỡ khác” (AL 255). Chết không phải là cái đưa đến thất bại, sự thất bại cho hiện hữu con người ngày nay như thiên hạ hiện thờ thường nhận thấy. Nếu một mặt cái chết nhắc cho ta giới hạn của con người, thì mặt khác, nó cũng đưa chúng ta đến phía bên kia của giới hạn ấy. Quả thực, “nếu chúng ta chấp nhận cái chết, chúng ta có thể chuẩn bị cho nó. Cách chuẩn bị đó chính là chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với những người đang tiến bước cùng với chúng ta, cho đến ngày “sẽ không còn sự chết, chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21, 4). Như thế, chúng ta cũng chuẩn bị gặp lại những người thân yêu của ta đã qua đời. Y như Chúa Giêsu đã trao lại người con đã chết và được hồi sinh cho người mẹ của cậu (x. Lc 7, 15), đối với chúng ta, Người cũng sẽ làm như thế. Chúng ta đừng phí sức bám níu hết năm này qua năm khác những gì thuộc quá khứ. Chúng ta càng sống tốt lành hơn trên trái đất này bao nhiêu, thì chúng ta càng có thể chia sẻ hạnh phúc lớn lao hơn với những người thân yêu của chúng ta trên trời bấy nhiêu. Chúng ta càng trưởng thành và triển nở bao nhiêu, thì chúng ta càng có thể mang được những điều tốt đẹp vào bàn tiệc nước Trời hơn bấy nhiêu” (AL 258). Không có sự tương phản giữa đời sống ở trần thế và đời sau. Thật là điên rồ khi muốn khinh chê đời sống trần thế và tin như vậy là lãnh được phúc đời sau. Tương tự, trong toan tính xua trừ cái chết, thật phi lý khi lấy đời sống hiện tại này làm mục đích duy nhất cho mình với lý do không biết chắc được điều gì sẽ đến sau này (đây là khuynh hướng thông thường nhất ngày nay). Cả hai cách sống đều làm méo mó ý nghĩa sâu xa của đời sống. Trái lại, thiết yếu phải loan báo quyết liệt rằng những gì chúng ta sống đúng theo nhân tính ngày nay đều là thánh thiện và được Thiên Chúa chúc phúc và chẳng bao giờ bị khinh chê. Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ, là mục đích duy nhất của đời sống chúng ta, nhưng là khởi đầu của đại tiệc vĩnh cửu trên trời mà Kinh Thánh thường nói đến. Điều này có nghĩa sự nếm trước niềm vui mà cuộc sống dưới trần thế ban cho phải được sống và trải nghiệm trọn vẹn và sâu xa, chính bởi vì điều này giúp chuẩn bị một cách thích đáng con người chúng ta cho đời sống vĩnh cửu. Cho nên Hội thánh phải trìu mến hướng nhìn đến hết mọi gia đình bị thương tổn bởi sự mất đi một người thân. “Tôi hiểu nỗi thống khổ của người bị mất đi một người rất thân yêu, một người phối ngẫu đã từng chia sẻ với mình biết bao nhiêu điều. Chính Chúa Giêsu đã xúc động và đã khóc tại đám tang của một người bạn (x. Ga 11, 33.35). Và làm sao chúng ta lại không hiểu được tiếng khóc than của người đã mất một đứa con? Vì, quả thật, “khi ấy thời gian như ngừng lại; vực thẳm như mở ra nuốt lấy cả quá khứ và tương lai. […] Và có khi đau đớn đến nỗi ta còn lên án Thiên Chúa. Biết bao người – tôi hiểu họ - nổi giận với Thiên Chúa. “Góa bụa là một kinh nghiệm đặc biệt khó khăn […]một số người cho thấy họ biết dồn sức lực của mình nhiều hơn cho con cho cháu, nhờ đó tìm ra được một sứ mạng giáo dục mới qua lối biểu lộ tình yêu này. […]Những ai không còn người thân để có thể cậy dựa, nhận được tình cảm và sự gần gũi cần phải được cộng đoàn Kitô hữu nâng đỡ với sự quan tâm và ân cần đặc biệt, nhất là khi họ lâm vào hoàn cảnh cùng cực.””(AL 254). Cho tất cả những người này, Hội thánh được mời gọi loan báo một cách mạnh mẽ và xác tín rằng niềm vui của họ không bị lấy mất hay cướp đi, vì “tất cả chúng ta được mời gọi để tiếp tục phấn đấu hướng đến một điều lớn lao hơn chính chúng ta và những giới hạn của chúng ta, và mỗi gia đình đều phải sống trong sự thôi thúc thường xuyên này” (AL 325).Không phải là một sự ngẫu nhiên trùng hợp nếu Đức Phanxicô kết thúc Tông huấn Niềm Vui Tình Yêu bằng những lời này để hàm ý rằng “niềm vui của tình yêu ở nơi các gia đình” (AL 1)- (đó là những từ đầu tiên của tông huấn này) - mời gọi chúng ta đón lấy lời hứa về một niềm vui vĩ đại không bao giờ bị lấy đi :

     “Nào chúng ta cùng đi, hỡi các gia đình, chúng ta hãy tiếp tục tiến bước! Điều chúng ta được hứa ban luôn luôn cao trọng hơn. Đừng đánh mất niềm hy vọng vì những giới hạn của chúng ta, nhưng cũng đừng khước từ tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu và sự hiệp thông mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta” (AL 325).

      Đó chính là niềm hy vọng chân thực kitô giáo mà Hội thánh được mời gọi biến đổi thành nền văn hóa của thế giới ngày nay ; tất cả điều này được sống, hiện thực và biểu lộ nhất là trong gia đình, trong tất cả những tương quan cơ bản mà sự thể hiện tình yêu ngay trong các tương quan đó sẽ chuẩn bị chúng ta cho Tình Yêu vĩnh cửu của Chúa Kitô, Đức Lang Quân, chung quanh Người chúng ta sẽ quy tụ lại trong cộng đoàn các thánh.                                                          

                                                                    Trong Gia Đình

Hãy suy nghĩ

  1. Trong gia đình chúng ta, ý nghĩa việc thực hiện các khát vọng của chúng ta thường được gán cho từ “hy vọng”. Có phải là hoàn toàn sai khi nghĩ như thế trong ánh sáng của đức tin kitô giáo không?
  2. Vị trí chủ yếu và cội rễ của hy vọng là gia đình. Khẳng định này hàm ý gì và cần phải làm gì để điều này có thể thực hiện cách cụ thể?

Hãy sống

  1. Chẳng có gia đình nào không phải sống thảm kịch cái chết của một người thân. Làm thế nào chúng ta có thể công bố cách cụ thể ý nghĩa chân thực và sâu xa của niềm hy vọng kitô giáo trong những bối cảnh gia đình này?
  2. Làm thế nào một người cha hay một người mẹ bị mất một đứa con còn nhỏ tuổi, hay một người đột ngột mất đi người phối ngẫu, có thể trở thành người mang niềm hy vọng kitô giáo?  

 

                                          Trong Hội Thánh

Hãy suy nghĩ

  1. Từ “hy vọng” thường được dùng để chỉ điều gì không chắc chắn hay có lẽ sẽ không xảy ra, nói cách khác, để chỉ sự nghi ngờ hoàn toàn. Thật hiển nhiên, đó không phải là ý nghĩa thực sự kitô giáo của niềm hy vọng. Tại sao sự sai biệt ý nghĩa này thường chiếm ưu thế trong tâm và trí các kitô hữu? Hội thánh được mời gọi làm gì để loan báo niềm hy vọng kitô giáo đích thực?
  2. Ngày nay, trong việc loan báo Tin Mừng của Hội thánh, người ta ít khi đề cập đến vấn đề vĩnh cửu, thế giới bên kia hay đời sau, đến mức chúng trở thành gần như cấm kỵ thực sự. Tại sao có tính cấm kỵ này? Điều gì đã bị hỏng? Sẽ cần phải làm gì?

Hãy sống

  1. Vấn đề lớn không phải chỉ là nói về niềm hy vọng nhưng là sống niềm hy vọng. Một cộng đoàn kitô hữu, trong những hoạt động mục vụ  khác nhau của mình, có thể sống cụ thể niềm hy vọng như thế nào?
  2.  Sự hiện diện của một người góa bụa hay ai đó đã mất một đứa con còn nhỏ tuổi có thể mang tính quyết định cho sự phát triển và sự trưởng thành của những đôi bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời sống thánh hiến trong bí tích hôn phối. Làm thế nào đưa những điều này vào trong tác vụ mục vụ thông thường của các cộng đoàn kitô hữu chúng ta ?

Antôn Uông Đại Bằng chuyển dịch từ hai bản Pháp và Anh ngữ ngày 15/9/2018