Thánh Phaolô và giáo dục gia đình

Thánh Phaolô và giáo dục gia đình
DẪN NHẬP   

Thư mục vụ 2008 của Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi chúng ta sống giáo huấn của Thánh Phaolô về gia đình. Các vị chủ chăn thao thức khuyến giục các bậc cha mẹ thực thi vai trò và sứ mệnh của mình như là những nhà giáo dục, những giáo lí viên đầu tiên truyền đạt đức tin, nêu gương sáng về đức mến cho con cái. Học sống giáo huấn của Thánh Phaolô về gia đình, chúng ta lại được chiêm ngắm nhân cách tuyệt vời của ngài trong cách cư xử với các tín hữu mà ngài coi như con cái. Gương sáng đó bao gồm những đức tính của bậc cha mẹ: yêu thương tha thiết, kiên trì sửa dạy, quan tâm nhắc bảo, nâng đỡ khích lệ... Những đức tính này thể hiện trong một gia đình thiêng liêng là cộng đoàn tín hữu. Có thể nói Thánh Phaolô đã sống một nhân cách hoàn hảo của các bậc cha mẹ, đáng cho chúng ta noi theo. Hợp với tâm tình của Thánh Phaolô, chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình:
 
- Ep 3,14-15: “Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất...Xin Ngài ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng”.
 
- Ep 6,4: “Những bậc làm cha mẹ hãy thay mặt Chúa giáo dục con bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.
 
TRÌNH BÀY

Trong số các biểu tượng Phaolô dùng để diễn tả Giáo hội thì hình ảnh gia đình là quan trọng nhất. Đó không chỉ đơn giản là một cách trình bày về Giáo Hội, nhưng là một kế hoạch, một phương thức hành động trong sứ vụ tông đồ của ngài. Phaolô đã xây dựng cộng đoàn Kitô hữu thành những cộng đoàn gia đình, đặt ra bản quy tắc về gia đạo cho các gia đình (Familiaris Codex, x. Cl 3,18-4,1; Ep 5,22-33), và chính ngài đã sống mối liên hệ cha mẹ-con cái một cách thắm thiết, chan hoà tình  yêu thương.

Gia đình

Ngày nay dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II và hướng dẫn của Tông huấn Familiaris Consortio (Tông huấn về Gia đình), chúng ta hiểu rõ vai trò và sứ mệnh của gia đình như là một Giáo hội tại gia (Ecclesia domestica). Gia đình ấy là một cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng (credens et evangelizans communitas familia est), như Familiaris Consortio số 51 trình bày. Nhưng ngay từ thời Giáo hội sơ khai, Phaolô đã hiểu rõ tầm quan trọng của gia đình trong kế hoạch loan báo Tin Mừng. Ngài đã xây dựng những cộng đoàn Giáo hội thành những gia đình thật sự cho mục tiêu này. Nói theo ngôn từ ngày nay là: “lấy gia đình làm trọng tâm” (family-centered approach). Thật vậy, nếu qua những tiếp xúc cá nhân và những tương quan thân hữu mà Phaolô đã vạch những cột mốc đầu tiên cho Kitô giáo thì chính những cộng đoàn nhỏ, được gọi là gia đình, đã mau chóng mang sứ điệp Tin Mừng lan rộng đến toàn thể thế giới.
 
Đơn vị nền tảng trong xã hội La Mã và Hi Lạp thời Phaolô sống và phục vụ là gia đình. Gia đình quan trọng tới nỗi nó quyết định sự ổn định, hưng thịnh và tồn vong của chính xã hội và thể chế chính trị nơi nó xuất phát. Gia đình thời cổ Hi Lạp có những nét giống với gia đình Việt Nam thời cận đại, bao gồm không chỉ những thành viên có mối quan hệ trực hệ (tam tứ đại đồng đường) mà còn gồm cả những gia nhân, gia bộc, gia nô, gia sư...và những người liên quan với họ. Theo nguyên tắc, người chủ gia đình có toàn quyền cai quản và quyết định những vấn đề của gia đình, và ông cũng có trách nhiệm đối với họ về mặt pháp lí. Sự gắn kết các mối tương quan gia đình tuỳ thuộc vào lòng trung thành của mỗi thành viên, thường được duy trì bởi những yếu tố kinh tế, tâm lí, và đồng cảm về tôn giáo...
 
Phaolô đã vận dụng chính mô hình gia đình kiểu này, nhưng tạo nên một sức sống mới và tương quan mới để đưa vào hoạt động tông đồ của mình. Qua các thư, ngài đã nhiều lần đề cập đến gia đình: 1Cr 11,22; 16,15; Pl 4,22; 1Tm 5,13; 2Tm 3,6; Rm 16,5; 1Cr 1,16; 11,34; 14,35; 16,19; Cl 4,15; 1Tm 3,4; 5,12; 5,4; 2Tm 1,16; 4,19; Tt 1,11; Plm 2). Một số nơi này được xác định là địa điểm các tín hữu họp nhau để cử hành Phụng vụ: Rm 16,5; 1Cr 16,19; Cl 4,15; Plm 2.
 
Một cách cụ thể, Phaolô đã dùng ảnh hưởng của gia đình để rao giảng Tin Mừng:
 
- Tại Philipphê, Phaolô gặp một phụ nữ tên là Lyđia, một người buôn vải điều. Sau khi nghe Phaolô giảng, bà đã xin cho mình và cả nhà được chịu phép rửa. Sau đó nhà bà trở thành nơi hội họp của cộng đoàn Philipphê (Cv 16,14-15). Hai ông Phaolô và Silas đã ở lại đây để gặp gỡ và khuyên nhủ anh em (16,40).
 
- Cũng tại Philipphê, viên cai ngục đã đưa Phaolô và Silas về nhà; “Hai ông liền giảng Lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông ấy” (Cv 16,32). Thánh Luca ghi nhận tiếp: “Lập tức ông ấy được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà” (Cv 16,33).
 
- Tại Thessalônica, gia đình ông Giason đã cung cấp cho hai vị Tông đồ Phaolô và Silas nơi ăn chốn ở đến nỗi phải “giơ đầu chịu báng” (Cv 17,5-9).
 
- Tại Côrintô, “Ông Crispô, trưởng hội đường tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Côrintô đã nghe ông Phaolô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa” (Cv 18,8). 
 
- Phaolô cũng ghi nhận mình đã làm phép rửa cho gia đình Stephanas (1Cr 1,16), cùng với gia đình của Fortunatô (1Cr 16,15). Ngài gọi những gia đình này là “hoa trái đầu mùa” của miền Achaia.
 
- Và không thể không kể tên ông Gaiô, một nhân vật nổi tiếng đã đón tiếp Phaolô và “cả Hội Thánh”, được Phaolô nói tới trong Rm 16,23.
 
- Và còn nữa: ở Ephêsô, gia đình của Priscilla và Aquila trở thành trung tâm hoạt động của cộng đoàn. Ở Colôssê, nhà của Philemon trở thành điểm quy tụ để cử hành; còn tại Laođicea thì nhà của chị Nymphas là nơi hội họp và gặp gỡ (Cl 4,15).
 
* Người ta không thể biết được hết chi tiết, ngọn nguồn phương thức Phaolô hoạt động qua các “đại gia đình đức tin” (Gl 6,10) như thế nào, trong những điều kiện ra sao, mà chỉ ghi nhận các sự kiện. Và trong khuôn khổ giới hạn, chúng ta cũng không thể nói hết những đặc tính phong phú cùng những nét sinh hoạt sống động, đặc thù của cộng đoàn gia đình mà Phaolô đã tạo lập. Chúng ta chỉ trình bày những nét khái quát:
 
- Các Kitô hữu nhận ra một tình huynh đệ chân thực, sâu xa, bền chặt, trong cộng đoàn, được khơi nguồn từ việc cử hành Thánh Thể. Tham dự Tiệc Thánh Thể họ cảm nhận như được đồng bàn với Chúa Phục Sinh trong một bữa ăn gia đình thân mật.
 
- Những cộng đoàn gia đình này sống đức tin một cách mạnh mẽ, nhờ đó mở đường cho việc cắt đặt các trách vụ riêng cho mỗi Giáo hội địa phương. Trong môi trường này Phaolô có thể chọn ra những người có đủ phẩm chất đã được chuẩn nhận, trao cho họ những trách nhiệm mới để lãnh đạo cộng đoàn rộng lớn hơn. Thí dụ, cộng đoàn tại Philipphê đã đủ nhân sự, tự tổ chức lạc quyên giúp Phaolô có nguồn tài chính để xây dựng các cộng đoàn mới (x. 2Cr 11,9; Pl 1,5; 4,10- 15).
 
- Kitô giáo là một biến cố mới mẻ, một môi trường phá đổ hết các bức tường ngăn cách trong xã hội. Mọi người đều hợp nhất và bình đẳng trong niềm tin mới, nhất là khi cử hành Thánh Thể. Hình ảnh này cuốn hút rất nhiều người trở lại. Chủ-tớ, nam-nữ, Do Thái-dân ngoại, nô lệ-tự do, tất cả đều bình đẳng như nhau quanh Bàn Tiệc Thánh Thể. Nhìn cảnh tượng tuyệt vời này Phaolô đã thốt lên: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay phụ nữ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). Và như thế, Phaolô đã dễ dàng thuyết phục người chủ cũ của Ônesimô đón nhận anh trở lại, không phải như một nô lệ mà như một người anh em (Plm 16).
 
Cộng đoàn gia đình này dần dần thấm nhập vào các cơ cấu cổ hủ của xã hội La-Hi và làm biến đổi tất cả.
 
- Khi Phaolô trình bày giáo thuyết về Giáo Hội thì hình ảnh gần gũi nhất, sống động nhất giúp các tín hữu hiểu ngay, đó là gia đình. Thật vậy, Phaolô đã gọi Giáo Hội là: “đại gia đình đức tin” (Gl 6,10); các Kitô hữu là “người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19); “Hội Thánh là nhà của Thiên Chúa” (1Tm 3,15). Vị giám quản trong Giáo Hội được coi như người cha trong gia đình (1Tm 3,5).
 
Thánh Phaolô sống vai trò cha mẹ

Coi cộng đoàn tín hữu là gia đình, ngài cũng đối xử với tín hữu như một bậc cha mẹ:
 
Khi Phaolô tự coi mình là người “cha” của các tín hữu thì vai trò này không chỉ giới hạn vào việc đưa các cá nhân vào đời sống đức tin mà đúng hơn, còn bao hàm một trách nhiệm ràng buộc gắn bó chặt chẽ đối với họ. Theo ý nghĩa này, Phaolô đã sống trọn vẹn vai trò của người cha thiêng liêng. Ngỏ lời với các tín hữu Côrintô, ngài nói: “Cho dẫu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4,15). Phaolô tự coi mình là người cha không chỉ với giáo đoàn Côrintô (1Cr 4,15; 2Cr 6,13; 12,14) mà còn đối với giáo đoàn Philipphê (Pl2,22) và Thessalônica (1Tx 2,11) nữa. Ngài cũng không chỉ là người cha thiêng liêng của các giáo đoàn mà còn của các cá nhân: trong khi bị cầm tù, ngài đã trở thành “người cha” của Onesimô (Plm 10); Timôthê là “người con yêu quý và trung tín của tôi trong Chúa” (1Cr 4,17; tương tự: Pl 2,22; 1Tm 1,2; 18; 2Tm 1,2; 2,1). Còn Titô là “người con tôi thật sự sinh ra trong đức tin” (Tt 1,4).
 
Thánh Phaolô còn dùng cả hình ảnh người mẹ để diễn tả tình yêu thương của ngài đối với các cộng đoàn. Tình mẫu tử là biểu tượng cho tình yêu thiêng liêng, sinh thành, cao cả, và hi sinh. Tình yêu này nơi Phaolô sâu thẳm tới nỗi ngài đã hi sinh chính sự sống và con người của ngài cho các tín hữu (x. 2Cr 12,15). Đối với cộng đoàn Côrintô, ngài nói: “Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những đứa trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi vì anh em còn là những người sống theo tính xác thịt” (1Cr 3,1-3). Với tín hữu Galát: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em” (Gl 4,19). Với tín hữu Thessalônica: “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ” (1Tx 2,7).
 
* Tình yêu đòi hỏi những trách nhiệm của bậc cha mẹ:
 
- Nếu người Việt chúng ta dùng các hình ảnh núi cao và biển rộng để diễn tả công ơn cha mẹ thật bao la sâu thẳm, thì trong các thư của Phaolô người ta thấy tràn ngập những lời lẽ yêu thương, trìu mến. Ngài thường gọi các tín hữu là “con yêu quý” (1Cr 4,14; 15,58; Pl 2,12; Plm 16; 2Tm 1,2). Ngài “mở rộng” tất cả tấm lòng yêu thương đối với họ (2Cr 6, 12; 2,4).
 
- Tình yêu thương của một bậc cha mẹ thúc đẩy Phaolô hết lòng yêu thương, chăm lo cho các cộng đoàn. Do đó ngài cảm thấy băn khoăn, thao thức, trăn trở khi thấy có những phần tử yếu đuối, cần được sự nâng đỡ: “Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2Cr 11,28-29)
 
- Cha mẹ cảm thấy vui mừng, tự hào khi con mình ngoan ngoãn, hiếu thảo.  Thánh Phaolô cũng vậy, ngài bày tỏ với tín hữu Philipphê: “Anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống như vậy” (Pl 4,1). Với tín hữu Thessalônica, ngài nói: “Ai là niềm hi vọng, là niềm vui của chúng tôi, ai là triều thiên làm cho chúng tôi hãnh diện trước nhan Đức Giêsu, Chúa chúng ta, khi Người quang lâm, nếu không phải là anh em? Phải, chính anh em là vinh quang và là niềm vui của chúng tôi” (1Tx 2, 19-20).
 
- Cộng đoàn Thessalônica được Phaolô gầy dựng và hết lòng chăm sóc (1Tx 2,8), nên khi phải xa cách họ, ngài tha thiết mong ngóng được gặp họ “mặt gần mặt”, như cha mẹ mong gặp mặt con cái (1Tx 2,17).
 
- Tình yêu của bậc cha mẹ và sự chăm sóc khôn ngoan, cần mẫn của một mục tử đã làm cho ngài phải nổi giận khi nhận thấy đàn chiên bị đe doạ, bị lung lạc (x. Gl 1, 6-9; 4, 16-20; 2Cr 11,13-14).
 
- Yêu thương đàn chiên như con cái, Phaolô luôn cầu nguyện cho họ. Ngài “cảm thấy vui sướng” khi cầu nguyện cho giáo đoàn Philipphê (Pl1,4). Còn đối với giáo đoàn Thessalônica, ngài “tha thiết cầu nguyện cho họ đêm ngày” và mong nhìn thấy hoa trái đức tin mà ngài đã gieo trồng (1 Tx 3, 10).
 
KẾT LUẬN

Thánh Phaolô là một ngôi sao lấp lánh trong bầu trời Kitô giáo, một hình tượng ngời sáng trong lịch sử thời cổ đại, một nhà tư tưởng vĩ đại đã đặt nền móng cho suy tư về thần học, về mục vụ, tu đức và truyền giáo trải dài qua các thế hệ Kitô hữu, từ thời Thánh Augustinô, Thánh Albertô Cả, Thánh Anselmô, Thánh Tôma Aquinô đến thời đại chúng ta, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Nhưng không vì thế mà ngài xa cách chúng ta trong cách sống và đường lối phục vụ con người. Gương sáng của ngài luôn sống động, giản dị, và gần gũi. Chắc chắn mỗi người chúng ta sẽ tìm thấy nơi ngài vai trò của một người cha thiêng liêng hướng dẫn chúng ta trên con đường trọn lành.
 
(Lm Micae Lê Xuân Tân
lược dịch từ bản tiếng Pháp của ĐGH Bênêđictô)