Thánh lễ Bế mạc Đại hội Gia đình: “Gia đình chính là nơi đức tin trở thành đời sống, và đời sống trở thành đức tin”
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ Bế mạc Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VIII:
“Gia đình chính là nơi đức tin trở thành đời sống, và đời sống trở thành đức tin”
WHĐ (28.09.2015) – Chiều 27-09, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tế Thánh lễ bế mạc Đại hội Thế giới các Gia đình lần VIII. Thánh lễ được cử hành tại Franklin Parkway, Philadelphia, lúc 4g chiều (giờ địa phương), với sự tham dự của 1,5 triệu người.
Số gia đình Việt Nam tham dự Đại hội đứng hàng thứ ba về số lượng người. Ban tổ chức đã sắp xếp một bài đọc, một lời nguyện các tín hữu, và một phiên khúc thánh ca bằng tiếng Việt
Đức Thánh Cha đã giảng Lời Chúa trong Thánh lễ, nhấn mạnh con đường sống Tin Mừng Gia đình đã mở ra phía trước các gia đình trên thế giới.
Sau đây là toàn văn bài giảng.
* * *
Lời Chúa hôm nay khiến chúng ta phải kinh ngạc trước những hình ảnh mạnh mẽ, gợi suy tư. Những hình ảnh tuy thách đố nhưng cũng kiến chúng ta thêm hăng hái.
Trong bài đọc thứ nhất, ông Giôsuê nói với ông Môsê có hai người trong dân đang nói tiên tri, nói lời Chúa mà chẳng được bài sai, trao nhiệm vụ. Trong bài Tin Mừng, Gioan kể với Chúa Giêsu về việc các môn đệ đã ngăn cản kẻ đã lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Thật ngạc nhiên: ông Môsê và Chúa Giêsu đều trách những người thân cận nhất của các ngài sao lại hẹp hòi vậy! Mọi người đều có thể làm phép lạ nhân danh Chúa!
Chúa Giêsu đã từng gặp sự chống đối từ những người không chấp nhận những gì Người đã nói và làm. Đối với họ, sự cởi mở của Chúa Giêsu đối với đức tin trung thực và chân thành của nhiều người, nam cũng như nữ, vốn không phải là người trong dân được Chúa chọn, xem ra không thể chấp nhận được. Về phần các môn đệ, họ làm thế cũng là trong đức tin tốt lành của mình thôi. Nhưng lại thấy chướng tai gai mắt trước sự tự do của Thiên Chúa, Đấng cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ (Mt 5,45) và xa lạ với thói quan liêu, cửa quyền và phe nhóm, thì sự cám dỗ coi hành động tự do của Thiên Chúa là chướng tai gai mắt đang đe dọa đức tin chân chính. Do đó phải mạnh mẽ vượt thắng cám dỗ này.
Khi nhận ra điều đó, chúng ta có thể hiểu vì sao Chúa lại dùng những lời lẽ rất nghiêm khắc nói về phản ứng “chướng tai gai mắt”. Đối với Chúa Giêsu, phản ứng chướng tai gai mắt “không chịu nổi” này chứa đựng mọi sự làm rạn nứt và tiêu diệt niềm tín thác của chúng ta vào hoạt động của Chúa Thánh Thần!
Cha chúng ta sẽ không chịu thua kém về lòng độ lượng và Ngài sẽ tiếp tục gieo hạt. Ngài gieo hạt mầm sự hiện diện của Ngài trong thế giới của chúng ta, vì “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta” trước (1 Ga 4,10). Tình yêu đó mang lại cho chúng ta một điều hết sức chắc chắn: chúng ta được Thiên Chúa đi tìm; Ngài chờ đợi chúng ta. Chính sự vững tin này làm cho các môn đệ can đảm, biết nâng đỡ và nuôi dưỡng mhững việc tốt lành đang xảy ra chung quanh mình. Thiên Chúa muốn tất cả con cái của Ngài tham dự tiệc Tin Mừng. Chúa Giêsu nói: “Đừng đè nén mọi điều tốt đẹp, hãy giúp chúng lớn lên!”. Làm tăng thêm những hoài nghi về hoạt động của Chúa Thánh Thần, chính là việc gieo ấn tượng cho rằng việc đó không thể xảy ra nơi những người không phải là “thành phần của nhóm”, nơi những người không “như mình”. Gieo rắc ấn tượng như thế chính là một cám dỗ nguy hiểm. Nó không chỉ ngăn chặn con đường trở về với đức tin, mà còn xuyên tạc đức tin!
Đức tin mở một “cửa sổ” đón Chúa Thánh Thần ngự đến và hoạt động. Đức tin cho chúng ta thấy sự thánh thiện, giống như hạnh phúc, luôn gắn với những cử chỉ nhỏ bé. “Bất cứ ai cho các con một chén nước nhân danh Thầy sẽ không ra đi mà không được nhận thưởng”, Chúa Giêsu nói (x. Mc 9,41). Những cử chỉ bé nhỏ này chúng ta học được ở nhà, trong gia đình; dù mất hút giữa bao việc chúng ta làm, nhưng chúng khiến mỗi ngày một đổi khác. Chúng là những việc các người mẹ và người bà, các người cha và người ông, các người con đang lặng lẽ làm. Chúng là những dấu chỉ bé nhỏ về lòng dịu hiền, trìu mến và thương yêu. Chẳng hạn, những bữa ăn tối ấm cúng tối nào chúng ta cũng mong, bữa ăn sáng được dọn sớm chờ người phải dậy sớm đi làm. Những cử chỉ thân thương quen thuộc. Chẳng hạn, lời chúc trước khi đi ngủ, ôm hôn khi về đến nhà sau một ngày làm việc vất vả. Tình yêu được thể hiện qua những việc nhỏ nhặt, qua sự lưu tâm đến những dấu hiệu nhỏ bé hằng ngày khiến chúng ta cảm nhận mình đang ở mái ấm nhà mình. Đức tin lớn lên khi đức tin được sống với tình yêu và được định hình nhờ tình yêu. Đó là lý do vì sao gia đình, mái ấm của chúng ta thực sự là Giáo hội tại gia. Gia đình chính là nơi giúp đức tin trở thành đời sống, và đời sống trở thành đức tin.
Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng cản ngăn những phép lạ bé nhỏ này. Trái lại, Người muốn chúng ta khích lệ chúng, làm cho chúng lan tỏa. Người muốn chúng ta đi vào đời sống, sống cuộc sống thường nhật của mình, khuyến khích thực hiện tất cả những dấu chỉ nhỏ bé nói lên tình yêu, để chúng thành dấu chỉ Chúa Giêsu đang sống và hiện diện tích cực trong thế giới chúng ta.
Vì vậy chúng ta cần tự hỏi mình: Chúng ta cố gắng sống cách này như thế nào ở nhà mình, trong cộng đồng mình? Chúng ta muốn để lại một thế giới ra sao cho con cái mình (x. Laudato si’, 160)? Chúng ta không thể trả lời câu hỏi này một mình, một phía chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần đang thách đố chúng ta trả lời như một thành phần trong đại gia đình nhân loại. Ngôi nhà chung của chúng ta có thể không khoan dung nữa cho những sự phân hóa không còn mầm sống. Thách đố quyết liệt phải bảo vệ ngôi nhà của chúng ta bao gồm nỗ lực đưa toàn thể nhân loại vào cuộc mưu tìm sự phát triển bền vững và toàn diện, vì chúng ta biết những việc này có khả năng tạo ra những thay đổi (x. tlđd, 13). Mong sao con cái chúng ta tìm thấy nơi chúng ta những kiểu mẫu và biện pháp thúc đẩy hiệp thông! Mong sao con cái chúng ta tìm thấy nơi chúng ta là những người, nam cũng như nữ, có thể nối kết mọi người làm cho những hạt giống tốt được Chúa Cha gieo vãi có thể trổ sinh hoa trái!
Đanh thép nhưng vẫn trìu mến, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13). Bao nhiêu lẽ khôn ngoan trong ít lời ngắn ngủi! Quả thật, về trái tim tốt lành và trong sạch, con người chúng ta có được bao nhiêu để chứng tỏ! Nhưng Chúa Giêsu biết, nơi nào con cái chúng ta đang cần, nơi đó lòng rộng rãi của chúng ta trải ra vô hạn. Vì thế Người trấn an chúng ta: chỉ cần chúng ta tin, Chúa Cha sẽ ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta.
Người Kitô hữu chúng ta, những môn đệ của Chúa, hãy xin các gia đình trên khắp thế giới giúp chúng ta! Chúng ta ở đây có bao nhiêu người đang dự Thánh lễ! Bản thân điều này đã mang tính ngôn sứ, một loại phép lạ trong thế giới ngày nay. Tất cả chúng ta hãy trở thành tiên tri! Tất cả chúng ta hãy mở ra đón những phép lạ của tình yêu dành cho mọi gia đình trên thế giới, và như thế chúng ta sẽ thắng được sự tai tiếng của tình yêu hẹp hòi, nhỏ mọn, khép kín, thiếu kiên nhẫn đối với tha nhân.
Và sẽ đẹp biết bao nếu khắp nơi, ngay cả vượt ra ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta vẫn trân trọng và khích lệ ơn tiên tri và phép lạ này! Chúng ta canh tân đức tin trong Lời Chúa. Lời Chúa đang mời gọi các gia đình tín hữu hãy tiến đến sự khai mở này. Lời Chúa đang mời gọi tất cả những ai muốn tham dự vào ơn tiên tri loan báo giao ước giữa người nam và người nữ, giao ước sinh ra sự sống và mặc khải Thiên Chúa!
Bất cứ ai muốn xây dựng trong thế giới này một gia đình luôn dạy con cái biết hứng khởi trước từng cử chỉ đánh bại sự dữ – một gia đình cho thấy Chúa Thánh Thần đang sống động và hành động – thì sẽ tìm thấy niềm tri ân và sự trân trọng của chúng tôi. Bất kể họ thuộc gia đình, dân tộc, vùng miền hoặc tôn giáo nào!
Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta, những môn đệ của Chúa, ơn đáng được một trái tim trong sạch, một sự trong sạch không vì Tin Mừng mà nhìn ai cũng thấy “có vấn đề”.