THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC VÀ HOẠT ĐỘNG TÍNH DỤC (2)

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC VÀ HOẠT ĐỘNG TÍNH DỤC (2)

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC VÀ

HOẠT ĐỘNG TÍNH DỤC

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

(tiếp theo)

II. Các phẩm chất của thân xác nhân vị

Khi chúng ta để mình bước vào các kinh nghiệm nguyên thủy đó, chúng ta bắt đầu hiểu sâu hơn ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của thân xác và ý nghĩa của các mối tương quan nhân vị. Nếu chấp nhận sống cách nào đó sự đơn độc, sự hợp nhất và sự trần truồng nguyên thủy, ta có thể hiểu thân xác con người vốn có tính biểu tượng, có tính hôn phốitự do như thế nào.

1. Thân xác con người có tính «biểu tượng»

Từ kinh nghiệm đơn độc nguyên thủy, con người nhận thấy mình vừa là thành phần của thế giới tạo thành này vừa vượt lên trên thế giới. Như muôn loài, con người có một thân xác, con người là “xác đất vật hèn”. Nhưng thân xác chúng ta thì khác, vì còn có cái gì đó trong ta còn hơn thân xác vật hèn này. Chúng ta có khả năng tư duy khác các loài vật. Chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa và thông giao với Ngài, còn các loài vật thì không thể. Chúng ta có thể nhận biết và yêu thương, đi vào quan hệ thân tình với Thiên Chúa. Hơn nữa, con người có thể thiết lập quan hệ thân mật với nhau. Như thế, chúng ta là một hữu thể hợp nhất, kết hợp cái hữu hình và cái vô hình. Chính bởi đó chúng ta đã lãnh nhận sứ mạng đặc biệt đặt tên cho các loài. Hai mặt này, hữu hình và vô hình, không tách biệt nhau nơi chúng ta. Có thể nói, chúng được “ráp lại với nhau” nơi chúng ta. Đó là ý nghĩa của chữ «biểu tượng» (symbol) trong nguyên gốc tiếng Hi lạp. Hai chiều kích thấy được và không thấy được này tồn tại và tạo nên một nhân vị. Như vậy, khi nói thân xác con người có tính chất biểu tượng, là ta muốn nói thân xác ấy còn là gì hơn nữa, không chỉ là vật chất thấp hèn. Thân xác con người là vật mang hay người vác cái vô hình. Đó chính là vai trò của một biểu tượng, nghĩa là: làm cho cái vô hình hiện diện, trở nên hữu hình. Biểu tượng là một thực tại hữu hình, nhưng nó hướng ngay sự chú ý của ta đến một sự vô hình nhưng rất thực (thực tại vô hình). Biểu tượng kết hợp thế giới hữu hình và thế giới vô hình lại thành một thực thể duy nhất. Như thế biểu tượng thì hoàn toàn tự nhiên chứ không nhân tạo.

Nói thân xác con người có tính biểu tượng tức là nói nó có đặc tính đưa trả về thế giới bên kia thân xác. Thân xác thì hữu hình và khía cạnh thể lí và vật chất của nó có một ý nghĩa và một nội dung chắc chắn nào đó. Thân xác vật lí hữu hình của con người hướng đến bờ bến thiêng liêng và vô hình bên kia của nhân vị. Khi ta nghĩ đến một người bạn, ta không chỉ nghĩ đến thân xác người bạn ấy, mà nghĩ đến chính ngưới ấy, đến cá tính người ấy, đến khả năng trí tuệ tinh thần của người ấy, .... Nói cách khác, ta nghĩ đến thực tại thiêng liêng và vô hình của người ấy. Linh hồn là chiều kích sâu xa nhất của con người, là cái nguyên lí thiêng liêng của con người. Nó là cội nguồn của sự thống nhất hữu thể nơi ta. Nói thân xác con người có tính biểu tượng, có nghĩa là nói có một nguyên lí sự sống trong ngã vị của ta không thấy được. Chúng ta khác các con vật ở chỗ đó. Chúng ta sống trong thế giới biểu tượng, còn con vật chỉ sống trong thế giới thực chứ không sống trong thế giới biểu tượng. Con vật có xác nhưng chúng không một có linh hồn thiêng liêng như ta. Con người vừa hữu hình vừa vô hình, và chúng ta kết hợp hai chiều kích này trong cách ta tư duy, trong hành động và trong lời nói của ta, nói tắt là, trong toàn thể đời sống của ta. Con người là một «ngã-vị-với-xác-thân» (body-person). Thân xác thì ở trong thời gian và không gian, linh hồn thì ở trong vĩnh cửu. Chúng ta sống trong cả hai thế giới này. Đó là nét đặc thù của riêng chúng ta xét như là con người.

Chúng ta hằng ngày sống trong thế giới biểu tượng nhưng ít khi ý thức và suy nghĩ về điều đó. Thử xét việc sống thường xuyên nhờ các giác quan, tất cả chúng đều mang một ý nghĩa thể lí lẫn thiêng liêng hay tinh thần. Xúc giác, chẳng hạn, rất quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ của chúng ta hằng ngày. Không có nó ta không thể lái xe được. Nhưng cũng nhờ nó chúng ta mới có thể trao đổi tình cảm yêu thương. Những người yêu âu yếm nhau, người mẹ vuốt ve nựng con thơ đều nhờ xúc giác. Sờ chạm vuốt ve của xúc giác biểu thị tình yêu: khi một người xúc chạm một ai khác truyền cảm xúc của tình yêu, thì xảy ra một cái gì đó vô hình nhưng rất thực. Tình cảm được chuyển tải qua xúc giác. Nhờ thính giác, tai ta nghe những thanh âm ý nghĩa bởi trong thâm tâm ta quan tâm và chú ý những gì “người kia” muốn nói với ta. Đó cũng là một biểu tượng của tình yêu. Tính biểu tượng của cõi nhân gian lộ rõ hơn nữa bởi mặt kia của sự cô đơn nguyên thủy. Ađam không thấy có ai trong vô số loài trong tạo thành của Chúa mà thân xác giống như của mình. Ông không thể tạo lập được giao tiếp xã hội với chúng, mà chỉ có Eva. Cái khác biệt này là một cách khác nữa cho Ađam kinh nghiệm bản tính biểu tượng của xác thân con người. Thân xác các loài vật cũng là thân xác, nhưng chúng không thể là biểu tượng như thân xác của con người vốn làm hiện diện toàn thể ngã vị, cả phần hữu hình lẫn vô hình.

2.Thân xác con người có tính hôn phối

Ngay khi Ađam nhìn thấy Eva, ông hiểu có cái gì khác biệt ở đây. Một thân xác con người khác đang có đó sẵn sàng thiết lập cùng ông một mối quan hệ thân mật. Nàng là một bổ túc cho ông. Điều đó có nghĩa là họ có thể trở nên «một».

Thân xác đàn ông và thân xác đàn bà khác biệt nhau. Đàn ông thì cường tráng, có sức vóc mạnh mẽ hơn. Cơ thể phụ nữ thì mỏng manh, mềm yếu hơn. Họ cũng khác biệt về tính dục. Cơ quan sinh dục của đàn ông thì ở ngoài, trong khi của phụ nữ thì ở trong. Chúng được tạo dựng để dành cho nhau. Đàn ông đi vào trong cơ thể của đàn bà, đàn bà thì tiếp nhận ông. Họ nên «một xương một thịt». Khi nói thân xác con người có tính hôn phối, đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô muốn nói rằng chúng được tạo dựng nên cho tình yêu, để sống tương giao. Đó là một hệ luận của bản tính biểu tượng của thân xác con người. Đàn ông và đàn bà hấp dẫn lẫn nhau. Có hấp dẫn thể xác bên ngoài mà cũng có hấp dẫn tinh thần từ bên trong. Họ kết hôn và hợp hoan nên một. Hành động ấy vừa thuộc thể xác vừa thuộc tinh thần, bởi thân xác con người có tính biểu tượng. Như vậy, khi vợ chồng giao hoan, họ làm thế trong tư thế của thụ tạo mang tính biểu tượng. Họ âu yếm trên da thịt, trao đổi với nhau những lời yêu thương, bằng cách ấy họ thông truyền tình yêu  cho nhau. Như thế, giao hoan là một hành động vừa tuyệt diệu vừa mầu nhiệm. Đó không phải là một thứ “thể thao ngẫu hứng trong nhà”. Vì xác thân con người có tính biểu tượng và hôn phối, cho nên khi một người đàn ông và một người đàn bà diễn tả tình yêu của họ trong quan hệ tình dục, đó là họ thông giao, tức là trao đổi với nhau. Nói cách khác, thân xác con người có một ngôn ngữ, quả thật, đó là ngôn ngữ của tính dục. Như đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô nói, tính dục là một dạng ngôn ngữ hoàn toàn độc đáo. Tính dục là ngôn ngữ của thân xác.

Trong tình trạng trần truồng của mình, người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên đã khám phá ra điều mà Đức Giáo hoàng gọi là «ý nghĩa hôn phối của thân xác». Tình yêu hôn nhân là tình yêu hiến thân trọn vẹn.  Bởi thế, ý nghĩa hôn phối của thân xác là «khả năng diễn tả tình yêu: là chính tình yêu mà trong đó ngã vị trở thành một tặng phẩm và – nhờ tặng phẩm ấy - con người thực hiện trọn vẹn chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu của mình»[1]. Sự khác biệt giới tính tỏ lộ một kế hoạch không thể lầm lẫn của Thiên Chúa trong đó thân xác của người nam và người nữ có ý nghĩa là tặng phẩm dành cho nhau. Nhưng không chỉ có thế, việc họ dâng hiến cho nhau, theo tiến trình bình thường tự nhiên, sẽ dẫn đến một “kẻ thứ ba”. Như đức Gioan Phaolô II đã diễn tả, hành động «biết» dẫn đến sinh sản: «Ađam biết vợ mình và sau đó bà đã mang thai» (St 4,1). Việc làm cha và làm mẹ là chóp đỉnh và đồng thời mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm của tính dục. Chỉ thị đầu tiên của Thiên Chúa trong Sáng thế là «Hãy sinh sôi nảy nở» (St 1,28). Đó không chỉ là một mệnh lệnh truyền sinh, nhưng còn là tiếng gọi hãy yêu thương theo hình ảnh của Thiên Chúa và như thế «làm cho chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu của chúng ta nên trọn vẹn».

3. Thân xác con người thì tự do, nhưng đồng thời cũng trong tình trạng sa ngã

Trước khi phạm tội, thân xác con người hay nhân vị vốn tự do, nghĩa là không bị nô lệ cho tội lỗi cùng những dục vọng của nó. Tự do ấy của thân xác là sự tự do của tặng phẩm dành trao hiến cho nhau, như đã nói trên đây, và là nền tảng cần thiết để yêu thương như Thiên Chúa yêu thương. Không có tự do, người nam và người nữ không thể trao ban cũng không thể đón nhận tình yêu.

Thế nhưng, thân xác của con người đã bị tội lỗi làm ảnh hưởng. Thân xác không là nguyên nhân của tội. Nhưng vì chúng ta là hữu thể thống nhất của hồn và xác, và tội lỗi xuất phát từ sự lạm dụng tự do vốn thuộc lãnh vực tâm linh, nên thân xác bị ảnh hưởng.

Hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là cái chết. Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để chết. Sự chết không có ý nghĩa gì cả. Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Ngài muốn chúng ta được sống, và sống viên mãn. Như sách Khôn Ngoan đã viết: «Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu» (Kn 1,13-14). Một hậu quả khác của tội nguyên tổ là dục tình dâm loạn. Một người đàn ông có thể đem lòng thèm muốn một người đàn bà. Người ấy có thể chỉ xem người đàn bà như một món đồ chơi để thỏa khoái lạc dục vọng trong chốc lát, rồi bỏ. Có thể người ấy nhìn một người phụ nữ chỉ ở vẻ đẹp thể chất với ánh mắt nhục cảm, mà không chạm tới ngã vị vốn vô hình của một chủ thể. Nói cách khác, tội lỗi ngăn trở chúng ta hiểu thân xác con người thuộc phạm trù biểu tượng. Ta có thể thấy rất nhiều thí dụ minh họa cho cái nhìn phiếm diện nô lệ đó trong thế giới ngày nay. Truyền hình, báo chí, các trang mạng toàn cầu rao rảo phơi bày bao nhiêu hình ảnh – nhất là của phụ nữ - tôn vinh chỉ duy chiều kích thể lí của xác thân con người. Chúng phản bội sự thật của nhân vị.

4. Thân xác con người được cứu chuộc

Nhưng tất cả không bị đánh mất. Đức Kitô, nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, khôi phục lại cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống và thân xác con người. Thân xác Người đã bị đóng đinh. Bởi cái chết thể lí của Người, thân xác chúng ta được «phục hồi». Thân mình Người bị ngọn giáo đâm thấu tim, từ đó máu và nước tuôn trào thành «nguồn mạch cho đời sống bí tích trong Hội thánh». Sau phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và cho họ chạm đến thân thể Người. Các Tông đồ gặp gỡ Đấng Phục sinh, còn Thánh Thomas thì được chạm ngón tay vào cạnh suờn Người. Kinh nghiệm thể lí đó đưa ngài đến đức tin.

Thật ra, sau cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, cuộc sống của chúng ta trở nên còn tốt hơn cả lúc nguyên tổ chưa phạm tội. Từ nay, Thiên Chúa đã bước vào lịch sử. Chúa Cha đã sai Con mình đến trần gian. Thiên Chúa siêu việt và vô hình đã trở nên hữu hình. Hơn nữa, vì Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, giờ đây ta có thể sờ chạm, nếm hưởng, cảm nghe được tiếng Ngài. Thật tuyệt diệu đến không thể tin được! Tội lỗi của chúng ta  được tẩy sạch, cuộc sống của chúng ta được khôi phục lại và chúng ta được nâng lên sống một đời sống mới với Đức Kitô.

 

Tóm lại, khởi đi từ các kinh nghiệm nguyên thủy và kinh nghiệm tội nguyên tổ, chúng ta có thể hiểu được rằng thân xác con người vốn có tính biểu tượng và hôn phối, thân xác ấy vốn tự do nhưng là một thân xác đã ở trong tình trạng sa ngã nhưng đã được Đức Kitô cứu chuộc. Thân xác làm cho toàn thể ngã vị được hiện diện. Chúng ta là những tạo vật «mang tính biểu tượng». Và từ đó ta biết, thân xác chúng ta và chính chúng ta được tạo dựng để yêu thương, chứ không để phục lụy dục vọng thấp hèn. Như thế, chúng ta khám phá ra ý nghĩa sâu thẳm rằng thân xác là để tương giao hơn là để cho khoái lạc tính dục. Tính dục chỉ quan trọng trong mức độ khi nó phục vụ cho sự tương giao. Vả lại, thân xác chúng ta tự do nhưng đã bị thương tổn. Cuối cùng, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô mà chúng ta ý thức sâu sắc rằng thân xác chúng ta, con người chúng ta được cứu chuộc. Biết và yêu mến Đức Kitô, cụ thể, sẽ giúp ta bước vào các kinh nghiệm nguyên thủy, từ đó có thể biết bản thân mình sâu hơn và biết cuộc sống mình sẽ như thế nào.

 

(còn tiếp)


[1] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung  ngày 16/01/1980.