THẦN HỌC THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIOAN PHAOLO II, Bài 112: TÌNH YÊU THÌ ĐÁNG TIN CẬY TRONG CUỘC CHIẾN THẮNG CỦA SỰ THIỆN
THẦN HỌC THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIOAN PHAOLO II
Bài CXII
TÌNH YÊU THÌ ĐÁNG TIN CẬY TRONG CUỘC CHIẾN THẮNG CỦA SỰ THIỆN
(Ngày 27 tháng 06 năm 1984)
1. Trong khi chú giải trong các tuần lễ trước về sách Diễm tình Ca, tôi đã nhấn mạnh dấu chỉ bí tích của hôn nhân được thiết lập trên cơ sở của «ngôn ngữ thân xác», mà người nam và người nữ diễn tả trong sự thật của chính mình. Dưới khía cạnh đó tôi có ý giờ đây phân tích vài đoạn của Sách Tôbia.
Trong trình thuật kể lại cuộc kết hôn của Tôbia cùng Sara, ta thấy có, ngoài diễn ngữ «em gái» – nhờ đó dường như có một tính chất huynh đệ nào đó bén rễ từ trong tình yêu hôn phối – còn có một diễn ngữ khác tương tự như những diễn ngữ trong Diễm tình Ca nói trên.
Như anh chị em nhớ, trong lời đối đáp của đôi tân hôn tình yêu, mà họ tuyên bố dành cho nhau, thì «mãnh liệt như tử thần».[1] Trong sách Tôbia chúng ta thấy câu nói chàng yêu Sara tha thiết đến mức «lòng cậu gắn bó với cô»[2], câu nói ấy trình bày một hoàn cảnh xác nhận sự thật của những lời lẽ nói về tình yêu «mãnh liệt như tử thần».
2. Để hiểu rõ hơn ta cần phải tham khảo vài đoạn đặc biệt giải thích dựa trên nền hậu cảnh đặc thù của Sách Tôbia. Chúng ta đọc thấy rằng Sara, con gái của ông Raguel, trước đó «đã được gả cho bảy người rồi»[3], nhưng tất cả đều đã chết ngay trước khi động phòng với nàng. Việc đó xảy ra là do quỷ sứ và, vì thế ngay chàng trai trẻ Tôbia cũng sợ rằng mình có thể chết giống như thế là điều dễ hiểu.
Tình yêu của Tôbia, như thế, ngay từ đầu đã phải đối diện với thử thách giữa sống và chết. Những lời lẽ của đôi tân hôn trong Diễm tình Ca mang trong con tim họ vốn loan báo về tình yêu «mãnh liệt như tử thần», ở đây mang tính chất của một sự thử thách thực sự. Nếu tình yêu tỏ ra mãnh liệt như tử thần, điều ấy xảy ra trước hết theo nghĩa Tôbia cùng với Sara không ngần ngại hướng đến thử thách này. Thế nhưng, trong cuộc thử thách này giữa cái sống và cái chết, sự sống chiến thắng, bởi lẽ, trong suốt cuộc thử thách của đêm tân hôn, tình yêu nhờ cầu nguyện tỏ ra mãnh liệt hơn sự chết.
3. Nhưng thử thách giữa sống và chết này có một ý nghĩa khác giúp ta hiểu tình yêu và hôn phối của đôi tân hôn. Quả thật, khi ân ái vợ chồng họ thấy mình rơi vào trong một hoàn cảnh trong đó sức mạnh của cái thiện và cái ác đang chiến đấu và lượng định chống lại nhau. Dường như cuộc đối thoại của đôi bạn tân hôn không thực sự biết đến chiều kích này của thực tại. Đôi bạn trong Diễm tình Ca sống và thể hiện mình ra trong một thế giới lí tưởng hay «trừu tượng», trong đó như thể là không hề có đấu tranh giữa các lực lượng khách quan giữa thiện và ác. Có lẽ chăng chính sức mạnh và sự thật nội tâm của tình yêu đã làm giảm thiểu đi cuộc chiến đấu này trong con người và quanh con người?
Tuy nhiên, sự thật đầy đủ này và sức mạnh trọn vẹn của chính tình yêu xem ra thì khác và có vẻ hướng nhiều hơn đến nơi mà kinh nghiệm của Sách Tôbia dẫn chúng ta đến. Sự thật và sức mạnh của tình yêu được biểu lộ ra trong cái khả năng mình đứng giữa các lực lượng của thiện và ác, đang chiến đấu nhau trong con người và quanh con người, vì tình yêu thì đáng tin cậy trong cuộc chiến thắng của sự thiện và sẵn sàng làm tất cả để sự thiện chiến thắng. Vì thế, sự thật của tình yêu của đôi hôn phối của Sách Tôbia không được xác nhận bởi những lời lẽ nói bằng ngôn ngữ phong tình như trong Diễm tình Ca, nhưng bởi những chọn lựa và hành động nhận lấy tất cả sức nặng của hiện sinh con người trong sự kết hợp của hai người. «Ngôn ngữ thân xác» ở đây xem ra sử dụng những lời lẽ của những chọn lựa và hành động xuất phát từ tình yêu chiến thắng do cầu nguyện.
4. Lời cầu nguyện của Tôbia,[4] trước hết là lời nguyện ca tụng và tạ ơn, và kế đến là cầu xin, đặt «ngôn ngữ thân xác» trên mảnh đất ngôn ngữ chủ yếu của thần học về thân xác. Đó là một ngôn ngữ «được khách thể hóa», lan tỏa không phải bởi sức mạnh của cảm xúc kinh nghiệm, cho bằng là bởi sự thật thâm sâu và trang trọng của chính cuộc sống.
Đôi tân hôn đồng thanh tuyên xưng cùng nhau trước mặt Thiên Chúa của Giao ước: «Thiên Chúa của tổ tiên chúng con». Có thể nói rằng dưới khía cạnh này «ngôn ngữ thân xác» trở thành ngôn ngữ của các thừa tác viên của bí tích ý thức rằng trong khế ước hôn nhân mầu nhiệm, vốn nhiệm xuất tự chính Thiên Chúa, được biểu lộ và thực hiện. Quả thật, khế ước hôn nhân của họ là hình ảnh – và là bí tích nguyên thủy của Giao ước của Thiên Chúa với con người, với loài người – của Giao ước có cội nguồn từ Tình Yêu vĩnh cửu.
Tôbia và Sara kết thuc cầu nguyện với những lời sau đây: «Xin Chúa đoái thương con và em con, cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già».[5]
Dựa trên văn mạch người ta có thể nhìn nhận rằng đôi tân hôn nhìn thấy viễn ảnh trước mắt họ phải kiên trung sống chung hòa hợp cho đến ngày cuối cuộc đời – một viễn ảnh mở ra trước mắt họ với thử thách về sống và chết đã có mặt suốt ngay từ đêm tân hôn. Đồng thời bằng con mắt đức tin họ nhìn thấy sự thánh thiện của ơn gọi này, trong đó – bởi sự kết hợp của hai người xây dựng trên sự thật tương hỗ của «ngôn ngữ thân xác» – họ phải đáp lại tiếng gọi của chính Thiên Chúa, vốn hàm ẩn trong mầu nhiệm của thuở ban đầu. Và bởi thế mà họ cầu xin: «Xin Chúa đoái thương con và em con».
5. Đôi tân lang và tân nương của Diễm tình Ca bày tỏ tình yêu với nhau, một tình yêu là ái tình phàm nhân, bằng những lời lẽ bốc lửa. Đôi tân hôn của sách Tôbia cầu xin được biết đáp trả tình yêu. Cả hai người thấy nhiệm vụ của họ là tạo nên dấu chỉ bí tích hôn phối. Cả hai người tham dự vào việc tạo nên dấu chỉ này.
Có thể nói rằng nhờ cả hai người «ngôn ngữ thân xác», được đọc lại hoặc trên phương diện chủ quan của sự thật trong tâm hồn con người, hoặc trên phương diện «khách quan» của sự thật sống trong hiệp thông, trở thành ngôn ngữ phụng vụ.
Lời cầu nguyện của đôi tân hôn trong Sách Tôbia xem ra xác nhận chắc chắn điều đó một cách khác với Diễm tình Ca, và chắc chắn gây cảm kích sâu sắc hơn.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch