Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (58,59)

Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (58,59)

 

Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” 

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
 

LVIII

HOẠT ĐỘNG TÍCH CỰC

CỦA MỘT TÂM HỒN THANH KHIẾT

 

1. Trước khi kết thúc phần hai xem xét những lời Đức Giêsu Kitô tuyên bố trong diễn từ trên núi, chúng ta cần nhắc lại một lần nữa những lời ấy và tóm lược sợi chỉ ý tưởng xuyên suốt dựa trên nền tảng những lời ấy. Sau đây là nội dung những lời của Đức Giêsu : «Anh em đã nghe Luật dạy rằng : chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» (Mt 5,27-28). Đó là những lời có tính tổng hợp, đòi hỏi phải được suy tư thật sâu xa, tương tự như những lời mà Đức Kitô đã nhắc đến «thuở ban đầu». Những người Pharisêu khi nại tới Luật Môsê, vốn cho phép người ta rẫy vợ, đã chất vấn Đức Giêsu: «Người ta có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lí do nào không ?», Người trả lời: «Các ông không đọc thấy điều này sao : “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ”, ... Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ  thành một xương một thịt... Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li» (Mt 19,3-6). Cả những lời này cũng đã đòi phải được suy tư sâu xa hơn, để rút ra được toàn thể nội dung phong phú chứa đựng trong đó. Suy tư đó đã giúp chúng ta phác thảo ra một thần học thân xác đích thực.

2. Bởi Đức Kitô tham chiếu đến «thuở ban đầu», chúng ta đã dành một chuỗi những suy tư về những đoạn văn liên hệ của Sách Sáng thế có nói trực tiếp tới cái «thuở ban đầu» ấy. Từ những phân tích đó xuất hiện không những hình ảnh phản chiếu hoàn cảnh của con người - nam cũng như nữ - trong tình trạng vô tội nguyên thủy, mà còn hiện ra một cơ sở thần học của sự thật về con người và về ơn gọi riêng của nó, ơn gọi phát xuất từ mầu nhiệm ngôi vị vĩnh cửu: là hình ảnh của Thiên Chúa, nhân vị nhập thể trong thế giới hữu hình qua thân xác của một người nam hay một người nữ. Sự thật này nằm ở nền tảng của câu trả lời của Đức Kitô có liên quan đến đặc tính hôn nhân, nhất là liên quan đến tính bất khả phân li của hôn nhân. Đó là sự thật về con người, sự thật ấy bén rễ sâu trong tình trạng vô tội nguyên thủy, sự thật cần được hiểu trong bối cảnh của tình trạng trước khi phạm tội, đó là điều chúng ta đã nỗ lực suy tư trong phần một trước đây.

3. Tuy nhiên, ta cũng đồng thời cần phải xem xét, hiểu và giải thích cũng chân lí nền tảng ấy về con người, hữu thể với giới tính là nam là nữ, qua một lăng kính khác, là lăng kính nhìn qua sự đổ vỡ của Giao ước thứ nhất với Đấng Tạo Hóa, nghĩa là bởi tội nguyên tổ. Cần phải nhìn sự thật đó của con người gồm cả nam và nữ trong bối cảnh tình trạng tội lỗi được di truyền lại. Và chính ở đây mà chúng ta gặp lời tuyên bố của Đức Kitô trong diễn từ trên núi. Dĩ nhiên, trong Kinh thánh Cựu và Tân ước có nhiều trình thuật, đoạn văn và lời lẽ xác nhận sự thật ấy, tức con người «lịch sử» mang trong mình gia sản tội nguyên tổ. Thế nhưng, những lời của Đức Kitô trong diễn từ trên núi xem ra diễn tả hết sức cô đọng và có một trọng lực đặc biệt hết sức thuyết phục. Những phân tích trước đây đã dần dần bộc lộ ra những gì chứa đựng trong những lời ấy cho thấy sự thật đó. Để làm sáng tỏ những khẳng định liên quan tới dục vọng, cần phải nắm được ý nghĩa Kinh thánh của chính dục vọng – dục vọng trong ba mặt của nó – và nhất là của dục vọng xác thịt. Từ đó, dần dần mới đi đến chỗ hiểu tại sao Chúa Giêsu xác định dục vọng đó (nói chính xác, đó là: «cái nhìn tà dâm») là tội «ngoại tình phạm trong lòng». Khi làm những phân tích ấy chúng ta đồng thời đã tìm hiểu những lời của Đức Kitô nói có ý nghĩa gì đối với các thính giả đương thời của Người, vốn được giáo dục trong trong truyền thống Cựu ước, nghĩa là trong truyền thống của các bản văn về lề luật, cũng như tiên tri và «khôn ngoan». Và hơn nữa, cũng đã tìm hiểu chúng có thể có ý nghĩa gì đối với cả những người thuộc mọi thời đại khác, nhất là đối với con người thời nay, có xét tới họ sống trong những hoàn cảnh văn hóa khác nhau. Quả thật, ta tin rằng những lời này trong nội dung cốt yếu nhất liên hệ đến con người thuộc mọi nơi và mọi thời. Giá trị tổng hợp của những lời này cũng thế, chúng loan báo cho mỗi người sự thật có giá trị và trọng yếu đối với họ.

4. Sự thật ấy là gì? Hẳn đó là một sự thật mang tính đạo đức và, như vậy, xét cho cùng, đó là một sự thật có tính chất pháp định (normativa), cũng như sự thật ẩn chứa trong lệnh truyền: «Chớ ngoại tình» mang tính pháp định. Giải nghĩa của Đức Kitô về giới răn này cho thấy cái ác cần phải tránh và chiến thắng – là chính cái ác của dục vọng xác thịt – và đồng thời cũng chỉ ra cái thiện mà con đường vượt thắng những thèm muốn ấy dẫn đến. Cái thiện ấy là «sự thanh khiết tâm hồn» hay «lòng trong sạch» mà Đức Kitô nói tới cũng trong bối cảnh của diễn từ trên núi đó. Từ quan điểm Kinh thánh, «lòng trong sạch» có nghĩa là sự tự do đối với mọi tội lỗi, đối với mọi thứ tội khiên, chứ không chỉ đối với những tội liên quan tới «dục vọng xác thịt». Nhưng ở đây, chúng ta đặc biệt để tâm đến một trong những khía cạnh của «sự thanh khiết», khía cạnh đối nghịch với tội ngoại tình mà người ta có thể «phạm trong lòng». Nếu «sự thanh khiết tâm hồn», như ta đang nói tới ở đây, cần phải hiểu theo tư tưởng thánh Phaolô như là «đời sống theo Thần Khí», thì ngữ cảnh thư Phaolô cho ta một hình ảnh đầy đủ của nội dung chứa đựng trong lời loan báo của Đức Kitô trong diễn từ trên núi. Những lời ấy chứa đựng một chân lí có bản chất đạo đức, nhắc nhở người ta coi chừng sự xấu và chỉ cho thấy sự thiện luân lí trong cách ăn nết ở của con người, cụ thể là, chúng hướng dẫn thính giả biết tránh dục vọng xấu xa và có được một tâm hồn trong sạch. Thế nên, những lời ấy có một ý nghĩa pháp định và đồng thời cũng có tính hướng đạo. Khi hướng đến sự thiện là «sự thanh khiết tâm hồn» chúng đồng thời cũng chỉ đến những giá trị mà lòng ta có thể và phải khao khát.

5. Từ đó nảy sinh một câu hỏi: ở trong những lời nói ấy của Đức Kitô ẩn chứa chân lí nào, có giá trị cho mọi người? Chúng ta phải trả lời rằng những lời ấy không chỉ chứa đựng một chân lí đạo đức, nhưng còn bao hàm chân lí cốt yếu về con người, tức là chân lí nhân học. Bởi thế, chúng ta cần trở về với những lời ấy trong khi xây dựng Thần học thân xác, vốn liên hệ mật thiết và (có thể nói là) nằm trong viễn tượng của những lời trước đó nữa, những lời Đức Kitô nại đến «thuở ban đầu». Người ta có thể khẳng định rằng, qua cách diễn tả thuyết phục những lời Phúc âm cho thấy, con người vô tội nguyên thủy theo một nghĩa nào đó được gợi nhắc đến trong tâm thức của con người dục vọng. Nhưng những lời của Đức Kitô rất thực  tế. Những lời ấy không nhằm làm tâm hồn con người quay về với tình trạng vô tội nguyên thủy, vốn là tình trạng mà con người đã lìa bỏ rồi ngay khi họ đã phạm tội nguyên thủy; nhưng, trái lại, chỉ cho họ thấy con đường hướng đến một tâm hồn thanh khiết mà con người có thể đến gần được cả trong tình trạng đang mang trong mình di sản tội lỗi. Nhưng chính cái đó (tâm hồn thanh khiết trong «con người của dục vọng») được linh hứng nhờ lời Tin mừng và mở ra với «đời sống theo Thần Khí» (phù hợp với những lời của Thánh Phaolô), nghĩa là sự thanh khiết của con người dục vọng được bao bọc hoàn toàn nhờ «ơn cứu chuộc thân xác» Đức Kitô đã thực hiện. Chính vì thế trong những lời của diễn từ trên núi chúng ta thấy «tâm hồn», tức con người nội tâm, được nhắc đến. Con người nội tâm phải mở lòng mình ra với đời sống theo Thần Khí, để tâm hồn tham dự vào sự thanh khiết Tin mừng: để nó tìm lại được và thực hiện giá trị của thân xác, một thân xác được ơn cứu chuộc giải thoát khỏi những xiềng xích của dục vọng.

Ý nghĩa pháp lí của những lời của Đức Kitô bắt rễ sâu xa từ ý nghĩa nhân học của chúng, từ chiều kích của nội giới của con người.

6. Theo Giáo lí phúc âm, được triển khai kì diệu như thế trong các thư Thánh Phaolô, thì sự thanh khiết không chỉ là xa lánh gian dâm (x. 1Tx 4,3), nhưng là điều độ, mà điều ấy lại đồng thời mở ra một con đường khám phá phẩm giá của thân xác của con người mỗi ngày một trọn vẹn hơn. Phẩm giá đó liên kết hữu cơ với sự tự do của trao hiến ngôi vị với tất cả sự chân thực của chủ thể của người nam và người nữ. Như thế sự thanh khiết, theo nghĩa điều độ, chín muồi dần trong tâm hồn con người nhờ được vun tưới và giúp con người khám phá và khẳng định ý nghĩa hôn phối của thân xác trong sự thật toàn diện của nó. Chính sự thật này phải được con người nhận biết tự trong lòng; theo nghĩa nào đó, sự thật ấy phải được «tâm hồn cảm nhận» hầu ý nghĩa của các mối tương quan giữa người nam và người nữ – hay chỉ đơn giản qua một cái nhìn – có được trở lại nội dung hôn phối đích thực. «Lòng trong sạch» (hay tâm hồn thanh khiết) mà Phúc âm nói tới có nội dung chính là như thế.

7. Nếu trong kinh nghiệm nội tâm của con người (con người dục vọng) «sự điều độ» được xem như, có thể nói là, một thể hiện tiêu cực, thì trong khi phân tích những lời Đức Kitô nói trong diễn từ trên núi có kết nối với những bản văn của thánh Phaolô, ta có thể dịch chuyển ý nghĩa ấy hướng về hoạt động tích cực là sự thanh khiết của tâm hồn. Trong sự thanh khiết chín chắn con người hưởng những hoa quả của cuộc chiến thắng trên dục vọng, cuộc chiến thắng mà thánh Phaolô đã viết khi ngài cổ vũ hãy «giữ cho thân xác mình được thánh thiện và kính trọng» (1Tx 4,4). Thật ra, chính trong một tâm hồn thanh khiết chín chắn như thế ơn huệ của Chúa Thánh Thần (Đấng ngự trong «đền thờ» của Ngài là thân xác con người [x. 1Cr 6,19]) mới phát sinh hiệu quả. Ơn đó trước hết là ơn đạo đức (donum pietatis), là ơn giúp cho thân xác con người – nhất là trong những mối quan hệ nam nữ – sống tất cả kinh nghiệm sự đơn sơ, trong sáng và cà niềm vui nội tâm của nó nữa. Đây là một tình trạng thiêng liêng như ta thấy khác xa với tình trạng «đam mê và phóng đãng» mà thánh Phaolô nói tới (chúng ta đã biết qua những phân tích trước đây, chỉ cần nhớ lại đoạn Hc 26, 13.15-18). Quả thật, một bên là thỏa mãn các đam mê dục vọng, còn bên kia là niềm vui mà con người cảm thấy khi sở hữu chính mình trọn vẹn hơn bằng cách trở nên tặng phẩm đích thực trao hiến cho một người khác ngày càng nhiều hơn.

Những lời Đức Kitô tuyên bố trong diễn từ trên núi hướng tâm hồn con người trực tiếp đến một niềm vui như thế. Cần phó giao chính mình, những tư tưởng và hành động của mình, để được thấm đẫm những lời ấy, hầu ta có được niềm vui và rồi ban tặng niềm vui ấy cho những người khác.


 LIX

GIÁO DỤC THÂN XÁC, TRẬT TỰ LUÂN LÍ,

SỰ BIỂU LỘ TÌNH CẢM

 

1. Đã đến lúc chúng ta kết thúc những suy tư và phân tích của mình vốn dựa trên lời của Đức Kitô trong bài giảng trên núi, với những lời ấy Người đã chạm đến tâm hồn con người và mời gọi nó sống thanh khiết: «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» (Mt 5,27-28). Nhiều lần chúng ta đã nói rằng những lời lẽ ấy đã một lần được Đức Giêsu ngỏ với một số giới hạn các người nghe diễn từ của Người lúc bấy giở, nhưng cũng được ngỏ với con người mọi nơi thuộc mọi thời đại, và chúng gọi mời cõi lòng con người là nơi ghi cốt chuyện thâm sâu và (theo nghĩa nào đó) quan yếu nhất của lịch sử. Đó là lịch sử của sự thiện và sự ác (mà khởi đầu có liên hệ với cái cây biết thiện biết ác bí nhiệm trong Sách Sáng thế), và đồng thời cũng là lịch sử của ơn cúu độ với lời là Tin mừng và sức mạnh là Thánh Thần được ban cho ai thành tâm đón nhận Tin mừng.

2. Nếu như vì Đức Kitô đã gọi mời tới «lòng» người và trước đó nữa, Người còn nại tới «thuở ban đầu», mà ta có thể xây dựng hay ít ra là phác thảo được một khoa nhân học, còn có thể gọi đó là «thần học thân xác», thì thần học đó cũng đồng thời là khoa sư phạm giáo dục, hướng tới việc giáo dục con người, bằng cách đặt ra trước mặt họ những yêu sách, tích cực tìm cách đáp ứng và chỉ đường để thực hiện. Những lời phát biểu của Đức Kitô cũng nhằm mục đích này, đó là mục đích «giáo dục». Những lời ấy chứa đựng một đường lối giáo dục thân xác, được diễn tả ngắn gọn nhưng đồng thời lại đầy đủ hơn hết. Dù là trả lời cho những người Pharisêu về tính chất bất khả phân li của hôn nhân, hay những lời phát biểu trong diễn từ trên núi liên hệ tới sự làm chủ dục vọng, Đức Kitô cũng cho thấy – ít là cách gián tiếp – rằng Đấng Tạo Hóa đã giao phó thân xác cho con người như một nhiệm vụ, một thân xác vốn có giới tính (là đàn ông hay là đàn bà). Và Người cũng cho thấy nơi giới tính ấy Tạo Hóa cách nào đó đã giao nhân tính, phẩm giá nhân vị, và cả dấu chỉ trong suốt của mối «hiệp thông» liên vị (trong đó con người thực hiện chính mình qua việc chân thành tự hiến) như một nhiệm vụ phải hoàn thành. Khi đặt ra trước mặt con người những yêu sách phù hợp với nhiệm vụ được giao, Đấng Tạo Hóa cũng đồng thời chỉ ra cho con người, nam cũng như nữ, những cách thức để đảm nhận và hoàn tất chúng.

3. Khi phân tích những bản văn chìa khóa này của Kinh thánh đến tận những ý nghĩa gốc rễ hàm ẩn trong đó, chúng ta khám phá chính xác một khoa nhân học có thể được gọi tên là «thần học thân xác». Và rồi chính thần học thân xác này trở thành nền tảng cho một phương pháp sư phạm thích hợp nhất về thân xác, tức là khoa giáo dục (đúng hơn, là một sự tự giáo dục) làm người. Điều đó rất hợp với thời sự cho con người thời nay, vốn đã đạt được nhiều tiến bộ khoa học trong lãnh vực sinh học – sinh lí học và sinh học – y học. Tuy nhiên, khoa học vẫn chỉ xét con người theo một «phương diện» nhất định nào đó thôi và do đó còn phiến diện, không đầy đủ. Chúng ta biết rõ các chức năng của thân thể xét như là một cơ thể, những chức năng liên kết với giới tính nam và nữ của con người. Nhưng khoa học đó tự thân chưa phát triển cái tâm thức của thân xác như là một dấu chỉ của nhân vị, như là một biểu lộ của tinh thần. Mọi phát triển của khoa học hiện nay về thân xác xét như là một cơ thể, mang đặc tính của tri thức sinh học nhiều hơn, vì nó dựa trên cơ sở tách biệt những gì thuộc thể xác khỏi những gì thuộc tinh thần nơi con người. Khi dùng những tri thức một chiều như thế về chức năng của thân xác xét như là một cơ thể sẽ dễ đi tới chỗ đối xử với thân xác (một cách ít nhiều có tính hệ thống) chỉ như là một đồ vật cho ta tùy tiện sử dụng. Như thế, con người có thể nói không còn được đồng nhất với chính thân xác của mình như là chủ thể nữa, bởi vì nó mất đi ý nghĩa cùng phẩm giá có được từ sự kiện thân xác này là chính ngôi vị. Tại đây chúng ta đụng phải giới hạn của những vấn đề thường đòi hỏi phải có những giải pháp nền tảng, mà điều đó không thể thực hiện được nếu không có một cái nhìn toàn diện về con người.

4. Chính ở đây xem ra rõ ràng là thần học thân xác (những gì chúng ta khai phá từ các bản văn chìa khóa về lời của Đức Kitô) trở thành phương pháp nền tảng cho khoa sư phạm, hay đúng hơn khoa giáo dục làm người nhìn từ quan điểm về thân xác, xem xét toàn diện con người với nam tính và nữ tính của nó. Khoa sư phạm ấy có thể được hiểu theo phương diện của một nền linh đạo thân xác đặc biệt. Quả thật, thân xác với một giới tính cụ thể, của một người nam hay của một người nữ, được phú ban như hiện thể của tinh thần con người (điều này đã được thánh Phaolô diễn tả thật kì diệu theo ngôn ngữ riêng của ngài) và nhờ một tinh thần trưởng thành thích hợp thân xác cũng nên như dấu chỉ của nhân vị được ý thức, và nên như «chất thể» đích thực của sự hiệp thông các ngôi vị. Nói cách khác, con người nhờ sự trưởng thành tâm linh khám phá được ý nghĩa hôn phối của chính thân xác.

Những lời của Đức Kitô trong diễn từ trên núi cho thấy rằng dục vọng tự nó không tỏ lộ cho con người cái ý nghĩa ấy, mà ngược lại nó còn che khuất và làm lu mờ đi. Tri thức thuần túy «sinh học» về các hoạt động của thân xác xét như là một cơ thể, liên hệ tới giới tính của con người, có khả năng giúp ta khám phá ý nghĩa hôn phối đích thực của thân xác,  chỉ khi nó đi cùng nhịp với một sự trưởng thành tâm linh thích hợp của nhân vị. Nếu không, sự hiểu biết ấy có thể gây tác dụng ngược hẳn. Điều đó được xác nhận qua rất nhiều kinh nghiệm của thời đại chúng ta.

5. Từ quan điểm này ta cần phải xem xét cách sáng suốt những lời tuyên bố của Giáo hội ngày nay. Để hiểu và giải thích cách thích đáng những lời ấy, cũng như để đem áp dụng thực hành (tức là đường lối sư phạm) người ta cần hiểu sâu xa nền thần học thân xác, mà xét cho cùng đó cũng là nhờ trên hết những lời chủ chốt của Đức Kitô. Về tuyên ngôn của Giáo hội ngày nay, ta cần biết đến chương «Phẩm giá của Hôn nhân và Gia đình được quí trọng» của Hiến chế Mục vụ Công Đồng Vaticanô II (Gaudium et spes, phần II, ch. I), và kế đến là thông điệp Humanae vitae của đức Phaolô VI. Chắc chắn là, theo như chúng ta đã phân tích rất nhiều, những lời của Đức Kitô không có mục đích nào khác ngoài việc đề cao phẩm giá của hôn nhân và gia đình; từ đó có điểm hội tụ căn bản giữa những lời của Người và nội dung của cả hai tuyên ngôn mà Giáo hội đề cập. Đức Kitô đã nói với con người thuộc mọi thời đại và ở mọi nơi. Còn tuyên ngôn của Giáo hội hướng đến thực hiện (hay thời sự hóa) lời của Đức Kitô, và do đó chúng phải được đọc lại theo chìa khóa của thần học thân xác và của khoa sư phạm vốn có cội rễ và nền tảng trong lời của Đức Kitô.

Ở đây khó mà làm một phân tích tổng thể những lời tuyên bố trích dẫn từ Huấn quyền tối cao của Hội thánh. Chúng ta tự giới hạn lại chỉ đưa ra một vài đoạn văn. Công Đồng Vaticanô II – giữa những vấn đề cấp bách nhất của Giáo hội trong thế giới ngày nay đã đề cao «phẩm giá của Hôn nhân và Gia đình» – ghi nhận đặc trưng của hoàn cảnh của lãnh vực hôn nhân – gia đình hiện nay như sau: «phẩm giá của định chế ấy (tức của hôn nhân và gia đình) không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau, vì đã bị lu mờ bởi chế độ đa thê, nạn li dị, bởi cái gọi là tự do luyến ái, cùng những hình thức lệch lạc khác. Hơn nữa, tình yêu vợ chồng rất thường bị hoen ố bởi lòng ích kỉ, chủ nghĩa lạc thú và những lạm dụng bất hợp pháp chống sinh sản» (Gaudium et spes 47). Khi nêu lên vấn đề sau cùng này trong thông điệp Humanae vitae, đức Phaolô VI viết như sau: «cũng có thể lo ngại con người, một khi đã quen thực hành chống thụ thai, sẽ đi tới chỗ đánh mất lòng kính trọng đối với phụ nữ và (...) xem họ chỉ như là dụng cụ để hưởng lạc ích kỉ, chứ không còn là người bạn đường được quí trọng và yêu mến của mình» (Humanae vitae 17).

Không phải ở đây chúng ta cùng một bận tâm chung với Đức Kitô như một lần đã nghe Người nói về sự duy nhất và bất khả phân li của hôn nhân, cũng như những lời lẽ đã nói trong diễn từ trên núi về lòng trong sạch và sự làm chủ dục vọng xác thịt (cũng được thánh Phaolô tông đồ triển khai về sau rất sắc sảo) sao?

6. Cũng trong tinh thần đó, tác giả của thông điệp Humanae vitae, trong khi nói đến những đòi hỏi của chính luân lí kitô giáo, đã trình bày sự thực thi luân lí ấy là khả thể. Người viết như sau: «Để làm chủ bản năng, nhờ lí trí và ý chí tự do, chắc chắn ta cần phải khổ chế (đức Phaolô VI dùng chính từ ngữ này) sao cho những biểu lộ tình cảm của đời sống hôn nhân hợp với một trật tự đúng đắn và nhất là nhờ biết tiết dục định kì. Tính kỉ luật này do đôi bạn sống thanh khiết không hề làm nguy hại gì đến tình yêu vợ chồng, trái lại còn làm tăng thêm giá trị nhân bản cho tình yêu ấy. Nó đòi hỏi phải cố gắng liên tục (cố gắng ấy được gọi là sự “khổ chế” như trên đây), nhưng nhờ ảnh hưởng tích cực của nó đôi vợ chồng phát triển nhân cách của họ toàn vẹn và được phong phú thêm bởi các giá trị tâm linh. Tinh thần kỉ luật ấy ... giúp quan tâm hơn đến người bạn đời của mình, giúp loại bỏ tính ích kỉ, là kẻ thù của tình yêu thật, và làm cho tinh thần trách nhiệm thêm sâu sắc...» (Humanae vitae 21).

7. Chúng ta dừng lại chỉ ở vài đoạn ít ỏi này. Những đoạn này – đặc biệt là đoạn sau cùng – cho thấy rõ ràng (nhờ hiểu đúng tuyên ngôn của Huấn quyền của Giáo hội ngày nay) thần học thân xác (mà nền tảng dựa trên lời của Đức Kitô) quả là rất cần thiết. Như đã nói, thần học thân xác trở thành một phương pháp nền tảng cho toàn bộ khoa sư phạm Kitô giáo về thân xác. Tham chiếu những lời trích dẫn trên đây, ta có thể khẳng định rằng mục đích của khoa sư phạm về thân xác hệ tại ở chỗ làm sao để «những biểu lộ tình cảm» – nhất là của «riêng đời sống vợ chồng» – phù hợp với trật tự luân lí, hay xét cho cùng phù hợp với phẩm giá con người. Những lời này lại cho thấy trở lại vấn đề mối tương quan  giữa «eros» và «ethos» mà ta đã nói. Thần học thân xác, hiểu như là phương pháp của khoa sư phạm về thân xác, còn giúp chúng ta chuẩn bị cho suy tư về tính bí tích của đời sống nhân bản và, nhất là, của đời sống hôn nhân.

Tin mừng về sự thanh khiết tâm hồn, hôm qua và hôm nay: khi kết luận phần thứ hai này với đoạn trên đây – trước khi đi qua phần kế tiếp về cơ bản sẽ là những phân tích lời Đức Kitô về thân xác phục sinh – chúng ta còn muốn dành một chút lưu ý tới «sự cần thiết phải tạo ra một bầu khí thuận lợi cho giáo dục đức khiết tịnh», mà thông điệp của đức Phaolô VI đã có nói tới (x. Humanae vitae 22), và chúng ta muốn qui tập những nhận xét này về ethos của thân xác trong các công trình văn hóa nghệ thuật, với sự tham chiếu đặc biệt đến hoàn cảnh mà ta gặp ngày nay.

 Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch