Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (54,55)

Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (54,55)

 

Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” 

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
 
LIV

SỰ THÁNH THIỆN VÀ KÍNH TRỌNG THÂN XÁC
TRONG GIÁO LÍ CỦA THÁNH PHALÔ
 
1. Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Têxalônica như sau: «... ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết làm chủ bản thân mình để sống trong thánh thiện và trọng kính. Đừng buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa» (1Tx 4,3-5). Ngài viết tiếp sau đó một chút: «Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa ; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người» (ibid., 4, 7-8). Những lời này của thánh Tông đồ đã được chúng ta tham chiếu đến trong chương trước. Nhưng giờ đây chúng ta xem lại những lời đó vì chúng rất quan trọng đối với đề tài suy tư của chúng ta.

2. Sự thanh sạch mà Phaolô nói đến trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Têxalônica (4, 3-5.7-8) được diễn tả qua việc mỗi người «biết làm chủ bản thân mình để sống trong thánh thiện và trọng kính, đừng buông theo đam mê dục vọng». Mỗi lời trong câu này có một ý nghĩa đặc biệt và đáng để ta chú giải thật thích đáng.

Trước hết, «thanh sạch» là một «khả năng», hay đúng hơn, nếu nói theo ngôn ngữ truyền thống của khoa nhân học và đạo đức học, là một thái độ sống. Theo nghĩa đó thì thanh sạch là một nhân đức. Nếu cái khả năng , tức nhân đức này khiến ta biết «xa lánh gian dâm», đó là vì người có nhân đức ấy biết «làm chủ bản thân mình để sống trong thánh thiện và trọng kính. Không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại». Điều ta đang nói đến ở đây, đó là một khả năng thực tiễn của con người làm một hành động cách rạch ròi và đồng thời không hành động trái ngược lại. Dĩ nhiên, để cái khả năng hay thái độ ấy biến thành hiện thực, sự thanh sạch phải bắt nguồn sâu xa từ ý chí, từ chính ý muốn và hành động có ý thức nền tảng của con người. Trong giáo lí về các nhân đức của thánh Tôma Aquinô, ngài nhận thấy đối tượng của lòng thanh sạch cách trực tiếp hơn trong cái quan năng thèm muốn mà ngài gọi là appetitus concupiscibilis (ham muốn dục vọng). Nói chính xác hơn, quan năng này cách riêng phải được «chế ngự», chấn chỉnh và hành động sao cho phù hợp với đức hạnh, hầu con người trở nên «trong sạch». Với quan niệm đó, sự thanh sạch hệ tại trước hết nơi khả năng kiềm chế các xung năng dục vọng hướng tới những đối tượng nhục dục và thể xác. Lòng thanh sạch là một biến thể (hay một dạng khác) của nhân đức tiết độ (temperanza).

3. Đoạn 1Tx 4,3-5 cho thấy rằng theo quan niệm của Phaolô đức thanh sạch cũng hệ tại nơi khả năng làm chủ và vượt thắng được những «đam mê dục vọng». Điều đó có nghĩa là bản chất thiết yếu của đức thanh sạch phải là khả năng kiềm chế những xung năng dục vọng, tức là nhân đức tiết độ. Thế nhưng, đồng thời cũng bản văn của Phaolô ấy lưu ý chúng ta về một chức năng khác, một chiều kích khác của đức thanh sạch, mang tính tích cực hơn là tiêu cực, nếu nói được như thế.

Xem ra điều mà tác giả bức Thư đề cao trước hết về đức thanh sạch không chỉ (mà cũng không chính yếu) là ta phải kiêng tránh những việc «gian dâm» và những gì đưa đến đó, nghĩa là chớ buông theo «đam mê dục vọng», nhưng đồng thời là còn phải biết làm chủ thân xác mình và gián tiếp giúp người bạn kia làm chủ thân xác họ, trong «sự thánh thiện và trọng kính».

Hai chức năng này, «kiêng tránh»«làm chủ», nối kết chặt chẽ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Thật vậy, bởi lẽ người ta không thể «làm chủ thân xác mình trong sự thánh thiện và trọng kính» nếu không kiêng kị những chuyện «gian dâm» và những gì dẫn đến đó. Thế nên có thể chấp nhận rằng làm chủ thân xác (mình, và cách gián tiếp là thân xác người kia) «trong sự thánh thiện và trọng kính» là đã cho sự kiêng kị đó một ý nghĩa và giá trị thích đáng. Điều này tự nó đòi hỏi con người phải vượt qua một cái gì đó trong bản thân mình và nảy sinh tự nhiên bên trong như là một hướng chiều, như một sự hấp dẫn và còn như một giá trị hoạt động đặc biệt trong lãnh vực cảm quan, và rất thường, không phải là không có dội âm lên trên những bình diện khác của con người chủ thể, đặc biệt là trên phương diện tình cảm-cảm xúc.

4. Khi xem xét những điều đó ta thấy dường như hình ảnh của đức thanh sạch trong Phaolô – một hình ảnh hiện ra trong cuộc so diện rất quyết liệt của chức năng «kiêng kị» (tức là sự tiết độ) với chức năng «làm chủ thân xác trong sự thánh thiện và kính trọng» – tự thâm sâu thật là chính đáng, đầy đủ và thích hợp. Có lẽ chúng ta có được hình ảnh đầy đủ của đức thanh sạch bởi chính sự kiện này là thánh Phaolô đã xem sự thanh sạch không chỉ như là nội lực (thái độ) của tài năng chủ quan nơi con người, nhưng đồng thời còn như là một biểu lộ cụ thể của đời sống «theo Thần Khí», trong đó nội lực ấy của con người được sinh sôi nảy nở và nên phong phú bởi cái mà Phaolô gọi ở trong Thư Gl 5,22 là «hoa quả của Thần Khí». Khi trong lòng con người có một thái độ kính trọng đối với thân xác và tính dục, dẫu của mình hay người khác, dẫu người ấy là nam hay là nữ, người ta thấy hiển lộ ra sức mạnh cốt yếu nhất đã làm chủ thân xác «trong sự thánh thiện». Để hiểu giáo lí của thánh Phaolô về sự thanh sạch, ta cần phải đi sâu vào đến tận cùng ý nghĩa của từ «kính trọng», mà ở đây có nghĩa rõ ràng là một sức mạnh thuộc bình diện tâm linh. Chính sức mạnh nội tâm này làm cho sự thanh sạch có tầm mức đầy đủ như là một nhân đức, nghĩa là như một khả năng hành động trong toàn thể lãnh vực mà ở đó con người khám phá tự nơi thâm sâu mình bao nhiêu là xung lực của «đam mê dục vọng» và thi thoảng họ chịu thua vì nhiều lí do.

5. Để hiểu tư tưởng của tác giả Thư thứ nhất gửi tín hữu Têxalônica hơn nữa, ta nên xét đến một văn bản khác nữa trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Phaolô trình bày ở đó nền Giáo hội học tuyệt vời của ngài coi Giáo hội là Thân Mình của Chúa Kitô. Nhân cơ hội đó ngài xác lập luận cứ sau đây về thân xác con người: «... Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn» (1Cr 12,18); và hơn nữa: «những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau» (ibid., 12,22-25).

6. Dẫu rằng đề tài của đoạn văn này là thần học về Giáo hội xét như là Thân Mình Chúa Kitô, thế nhưng bên lề của đoạn văn ấy ta có thể nói thánh Phaolô, bởi tài năng dùng phương pháp loại suy Giáo hội học tuyệt vời của ngài (cũng có trong các thư khác, và ta sẽ tham chiếu đến khi thuận tiện), cũng đã góp phần đào sâu thần học về thân xác. Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Têxalônica ngài viết về làm chủ thân xác trong «sự thánh thiện và kính trọng», đang khi đó trong đoạn văn đang được trích từ Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô ngài muốn cho thấy thân xác này rất đáng được kính trọng. Người ta cũng có thể nói ngài muốn giáo huấn các tín hữu Côrintô quan niệm đúng đắn về thân xác con người.

Bởi thế, xem ra việc mô tả thân xác con người này trong Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô liên hệ mật thiết với lời khuyên nhủ của Thư thứ nhất gửi Têxalônica: «mỗi người hãy biết làm chủ thân xác mình để sống trong sự thánh thiện và trọng kính» (1Tx 4,4). Đây là một mối dây quan trọng, có lẽ là cốt yếu, của giáo lí thánh Phaolô về sự thanh sạch.
 

 

LV

 


DIỆN MẠO CỦA THÂN XÁC THEO THÁNH PHAOLÔ
VÀ GIÁO LÍ VỀ SỰ THANH SẠCH

1. Trong khi xem xét ở chương trước về sự thanh sạch theo giáo huấn của thánh Phaolô chúng ta đã lưu ý đến đoạn văn của Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô Tông đồ đã trình bày Giáo hội như là Thân Mình của Chúa Kitô, và điều ấy cho chúng ta dịp để bàn luận về thân xác con người : «... Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn... Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau» (1Cr, 12,18.22-25).

2. Diện mạo của thân xác theo thánh Phaolô tương ứng với thực tại làm nên thân xác ấy. Bởi thế đó là một diện mạo «duy thực». Trong nét duy thực của diện mạo ấy, một sợi chỉ giá trị rất tinh tế đồng thời cũng được dệt nên: diện mạo ấy được trao gửi một giá trị Tin mừng, giá trị Kitô sâu sắc. Đã hẳn người ta có thể «mô tả» thân xác con người, có thể diễn tả sự thật của thân xác ấy với tính khách quan riêng của các khoa học tự nhiên. Thế nhưng, mô tả đó dẫu rất chính xác cũng không thể tương xứng (nghĩa là phù hợp với đối tượng), bởi lẽ vấn đề không chỉ là thân xác (hiểu như là một cơ quan, theo nghĩa «cơ thể») mà đúng hơn là đó một con người biểu lộ chính mình qua thân xác ấy, và theo nghĩa ấy, đó «là» chính thân xác ấy. Như thế, sợi chỉ giá trị ấy, nhìn con người như là một nhân vị, là thiết yếu trong mô tả diện mạo thân xác con người. Hơn nữa, cần phải nói rằng cái nhìn hướng giá trị đó là hết sức chính đáng. Đây là một trong những nhiệm vụ và đề tài thường xuyên của toàn thể nền văn hóa: từ văn chương, đến điêu khắc, hội họa và kể cả múa hát, các tác phẩm sân khấu, và sau cùng của cả nền văn hóa của cuộc sống thường ngày của mỗi cá nhân hay toàn xã hội. Đề tài đáng cho ta bàn đến từng phần riêng biệt.

3. Trong đoạn 1Cr 12,18-25 thánh Phaolô hẳn là không nhằm đưa ra một mô tả «khoa học»; nghĩa là ngài không trình bày một nghiên cứu sinh học về các cơ quan hoặc về «cơ thể học» con người. Nhưng từ góc nhìn này đây chỉ là một mô tả đơn sơ mang tính «tiền khoa học», ngắn gọn chỉ trong ít dòng. Mô tả này có mọi đặc tính của cái nhìn thực tế chung, và chắc chắn là có tính «duy thực» đầy đủ. Thế nhưng, nét đặc thù của mô tả ấy, cái làm cho nó có mặt trong Kinh thánh, chính là trong mô tả ấy có định hình một giá trị và diều đó được diễn tả trong chính sơ đồ mang tính «kể chuyện-thực tế» (narrativo-realistica) của nó. Người ta có thể nói cách chắc chắn rằng không thể có được mô tả ấy nếu không có toàn thể sự thật tạo dựng cũng như nếu không có toàn thể sự thật của «ơn cứu chuộc thân xác» mà Phaolô đã tuyên xưng và tuyên bố. Người ta có thể khẳng định rằng diện mạo thân xác theo (các thư) Phaolô rất tương ứng với thái độ «kính trọng» tâm linh đối với thân xác con người, vốn là điều phát xuất từ «sự thánh thiện» (x. 1Tx 4,3-5.7-8) tuôn chảy ra từ các mầu nhiệm tạo dựng và cứu chuộc. Diện mạo ấy cũng khác xa với thái độ khinh miệt thân xác của phái Manikê, và cũng khác với nhiều hình thức «sùng bái thân xác» theo chủ nghĩa duy tự nhiên.

4. Trước con mắt của tác giả đoạn 1Cr 12,18-25 thì thân xác con người phơi bày toàn thể sự thật của nó. Đó là một thân xác thấm nhuần trước hết (nếu như ta có thể diễn tả được nhu vậy) bởi toàn thể thực tại nhân vị và phẩm giá nhân vị. Đồng thời, đó cũng là thân xác của con người «lịch sử», của người nam và người nữ, nghĩa là của kẻ sau khi sa ngã phạm tội đã được thụ thai trong và từ thực tế con người, một kẻ vốn đã từng biết đến tình trạng vô tội nguyên thủy. Trong diễn ngữ của thánh Phaolô về «các bộ phận kém trang nhã» của thân thể con người, cũng như về các bộ phận «xem ra yếu đuối nhất» hoặc những bộ phận «ta coi là tầm thường nhất», dường như ta tìm lại được chứng tích của chính nỗi xấu hổ mà những con người đầu tiên, cả nam và nữ, đã trải nghiệm sau khi phạm tội nguyên tổ. Sự xấu hổ này đã để lại dấu ấn trong họ và trong tất cả các thế hệ con người «lịch sử» như hậu quả của dục vọng với ba mặt của nó (trong đó lưu ý đặc biệt đến dục vọng của tính xác thịt). Và đồng thời trong nỗi xấu hổ này – như đã được lưu ý trong các bài phân tích trước – cũng ghi lại dấu vết một «dội âm» của chính sự vô tội nguyên thủy của con người : đó như là một «âm bản» của bức ảnh, mà phần «dương bản» của nó là chính sự vô tội nguyên thủy xưa.

5. «Diện mạo» thân xác con người theo thánh Phaolô mô tả xem ra xác nhận hoàn toàn những phân tích trước đây của chúng ta. Trong thân mình con người có «những bộ phận kém trang nhã» không phải do bản tính «cơ thể học» tự nhiên của chúng (vì khoa học và sinh lí học bận tâm mô tả mọi bộ phận và cơ quan trên thân thể con người một cách «trung lập» khách quan), mà do chỉ vì sự xấu hổ trong bản thân con người đã nhận thức một đôi bộ phận trong thân xác như là «kém trang nhã» và đã coi chúng là như thế. Chính sự xấu hổ ấy đồng thời nằm ở bên dưới cơ sở của những gì thánh Tông đồ Phaolô viết trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: «những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết» (1Cr 12,23). Như thế, ta có thể nói từ nỗi xấu hổ mà phát sinh chính «sự kính trọng» đối với thân xác mình. Đó là sự kính trọng bản thân trong sự tự chủ mà thánh Phaolô đã thôi thúc trong đoạn 1Tx 4,4. Người ta cần phải coi chính sự tự chủ trong thánh thiện và kính trọng bản thân ấy là yếu tố thiết yếu của nhân đức thanh sạch.

6. Trở lại lần nữa với «diện mạo» của thân xác mà thánh Phaolô mô tả trong 1Cr 12,18-25, chúng tôi muốn lưu ý sự kiện này, đó là: theo tác giả của bức Thư, nếu ta nỗ lực tự chủ trong sự kính trọng thân xác con người và nhất là đối với các bộ phận «yếu đuối» hay «kém trang nhã» nhất, thì ta đã đáp ứng ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Thành, hay đi vào lối nhìn mà Sách Sáng thế đã nói: «Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp» (St 1,31). Phaolô viết: «Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau» (1Cr, 12,24-25). Hậu quả của sự chia rẽ trong thân thể là một số bộ phận bị coi như «yếu kém nhất», «tầm thường nhất», và «kém trang nhã». Đó là một biểu lộ xa hơn của tầm nhìn từ một tình trạng nội giới của con người sau khi phạm tội nguyên tổ, tức là của con người «lịch sử». Người nam và người nữ trong tình trạng trong trắng nguyên thủy «...cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau» như ta đọc thấy trong St 2,25, và họ cũng không hề cảm thấy một chút nào sự «chia rẽ trong thân thể». Cùng với sự hòa hợp (armonia) khách quan mà Tạo Hóa đã phú ban cho thân xác và Phaolô xác định đó như là sự chăm lo cho nhau giữa các bộ phận thân thể (x. 1Cr 12,25), còn có một sự hài hòa tương tự ở nơi thâm sâu con người, đó là sự hài hòa trong «tâm hồn». Sự hài hòa này, hay chính xác hơn là sự «thanh sạch trong tâm hồn», đã giúp cho người nam và người nữ trong tình trạng trong trắng nguyên thủy kinh nghiệm một cách đơn sơ (và theo cách nguyên thủy vốn làm cho cả hai được hạnh phúc) sức mạnh kết hợp của hai thân xác họ, là những thân xác vốn (nếu có thể nói được) là tầng nền «chắc chắn» cho sự kết hợp ngôi vị của họ, hay là, cho sự hiệp thông các ngôi vị (communio personarum).

7. Như đã thấy, thánh Phaolô Tông đồ trong 1Cr 12,18-25 liên kết cái diện mạo của thân xác con người với tình trạng con người «lịch sử». Tại thềm lịch sử của con người, họ đã kinh nghiệm sự xấu hổ gắn liền với «sự chia rẽ trong thân xác», theo nghĩa là nỗi e thẹn về thân xác ấy (nhất là về các phần cơ thể xác định giới tính nam và nữ). Thế nhưng, cũng trong chính mô tả «diện mạo» ấy, thánh Phaolô còn chỉ ra con đường (dựa trên chính ý nghĩa của sự xấu hổ) dẫn đến sự cải hóa tình trạng ấy dần dần để đi tới chiến thắng «sự chia rẽ trong thân xác», đó là một chiến thắng có thể và phải thành hiện thực trong tâm hồn con người. Đó chính là con đường của sự thanh sạch, hay «làm chủ bản thân mình trong sự thánh thiện và kính trọng». Phaolô kết nối với «sự kính trọng», mà 1Tx 4,3-5 nói tới, ở trong 1Cr 12,18-25 bằng cách sử dụng một vài cụm từ tương đương, khi ngài nói đến «sự kính trọng» hoặc tôn trọng các bộ phận «tầm thường», «yếu kém nhất» của thân thể, và khi ngài mặc cho «trang nhã» hơn những gì trong con người bị coi là «kém trang nhã». Những diễn ngữ này mô tả gần gũi hơn «sự kính trọng» nhất là trong lãnh vực các quan hệ và thái độ của con người đối với thân xác, nó quan trọng đối với thân xác của «mình» cũng như cả trong các mối tương quan (nhất là giữa người nam và người nữ, dẫu không chỉ giới hạn ở đấy).

Chúng ta chắc chắn rằng «diện mạo» của thân xác con người trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô có một ý nghĩa nền tảng cho toàn bộ giáo lí của thánh Phaolô về sự thanh sạch.
 
Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch