Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (40,41)

Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (40,41)

 

“Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ”
 
THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
 
XL
THÈM MUỐN LÀ SỰ THU HẸP HỮU Ý
VIỄN ẢNH CỦA TRÍ TUỆ VÀ TÂM HỒN
 
1. Suốt bài suy tư vừa rồi, chúng ta đã tự hỏi sự «thèm muốn» mà Đức Kitô nói đến trong diễn từ trên núi (Mt 5,27-28) có nghĩa gì. Chúng ta nhớ rằng Người nói về điều ấy trong sự liên hệ đến giới răn: «Chớ ngoại tình». «Thèm muốn» (nói chính xác hơn: «nhìn mà thèm muốn») được xác định là một sự «ngoại tình trong lòng». Điều đó khơi lên rất nhiều suy nghĩ. Trong những suy tư trước, chúng ta đã nói rằng Đức Kitô khi diễn tả như thế Người muốn cho thính giả của Người thấy ý nghĩa hôn phối của thân xác sẽ bị cắt đứt như con người đã kinh nghiệm (trường hợp ở đây là người nam), khi chạy theo dục vọng xác thịt bởi hành vi «thèm muốn» trong lòng. Tách rời ý nghĩa hôn phối của thân xác cũng đồng thời bao hàm một xung đột với phẩm giá ngôi vị của mình: một xung đột lương tâm thực sự.

Điều này cho thấy rằng ý nghĩa Kinh thánh (và ý nghĩa thần học nữa) của sự «thèm muốn» khác với ý nghĩa thuần túy của tâm lí học. Nhà tâm lí học sẽ mô tả sự «thèm muốn» như một khuynh hướng mãnh liệt hướng đến đối tượng, bởi giá trị đặc thù của đối tượng: trong trường hợp ta đang xét, đó là bởi giá trị «tính dục» của nó. Phần lớn các tác phẩm viết về những đề tài tương tự dường như đều cho thấy lối định nghĩa như thế. Tuy nhiên, mô tả Kinh thánh, dẫu không xem nhẹ khía cạnh tâm lí, đã nhấn mạnh đặc biệt tới khía cạnh đạo đức, bởi lẽ có một giá trị bị tổn hại. Có thể nói, «thèm muốn» là một sự lừa dối tâm hồn con người hướng ngược lại với tiếng gọi miên viễn (một tiếng gọi được mạc khải trong chính mầu nhiệm tạo dựng) mà người đàn ông và người đàn bà hướng tới hiệp thông qua sự trao hiến cho nhau. Thế nên, trong diễn từ trên núi khi Đức Kitô viện dẫn tới «tâm hồn» hay con người nội tâm, những lời Người nói không ngừng chuyên chở chân lí về «thuở ban đầu». «Thuở ban đầu» là nơi Người đã đưa toàn bộ vấn đề về con người, đàn ông cũng như đàn bà, và hôn nhân trở về, khi trả lời cho những người Pharisêu (x. Mt 19,8).

2. Tiếng gọi thường trực (chúng ta đã thử phân tích theo sách Sáng thế nhất là đoạn St 2,23-25) và, sự hấp dẫn thường xuyên của nam giới đối với nữ giới cũng như của nữ giới đối với nam giới, là một lời mời gọi qua thân xác, mà không phải là sự thèm muốn theo nghĩa của đoạn Mt 5,27-28[1]. Sự «thèm muốn», như là thể hiện của dục vọng xác thịt (cả trong hành vi thuần nội tâm), làm giảm thiểu ý nghĩa của cái vốn là – và về bản thể luôn luôn là – lời mời gọi và sự hấp dẫn lẫn nhau. «Nữ tính» vĩnh cửu (das ewig weibliche), cũng như «nam tính» vĩnh cửu (das ewig männliche), ngay trên bình diện lịch sử tính cũng hướng tới giải phóng mình khỏi dục vọng thuần túy, và tìm một chỗ khẳng định trên chính bình diện của thế giới các ngôi vị. Sự xấu hổ nguyên thủy mà Sáng thế chương 3 nói tới làm chứng về điều ấy. Chiếu kích ý hướng tính của tư tưởng và con tim là một trong những đường nối chính yếu của nền văn hóa hoàn vũ của con người. Lời lẽ của Đức Kitô trong diễn từ trên núi xác nhận chính chiều kích này.

3. Tuy nhiên, những lời ấy diễn tả rõ ràng rằng sự «thèm muốn» là một phần thực tại của tâm hồn con người. Khi chúng ta khẳng định rằng đối với sự hấp dẫn nguyên thủy giữa người nam và người nữ «thèm muốn» là một sự «thu hẹp», chúng ta có ý nói đó là một sự «thu hẹp» hữu ý, gần như là một sự giới hạn lại hay đóng kín lại cái khung trời của trí tuệ và con tim. Quả thực, một đàng người ta ý thức rằng giá trị của giới tính là một thành phần của toàn thể các giá trị phong phú mà người nữ có trước mặt người nam. Đàng khác, người ta có thể «thu hẹp» toàn thể sự phong phú của ngã vị tính người phụ nữ thành chỉ còn là giới tính là giá trị duy nhất, phụ nữ chỉ như là một đồ vật thích hợp cho thỏa mãn dục tính của mình. Cũng có thể lí luận như thế về người nam trước mắt người phụ nữ, mặc dù những lời lẽ của Mt 5,27-28 chỉ nói trực tiếp đến tương quan kia. Sự «thu hẹp» hữu ý, như ta thấy, có bản chất đặc biệt về giá trị học[2]. Một đàng, sự hấp dẫn miên viễn của người đàn ông đối với người phụ nữ (x. St 2,23) giải phóng ở trong anh ta – hoặc phải giải phóng – một âm giai các khát khao thể xác - tinh thần mang bản chất «thông hiệp» nhân vị (x. phân tích về «thuở ban đầu»), với một thang các giá trị tương xứng. Đàng khác, sự «thèm muốn» thu hẹp lại âm giai ấy, và che khuất thang giá trị đánh dấu nét hấp dẫn miên trường của nam tính và nữ tính.

4. Bên trong, tức là trong «lòng» người ta, trong bầu trời nội tâm của người đàn ông và người phụ nữ, sự thèm muốn làm cho ý nghĩa của thân xác vốn cũng thuộc về nhân vị trở nên mờ mịt. Như thế, trước hết người nữ không còn là một chủ vị đối với người nam, tính dục không còn là một ngôn ngữ đặc thù của tinh thần. Nghĩa là nó mất đi đặc tính của một dấu chỉ. Bản thân người nữ, có thể nói là, không còn mang ý nghĩa hôn phối của thân xác. Người nữ không còn được đặt trong bối cảnh của tâm thức và kinh nghiệm về ý nghĩa ấy nữa. Sự «thèm muốn» phát sinh từ chính dục vọng xác thịt, từ giây phút đầu tiên hiện hữu trong lòng con người, theo nghĩa nào đó, nó bước đi ở bên ngoài bối cảnh ấy (có thể nói bằng hình ảnh nó bước đi trên những mảnh đổ nát của ý nghĩa hôn phối của thân xác và của tất cả những gì mang nét chủ vị), và bởi ý hướng về giá trị nó hướng trực tiếp đến một đích đến độc nhất, đó là: chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tính dục của thân xác, như một đối tượng riêng của mình.

5. Sự giới hạn như thế là có ý hướng giá trị, có thể được kiểm chứng, theo lời của Đức Kitô (Mt 5,27-28), từ nơi «cái nhìn» hay đúng hơn từ khung cảnh thuần túy nội tâm hiển lộ qua cái nhìn. Cái nhìn tự thân là một hành vi thuộc phạm trù nhận thức. Khi trong cấu trúc bên trong của nó xuất hiện dục vọng, cái nhìn mang lấy tính chất là một «nhận thức đầy dục vọng». Diễn ngữ Kinh thánh «nhìn mà thèm muốn» có thể muốn nói, hoặc là, một hành vi nhận thức của con người dục vọng (tức là gán cho người ấy chính đặc tính hướng sự thèm khát đến một đối tượng), hoặc là, một hành vi nhận thức khơi dậy dục vọng trong người kia, đặc biệt là trong ý muốn và trong tâm hồn của người đó. Như người ta thấy, có thể quy một thể hiện hữu ý cho một hành vi nội tâm, khi có mặt cực này hay cực kia của tâm lí con người: biết hoặc thèm muốn được hiểu như là appetitus[3]. (appetitus là cái gì đó còn rộng hơn «thèm muốn», vì nó chỉ tất cả những gì thể hỉện nơi chủ thể như là «khát vọng», và xét như thế nó luôn hướng về một mục đích, nghĩa là hướng về một đối tượng được nhận thức về phương diện giá trị). Tuy nhiên, muốn giải thích những lời Mt 5,27-28 cho thích đáng chúng ta phải – nhờ ý hướng tính riêng của nhận thức hay của «appetitus» – nhận thấy cái gì đó hơn nữa, đó là, ý hướng tính của chính cuộc sống của con người trong tương quan với một con người khác. Mà trong trường hợp ở đây đó là một người nam hướng đến một người nữ và một người nữ hướng đến một người nam.

Chúng ta sẽ quay lại luận cứ này. Để kết luận bài suy tư, chúng ta còn phải nói thêm rằng trong sự «thèm muốn» này, trong «cái nhìn mà thèm muốn» của diễn từ trên núi, đối với người đàn ông có cái nhìn như thế, người phụ nữ không còn hiện hữu như là một chủ vị mang sức hấp dẫn trường cửu mà bắt đầu trở thành như chỉ còn là đối tượng của dục vọng xác thịt. Cùng với điều ấy là một cắt đứt nội tại sâu xa với ý nghĩa hôn phối của thân xác, điều chúng ta đã nói ở phần suy tư trước.

 

XLI

 

DỤC VỌNG ĐẨY CON NGƯỜI NAM-NỮ
XA RỜI VIỄN ẢNH CỦA NHÂN VỊ VÀ «HIỆP THÔNG»
 
 
1. Trong diễn từ trên núi Đức Kitô nói: «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» (Mt 5,27-28). Lâu nay chúng ta đã thử đi sâu vào ý nghĩa của lời tuyên bố này, bằng cách phân tích các phần riêng biệt để muốn hiểu bản văn tốt hơn.

Khi Đức Kitô nói về người đàn ông «nhìn mà thèm muốn», Người không chỉ nhằm đến chiều kích ý hướng của cái «nhìn», nghĩa là nhằm đến một cái biết của dục vọng hay chiều kích «tâm lí», nhưng còn nhằm đến chiều kích ý hướng tính của chính cuộc sống của người ấy. Người cho thấy, đối với người đàn ông, kẻ «nhìn người phụ nữ mà thèm muốn», người phụ nữ ấy «là» ai hoặc đúng hơn người phụ nữ ấy «trở thành» loại người nào. Trong trường hợp này, ý hướng của nhận thức xác định chính ý hướng của cuộc sống. Trong tình cảnh mà Đức Kitô mô tả, chiều kích đó được người đàn ông (như một chủ thể) đơn phương xen vào ý hướng hướng đến người phụ nữ (trở thành một thứ đồ vật). Thế nhưng điều đó không có nghĩa chiều kích đó chỉ một chiều. Giờ đây chúng ta không xoay ngược tình hình phân tích, cũng không mở rộng về cả hai phía, về cả hai chủ thể. Chúng ta chỉ dừng lại ở hoàn cảnh mà Đức Kitô đã vạch ra, đồng thời nhấn mạnh đến một điều đó là hành vi «thuần túy nội tâm», ẩn chứa trong tâm hồn và dừng lại ở ngưỡng cửa của cái nhìn.

Chỉ cần nhận thấy rằng trong trường hợp này, nơi người phụ nữ xét như một nhân vị mang «nữ tính vĩnh cửu» (do mình là một chủ thể nhân vị, người phụ nữ vốn hiện hữu trường cửu «cho người đàn ông» đồng thời cũng mong đợi từ phía người đàn ông, cũng do là một chủ thể nhân vị, hiện hữu «cho nàng») còn thiếu mất ý nghĩa của sức hấp dẫn của mình, đồng thời đối với người đàn ông nàng lại chỉ như là một đồ vật. Điều đó có nghĩa là: người phụ nữ bắt đầu hiện hữu trong ý hướng của người đàn ông như một đối tượng tiềm tàng thỏa mãn nhu cầu tình dục của nam giới. Dẫu hành vi ấy hoàn toàn thuộc nội giới, ẩn kín trong «lòng» và chỉ biểu hiện qua «cái nhìn», nhưng đã có một thay đổi trong con người (chủ quan từ một phía) về ý hướng của cuộc sống[4]. Nếu như không có sự đổi thay sâu sắc như thế thì những lời của Mt 5,28 : «trong lòng (người ấy) đã ngoại tình với người kia rồi» sẽ không có nghĩa gì.

2. Bởi sự thay đổi ý hướng cuộc sống ấy từ phía người đàn ông, một người phụ nữ bắt đầu hiện hữu không còn như một chủ vị mời gọi và hấp dẫn hay một con người của «hiệp thông» nữa, mà chỉ như một đối tượng (như đồ vật) với tiềm năng thỏa mãn nhu cầu tình dục thôi. Sự thay đổi ý hướng cuộc sống đó xảy ra trong «lòng» xét vì nó đã được thể hiện trong ý muốn. Chính ý hướng mang tính nhận thức đó chưa có nghĩa là nô lệ về «tâm hồn». Chỉ khi ý hướng giản lược lôi kéo cả ý chí vào trong cái viễn ảnh chật hẹp của nó, khi từ đó nó khơi dậy một quyết định quan hệ với một người khác (trong trường hợp ở đây là với người đàn bà) theo thang giá trị riêng của «dục vọng», chỉ khi ấy người ta có thể nói rằng «sự thèm muốn» đã làm bá chủ «tâm hồn» con người. Chỉ khi «dục vọng» đã bá chủ ý chí thì mới có thể nói rằng nó thống trị con người chủ thể, và chiếm ngự cơ sở của ý chí và khả năng chọn lựa quyết định (nhờ ý muốn và khả năng chọn lựa và quyết định đó – nghĩa là do sự tự quyết và tự xác định mình – mà ta xác lập chính cách thức sống mối quan hệ với một ngôi vị khác). Ý hướng tính của cuộc sống như thế bấy giờ mới có được một chiều kích chủ thể đầy đủ.

3. Chỉ khi ấy – nghĩa là từ khi có yếu tố chủ thể tham gia và tiếp tục hiện diện – người ta mới có thể xác nhận điều chúng ta đã đọc thấy trong Hc 23, 17-22 về con người bị dục vọng thống trị, và đọc thấy trong những mô tả còn hay hơn nữa trong nền văn chương thế giới. Vậy, chúng ta cũng có thể nói đến sự «cưỡng chế» có chi phối ít nhiều, mà nơi khác gọi là «cưỡng chế của thân xác» và cùng với điều đó, là con người mất đi «sự tự do của tặng phẩm trao ban», mất ý thức sâu xa về ý nghĩa hôn phối của thân xác (điều này chúng ta cũng đã nói đến trong những phân tích trước đây)[5].

4. Khi chúng ta nói đến sự «thèm muốn» như là một sự thay đổi ý hướng của một cuộc sống cụ thể, chẳng hạn của một người đàn ông (theo Mt 5,27-28) đã xem một người phụ nữ nào đó chỉ như đối tượng tiềm ẩn khả dĩ thỏa mãn «nhu cầu tình dục» của mình, dẫu sao chúng ta không đặt thành vấn đề cái nhu cầu ấy, vốn là một chiều kích khách quan của bản tính con người nhằm đến mục đích truyền sinh nội tại. Những lời Đức Kitô nói trong diễn từ trên núi (trong toàn thể văn mạch rộng lớn của nó) khác hẳn khuynh hướng Manikê. Truyền thống kitô giáo đích thực cũng thế. Trong trường hợp này, người ta cũng không thể phản đối. Thế nhưng, điều quan trọng là cách thức hiện hữu (tức là cách sống) của người nam và người nữ như là những nhân vị, nghĩa là họ sống «cho» nhau. Đó là (dẫu đặt trên cơ sở của cái – theo chiều kích khách quan của bản tính con người – có thể định nghĩa như là «nhu cầu tình dục») điều có thể và phải phục vụ cho việc xây dựng mối hiệp nhất của «hiệp thông» trong các tương quan của họ dành cho nhau. Đó thực là ý nghĩa nền tảng của chính sự hấp dẫn trường cửu về giới tính nam-nữ đối với nhau, hàm ẩn trong chính thực tại của cấu trúc con người xét như là ngôi vị cùng với thân xác và giới tính mình.

5. Sự kết hợp hay «hiệp thông» ngôi vị (điều mà người nam và người nữ được mời gọi tiến đến «từ thuở ban đầu») không tương hợp, hay đúng hơn, đối nghịch với tình trạng giả thiết một trong hai người sống chỉ như là chủ thể thỏa mãn nhu cầu tình dục, còn người kia trở nên chỉ như là đối tượng (phương tiện đồ vật) cho sự thỏa mãn đó. Hơn nữa, sự hợp nhất «hiệp thông» đó cũng không tương hợp – hay đúng hơn, đối nghịch – với trường hợp trong đó cả hai người nam và nữ sống với nhau chỉ như là đối tượng thỏa mãn nhu cầu tình dục, và mỗi người về phía mình chỉ như chủ thể của thỏa mãn ấy. Sự «thu hẹp» nội dung phong phú của sự hấp dẫn trường cửu (của một người nam và một người nữ) đối với nhau kiểu như thế hoàn toàn không hợp với «bản chất» của sự hấp dẫn mà ta đang xét. Sự «thu hẹp» đó, quả thật, đã làm mất đi ý nghĩa tương quan nhân vị và «thông hiệp» riêng của người nam và người nữ, là điều mà bởi đó mà «người đàn ông... gắn bó với vợ mình và cả hai trở nên một xương một thịt» (St 2,24). «Dục vọng» làm cho chiều kích ý hướng của người nam và người nữ hiện hữu cho nhau xa rời viễn ảnh tương quan ngôi vị và «thông hiệp» (là điều vốn thuộc về sự hấp dẫn trường cửu đối với nhau) vì nó thu hẹp ý hướng lại và đẩy nó tới những chiều kích duy lợi, là bầu khí trong đó một con người «được dùng» phục vụ cho một con người khác chỉ để thỏa mãn các «nhu cầu» của người ấy.

6. Dường như trong lời khẳng định cô đọng của Đức Kitô trong diễn từ trên núi người ta có thể tìm lại được nội dung như thế, mang kinh nghiệm nội giới riêng của con người thuộc nhiều thời đại và môi trường khác nhau. Đồng thời, trong trường hợp nào đi nữa, người ta cũng không thể làm biến mất đi ý nghĩa mà khẳng định đó đã gán cho «nội giới» của con người, cho chiều kích toàn thể của «tâm hồn» như chiều kích của con người nội tâm. Đây chính là trọng tâm của sự biến đổi nền đạo đức – cái ethos mà những lời diễn tả rất mạnh và hết sức đơn giản của Đức Kitô ở Mt 5,27-28 nói đến.
 
Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch


[1] Xác định rõ như thế là khá quan trọng. Sự «thèm muốn» mà Đức Giêsu nói trong diễn từ trên núi không phải là sự hấp dẫn tự nhiên giữa đàn ông và đàn bà. Cái này là cơ sở cho sự hiệp thông liên vị và nó có thể và phải được tháp nhập vào đó. Còn điều kia ngăn cản sự hiệp thông này và nó phải bị hủy diệt.
[2] Sự thu hẹp liên quan đến việc xem xét giá trị của thân xác con người.
[3] Hai tài năng căn bản của tinh thần (những năng lực) là nhận thức và xu hướng (hay «ad-petitus»).
[4] «Ý hướng của cuộc sống» được hiểu như là cách thức tình trạng tâm hồn của nhân vị ta hướng về tha nhân kia.
[5] Không được hiểu «cưỡng chế» như một sự mất đi tự do, nhưng đó là một nỗi khó khăn mà tự do của con người cảm thấy, điều đó là do dục vọng luôn làm mờ tối đi ý thức hôn phối của thân xác.