“MẦU NHIỆM CAO CẢ” CỦA TÌNH YÊU PHU THÊ (bài 113) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II
Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:
CXIII
“MẦU NHIỆM CAO CẢ” CỦA TÌNH YÊU PHU THÊ
(Ngày 04 tháng 07 năm 1984)
1. Chúng ta quay trở lại với đoạn sách kinh điển chương V Thư gửi Tín hữu Êphêsô, đoạn thánh kinh mạc khải nguồn mạch vĩnh cửu của Giao ước trong Tình yêu của Chúa Cha và đồng thời mạc khải việc thiết lập Giao ước mới và đời đời trong Đức Giêsu Kitô.
Bản văn này đưa chúng ta đến một chiều kích của «ngôn ngữ thân xác» có thể được gọi là «thần bí». Quả thật, đoạn văn nói về hôn nhân như một «mầu nhiệm cao cả». «Mầu nhiệm này thật là cao cả».[1] Và cho dẫu mầu nhiệm này được thực hiện trong cuộc hôn phối của Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc với Hội Thánh và trong Hội Thánh-Hiền Thê với Chúa Kitô («Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh»),[2] cho dẫu mầu nhiệm này được thực hiện dứt khoát trong các chiều kích cánh chung luận, nhưng Tác Giả của Thư Êphêsô không ngần ngại mở rộng loại suy của sự kết hợp của Đức Kitô và Hội Thánh trong tình yêu hôn phối, vốn có tính «tuyệt đối» và «cánh chung», ra đến dấu chỉ bí tích của khế ước hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là những người «tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Chúa».[3] Ngài không ngần ngại mở rộng sự loại suy thần bí ra đến tận «ngôn ngữ của thân xác», đọc lại trong sự thật của tình yêu hôn phối và kết hợp phu thê của hai con người.
2. Cần phải nhận ra cái lôgich của bản văn tuyệt vời này. Nó giải phóng cách triệt để lối suy nghĩ của chúng ta khỏi các yếu tố của chủ nghĩa Manikê hoặc coi thân xác con người là phi ngã vị, đồng thời đưa «ngôn ngữ thân xác», vốn nằm trong dấu chỉ bí tích hôn phối, tới gần chiều kích sự thánh thiện đích thật.
Các bí tích đem sự thánh thiện vào mảnh đất nhân linh của con người: chúng thâm nhập vào linh hồn và thể xác, vào nam tính và nữ tính của chủ vị, với sức mạnh của sự thánh thiện. Tất cả những điều đó được diễn tả trong ngôn ngữ phụng vụ: diễn tả và đồng thời thực hiện ở đó.
Phụng vụ, ngôn ngữ phụng vụ, nâng khế ước phu thê của người nam và người nữ (dựa trên «ngôn ngữ thân xác» được đọc lại trong sự thật) lên các chiều kích của «mầu nhiệm» và, đồng thời cho phép khế ước ấy được thể hiện trong những chiều kích trên qua «ngôn ngữ của thân xác».
Dấu chỉ của bí tích hôn nhân nói đến chính điều đó, trong ngôn ngữ phụng vụ dấu chỉ ấy diễn tả một biến cố liên vị, với một nội dung đậm tính nhân vị, được qui gán cho hai người «cho đến chết». Dấu chỉ bí tích không những chỉ điều «đã thành» sự («fierī»), tức là sinh ra dây hôn phối, mà còn thiết lập «hữu thể» («esse ») tức là sự tồn tại của nó: cả hai người như là thực tại thánh thiêng và bí tích, bén rễ từ trong chiều kích Giao ước và Ân sủng, trong chiều kích của Sáng tạo và Cứu chuộc. Bằng cách đó, ngôn ngữ phụng vụ ấn định cho cả hai người, người nam và người nữ, tình yêu, sự trung thành, và sự đoan chính phu thê nhờ «ngôn ngữ thân xác». Nó định cho họ phải hiệp nhất với nhau và hôn phối của họ là bất khả phân li, trong «ngôn ngữ thân xác». Nó qui gán toàn thể cái «thánh thiêng» của nhân vị và của hiệp thông các ngôi vị, và tương tự, của toàn thể nam tính và nữ tính của họ, ngay trong chính ngôn ngữ này như một nhiệm vụ của họ.
3. Theo nghĩa đó, chúng ta khẳng định rằng ngôn ngữ phụng vụ trở thành «ngôn ngữ thân xác». Điều đó có nghĩa một chuỗi các sự kiện và nhiệm vụ làm thành «linh đạo» hôn nhân, nền «đạo đức» của hôn nhân. Trong đời sống hằng ngày của đôi vợ chồng, những sự kiện này trở thành nhiệm vụ, và những nhiệm vụ được thực thi trở nên sự kiện. Những sự kiện này – cũng như các bổn phận – có tính thiêng liêng, nhưng được diễn tả vào một lúc nào đó bằng «ngôn ngữ thân xác».
Tác giả Thư gửi Tín hữu Êphêsô viết về điều này như sau: «... Chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể mình ...»[4] (= «như yêu chính mình»)[5], «còn vợ thì hãy kính trọng chồng»[6]. Hơn nữa, cả hai «hãy tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô»[7].
«Ngôn ngữ thân xác», tiếp nối liên tục ngôn ngữ phụng vụ, được biểu lộ không chỉ như sự say mê và vui thú lẫn nhau như trong Diễm tình Ca, nhưng còn như là một kinh nghiệm sâu xa về cái «thánh thiêng» («sacrum»), dường như đã được phú ban trong chính giới tính người nam và người nữ xuyên qua chiều kích «mầu nhiệm»: «mầu nhiệm cao cả» («mysterium magnum») của Thư Êphêsô, được đặt nền tảng trên chính «thuở ban đầu», nghĩa là trong mầu nhiệm sáng tạo con người: con người được tạo dựng là nam là nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa, được gọi ngay từ «thuở ban đầu» làm dấu chỉ hữu hình cho tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa.
4. Như thế, niềm «kính sợ Đức Kitô» và sự «kính trọng» đối với nhau, điều mà Tác giả Thư Êphêsô nói tới, không gì khác hơn là một hình thức trưởng thành về mặt thiêng liêng của sự say mê lẫn nhau kia: nghĩa là, say mê của người nam đối với người nữ, và của người nữ đối với người nam, vốn được mạc khải lần đầu tiên trong Sách Sáng thế[8]. Rồi cũng chính sự say mê đó tuôn chảy như dòng thác lũ diễn qua các câu thơ Diễm tình Ca để sau cùng đọng lại, trong các bối cảnh hoàn toàn khác, nơi diễn từ cô kết và qui tập trong sách Tôbia.
Sự trưởng thành về mặt thiêng liêng của nỗi niềm say mê này không chi khác hơn là hoa quả sinh ra từ ơn biết kính sợ, một trong bảy ơn của Đức Chúa Thánh Thần, mà Thư Thứ nhất gửi Tín hữu Texalônica của thánh Phaolô đã nói[9].
Tuy nhiên, đạo lí của thánh Phaolô về đức khiết tịnh, như là «đời sống theo Thần Khí»[10], cho phép ta (đặc biệt dựa trên Thư Thứ nhất gửi Tín hữu Côrintô, ch. 6) diễn giải sự «kính trọng» theo nghĩa đặc sủng, nghĩa là một ơn huệ của Đức Chúa Thánh Thần.
5. Thư Êphêsô – khi khuyên nhủ các đôi vợ chồng hãy tùng phục lẫn nhau «vì lòng kính sợ Chúa»[11] và rồi thúc đẩy họ hãy biết «kính trọng» nhau trong quan hệ vợ chồng dường như tỏ lộ (phù hợp với truyền thống Phaolô) đức khiết tịnh như là một nhân đức và như là một ơn ban.
Như thế, nhờ nhân đức và hơn nữa còn nhờ ơn Chúa («đời sống theo Thần Khí») mà nỗi say mê nhau ấy, do dị biệt giới tính giữa nam và nữ, trưởng thành dần theo hướng thiêng liêng (hay về mặt tinh thần). Cả người nam và người nữ, một khi xa dần dục vọng, sẽ tìm được chiều kích đích thật của sự dâng hiến trong tự do, kết hợp làm một người nữ với người nam trong ý nghĩa hôn phối thật sự của thân xác.
Như thế, ngôn ngữ phụng vụ, tức là ngôn ngữ của bí tích và của «mầu nhiệm», trong đời sống của đôi bạn, trong cuộc sống chung của họ, trở thành «ngôn ngữ thân xác» với sự thống nhất toàn thể chiều sâu, sự đơn giản và vẻ đẹp của nó cho đến những gì ta còn chưa biết được.
6. Ý nghĩa toàn vẹn của dấu chỉ bí tích hôn nhân xem ra là như thế. Trong dấu chỉ ấy, nhờ «ngôn ngữ thân xác», người nam và người nữ đi đến gặp gỡ «mầu nhiệm» cao cả, để mà chuyển thông ánh sáng của mầu nhiệm ấy, ánh sáng của sự thật và của cái đẹp, vốn được diễn tả trong ngôn ngữ phụng vụ, trong «ngôn ngữ thân xác», trong ngôn ngữ của thực hành tình yêu, sự trung tín và sự đoan chính phu thê, nghĩa là trong nền đạo đức xuất phát cơ bản từ trong «sự cứu chuộc thân xác».[12] Trên con đường này, cuộc sống phu thê theo nghĩa nào đó trở thành một phụng vụ.
[1] Ep 5,32.
[2] Ibid.
[3] Ep 5,21.
[4] Ep 5,28.
[5] Ibid. 5,33.
[6] Ibid.
[7] Ep 5,21.
[8] Cf. St 2,23-25.
[9] Cf. 1Tx 4,4-7.
[10] Cf. Rm 8,5.
[11] Ep 5,21.
[12] Cf. Rm 8,23.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch