Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (38,39)

Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (38,39)

 

“Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ”
 
THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
 
XXXVIII

Ý NGHĨA CỦA TỘI NGOẠI TÌNH
DỊCH CHUYỂN TỪ THÂN XÁC VÀO TÂM HỒN
 
1. Trong diễn từ trên núi Đức Kitô chỉ nhắc lại giới luật : «Chớ ngoại tình» mà không đánh giá thái độ của các thính giả. Điều chúng ta đã nói trước đây liên quan đến đề tài này phát xuất từ những nguồn khác (đặc biệt là diễn từ Đức Kitô nói với những người Pharisêu trong đó Người nhắc đến «thuở ban đầu»: x. Mt 19,8; Mc 10,6). Trong diễn từ trên núi Đức Kitô không nói tới sự đánh giá đó hay đúng hơn, có thể Người giả thiết thái độ ấy đã có. Điều mà Người sẽ nói trong phần hai của lời tuyên bố bắt đầu với những lời này: «Còn Thầy, Thầy bảo...», là cái gì đó hơn là cuộc luận chiến với «các tiến sĩ Luật», đúng hơn với các nhà luân lí của Luật Tôra. Đó cũng là cái gì đó còn hơn một đánh giá về nền đạo đức (ethos) Cựu ước. Đó là sự chuyển thẳng đến nền đạo đức mới. Xem ra Đức Kitô bỏ qua mọi tranh luận về ý nghĩa đạo đức học của việc ngoại tình trên bình diện pháp luật và lí lẽ, trong đó mối quan hệ cốt yếu liên vị giữa người chồng và người vợ rõ ràng bị che khuất bởi tương quan sở hữu khách quan – và đi đến một chiều kích khác. Đức Kitô nói: «Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» (Mt 5,28; bản dịch cổ xưa vẫn còn được nhớ đến: «người ấy đã làm cho nàng thành một kẻ ngoại tình trong lòng mình rồi», bản dịch có lẽ tốt hơn những bản dịch hiện nay, ở đây nó diễn tả một hành động thuần túy nội tâm và mới từ một phía). Thế nên, «ngoại tình trong lòng» theo nghĩa nào đó được đặt đối nghịch với «ngoại tình trên thân xác».

Chúng ta phải tự hỏi về lí lẽ tại sao trọng tâm của tội lỗi được dịch chuyển và hơn nữa đâu là ý nghĩa đích thực của sự loại suy: nếu quả thực «ngoại tình», theo ý nghĩa nền tảng của nó, chỉ có thể là một «tội lỗi phạm trên thân xác», thì điều được gọi là ngoại tình do một người phạm trong lòng phải được đánh giá thế nào? Những lời của Đức Kitô khi Người đặt nền tảng cho nền đạo đức mới cần phải hiểu chúng được đâm rễ sâu xa trong nhân học. Trước khi thỏa mãn những yêu cầu này, chúng ta dừng lại một chút ở Mt 5,27-28 nói về sự dịch chuyển ý nghĩa của ngoại tình từ «thân xác» đến «tâm hồn». Đó là những lời liên hệ đến sự thèm muốn.

2. Đức Kitô nói về dục vọng: «Ai nhìn mà thèm muốn». Câu nói này cần được phân tích đặc biệt để hiểu toàn thể lời phát biểu của nó. Ở đây chúng ta cần quay lại phân tích trước đây, phấn tích vốn nhằm tái dựng lại hình ảnh «con người của dục vọng» đã xuất hiện từ thuở ban đầu của lịch sử (x. St 3). Con người mà Đức Kitô nói đến trong diễn từ trên núi – con người nhìn (người phụ nữ) «mà thèm muốn» - hẳn đó là con người của dục vọng.

Chính vì lí do này, vì người ấy thông dự vào dục vọng của thân xác, mà «thèm muốn» và «nhìn mà đem lòng thèm muốn». Hình ảnh con người của dục vọng, được dựng lại trong phần trước, giờ đây sẽ giúp chúng ta giải thích cái «thèm muốn» mà Đức Kitô nói tới trong Mt 5,27-28. Vấn đề ở đây không phải là giải thích chỉ mang tính chất tâm lí học nhưng đồng thời còn mang tính chất thần học. Đức Kitô nói trong bối cảnh của kinh nghiệm con người và đồng thời trong bối cảnh của công trình cứu độ. Hai bối cảnh này một cách nào đó chồng lên nhau và đi vào bên trong nhau: và điều này có một ý nghĩa thiết yếu và căn bản cho toàn bộ nền đạo đức của Tin mừng và cách đặc biệt cho nội dung của động từ «thèm muốn» hay «nhìn mà đem lòng thèm muốn».

3. Khi dùng những lối diễn tả đó, vị Tôn sư trước hết gợi nhớ đến kinh nghiệm của những người đang nghe Người trực tiếp, như thế cũng gợi đến kinh nghiệm và ý thức của con người mọi nơi và mọi thời đại. Thật vậy, dẫu cho ngôn ngữ Tin mừng có tính thông truyền phổ quát, nhưng đối với một thính giả trực tiếp, ý thức của họ vốn đã được khuôn đúc nên bởi Kinh thánh, sự «thèm muốn» phải gắn liền với vô số các giới luật và nhắc nhở, có trước hết ở trong các sách loại khôn ngoan, ở đó thường xuyên cảnh báo về dục vọng của xác thịt và ban những lời khuyên răn giữ mình để không rơi vào nô lệ cho nó.

4. Như ta biết, truyền thống khôn ngoan quan tâm đặc biệt tới đạo đức và tập tục tốt lành của xã hội Israel. Trong những lời cảnh báo và khuyên răn chẳng hạn như trong Sách Châm Ngôn [1] hay Huấn Ca [2] hay thậm chí Giảng Viên [3], chúng ta nhận ra ngay tính chất một chiều của những lời dạy dỗ ấy xét như là những lời nhắc nhở trước hết hướng đến con người. Điều này có thể có ý nghĩa những lời ấy là rất cần thiết cho con người. Về người phụ nữ, quả thực là trong những lời cảnh báo và khuyên răn này có vẻ như nàng rất thường là cớ phạm tội hoặc thậm chí như là kẻ dụ dỗ cần phải đề phòng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng ngoài việc cảnh giác đối với phụ nữ và sự hấp dẫn mê hoặc của họ khiến đàn ông bị lôi kéo phạm tội (x. Cn 5,1-6; 6,24-29; Hc 26,9-12), sách Châm Ngôn cũng như sách Huấn Ca cũng ca ngợi nhiều người phụ nữ là người bạn đời «hoàn hảo» của chồng mình (x. Cn 31,10tt.), và ca tụng sắc đẹp và sự duyên dáng của một người vợ tốt, biết đem hạnh phúc đến cho chồng mình.

«Phụ nữ nết na là ân phúc tuyệt vời;
không chi quí giá bằng người tiết hạnh.
Người vợ hiền trong cửa nhà ngăn nắp
đẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh của Đức Chúa.
Khuôn mặt diễm kiều với thân hình cân đối
ví như ngọn đèn tỏa sáng trên giá đền thờ.
Đôi chân thon thả với gót chân vững chắc
khác chi trụ vàng trên đế bạc...
Vợ có duyên thì chồng hạnh phúc,
vợ khôn khéo thì chồng được nở mặt nở mày» (Hc 26,15-18.13).

5. Trong truyền thống về sự khôn ngoan có một cảnh giác thường xuyên đối nghịch lại với sự ca ngợi người phụ nữ-người vợ. Đó là lời nhắc nhở về sắc đẹp và nét duyên dáng của người đàn bà không phải là vợ mình, và đó là nguồn cám dỗ và là cơ hội phạm tội ngoại tình: «Đừng để sắc đẹp nó quyến rũ lòng con...» (Cn 6,25). Trong sách Huấn Ca (x. 9,1-9) lời cảnh giác tương tự được diễn tả cách kiên quyết hơn:

«Hãy tránh đừng nhìn người phụ nữ nhan sắc,
cũng đừng ngắm nghía một giai nhân xa lạ.
Vì sắc đẹp đàn bà mà bao kẻ đảo điên,
cũng vì thế mà ái tình bừng lên như lửa» (Hc 9,8-9). 

Hướng của những bản văn truyền thống khôn ngoan nổi bật lên ý nghĩa giáo dục. Chúng giáo huấn nhân đức và cố gắng bảo vệ trật tự luân lí, bằng cách qui hướng về lề luật của Thiên Chúa và kinh nghiệm của con người được hiểu theo nghĩa rộng rãi. Hơn nữa, các bản văn ấy có nét nổi bật là đặc biệt nhận biết «tâm hồn» («lòng») con người. Có thể nói rằng chúng triển khai một thứ tâm lí học đặc thù về luân lí, nhưng không rơi vào chủ nghĩa duy tâm lí. Theo một nghĩa nào đó, chúng gần gũi với lời của Đức Kitô, mà Matthêu chuyển lại cho chúng ta (x. 5,27-28), nhắc đến «lòng» con người, thế nhưng không thể khẳng định là chúng mạc khải xu hướng làm thay đổi nền đạo đức tự nền tảng. Đúng hơn, các tác giả những sách này sử dụng sự hiểu biết nội tâm con người để huấn giáo luân lí trong phạm vi của nền đạo đức học đang thịnh hành trong lịch sử bấy giờ và được họ xác nhận nét căn bản. Thi thoảng một tác giả nào đó, như tác giả sách Giảng Viên chẳng hạn, đã tổng hợp những xác nhận đó bằng một thứ «triết lí» riêng về đời sống con người. Triết lí đó ảnh hưởng trên phương pháp mà người ấy dùng để thiết lập những lời cảnh giác và khuyên răn, mà không thay đổi cấu trúc nền tảng chứa đựng những giá trị đạo đức.

6. Sự thay đổi nền đạo đức học ấy phải chờ đến thời của bài diễn từ trên núi. Tuy nhiên, sự hiểu biết rành mạch về tâm lí con người đó có trong truyền thống «khôn ngoan» chắc hẳn không thiếu đi ý nghĩa đối với nhóm thính giả đích thân nghe trực tiếp diễn từ ấy. Nếu như, nhờ truyền thống các tiên tri, các thính giả này theo nghĩa nào đó đã được chuẩn bị để hiểu sự «ngoại tình» sao cho thích hợp, thì cũng thế, nhờ truyền thống «khôn ngoan» mà họ được chuẩn bị để hiểu những lời lẽ liên hệ tới «cái nhìn dục vọng» hay «ngoại tình trong lòng».

Chúng ta còn phải trở lại để phân tích về dục vọng, trong diễn từ trên núi.

----------------------------------------
[1] X. vd. Cn 5, 3-6.15-20; 6, 24-7,27; 9.19; 22, 14; 30, 20.
[2] X. Hc 7, 19.24-26; 9, 1-9; 23, 22-27; 25, 13-26; 36, 21-25; 42, 6.9-14.
[3] X. vd. Gv 7, 26-28; 9,9. 
 

XXXIX

DỤC VỌNG NHƯ LÀ SỰ TÁCH BIỆT
KHỎI Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA THÂN XÁC
 
1. Chúng ta sẽ suy tư về những lời của Đức Kitô sau đây từ diễn từ trên núi: «Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» («người ấy đã làm cho nàng thành một kẻ ngoại tình trong lòng mình rồi ») (Mt 5,28). Đức Kitô tuyên bố câu nói này trước một cử tọa, theo nghĩa nào đó đã được chuẩn bị, dựa trên cơ sở các sách Cựu ước, để hiểu ý nghĩa của cái nhìn phát sinh từ dục vọng. Trên đây chúng ta cũng đã tham chiếu đến những bản văn rút từ những quyển sách gọi là các sách khôn ngoan.

Sau đây là một đoạn khác trong đó tác giả Thánh Kinh phân tích tình trạng tâm hồn của con người bị dục vọng xác thịt thống trị:

«...đam mê bốc cháy tựa như lửa bừng bừng, / sẽ chẳng tắt cho đến khi được thỏa mãn. / Người mê đắm xác thịt / sẽ chẳng ngưng cho đến khi bị lửa thiêu hủy. / Đối với kẻ mê đắm, bánh nào cũng ngon, / nó sẽ chẳng yên cho đến khi lìa đời. / Người không chung thủy với vợ / tự nhủ rằng: “Nào ai thấy nổi? / Bóng tối bao quanh ta, tường nhà che khuất ta! / Chẳng ai nhìn thấy, việc gì ta phải sợ? / Đấng Tối Cao chẳng chấp tội ta đâu!”. / Ấy mắt người đời thì nó sợ, / mà nào biết rằng mắt của Đức Chúa / sáng hơn mặt trời gấp vạn lần. / Người thấy rõ mọi đường nẻo phàm nhân / và thấu suốt cả những nơi kín ẩn. / ... / Người đàn bà bỏ chồng cũng thế, / thị sinh ra đứa con thừa tự bởi người khác...» (Hc 23,17-22)

2. Trong văn chương thế giới không thiếu những tác phẩm mô tả những điều tương tự [1]. Quả thế, nhiều tác phẩm nổi bật bởi sự phân tích tâm lí rất sâu sắc cũng như sức gợi ý và diễn cảm rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, mô tả của Kinh thánh trong sách Huấn ca (23,17-22) bao gồm một số yếu tố có thể bị cho là «cổ điển» trong khi phân tích về dục vọng xác thịt. Một yếu tố loại này, ví dụ như, khi người ta so sánh dục vọng xác thịt với lửa đốt : lửa dục vọng cháy bừng trong con người, nó xâm nhập các giác quan, kích thích thân xác, lôi cuốn các thứ tình cảm và theo nghĩa nào đó nó chiếm lấy «tâm hồn» con người. Đam mê phát sinh từ dục vọng xác thịt ấy bóp nghẹt trong «lòng» tiếng nói sâu thẳm của lương tâm, ý thức trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa. Và bản văn kinh thánh đang được trích dẫn đặc biệt cho thấy chính điều đó. Đàng khác, vẫn cứ còn đó nỗi xấu hổ bên ngoài trước mặt người ta – hay nói đúng hơn đó là vẻ bên ngoài thẹn thùng – biểu lộ nỗi sợ sệt những hậu quả hơn là chính sự ác. Khi bóp nghẹt tiếng nói của lương tâm, nỗi đam mê mang theo mình sự bất an trong thân xác và nơi các giác quan. Đó là nỗi bất an của «con người bên ngoài». Khi con người bên trong đã bị làm cho câm nín, nỗi đam mê một khi đã nuốt mất sự tự do hành động, bộc lộ thói tật thường xuyên thỏa mãn các giác quan và thân xác.

Theo tiêu chuẩn của con người bị đam mê thống trị, sự thỏa mãn ấy lẽ ra phải dập tắt được ngọn lửa thiêu đốt. Thế nhưng, trái lại, sự thỏa mãn ấy không không đạt tới được những nguồn mạch của bình an nội tâm, mà chỉ chạm tới mức bên ngoài của cá nhân con người mà thôi. Ở đây tác giả Kinh thánh nhận xét rất đúng rằng con người mà lòng trí cứ bị giam cầm trong thỏa mãn giác quan không có sự bình an, cũng không tìm gặp lại được bản thân, mà ngược lại, «bị thiêu hủy». Đam mê tìm thỏa mãn. Do đó, nó làm cùn nhụt hoạt động suy tư và lơ là đối với tiếng nói của lương tâm. Một lương tâm mà không hề có một nguyên tắc bền vững nào rồi sẽ «sờn mòn» đi. Dùng mãi rồi sẽ đến lúc cạn kiệt. Thật ra, ở đâu đam mê được đem vào kho chứa năng lượng sâu xa nhất của tinh thần, nó còn có thể trở nên sức mạnh sáng tạo. Nhưng trong trường hợp này, nó còn phải chịu một sự biến đổi triệt để. Nhưng nếu ngược lại, đam mê mà bóp nghẹt các sức lực sâu thẳm nhất của tâm hồn và của lương tâm (như trong trình thuật Hc 23,17-22), nó sẽ «bị thiêu cháy» và cách gián tiếp nó thiêu cháy con người đã trở thành mồi ngon cho nó.

3. Trong diễn từ trên núi, khi Đức Kitô nói về con người «thèm muốn», kẻ «nhìn (người phụ nữ) mà thèm muốn», ta có thể nghĩ rằng Người cũng biết đến những hình ảnh mà các thính giả nghe Người đã biết qua truyền thống «khôn ngoan». Tuy nhiên, liên hệ đến mỗi người trong từng thời đại, căn cứ trên kinh nghiệm nội tâm riêng, người ta biết «thèm muốn», «nhìn mà thèm muốn» có nghĩa là gì. Đức Thầy Giêsu không phân tích kinh nghiệm ấy cũng không mô tả nó, như sách Huấn Ca (23,17-22) đã làm chẳng hạn. Xem ra Người giả thiết người ta có đủ hiểu biết về sự kiện nội tâm ấy, đó là điều mà Người lưu ý các thính giả có mặt lúc bấy giờ cũng như các thính giả khác có thể có. Có thể có ai đó trong số họ không biết Người đang nói về điều gì chăng? Nếu quả thật có người không biết gì cả về điều đó, thì nội dung những lời của Đức Kitô không liên hệ gì đến người ấy, cũng như không có phân tích hay mô tả nào có thể giải thích điều ấy cho người đó. Bằng ngược lại, nếu người ấy biết – đây là một hiểu biết hoàn toàn nội tâm, trong tâm hồn và ý thức con người – thì họ sẽ hiểu ngay khi những lời nói đó hướng về mình.

4. Bởi thế, Đức Kitô không mô tả cũng không phân tích kinh nghiệm về sự «thèm muốn», kinh nghiệm về dục vọng xác thịt. Người ta thậm chí có cảm tưởng Người không đi sâu vào toàn thể bề rộng hoạt động của kinh nghiệm nội tâm này, như chẳng hạn, bản văn trích dẫn của Huấn Ca đã làm, nhưng Người dừng lại ở thềm cửa của nó. «Sự thèm muốn» còn chưa được chuyển thành một hành động bên ngoài, chưa trở thành «hành động của thân xác». Nó vẫn còn là hành vi trong nội tâm cho tới lúc này, diễn tả qua cái nhìn, cách «nhìn người phụ nữ». Thế nhưng, nó đã bộc lộ một ý hướng, cho thấy nội dung của nó và phẩm chất cốt yếu của nó.

Giờ đây chúng ta cần phải phân tích điều đó. Cái nhìn bộc lộ điều đang có ở trong lòng con người. Cái nhìn diễn tả con người nội tâm. Nếu như nói chung người ta cho rằng con người «hành động theo bản chất của mình» (operari sequitur esse), thì trong trường hợp ở đây Đức Kitô muốn nhấn mạnh rằng con người «nhìn» cũng theo bản chất của mình: intueri sequitur esse. Theo nghĩa nào đó, qua cái nhìn con người tự bộc bạch mình ra bên ngoài và cho người khác; nhất là biểu lộ ra ngoài điều mình cảm nhận «bên trong» [2].

5. Bởi thế Đức Kitô dạy phải xem cái nhìn gần như là bậc thềm của sự thật nội giới con người. Trong cái nhìn, trong cái «cách thức mà một người nhìn»người ta đã có thể xác định đầy đủ dục vọng là gì. Chúng ta sẽ cố giải thích điều này. «Dục vọng», «nhìn mà thèm muốn» chỉ một kinh nghiệm về giá trị thân xác mà trong đó ý nghĩa hôn phối của nó không còn nữa bởi chính sự khuấy động dục vọng. Ý nghĩa sinh sản của thân xác, mà chúng ta đã nói đến trong những lần trước đây, cũng mất đi. Ý nghĩa ấy – khi liên hệ đến sự kết hợp vợ chồng của một người đàn ông và một người đàn bà – bắt nguồn từ ý nghĩa hôn phối của thân xác và gần như xuất hiện cách hữu cơ từ đó. Như thế, con người «dục vọng», «nhìn mà thèm muốn» (như đọc thấy trong Mt 5,27-28), kinh nghiệm một cách tương đối rõ ràng rằng đã tự tách mình khỏi ý nghĩa thân xác đó. Ý nghĩa ấy (như chúng ta đã nhận xét trong những suy tư trước đây) vốn thuộc về nền tảng của sự hiệp thông các ngôi vị: dẫu bên ngoài hôn nhân, hay – đặc biệt là – khi người nam và người nữ được mời gọi xây dựng sự hợp nhất «trong thân xác» (như «Tin mừng của thuở ban đầu» trong bản văn bất hủ St 2,24). Kinh nghiệm ý nghĩa hôn phối của thân xác được qui phục cách đặc biệt bên dưới ơn gọi bí tích, nhưng không giới hạn lại ở đó. Ý nghĩa đó nói lên sự tự do của tặng phẩm trao hiến, và (như chúng ta sẽ thấy chính xác hơn trong các phân tích về sau) điều này được thể hiện không chỉ trong hôn nhân nhưng còn bằng cách thức khác nữa.

Đức Kitô nói: «Ai nhìn một người phụ nữ mà thèm muốn (tức là với cái nhìn dục vọng), thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» («đã làm cho nàng thành kẻ ngoại tình trong lòng mình rồi») (Mt 5,28). Nói thế không phải là Người có ý muốn nói rằng chính dục vọng – như là sự ngoại tình – là một sự cắt đứt tự trong lòng với ý nghĩa hôn phối của thân xác hay sao? Không phải Người đem cử tọa của mình về với những kinh nghiệm tách biệt như thế trong lòng họ hay sao? Không phải là Người đã xác định sự cắt đứt trong lòng ấy chính là « tội ngoại tình trong lòng» hay sao?
 
Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

-------------------------------------
[1] X. vd. Confessioni của Th. Augustinô: «Deligatus morbo carnis mortifera suavitate trahebam catenam meam, solvi timens, et quasi concusso vulnere repellens verba bene suadentis tamquam manum solventis (...). Magna autem ex parte atque vehementer consuetudo satiandae insatiabilis concupiscentiae me captum excruciabat» (Confessiones, lib. VI, cap. XII, 21, 22).

«Et non stabam frui Deo meo, sed rapiebar ad te decore tuo; moxque deripiebar abs te pondere meo, et ruebam in ista cum gemitu: et pondus hoc, consuetudo carnalis» (Confessiones, lib. VII, cap. XVII).

«Sic aegrotabam et excruciabar accusans memetipsum solito acerbius nimis, ac volvens et versans me in vinculo meo, donec abrumperetur totum, quo iam exiguo tenebar, sed tenebar tamen. Et instabas tu in occultis Domine, severa misericordia, flagella ingeminans timoris et pudoris, ne rursus cessarem, et ủa thuở ban đanon abrumperetur idipsum exsiguum et tenue quod remanserat; et revalesceret iterum et me robustius alligaret...» (Confessiones, lib. VII, cap. XI).

[2] Phân tich ngữ văn xác nhận ý nghĩa của diễn ngữ ho blépōn («người nhìn»: Mt 5,28).

«Nếu blépō của đoạn Mt 5,28 có giá trị một sự cảm nhận bên trong (tri giác nội giới), tương đương với “tôi nghĩ, tôi chú ý đến, tôi để tâm đến”, thì giáo huấn Tin mừng về các tương giao liên vị các môn đệ Chúa Kitô hóa ra khắt khe hơn, cao vượt hơn.

Theo Đức Giêsu không cần phải là một cái nhìn tà dâm mới đủ làm cho một người trở nên kẻ ngoại tình. Chỉ cần một tư tưởng như thế trong lòng đã phạm tội rồi» (M. Adinolfi, Il desiderio della donna in Mt 5,28, in Fondamenti biblici della teologia morale, Atti della XXII Settimana Biblica Italiana, Paideia, Brescia 1973, p.279).