Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (36,37)

Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (36,37)

 

“Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ”
 
THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
 
XXXVI

NGOẠI TÌNH THEO NGHĨA CỦA LỀ LUẬT
VÀ TRONG NGÔN NGỮ CỦA CÁC TIÊN TRI
 
 
1. Trong diễn từ trên núi khi Đức Kitô nói: «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình» (Mt 5,27), Người muốn nói đến điều mà mỗi thính giả của Người đều biết rất rõ và cảm thấy bị ràng buộc bởi giới răn của Đức Chúa là Thiên Chúa. Tuy nhiên, lịch sử của Cựu ước cho thấy cả đời sống của dân liên kết với Đức Chúa là Thiên Chúa qua một Giao ước đặc thù, cũng như cuộc sống của từng con người riêng lẻ đều thường đi lạc xa giới răn này. Ta sẽ thấy điều đó nếu nhìn lướt qua luật pháp của Israel, được ghi lại trong nhiều sách Cựu ước rất phong phú.

Những chỉ thị của Luật Cựu ước vốn rất khắt khe. Chúng cũng rất chi tiết và đi sâu vào từng trường hợp chi li cụ thể của cuộc sống [1]. Có lẽ người ta nghĩ rằng việc pháp luật nhìn nhận tục đa thê trên thực tế phản ảnh càng rõ ràng trong Lề Luật đó, người ta càng đòi hỏi phải nâng đỡ phương diện pháp lí và bảo vệ những giới hạn về mặt luật pháp của tập tục ấy hơn. Bởi thế mà có rất nhiều điều luật, và chúng thể hiện tính chất khắc khe qua các hình phạt mà nhà lập pháp đã dự trù cho sự vi phạm những chuẩn mực đó. Trên cơ sở của những phân tích trước đây về cái «thuở ban đầu» mà Đức Kitô đề cập tới trong diễn từ Người nói về tính bất khả phân li của hôn nhân và về «chứng thư rẫy vợ», hiển nhiên Người thấy rõ ràng sự mâu thuẫn căn bản nội tại ngay trong bản thân luật hôn nhân Cựu ước khi cho phép hôn nhân đa thê, nghĩa là chế độ sống chung với những người vợ lẻ bên cạnh những người vợ chính thức về pháp lí, hay luật cho phép ăn ở với nữ tì (nô lệ) [2]. Có thể nói rằng luật đó vừa chống lại tội lỗi vừa chứa chấp một sự bao che hay bảo vệ «những cấu trúc xã hội của tội lỗi», tạo nên bộ mặt hợp pháp cho nó. Với hoàn cảnh ấy ý nghĩa đạo đức căn bản của giới răn «chớ ngoại tình» cũng cần phải được đánh giá lại từ nền tảng. Trong diễn từ trên núi, vượt trên những hạn hẹp của pháp lí truyền thống Đức Kitô mạc khải ý nghĩa ấy cách mới mẻ.

2. Có lẽ cũng nên nói thêm rằng, trong những cố gắng giải thích, Cựu ước càng nhấn mạnh đến luật cấm ngoại tình đang khi vẫn thỏa hiệp với dục vọng của tính xác thịt, càng xác định rõ quan điểm của mình về những lệch lạc tính dục. Điều đó được xác nhận bởi các điều luật liên quan: những luật dự trù hình phạt tử hình đối với tội đồng dâm và giao hợp với thú vật. Về động thái của Onan, người con trai của Giuđa (từ đó mà ngày nay mới có thuật ngữ «onanismo» - chỉ hành động tính dục cho xuất tinh ra ngoài trong khi giao hợp), Kinh thánh nói rằng «hành động của cậu không đẹp lòng Đức Chúa, nên Người cũng khiến cậu chết» (St 38,10).

Luật hôn nhân của Cựu ước, trong bối cảnh bao quát của nó, đặt việc sinh sản con cái lên như cứu cánh hàng đầu của hôn nhân, và trong vài trường hợp luật cố gắng chứng tỏ một thái độ công bằng về pháp lí giữa người đàn ông và người phụ nữ. Chẳng hạn như, liên quan đến hình sự của tội ngoại tình luật nói cách minh nhiên: «Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử» (Lv 20,10). Nhưng trong tổng thể, người phụ nữ vẫn bị định kiến, bị đối xử nghiêm khắc hơn.

3. Có lẽ cũng cần phải lưu ý đến ngôn ngữ của lề luật này. Như mọi khi trong những trường hợp như thế, đó là một ngôn ngữ có tính khách quan của tình dục học của thời bấy giờ. Đó cũng là một ngôn ngữ quan trọng đối với toàn bộ suy tư về thần học thân xác. Trong đó chúng ta gặp thấy sự xấu hổ liên hệ đến giới tính của con người được xác nhận cách đặc biệt. Thật ra, những gì liên hệ đến tính dục đều bị xem là «ô uế» theo nghĩa nào đó, nhất là khi đó là những biểu lộ sinh lí thuộc tính dục con người. Hành động «lột trần chỗ kín» (x. vd. Lv 20,11.17-21) bị coi như tương đương với một hành vi tính dục phạm pháp. Thành ngữ ấy ở đây xem ra đã nói lên khá đầy đủ. Chắc hẳn là nhà làm luật đã cố dùng những từ ngữ tương ứng với tâm thức và tập tục của xã hội lúc bấy giờ. Do vậy, ngôn ngữ của lề luật Cựu ước phải làm ta xác tín rằng không những nhà làm luật và xã hội biết đến sinh lí học của giới tính và những biểu lộ cơ thể thuộc đời sống tính dục, mà chúng còn được xét như có một giá trị nhất định nào đó. Thật khó mà không có ấn tượng một nhìn nhận giá trị như thế lại có tính tiêu cực. Điều đó chắc chắn không xóa bỏ những chân lí chúng ta đã biết từ sách Sáng thế, cũng không thể kết án Cựu ước (trong đó có các sách Luật) như tiền hô cho chủ nghĩa Manikê. Phán quyết về thân xác và tính dục ở đấy không «tiêu cực» cũng không khắc nghiệt, nhưng đúng hơn chúng biểu lộ một thứ tư duy duy khách thể xuất phát từ ý hướng muốn lập trật tự trong lãnh vực này của đời sống con người. Không trực tiếp liên hệ đến trật tự trong «tâm hồn», nhưng là trật tự trong toàn bộ đời sống xã hội mà nền tảng của nó bao giờ cũng là hôn nhân – gia đình.

4. Nếu xem xét vấn đề «tình dục» trong toàn bộ, có lẽ ta cũng nên lưu ý một chút đến một khía cạnh khác, đó là về mối liên kết hiện hữu giữa tính luân lí, lề luật và y học, được nêu rõ trong những sách Cựu ước liên hệ. Những quyển sách này chứa không ít những qui định thực tiễn liên hệ tới lãnh vực vệ sinh, hoặc về y học, vốn mang tính kinh nghiệm nhiều hơn là khoa học như trình độ của xã hội bấy giờ [3]. Vả lại, sự liên hệ giữa kinh nghiệm và khoa học ai cũng biết vẫn còn cho tới ngày nay. Trong phạm vi rộng lớn của những vấn đế này, y học luôn đi sát liền với đạo đức học. và đạo đức học, cũng như thần học, cố gắng cộng tác với nó.

5. Trong diễn từ trên núi khi Đức Kitô tuyên bố những lời này: «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình», và ngay sau đó Người nói thêm rằng: «còn Thầy, Thầy bảo...», điều đó cho thấy rõ ràng là Người muốn thiết lập lại trong lương tâm của thính giả chính cái ý nghĩa đạo đức của giới răn này, tách biệt với lối giải thích của các «tiến sĩ», chuyên viên chính thức của Lề Luật. Thế nhưng, ngoài cách giải thích của truyền thống, Cựu ước còn cho chúng ta một truyền thống khác để hiểu giới răn «chớ ngoại tình». Đó là truyền thống của các Tiên tri. Khi nói tới «ngoại tình», các Tiên tri muốn nhắc nhở dân «Israel và Giuđa» rằng tội lớn hơn mà họ đã phạm là từ bỏ vị Thiên Chúa duy nhất và chân thật mà chạy theo các ngẫu thần khác nhau, dân được Chúa tuyển chọn, trong khi tiếp xúc với các dân khác, đã dễ dãi và thiếu cẩn trọng đem các ngẫu thần ấy về. Như thế đó, đặc trưng riêng của ngôn ngữ của các Tiên tri dùng chữ ngoại tình theo cách loại suy hơn là chỉ chính sự ngoại tình. Thế nhưng sự loại suy ấy cũng dùng để hiểu giới răn «chớ ngoại tình» và sự giải thích liên hệ, một sự giải thích được lưu ý là thiếu trong các tài liệu pháp luật. Trong các sấm ngôn của các Tiên tri, đặc biệt là của Isaia, Hôsê và Êdêkiel, Thiên Chúa của Giao ước – Đức Chúa thường được trình bày như là Đấng Hôn Phu, và tình yêu Ngài dùng đế kết hợp với Israel có thể và phải đồng nhất với tình yêu phu thê của các cặp vợ chồng. Như thế, khi từ bỏ Thiên Chúa là Hôn Phu mà chạy theo các ngẫu thần, Israel đã phạm tội bất trung trước mặt Ngài, điều đó có thể được ví như tội một người phụ nữ phản bội chồng mình: nghĩa là, người ấy phạm tội «ngoại tình».

6. Các Tiên tri thường dùng những hình ảnh so sánh hết sức mềm dẻo với những lời lẽ thuyết phục để trình bày cả về tình yêu của Thiên Chúa – Đấng Hôn Phu cũng như về sự phản bội của Israel – Hôn Thê sa vào tội ngoại tình. Đó là một đề tài chúng ta còn sẽ phải suy tư khi phân tích vấn đề «bí tích». Thế nhưng, bây giờ cũng cần lướt qua một chút vì cần để hiểu những lời Đức Kitô theo Mt 5,27-28, và hiểu sự đổi mới nền đạo đức (ethos) tiềm tàng trong những lời này: «Còn Thầy, Thầy bảo...». Một đàng, trong các bản văn của mình Isaia [4] tán dương tình yêu của Đức Chúa – Đấng Hôn Phu, dù trong hoàn cảnh nào Ngài cũng đi gặp Vị Hiền Thê và làm ngơ mọi bất trung của nàng. Đàng khác, Hôsê và Êdêkiel lại có rất nhiều những ám dụ mô tả đặc biệt vẻ xấu xí và sự xấu xa về luân lí của tội ngoại tình mà Hiền Thê – Israel đã phạm.

Trong bài suy tư tiếp theo chúng tôi sẽ cố gắng đào sâu hơn nữa các bản văn của các Tiên tri, để sau cùng làm sao cho sáng tỏ hơn nữa (trong tâm thức của các thính giả bài diễn từ trên núi) nội dung của giới răn «chớ ngoại tình».

--------------------------------
[1] X. ví dụ như Đnl 21, 10-13; Ds 30,7-16; Đnl 24,1-4; Đnl 22,13-21; Lv 20,10-21 và nhiều nơi khác.

[2] Dẫu rằng sách Sáng thế trình bày cuộc hôn nhân một vợ một chồng của Ađam, Sét và Noe như mẫu mực để bắt chước, và xem ra muốn kết án chế độ lưỡng thê (hai vợ), một kiểu sống chỉ bắt đầu xuất hiện giữa các hậu duệ của Cain (x. St 4,19), nhưng cuộc đời các Tổ phụ lại cho những bằng chứng ngược lại. Abraham giữ luật Hammurabi, là bộ luật cho phép lấy vợ thứ hai trong trường hợp người vợ thứ nhất bị hiếm muộn. Ông Giacóp đã có hai vợ và hai người hầu thiếp (x. St 30,1-19).

Sách Đệ nhị luật chấp nhận luật có hai vợ (Đnl 21,15-17) và thậm chí có thể có nhiều vợ, ta nhớ lại trường hợp vua được nhắc nhở không nên có quá nhiều vợ (Đnl 17,17). Sách cũng xác nhận định chế về những người hầu thiếp – như tù binh trong chiến tranh (Đnl 21,10-14) hay nô lệ (x. Xh 21,7-11). X. R. De Vaux, Ancient Israel. Its Life and Institutions, Darton Longman Todd, London 19763, 24-25, 83. Trong Cựu ước

không hề có một lưu ý minh nhiên nào về điều luật buộc độc thê (chỉ có một vợ), thế nhưng những quyển sách về sau cho thấy hình ảnh chế độ một vợ một chồng chiếm ưu thế trong thực hành xã hội (x. vd. các sách khôn ngoan, ngoại trừ Hc 37,11; Tb).

[3] X. vd. Lv 12,1-6; 15,1-28; Đnl 21, 12-13.

[4] X. vd. Is 54; 62,1-5.
 
 

XXXVII
NGOẠI TÌNH THEO NGHĨA CỦA ĐỨC KITÔ
DẤU CHỈ BỊ BÓP MÉO GIAO ƯỚC CÁ VỊ BỊ ĐỔ VỠ
 
1. Trong diễn từ trên núi Đức Kitô nói: «Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Tiên tri. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn» (Mt 5,17). Để thực hiện điều đó cách rõ ràng, Người đề cập đến từng giới răn trong đó có giới răn: «Ngươi chớ ngoại tình». Bài suy niệm trước đây của chúng ta nhằm cho thấy nội dung phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa của giới răn ấy đã bị những thỏa hiệp của luật pháp riêng của Israel làm mờ tối đi như thế nào. Trong giáo huấn của mình, các Tiên tri thường tố cáo dân đã từ bỏ Thiên Chúa thật là Đức Chúa và ví điều ấy như tội «ngoại tình», và nêu bật lên cách đích xác nội dung đó.

Tiên tri Hôsê không chỉ bằng lời lẽ nhưng còn bằng thái độ và hành động muốn mạc khải cho ta biết [1] rằng sự bất trung của dân cũng giống như sự bất trung trong đời sống hôn nhân, nhưng còn hơn thế nữa, đó là một sự ngoại tình như đi làm điếm:«Hãy đi cưới một người đàn bà làm điếm để sinh những đứa con đàng điếm, vì cả xứ đều bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm» (Hs 1,2). Vị Tiên tri cảm nhận một lệnh truyền và đón nhận lệnh truyền này như xuất phát từ Đức Chúa là Thiên Chúa: «Đức Chúa còn phán với tôi: “Một lần nữa, ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình”» (Hs 3,1). Quả thật, dẫu cho Israel bất trung đối với Thiên Chúa của mình như thế, như người vợ «chạy theo đám tình nhân của nó, còn Ta thì nó nỡ bỏ quên» (Hs 2,15), nhưng Đức Chúa không ngừng đi tìm người người vợ của mình, Ngài chờ đợi không biết mệt mỏi nàng sẽ sám hối và quay trở về, và xác nhận thái độ này bằng những lời lẽ và hành động của vị Tiên tri: «Vào ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa – ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa... Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa» (Hs 2,18.21-22). Lời nhắc nhở nóng bỏng này kêu gọi người vợ - hiền thê sám hối đi đôi với lời đe dọa sau đây: «Phải vứt bỏ đi những vật đĩ thỏa trên mặt nó và những dấu ngoại tình trên ngực nó. Nếu không, Ta sẽ lột trần nó ra, và để nó như ngày mới lọt lòng mẹ» (Hs 2,4-5).

2. Hiền thê Israel với hình ảnh trần truồng nhục nhã như thuở mới sinh còn được Tiên tri Êdêkiel nhắc tới nhưng trong một viễn ảnh rộng lớn hơn [2]: «Ngày mới sinh ra, ngươi bị quẳng ra giữa đồng vì ai cũng ghê tởm ngươi. Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi giãy giụa trong máu. Thấy ngươi mình đầy máu me, Ta đã phán với ngươi: Cứ việc sống !” Ta làm cho ngươi nảy nở như hoa ngoài đồng. Ngươi đã nảy nở, lớn lên và thành cô thiếu nữ với bộ ngực nở nang, mái tóc mượt mà, nhưng ngươi vẫn trần truồng, không mảnh vải che thân. Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi. Này ngươi đã đến tuổi, tuổi yêu đương. Ta đã lấy vạt áo của Ta phủ lên để che thân thể lõa lồ của ngươi. Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa là Thiên Chúa – và ngươi thuộc về Ta... Ta đã lấy khuyên xỏ vào mũi ngươi, đeo hoa tai cho ngươi và lấy triều thiên rực rỡ đội lên đầu ngươi. Đồ trang sức của ngươi đều là vàng bạc, y phục của ngươi là vải gai mịn, tơ lụa và gấm vóc... Giữa muôn dân nước, ngươi được nổi tiếng vì nhan sắc của ngươi; nhan sắc đó tuyệt vời nhờ ánh huy hoàng của Ta chiếu tỏa trên ngươi... Thế mà ngươi đã cậy có nhan sắc, ỷ vào danh tiếng của ngươi để đàng điếm và hoang dâm với mọi khách qua đường... Lòng ngươi mê đắm biết chừng nào – sấm ngôn của Đức Chúa là Thiên Chúa – khi ngươi hành động như thế, như một gái điếm cuồng si!

Ngươi đắp mô ở mọi đầu đường và xây gò ở khắp phố phường; nhưng khác với gái điếm chuyên nghề, ngươi chẳng màng đến tiền bạc. Đàn bà ngoại tình, thay vì ở với chồng, lại tư thông với người khác» (Ed 16,5-8.12-15.30-32).

3. Đoạn trích dẫn dù hơi dài, nhưng đáng chú ý, chúng ta cần gợi lại. Sự loại suy (tương tự) giữa ngoại tình và thờ ngẫu tượng ở đây được diễn tả một cách rất mạnh mẽ và thấu đáo. Điểm tương tự giữa hai thành phần trong phép loại suy là chính Giao ước kèm theo với tình yêu. Đức Chúa là Thiên Chúa ký kết Giao ước tình yêu với dân Israel – dẫu dân không có công trạng gì –, Ngài trở thành Vị Hôn Phu là người chồng dạt dào ân tình, hết sức quan tâm và bao dung đối với Israel Hiền thê của mình. Đối lại với tình yêu mà tự bình minh của lịch sử đã trao gởi cho dân Ngài tuyển chọn, Vị Hôn Phu là Đức Chúa chỉ nhận lại vô vàn sự bất trung: «các mô (gò)» chính là các cao đàn nơi dân thờ lạy các ngẫu thần, đó là nơi người vợ Israel phạm tội «ngoại tình». Điều cốt yếu chúng ta đang phân tích ở đây là khái niệm ngoại tình mà Êdêkiel dùng. Tuy nhiên, người ta có thể nói rằng toàn thể hoàn cảnh mà khái niệm này đã được đưa vào (trong khung cảnh loại suy), không phải là điều tiêu biểu. Vấn đề ở đây không phải là sự chọn lựa nhau của đôi vợ chồng phát xuất từ tình yêu họ dành cho nhau, nhưng là việc người vợ đã được chọn (từ lúc mới sinh ra) xuất phát từ tình yêu của người chồng, một tình yêu là hiện thể của lòng thương xót đơn thành từ chính phía người hôn phu. Theo nghĩa đó, sự chọn lựa được phác họa nên. Sự chọn lựa trong loại suy ở đây đặc trưng cho Giao ước của Đức Chúa với Israel hơn là sự chọn lựa bởi sự ưng thuận nhau thuộc bản chất của hôn nhân. Hẳn nhiên, não trạng của con người thời bấy giờ không nhạy cảm lắm với thực tế này (đối với người Israel lúc bấy giờ hôn nhân vốn là kết quả của sự chọn lựa chỉ một chiều, thường là do cha mẹ), thế nhưng hoàn cảnh lúc bấy giờ khó hợp với quan niệm của chúng ta ngày nay.

4. Nếu không xét tới chi tiết ấy, người ta không thể không nhận thấy rằng các bản văn của các Tiên tri mạc khải một ý nghĩa về ngoại tình khác với khái niệm ngoại tình mà truyền thống lề luật nói tới. Ngoại tình là tội lỗi vì đó là sự phá vỡ Giao ước cá vị giữa người nam và người nữ. Các bản văn lề luật mạc khải sự vi phạm quyền sở hữu, trước hết là quyền sở hữu của người đàn ông đang sở hữu người đàn bà là vợ hợp pháp của mình: có thể đó là một trong nhiều người vợ hợp pháp của ngưới ấy. Trong các bản văn của các Tiên tri, cái hậu cảnh chế độ đa thê thực tế được luật pháp nhìn nhận không làm thay đổi ý nghĩa phi đạo đức của tội ngoại tình. Trong rất nhiều bản văn chế độ đơn hôn có vẻ như là trường hợp loại suy duy nhất và chính đáng của niềm tin độc thần được hiểu qua các phạm trù của Giao ước, nghĩa là sự trung thành và niềm tin tưởng vào Vị Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất và chân thật: Ngài là Hôn Phu của Israel. Ngoại tình là phản đề của mối quan hệ hôn ước đó, là cái nghịch nghĩa của hôn nhân (cả đối với hôn nhân như là định chế), bởi lẽ hôn nhân một vợ một chồng (đơn hôn) tự thân thực hiện một giao ước liên vị giữa một người nam và một người nữ, thực hiện một giao ước phát sinh từ tình yêu và được đón nhận từ hai phía chính xác như là một cuộc hôn nhân (và được xã hội nhìn nhận). Loại giao ước giữa hai người này là nền tảng cho sự kết hợp mà bởi đó «người đàn ông...gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt» (St 2,24). Trong bối cảnh đã trích dẫn trên đây người ta có thể nói rằng sự kết hợp xác thân đó là «quyền» của họ (đối với nhau), nhưng trên hết đó là dấu chỉ thường lệ của sự hiệp thông các ngôi vị, một kết hợp giữa người đàn ông với người đàn bà trong tư cách là vợ chồng của nhau. Phạm tội ngoại tình từ phía một người nào đó không chỉ là sự vi phạm đến quyền này, vốn là một quyền lợi của duy người phối ngẫu kia, nhưng đồng thời còn là một hành động bóp méo dấu chỉ. Dường như trong các sấm ngôn của các Tiên tri chính khía cạnh này của ngoại tình được diễn tả khá rõ ràng.

5. Nhận thấy rằng ngoại tình là một sự bóp méo dấu chỉ, một dấu chỉ không hệ tại nhiều ở nơi «tính qui phạm» của nó cho bằng là ở nơi sự thật đơn sơ bên trong của hôn nhân (nghĩa là trong đời sống chung giữa một người nam và một người nữ đã nên vợ nên chồng), cho nên, theo nghĩa nào đó, chúng ta lại một lần nữa viện đến những khẳng định nền tảng, như đã làm trước đây, xem chúng là cốt yếu và quan trọng đối với thần học thân xác, nhìn từ quan điểm của nhân học cũng như đạo đức học. Ngoại tình là «tội lỗi của thân xác». Toàn thể truyền thống Cựu ước xác nhận điều đó, và Đức Kitô cũng xác nhận như vậy. Phân tích những lời của Người được công bố trong diễn từ trên núi (Mt 5,27-28), cũng như những lời phát biểu liên hệ ở nơi khác trong các sách Tin mừng và những đoạn khác của Tân ước, giúp ta thiết lập chính lí lẽ cho biết tại sao ngoại tình là tội lỗi. Và lẽ dĩ nhiên, chúng ta xác định lí lẽ nói lên tính chất tội lỗi của ngoại tình, nghĩa là sự xấu luân lí của nó, dựa trên nguyên tắc là điều đó đối nghịch với sự thiện luân lí là sự chung thủy vợ chồng, mà sự thiện ấy chỉ có thể thực hiện được cách thích đáng trong mối quan hệ độc hữu của cả hai phía (tức là trong mối quan hệ vợ chồng của một người đàn ông với một người đàn bà). Đòi hỏi một quan hệ như thế là của riêng tình yêu hôn nhân, mà cấu trúc liên vị của nó (như chúng ta đã nêu) được quyết định bởi tính qui chuẩn nội tại của «sự hiệp thông các ngôi vị». Chính điều đó cho Giao ước một ý nghĩa cốt yếu (dù là Giao ước trong mối quan hệ nam-nữ, hay bởi loại suy, trong mối quan hệ giữa Đức Chúa-Israel). Dựa trên nguyên tắc vì nó đối nghịch với khế ước vợ chồng được hiểu như thế, ta có thể kết án ngoại tình là một tội lỗi, một sự xấu luân lí

6. Cần nhớ tất cả những điều ấy khi chúng ta nói rằng ngoại tình một «tội lỗi trên thân xác». «Thân xác» ở đây được xem có liên hệ về khái niệm với những lời lẽ của St 2,24, nói người nam và người nữ, trong tư cách là chồng vợ, gắn bó mật thiết với nhau tới mức chỉ làm nên «một xương một thịt». Ngoại tình chỉ hành động mà một người đàn ông và một người phụ nữ, vốn không phải là chồng là vợ của nhau, thực hiện cái điều gọi là nên «một xương một thịt» (tức là, những người không phải là vợ chồng của nhau theo nghĩa hôn nhân nhất phu nhất phụ như đã thiết định tự thuở ban đầu, hơn là theo nghĩa của luật pháp chi li trong Cựu ước). «Tội lỗi» của thân xác có thể được xác định chỉ vì liên hệ tới mối tương quan liên vị (quan hệ giữa con người với con người). Người ta có thể nói điều gì là tốt hay xấu về luân lí là do mối tương quan này có thể hiện thật sự «sự hợp nhất trong thân xác» hay không, có thể hiện nơi hành động đó đặc tính của một dấu chỉ đích thực hay không. Như thế, trong trường hợp này, chúng ta có thể kết án tội ngoại tình, phù hợp với nội dung khách quan của hành vi.

Và đó chính là nội dung mà Đức Kitô nghĩ đến khi trong diễn từ trên núi Người nhắc đến: «Anh em đã nghe Luật dạy rằng : chớ ngoại tình». Thế nhưng Đức Kitô không dừng vấn đề lại ở cái nhìn đó.
 
Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
----------------------------------------
[1] X. Hs 1-3.
[2] X. Ed 16,5-8.12-15.30-32.