TÂM LINH HÓA NGUỒN MẠCH ĐỂ THÂN XÁC ĐƯỢC BẤT DIỆT

TÂM LINH HÓA NGUỒN MẠCH ĐỂ THÂN XÁC ĐƯỢC BẤT DIỆT

1. Từ những lời Đức Kitô nói về sự phục sinh thân xác mai sau, mà cả ba sách Tin mừng Nhất lãm (Matthêu, Marcô và Luca) đều thuật lại, chúng ta đã chuyển suy tư sang những gì thánh Phaolô viết về đề tài ấy trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô (ch. 15). Phân tích của chúng ta tập trung đặc biệt trên điều có thể gọi là «nhân học về sự phục sinh» theo thánh Phaolô. Tác giả đặt đối lập tình trạng của con người «phàm trần» (tức lịch sử) với tình trạng của con người phục sinh, bằng cách nêu lên, ngắn gọn mà sắc sảo, đặc trưng của «hệ thống sức mạnh» bên trong đặc thù của mỗi người của những tình trạng này.

2. Hệ thống sức mạnh nội tại này phải chịu một sự biến đổi hoàn toàn trong ngày phục sinh, điều đó như được cho thấy, trước hết, bởi cặp đối lập giữa thân xác «yếu đuối» và thân xác «mạnh mẽ». Thánh Phaolô viết : «Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt ; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang ; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ» (1Cr 15,42-43). Bởi thế, thân xác – nếu ta dùng ngôn ngữ siêu hình – nảy mầm (được gieo) từ mảnh đất thế tục của nhân tính thì «yếu đuối». Lối dụng ngữ ẩn dụ của thánh Phaolô tương hợp với ngôn ngữ khoa học, vốn định nghĩa cái khởi đầu của con người xét như một thân xác bởi cùng một từ [‘mầm (sống)’ – semen]. Dưới con mắt của thánh Phaolô, nếu thân xác con người trỗi hiện từ mầm sống trần tục thì «yếu đuối», thì điều đó không chỉ có nghĩa là thân xác ấy hay «hư nát», phải lụy phục sự chết và tất cả những gì đưa tới cái chết, nhưng còn là «thân xác khí huyết» (con vật) [1]. Ngược lại, thân xác «mạnh mẽ» mà con người sẽ thừa hưởng từ Ađam cuối cùng, là Đức Kitô, nhờ tham dự vào sự phục sinh tương lai, sẽ là một thân xác «có thần khí». Thân xác ấy sẽ bất diệt, không còn bị đe dọa bởi sự chết nữa. Thế nên, đối ngữ «yếu đuối – mạnh mẽ» không minh nhiên muốn nói đến thân xác xét riêng phần, cho bằng là chỉ toàn thể con người xét trong khía cạnh xác thể tính của nó. Chỉ trong khung cảnh của một cấu trúc toàn thể như thế thân xác mới có thể trở nên là thân xác «có thần khí». Tâm linh hóa như thế, thân xác mới trở nên là nguồn cho sức mạnh và tính bất diệt (hay bất tử) của nó.

3. Đề tài này đã có nguồn gốc từ những chương đầu của Sách Sáng thế. Người ta có thể nói rằng thánh Phaolô nhìn thấy thực tại phục sinh mai sau như là một sự phục hồi lại tình trạng nguyên tuyền (restitutio in integrum), nghĩa là tái phục hồi và đồng thời đạt tới nhân tính viên mãn. Đây không chỉ là hoàn lại, vì như thế phục sinh, theo nghĩa nào đó, chỉ là quay về lại với tình trạng của linh hồn trước khi phạm tội, không hề biết đến điều thiện điều ác (x. St 1-2). Mà một sự trở về như thế thì không tương thích với lôgich nội tại của toàn thể nhiệm cục cứu độ, với ý nghĩa sâu xa nhất của mầu nhiệm cứu độ. Phục hồi tình trạng nguyên tuyền, gắn liền với sự phục sinh và thực tại «đời sau», chỉ có thể là dẫn nhập vào một tình trạng viên mãn mới. Đó là một tình trạng viên mãn bao hàm toàn thể lịch sử của con người, hình thành bởi tấn kịch cây biết thiện biết ác (x. St 3) và đồng thời thấm nhập bởi mầu nhiệm cứu chuộc.

4. Theo lời của thánh Phaolô trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô, con người mà bị dục vọng lấn át phần tâm linh, nghĩa là chỉ là «thân xác khí huyết» (1Cr 15,44), thì bị kết án phải chết; trái lại, con người với «thân xác có thần khí» là con người phục sinh, đó là khi mà tinh thần con người chiếm một ưu thế đúng đắn trên thể xác, phần tâm linh làm chủ được nhục cảm (sensualità). Người ta dễ hiểu tại sao ở đây thánh Phaolô nghĩ nhục cảm là tất cả các nhân tố làm hạn chế phần tâm linh con người, tức là cái sức mạnh đã «trói buộc» tinh thần (không nhất thiết theo nghĩa của Plato) vì đã thu hẹp khả năng nhận thức (chiêm ngắm) chân lí của nó và khả năng của ý chí tự do và yêu thương trong chân lí. Thực ra vấn đề ở đây không phải là chức năng căn bản của các giác quan dùng để giải phóng phần tâm linh, nghĩa là không đơn giản chỉ là tài năng nhận thức và ước muốn, không phải là cái tổ hợp (compositum) tâm lí – thể lí của con người chủ thể. Vì ở đây, người ta nói về thân xác phục sinh, nghĩa là nói về con người trong xác thân đích thực của nó, cho nên «thân xác có thần khí» có nghĩa là chính cái cảm quan hoàn hảo của các giác quan, sự hòa hợp tuyệt hảo của chúng với hoạt động tinh thần con người trong chân lí và trong tự do. Ngược lại, «thân xác khí huyết», vốn là cái phản đề thế tục của «thân xác có thần khí», ám chỉ nhục cảm như là một thứ sức mạnh thường hủy diệt con người, vì con người khi sống đồng thời nhận biết thiện và ác, thì bị thôi thúc và gần như bị xô ngã về phía cái ác.

5. Ở đây ta không thể quên vấn đề không phải là tư duy nhị nguyên trong nhân học, cho bằng là nêu bật sự tương phản ở tầng nền tảng. Không chỉ thân xác (như hyle của Aristôt) có tương phản, mà cả linh hồn cũng có tương phản: cụ thể là, con người như là «hồn sống động» hay sinh vật (x. St 2,7). Những yếu tố cấu thành nên nó: một đàng, là toàn thể con người, toàn thể chủ thể thể xác tâm thần, xét như là ở trong tác động của Thần Khí sống động của Đức Kitô ; đàng khác, cũng con người đó, như là kẻ cưỡng chống Thần Khí ấy. Thuộc về trường hợp thứ hai, con người là «thân xác khí huyết» (với «những việc do tính xác thịt» của nó). Ngược lại, nếu nó lưu lại trong Thánh Thần, con người sẽ là kẻ «có thần khí» (và sinh ra «hoa quả của Thần Khí» : Gl 5,22).

6. Bởi thế, ta có thể nói rằng không chỉ trong 1Cr 15 nói đến nhân học về phục sinh, mà toàn thể nhân học (và đạo đức học) của thánh Phaolô đều thấm đẫm mầu nhiệm phục sinh, mà nhờ đó sau cùng ta nhận lãnh được Thánh thần. Chương 15 Thư Thứ Nhất Côrintô là lời giải thích của thánh Phaolô về «đời sau» và tình trạng của con người đời sau, trong đó mỗi người, một khi thân xác đã phục sinh, sẽ tham dự hoàn toàn vào ân huệ Thánh Thần ban sự sống, nghĩa là dự phần vào hoa quả phục sinh của Đức Kitô.

7. Để kết thúc phân tích «nhân học về sự phục sinh» theo Thư Thứ Nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, một lần nữa ta nên quay về với lời của Đức Kitô nói về sự phục sinh và về «đời sau», do các sách tin mừng Matthêu, Marcô và Luca thuật lại. Chúng ta nhớ lại rằng, khi trả lời những người Sađucêu, Đức Kitô nối kết niềm tin phục sinh với toàn thể mạc khải về Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacop và của Môsê, Ngài «không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống» (Mt 22,32). Và đồng thời, trong khi giải quyết những khó khăn do những người tranh luận nêu ra, Người đã nói những lời rất ý nghĩa sau đây: « Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng » (Mc 12,25). Chính vì những lời đó – trong bối cảnh trực tiếp của những lời ấy – chúng ta đã xem xét phân tích đoạn văn của chương 15 Thư thứ Nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô.

Những suy tư đó có một ý nghĩa cơ bản cho toàn bộ thần học về thần xác: để hiểu cả hôn nhân lẫn độc thân «vì Nước Trời» là gì. Phần phân tích sau đây sẽ dành để nói về đề tài sau cùng đó.

Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

----------------------------

[1] Ở đây bản văn hi lạp nguyên thủy dùng chữ psychikón. Trong thánh Phaolô hạn từ ấy chỉ xuất hiện trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô (2,14; 15,44; 15,46) mà không có ở chỗ nào khác, có lẽ là do có những xu hướng tiền-Ngộ-đạo ở Côrintô, và mang một nghĩa tiêu cực; về nội dung, nó tương ứng với từ «xác thịt» (carnale) (x. 2Cr 1,12; 10,4).

Tuy nhiên, trong các thư khác của Phaolô «psyche» và các từ biến cách từ từ đó có ý nghĩa là cuộc sống trần gian của con người trong những biểu hiện của nó, lối sống của một cá nhân và ngay cả cũng có nghĩa là chính nhân vị theo nghĩa tích cực (vd. để chỉ cuộc sống lí tưởng của cộng đoàn Hội thánh: miâ-i psychê-i = «trong một thần khí duy nhất» : Pl 1,27; sýmpsychoi = «hiệp nhất cùng một ý hướng» : Pl 2,2; isópsychon = «chia sẻ cùng một tâm tình» : Pl 2,20; x. R. Jewett, Paul’s Anthropological Terms. A Study of Their Use in Conflict Settings, Brill, Leiden 1971, 2, 448-449).