Suy tư về gia đình - Những cơn giông, bão tố chực chờ..

Suy tư về gia đình - Những cơn giông, bão tố chực chờ..

 

Suy tư về gia đình (2)

NHỮNG CƠN GIÔNG, BÃO TỐ CHỰC CHỜ …

Gia đình là ngã tư đường nơi những căng thẳng ngày nay của nơi công cộng và chốn riêng tư gặp gỡ nhau. Vì thế những khó khăn mà các đôi bạn gặp phải liên kết chặt chẽ với bối cảnh rộng lớn hơn như đại gia đình, gia tộc, bạn hữu, xóm giềng, sở làm, hay xã hội rộng lớn hơn. Nhưng ta sẽ không bàn đến những tương tác đó ở đây, mà sẽ dừng lại nơi những xung đột liên kết chặt chẽ với đôi bạn trong tư cách như là đôi bạn, thực tại tách biệt. Nghĩa là chỉ xét đến những xung đột liên hệ đến lãnh vực tâm lí, cảm xúc, tình cảm, và tính dục, là những lãnh vực tế nhị hơn, phức tạp hơn, và phụ thuộc lẫn nhau. Cũng là những khu vực tập hợp lại những kinh nghiệm quá khứ, có để lại dấu vết hằn sâu nơi tiềm thức lẫn ít nhiều có ý thức.

Ở nguồn gốc của những khủng hoảng vợ chồng thường có nguyên nhân là người ta không có khả năng nhìn nhận và đón nhận chính thực tế của riêng mình, thực tế của người bạn đời, thực tế của cả cặp vợ chồng.

1. Kẻ phải lòng, nghĩa là người đang yêu, thì có tưởng tượng phong phú

Nơi một đôi bạn mới lấy nhau thường người ta thấy những bộc lộ của họ như muốn tan chảy hòa quyện vào nhau. Dường như không có khoảng cách giữa thực tại và mộng mơ. Một đàng người ta say đắm, đàng khác người ta sống chỉ những gì tinh túy nhất. Những người mới lấy nhau sống chủ yếu với trí tưởng tượng của họ. Trí tưởng tượng ấy vốn là tổng hợp của những hình ảnh và tâm tưởng, của tri giác và của những liên tưởng nội tâm mà mỗi trong hai người đối ngẫu (partners) mang đến theo mình. Sự tưởng tượng của từng người trong thời gian gặp gỡ nhau là phần còn lại của chuyện cuộc đời mà họ đã sống cho tới lúc bấy giờ. Đôi bạn cần phải xem xét đến tâm tưởng của nhau.

Thuở ban đầu lưu luyến ấy là một thời gian mạnh mẽ gây cho cả hai người những bàng hoàng, kinh ngạc, mê mẩn, quyến rũ. Đời sao như là mơ ấy, thật là lý tưởng! Tự khép mình trong thế giới tâm tưởng của tình yêu, hai người xem ra không thể tách rời nhau được; có nguy cơ là mỗi người có thể phản chiếu tưởng tượng của mình lên người kia. Đối tượng của tình yêu thường đến bất ngờ và dường như lấp đầy mọi mong chờ. Thế nhưng, khi phóng chiếu sự tưởng tượng của mình lên tha nhân như thế có thể người ta luôn luôn và chỉ yêu chính mình. Giống như là một bong bóng to đùng trong đó hai người nhìn nhau, nghe nhau, sống với nhau, nhưng mọi sự còn lại thì ở ngoài. Nhưng cái bong bóng ấy không thể giải quyết mọi chiều kích và hơi thở của cuộc sống, và, khi người ta bị yêu sách phải mở rộng cõi lòng cho những yếu tố khác lạ (tha tính), hai người thấy mình hoài nghi khi phải giải quyết chuyện thực tế cuộc sống: Đối tượng yêu thương, “người yêu” đó, sao khác nhiều với những gì mình đã tưởng1.

Tới đây cần phải sẵn sàng để sống điều mà các nhà tâm lý gọi là sự than khóc thứ nhất cho cuộc hôn nhân: một sự mất mát mà không phải lúc nào người ta cũng sẵn sàng. Vả lại, đối với con người đối diện với một chia ly, mất mát luôn luôn là một khó khăn. Tuy nhiên, nhờ suy nghĩ và nhìn nhau ở bên trong người ta có thể đi đến chỗ hiểu được rằng không phải là họ mất người yêu còn đang sống đó, nhưng là mất cái ‘hình ảnh’ mà người ta đã tạo ra cho mình về người yêu, hay cái lý tưởng về đôi lứa. Đó chỉ là một sự mất đi những hình ảnh đã tưởng tượng! Nếu không có bước chuyển căn bản này, người ta không thể tiếp tục xây dựng chính thực tế đôi bạn và những xung đột ẩn núp ở góc xó nào đó sẽ sẵn đó trườn ra.

Thường thì những ảo tưởng đó được sống quá lâu như là thực tại duy nhất về đôi bạn, chúng chiếm cứ mọi không gian và lấp đầy mọi khoảng cách của tương quan vợ chồng, tự đặt mình như một mục tiêu giả trá của một cặp vợ chồng lý tưởng. Nhưng người ta không được gọi để sống mối quan hệ của một đôi bạn lý tưởng phi thực tế; cũng như không hề có những khuôn mẫu, như là sản phẩm của nền văn hóa, để mà bắt chước, và không hề có thứ tình yêu lý tưởng của thời kỳ phải lòng kéo dài đến vô tận. Tình yêu không thể được nuôi dưỡng chỉ bằng lý tưởng tưởng tượng, nhưng để sống tình yêu cần phải nhập thể.

Vì vậy không hề có đôi bạn lý tưởng. Ngược lại, có nhiều quan hệ vợ chồng rất khác biệt nhau, ít nhiều đã thành sự, là thực tại vừa đẹp và giàu tiềm năng, nhưng thực tế cũng có đôi nghèo nàn và hạn chế; đó là những quan hệ của một người đàn ông và một người đàn bà đồng hành với nhau để trở nên những người được kêu gọi để trở thành đôi bạn duy nhất và độc đáo.

2. Nhìn nhận người bạn đời rất khác biệt với ta là một nỗi khó khăn

Cuộc hành trình mạo hiểm nhưng cũng rất phong phú và năng động của đôi bạn chỉ thực sự bắt đầu khi họ biết nhìn nhận “sự khác biệt” của nhau hay còn gọi là tha tính (otherness/l’altérité) trong quan hệ vợ chồng “một xương một thịt”.

Ngày nay chúng ta thấy rất nhiều cặp vợ chồng đổ vỡ. Rất có thể nguyên do của khủng hoảng sau cùng dẫn hôn nhân của họ đến thất bại vì họ thiếu óc thực tế, có lẽ họ đã không thực sự hiểu biết nhau, không biết con người thực tế của nhau (gồm những vốn quí, sự phong phú, và cả những giới hạn, khuyết điểm của nhau). Có khi điều đó đưa đến tình trạng không hẳn là đổ vỡ, nhưng họ sống như hai cái bóng cùng tồn tại trong đau khổ, trong một thế thăng bằng chông chênh luôn luôn rất khó giải quyết.

Nhìn nhận người kia khác biệt với tôi là một giai đoạn khó khăn phải trải qua, nhưng rất cần thiết cho việc xây dựng đời sống gia đình. Sẽ có những hậu quả khá nghiêm trọng nếu tha nhân, tức người bạn đời, không được nhìn nhận với thực tế của người ấy; nếu hai người không nhìn nhận nhau, nếu họ không chấp nhận mọi mặt tích cực cũng như tiêu cực của nhau. Ta sẽ không nếm được cái ý nghĩa sâu xa của sự kiện người này vừa quí giá vừa nghèo nàn trước mắt người kia; và như thế làm sao có thể biết tôn trọng nhau và cùng có trách nhiệm cùng nhau thăng tiến bản thân từng cá nhân và đôi lứa.

Nếu ai đó nhìn nhận chúng ta, yêu thương chúng ta, đón nhận chúng ta đúng như thực tế chúng ta là như thế đó, thì sẽ có điều nhiệm mầu xảy ra. Ơn cứu độ bắt đầu. Đó chính là sự phong phú thực sự của đời hôn nhân. Đó chính là lý do tại sao sống cô độc một mình sẽ nên hết sức nghèo nàn. Đó là lý do tại sao được chọn và được yêu lại là một đặc ân.

Có điểu chúng ta cần lưu ý, đó là tiến trình nhìn nhận và đón nhận, cả cái tốt lẫn cái xấu, cái tích cực lẫn cái tiêu cực, của nhau ấy rất khó thực hiện, nếu như trong thâm sâu ta không nhìn nhận và đón nhận chính thực tế riêng của cá nhân mình. Bởi nếu ta không nhìn nhận chính mình với con người thực tế toàn thể của mình, thì ta khó có thể làm như thế đối với người khác. Đúng hơn ta có khuynh hướng phóng chiếu lên trên người khác những mặt tiêu cực của mình, những khuyết điểm của ta mà ta không nhìn nhận, những hình ảnh làm cha làm mẹ thiếu chu đáo chẳng hạn, tất cả những bóng ma của lịch sử nội tâm của mình. Những cái đó sẽ tiếp tục cản trở chúng ta gặp gỡ toàn thể nhân tính của người khác trong sự tự do; chúng có thể tạo ra những kiểu kết hợp hòa quyện nguy hiểm. Ngược lại, nếu như những khía cạnh tiêu cực mà được nhìn nhận và đón nhận như thực tế chúng là thế, như là phần bên kia của cái tôi chưa được nhận biết hay chưa được tháp nhập, cả chúng nữa cũng sẽ có thể trở thành phương thế cho sự thăng tiến, tăng trưởng, hòa nhập với thế giới bên trong chúng ta, với người phối ngẫu, với thế giới bên ngoài. Điều cấp bách hơn, và trước cả sự nhìn nhận và đón nhận tha tính, là nhìn nhận và đón nhận chính chủ thể tính của mình.

“Hãy yêu thương chính mình” là một mệnh lệnh cũng mạnh mẽ như “hãy yêu thương người thân cận của mình”. Đúng hơn, chính tình yêu đối với bản thân là nền tảng cho tình yêu đối với tha nhân.

Như thế, điều quan trọng là cần phải ý thức về chính căn tính của mình, về chính lịch sử đời mình trước khi có sự gặp gỡ tha nhân, trước khi đích thân tiến bước đến chỗ chọn lựa tha nhân: cái gì đã khuấy động tôi trong chọn lựa này vậy? có lẽ chăng một nhu cầu tình yêu không được hay không thể thỏa mãn? Tiến trình trưởng thành nhân cách của tôi có trải qua những bước tiến tăng trưởng êm ả hay không? Có lẽ tôi đã phóng chiếu lên con người của tha nhân những thực tại không thành đạt của tôi, những khát khao không thỏa mãn, những hoài bão không thực hiện được của tôi chăng? Tôi có xu hướng phụ thuộc vào người kia, hòa tan mình với người kia không? Tôi có biết sống khoảng không gian và thời gian riêng của tôi một mình không?

Nếu như chúng ta vẫn còn chưa đạt tới trưởng thành nhân cách đủ mức, và một khi ta ý thức về điều ấy, ta có thể sẽ đạt được nhờ sự giúp đỡ quí giá của bạn mình, vốn là một nguồn suối mới phải tận dụng. Về điều này, không hề có những con đường tắt dễ dãi, không thể tránh né đi con đường ấy nếu người ta muốn có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.

Đôi khi chính vì một trong hai người, hoặc cả hai người, không nhìn nhận mình thiếu trưởng thành, mà khiến cho cuộc hôn nhân thất bại.

3. Đời sống tính dục không được thỏa mãn

Vấn đề tính dục luôn luôn là kết quả của một lịch sử. Và trong lãnh vực rộng lớn này người ta cần phải tìm chìa khóa để đọc nhằm đối diện với mọi hoàn cảnh hôn nhân khó khăn do hiểu lầm hoặc không thỏa mãn trong lãnh vực này.

Mỗi cá nhân có nguồn gốc không bởi từ một cá nhân khác, mà bởi từ một đôi (vợ chồng), và về mặt tâm lý đứa trẻ hấp thu không chỉ nguyên mẫu của người cha và của người mẹ, mà còn hấp thu cả cái nguyên mẫu của quan hệ liên vị, giữa một người đàn ông và một người đàn bà như là một đôi vợ chồng. Do đó, chúng ta hiểu tại sao lãnh vực tính dục lại hết sức phức tạp và tại sao lối sống tính dục của một người trưởng thành bộc lộ những gì mà người ấy đã sống và hấp thụ được từ cha mẹ trong tuổi ấu thơ và suốt thời gian niên thiếu và tuổi trẻ. Bởi thế, có ai đó đã nói rằng “cách thức để bảo đảm tốt nhất cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một đời sống gia đình hạnh phúc là làm sao để được sinh ra từ một cuộc hôn nhân hạnh phúc”. Hẳn là nếu ta lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ đã sống một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nếu ta đã hấp thụ được một giáo dục về giới tính một cách hài hòa, thì ta sẽ dễ dàng đi đến chỗ chấp nhận căn tính về tính dục của mình và gặp gỡ người bạn khác giới kia hơn rất nhiều. Thế nhưng ta đâu có thể tác động lên trên một quãng đường đã đi qua. Nhưng hiểu được sự quan trọng nền tảng của một đời sống tính dục hài hòa, lành mạnh, vui tươi cho hạnh phúc lứa đôi đã là tốt lắm rồi; bởi lẽ như thế người ta sẽ chú ý, lo lắng, tích cực tìm cách phát triển hơn nữa sự đồng điệu, đồng cảm về tính dục.

Trước hết, có những thực hành tính dục như một thứ quyền lực áp đặt trên người khác hoặc chỉ như là một kiểu hành lạc. Những kiểu đó không diễn tả tình yêu cũng không làm cho tình yêu ra hoa. Chúng còn xa lạ lắm với tình yêu đích thực.

Ngược lại, có một sai lầm người ta hay vấp phải xuất phát từ một lối giáo dục có xu hướng đàn áp tính dục trên bình diện luân lý cũng như tôn giáo, và là nguồn cho bao nhiêu đau khổ của con người. Sai lầm đó chính là ở chỗ người ta không coi trọng sự đồng cảm của đôi bạn với nhau về tính dục. Vẫn còn thấy ở đây đó quan niệm nghĩa vụ vợ chồng, một quan niệm cổ xưa hé mở cho thấy một tình cảnh thụ động buồn tẻ. Người ta vẫn còn có thái độ phản vệ, với xu hướng chế ngự và chối bỏ, hoặc duy lý hóa và đè nén, khả năng tính dục của con người. Họ che dấu nỗi sợ hãi phải chấp nhận mình như là một con người có giới tính và sống tính dục của ta cách viên mãn trong cuộc gặp gỡ với người bạn đời. Thật ra, ý nghĩa của giao ước hôn phối giữa một người nam và một người nữ, dấu chỉ của giao ước yêu thương giữa con người với Thiên Chúa, được bộc lộ đầy đủ hơn, lời nói yêu thương mang một ý nghĩa đầy đủ hơn, khi chiều kích tính dục trong quan hệ vợ chồng được coi trọng như là tiền đề cho một sự phát triển bình thường mối quan hệ theo nghĩa yêu đương” 2.

Một đôi bạn mà không sống sự hòa điệu vui tươi đồng cảm về tính dục, sẽ thấm thía nỗi buồn của một tình yêu “bị gặm mòn” trong thinh lặng, sẽ kinh nghiệm sự thịnh nộ của những nhục nhằn bị đè nén, nỗi cay đắng của bao cảm xúc đã không thể bộc lộ, tình héo khô bởi nhiều cảm giác không có cơ hội để sống. Sự khủng hoảng không thể không phản âm trên toàn bộ cuộc sống vợ chồng, bởi lẽ một quan hệ tính dục không mặn nồng và bị ức chế cách này cách khác sẽ dễ trở thành một thói quen ngăn trở xây đắp một tình thân mật vợ chồng về mặt tâm lý, khả dĩ đem lại một sự thỏa mãn và thành tựu nào đó cho cả hai vợ chồng.

“Sex dĩ nhiên không phải là tất cả mọi sự, nhưng nó là chất xúc tác cho nhiều chuyện khác. Và sở dĩ nhiều chuyện khác có chạy tốt được như thế là nhờ sex hoạt động tốt, cho nên tính dục cũng là hòn đá thử vàng để đo chất lượng toàn thể của một mối quan hệ. Khi tính dục hoat động tốt, con người sẽ khác đi, bầu khí tình cảm người ta cảm thấy trong một mái nhà bấy giờ là bầu khí tỏa sáng, khuây khỏa và vui tươi.” 3

Đó có phải là một nghịch lý chăng? Hay một sự khiêu khích? Có lẽ không hẳn như vậy. Bởi cũng có nhận xét sau đây cho rằng: trong nhiều cặp hôn nhân chính sự đồng điệu với nhau về tính dục có thể đã khỏa lấp nhiều hoàn cảnh khác không tích cực và có thể thúc đẩy hôn nhân tiếp tục đi tới; đang khi rất thường xuyên ở nơi nào mà thiếu sự hài hòa thân mật vợ chồng như thế, không có một sự đồng cảm vượt trên lý trí, quan hệ vợ chồng khó có thể giữ được bền vững.4

4. Không thể tách ly khỏi bóng dáng của cha mẹ

Mọi đôi bạn nếu muốn sống thực sự cuộc sống lứa đôi của mình phải luôn hướng tới sự tách ly khỏi hình bóng của cha mẹ. Người ta thường quá xem nhẹ sự tách ly khỏi cha mẹ về thể lý cũng như về tâm lý. Đó có thể trở thành nguyên do (có khi kín đáo và không được ý thức) cho những khủng hoảng sâu xa trên hành trình hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ. Người ta cảm thấy bất an nghĩ rằng cuộc sống lứa đôi của mình chưa bao giờ thật sự bắt đầu và càng không cảm thấy nó triển nở một cách riêng tư và độc lập đối với bóng dáng cha mẹ.
“Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mình và mẹ mình” đây hẳn không chỉ là một lời mời ra đi, đi ra khỏi nhà cha mẹ để tạo một mái nhà khác. Lời mời gọi kinh thánh này còn vang vọng những ý nghĩa khác xa hơn, mời gọi mỗi người đàn ông và người đàn bà, tự cõi thâm sâu nhất, tách ly hoàn toàn ra khỏi các đấng đã sinh thành mình, để có thể gặp gỡ tha nhân với ý thức hoàn toàn về tự ngã của mình.

Hôn nhân thường được định nghĩa như là một cuộc phiêu lưu khởi đầu từ lúc nói lời ưng thuận cách công khai, một cuộc hành trình sẽ phải dẫn đến một sự tách ly trong nội tâm khỏi hình bóng của cha của mẹ. Điều chính yếu không phải là tách ly để mà quên, nhưng để có khả năng biến đổi những khuôn mặt đó trở nên mới trong nội tâm của mình và việc nội tâm hóa đó phải nhiều lắm để làm phát sinh một tự ngã mới từ những hình bóng đó. Những hình ảnh của cha của mẹ ấy sẽ được sống một cách mới mẻ và cách khác với trước.
“Đôi khi người ta nghĩ là đã cưới một người đàn ông của đời mình nhưng người ta lại tái tạo cho anh ta những tiếp xúc vỗ về của người mẹ. Hay ngược lại, người ta nghĩ là đã cưới một người phụ nữ của đời mình nhưng lại tái tạo cho cô nàng một lối giao tiếp bảo bọc của người cha.”

Có khi khuôn mẫu của cha mẹ, và một cách đặc biệt khuôn mẫu của người mà đã để lại trên ta một dấu ấn sâu đậm nhất trong suốt thời kỳ ta lớn dậy, tồn tại nơi một trong hai người bạn đời sâu đến nỗi được tái tạo lại trong thực tại gia đình mới với cũng một cung cách cư xử hằng ngày y như thế. Và còn hơn thế nữa, khuôn mẫu ấy xuất hiện khi người ta giáo dục con cái qua sự tái hiện lại cùng những khuôn văn hóa và qui tắc giáo dục xưa. Từ đó có thể nảy sinh xung đột nơi đôi bạn, bởi lẽ người ta cảm thấy căn tính mới của đôi bạn không hề triển nở, mà chỉ đơn thuần là tái hiện trở lại những gì trước đây một trong hai đôi bạn đã tham dự. Đó chỉ là một cái tiền sử không được xét lại, không được đổi mới, không sinh ra từ thực tại mới của vợ chồng, một tiền sử mà người bạn đời kia như kẻ ngoại cuộc.

Độc lập đối với cha mẹ về mặt tâm lý quả thật không phải dễ dàng còn bởi một lý do nữa. Khi bắt đầu một cuộc hành trình theo hướng tách ly như thế đó, người ta thường cảm thấy ít nhiều mặc cảm tội lỗi và phản bội như thể mình đã “bỏ rơi” đấng bậc sinh thành. Đàng khác, “chỉ người nào có can đảm và sức mạnh tách ly dần khỏi những người khác, kể cả cha mẹ mình, để thể hiện chính mình cách đầy đủ, mới có thể tìm thấy lại được người khác và chính mình trong khuôn khổ của một tình yêu dâng hiến chứ không phải là của một thứ vị kỷ được che đậy”1. Theo nghĩa đó, lời mời gọi của Thánh kinh thật ý nghĩa và cấp bách: “Con người sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và cả hai sẽ nên một xác thịt” (St 2,24).

5. Những bất trung

Sự bất trung, là điều vốn thường xuyên bào mòn quan hệ vợ chồng. Trước hết, là sự bất trung tinh vi và hằng ngày được thực hiện gần như là không cố ý, và xem ra không góp phần gì quan trọng cho hành vi phản bội, nhưng ngược lại, chính vì nhỏ nhặt và tinh tế mà nó dần đục khoét thành những hố sâu ngăn cách.

Một hình thức đầu tiên của sự bất trung thường nhật là sự bất trung của những kẻ không bước vào tương giao. Lời nói có thể là dấu chỉ của sự trung thành, mà cũng có thể là của sự bất trung nếu chúng không thực sự ăn khớp với cảm giác và tình cảm của chúng ta. Rồi thinh lặng cũng thế, đó có thể chất chứa sự trung thành hay bất trung. Một thái độ thinh lặng không nói nhưng kèm theo những cử chỉ yêu thương hay tận tụy thường nhật với sự chia sẻ đầy đủ những tình cảm là một sự thinh lặng trung thành. Một sự thinh lặng do không biết bộc lộ bằng lời những tình cảm như giận dữ, thù ghét, phục tùng tự ý hay miễn cưỡng, muốn gây hấn mà không bộc phát được, không chia sẻ qua những cử chỉ yêu thương hay có trách nhiệm, là một sự thinh lặng chất chứa bất trung cản trở thiết lập mọi tương giao.

Do đó sự bất trung có thể nảy sinh do thiếu tương giao sâu đậm trong cuộc sống hằng ngày, cũng như có thể nảy sinh do thường xuyên thiếu sự chia sẻ và nhất là thiếu sự dịu dàng nhân hậu và đồng cảm. Sự bất trung cũng nảy sinh khi mối quan hệ bị tàn phá do tràn ngập những khó khăn hay ngược lại do sự đều đặn buồn tẻ của cuộc sống hằng ngày. Nó là một tấm màn che phủ làm mờ nhòa mọi sự và làm mọi sắc màu nhạt phai, đó là sự đều đặn nhàm chán của cái thường nhật, là tuyến đường thẳng băng không một chút gợn gờ nhấp nhô đe dọa, nếu đôi bạn không tìm thấy nơi mình khả năng tái sinh, đổi mới cung cách quan hệ. Tình trạng đó được nhận ra khi thấy sự mệt mỏi chán chường chiếm ngự không gian sống của đôi bạn. Càng ngày người này càng mất khả năng nhìn người kia với một cặp mắt mới; những lời nói yêu thương dành cho nhau trở nên thưa dần.

Đối tượng của tình yêu thương có thể được thay thế dễ dàng bởi những thứ khác như một sự né tránh, nơi trốn tránh. Chẳng hạn như công việc, hay thú tiêu khiển giải trí cho tới lúc ấy chỉ như là trò giải trí cho qua thời gian rỗi rảnh, bạn bè, nhà cửa, một góc vườn kín đáo nơi dành mọi bận tâm, chăm sóc. Người ta không còn nghĩ kẻ sống bên cạnh mình luôn là một con người mới cần phải khám phá, hiểu biết hơn về những khát vọng, hy vọng của người ấy, cũng như những thất bại, suy nghĩ thầm kín nhất, những cảm giác sâu xa nhất của người ấy. Có thể có cám dỗ về một thứ bất trung khác: một người đàn ông khác hay một người phụ nữ khác là một cái gì mới mẻ, khả dĩ làm tươi mới lại những lời nói yêu thương đã đi vào quên lãng, khả dĩ làm sống trở lại những cảm xúc, những tình cảm xem ra như đã mất.

Rồi còn có một thứ bất trung cuối cùng, thường ít được nhận thấy, đó là: chạy theo một lý tưởng đời đôi bạn tưởng tượng viển vông, không thực tế. Lý tưởng đó có thể là về đối tượng phối ngẫu mà ta muốn sống với, do trí tưởng tượng dựng lên một cách thiếu thực tế đến độ kẻ sống bên cạnh ta không thể đáp ứng và chịu đựng nổi, cảm thấy mình không xứng hợp và dần dần chối từ làm bạn đồng hành và nhường chỗ cho cái ‘đài tưởng niệm’ không tưởng đó. Lý tưởng cũng có thể là về chính bản thân ta: tham vọng về mình quá cao và quá xa vời so với thực tế của chính bản thân, so với ước muốn của người bạn đời kia, vốn chỉ mong có một người bạn đơn sơ, cụ thể và có khả năng chia sẻ một cuộc sống thực tế.

Cũng có bất trung trong mối quan hệ vợ chồng ở mãi trong tình trạng hòa quyện tan hòa vào nhau. Sự tan hòa ấy trộn lẫn và tiêu diệt các căn tính hoàn toàn khác lạ với quan hệ tình yêu đích thực. Tình trạng này dầu sao đi nữa cũng không thể coi là một sự trung thành thực sự được, vì đó là một sự trung thành đối với một tình yêu không tưởng, chưa hề là tình yêu đích thực vốn được xây dựng trên những nền tảng khác. Bởi đó là sự trung thành, xét cho kỹ, của hai kẻ không có khả năng chấp nhận cô đơn, không có khả năng để cho người khác được cô đơn; và như thế là của hai con người chưa có tự do thật.

Thật là một hiểu lầm đáng buồn nếu ta xem trung thành được diễn tả như một khát vọng chiếm hữu, một quyến luyến bệnh hoạn, không để không gian cho người kia diễn tả mình, hoặc như một thái độ bảo bọc muốn lo toan mọi sự, tiên liệu mọi sự, chu cấp mọi sự, khiến người kia không còn gì để mà khát khao, chọn lựa, không còn gì có thể sai lầm! Một tình yêu mà nhân danh một sự trung thành ngột ngạt như thế thực ra là một sự bất trung sâu xa đối với dự phóng nền tảng của mọi hôn nhân, một cuộc hôn nhân nhìn thấy trên hành trình yêu thương tự do và đem lại giải thoát một cơ hội cho mọi tiềm năng và phong phú cá nhân được triển nở.

Cũng một cách y như vậy sự bất trung ẩn mình dưới mọi hình thức lệ thuộc. Sự lệ thuộc, có thể là dưới những hình thức cung ứng quá dư thừa những tiện nghi dù là vì yêu, sẽ dễ dàng sinh ra nhiều sự bất trung nho nhỏ. Những bất trung tạo nên bởi những khát vọng không thực hiện, bởi những mơ mộng hoài vọng không được chia sẻ, bởi những hành động thực hiện theo hướng nghĩa vụ chứ không do một chọn lựa yêu thương, bởi những lời nói trên môi cười mà lòng dửng dưng, bởi những mong đợi ở nhau không được bộc lộ và đáp ứng, không được nhận biết, thông cảm, đón nhận.

6. Khi không có tự do

Một bất trung nặng nề là một bất trung không đi tìm chính sự tự do của bản thân mình và cũng không giúp người bạn đời kia được tự do. Tự do là một gút mắt quan trọng và khó khăn nhất trong mọi quan hệ đích thực, nhất là quan hệ hôn nhân.

Một cuộc hôn nhân trung tín là một hôn nhân có sức giải phóng, đem lại sự giải thoát, tự do đích thật cho con người. Một người kết hôn mà không lo liệu giải phóng mình khỏi những áp lực, khống chế bên ngoài lên trên chính mình, và đồng thời không giúp cho người bạn của mình cũng được giải phóng như thế, thì không trung tín với giao ước, với bí tích. Bởi lẽ chỉ có giao ước và bí tích thật sự và có sức sống khi hai vợ chồng trao ban cho nhau khoảng không gian để thực hiện các ân huệ mà Chúa Cha đã trao ban cho mỗi người con của Ngài, cách trọn vẹn. Thế nên không có mâu thuẫn giữa trung thành và tự do. Đúng hơn, trung thành là trung thành trong tự do; tự do thật là tự do để yêu thương cách trung thành.

Xác định đâu là những khía cạnh không có tự do trong quan hệ, đâu là những lý do để cuộc hành trình hướng tới tự do đích thực trở nên bấp bênh và bế tắc, không phải là việc dễ dàng. Tình trạng nội tâm giới hạn thực sự sự tự do đôi khi rất khó xác định, và để giải thoát thì càng khó hơn. Tình trạng ấy có thể là cá nhân, gắn liền với lịch sử đã qua của mỗi người, hoặc có thể xuất phát từ cách sống và xây dựng đời đôi bạn.

Sự tự do mà ta đang nói tới không phải là sự tự do làm theo dục vọng và ước muốn riêng của mình, cho bằng là sự tự do của tư tưởng và hành động. Hành động của mỗi người thường là kết quả qui định bởi những hạn chế nhỏ hay lớn của cuộc sống hằng ngày ngăn cản người ta thực hiện điều người ta khát mong. Nhưng nếu trí óc và con tim biết di chuyển tự do trong không gian của một ước vọng và một dự phóng, là điều vốn được chia sẻ bởi người bạn đời kia, thì người ta sẽ không có cảm giác bị áp chế, thất vọng, thù ghét ngấm ngầm chực chờ bộc phát bạo lực. Những tâm trạng tiêu cực đó gây ra nhiều thiệt hại cho đời sống hôn nhân và là nguyên nhân cho khủng hoảng sâu sắc, nhất là khi chúng bị dồn nén với cảm giác tâm lý bị ức chế không bộc lộ được cách tự do.

Đàng khác, chính những gì người ta nói, bàn về tình yêu vẫn còn hàm hồ. Bởi lẽ, người ta thường nhân danh chính tình yêu sinh chuyện áp chế, làm bầu khí ngột ngạt, với những qui định một chiều. Xác định những điều đó và thoát ra khỏi chúng không phải dễ dàng. Bởi lẽ những khía cạnh hoà tan vào nhau của ái tình thuở đầu hoạt động mạnh mẽ và len lỏi sâu xa đến độ có khi sau nhiều năm hôn phối hai người vẫn không thể thoát ra khỏi sự quá lệ thuộc nhau. Người ta cứ luôn cần phụ thuộc vào người kia hoặc cần người kia phụ thuộc mình. Thế nhưng sự phụ thuộc đến độ nô lệ không phải là dấu chỉ của tình yêu đích thật vì trong sự phụ thuộc đó không có tự do chọn lựa, không có nhiệt tình tự nguyện dấn thân, không có sự dâng hiến của ân ban. Đúng hơn, khi không có khả năng chọn lựa nào khác, người ta không thể bộc lộ chính mình, sự lệ thuộc chỉ khiến người ta cam chịu không sống đời mình một cách viên mãn được.

Nhiều người bắt đầu cuộc sống hôn nhân với ý nghĩ là, vì tình yêu mà lấy nhau người ta cần khước từ sự tự do của mình. Bổn phận, trách nhiệm có xu hướng khiến người ta bị ngột ngạt và thay thế tình yêu. Ngược lại, sự tự do nội tâm của mỗi người đối ngẫu là một bảo đảm chính yếu cho sự bền vững của quan hệ vợ chồng. Hôn nhân không phải là một sợi dây ràng buộc thắt chặt, nhưng là một sự hợp nhất tự nguyện và tự do qua từng ngày.

Hẳn là tự do làm ta lo sợ, nhất là khi phải bỏ đi những khung suy nghĩ cũ kĩ mà từ đó người ta xây dựng cuộc đời và quan hệ vợ chồng riêng mình. Đó là những cớ lý thuận tiện thường được dùng để chống đỡ những bất lực và những sợ hãi của ta. Sợ phải phiêu lưu để tìm tòi khám phá những điều mới mẻ, sợ mình không có khả năng chấp nhận những cách thức sống mới với chính bản thân, với người bạn đời, với những người khác. Thế nhưng, chỉ có con đường giải phóng được người bạn đời mới có thể sống hiệp thông thật sự.
Tự do chắc chắn là có mạo hiểm và đó chính là điều đôi khi người ta sợ phải chấp nhận. Nhưng sự mạo hiểm của tự do của ta và của người bạn đời mới là trọng tâm. Không có tự do cũng sẽ không có đạo lý vì không có chọn lựa và cũng không thể có được tình yêu. Tự do ở ngay trung tâm của cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống Thiên Chúa muốn phải được sống trong tự do và đã trả bằng cái giá của thập tự.

Ban Mục vụ Gia đình TGP.TPHCM
(Nguồn: hdgmvietnam.org)
---------------------------------------------------------
1 J. MARRONCLE, Coppie in crisi, Elle Di Ci, 1991.
L. ANCONA, La psicologia dell’amore e del dis-amore coniugale, in Nuova Enciclopedia del Matrimonio, Queriniana, 1988, 77.
C. DASTOLI, “Una sola carne, due persone distinte: la sessualità nel matrimonio”, in Il legame matrimoniale tra crisi e speranza, Vita e Pensiero, 1989, 115.
W. PASINI, Intimità, Mondadori, 1990.