Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018 - Bài 5: Cội rễ vì sao hôn nhân không hạnh phúc
Những tháng năm dần trôi qua cuộc sống chung sau lễ cưới, đôi vợ chồng có thể dần vỡ mộng, họ không thể tránh được những cảm giác bực bội, bất mãn, hay tức giận với nhau, nhất là khi có “chuyện” gì xảy ra. Họ thường quên rằng chính hai người, chứ không ai khác, là những kẻ đang xây dựng hay đang tạo hình cho cuộc hôn nhân của họ. Trước hết, họ có thể có một hôn nhân hạnh phúc nếu họ muốn. Nhưng khi bắt đầu sống chung đời vợ chồng, họ rồi sẽ nghiệm thấy hạnh phúc mình muốn không đơn giản từ trên trời rớt xuống hay chỉ muốn là được, và nghị lực của mỗi người cũng rất giới hạn. Bao nhiêu cặp đã từng mong ước hôn nhân mình sẽ hạnh phúc nhưng rốt cuộc đã chia tay bởi những nguyên nhân bên ngoài như tiền bạc, gia đình thông gia hai bên, bà con, bạn bè, v.v…? Dù họ muốn hoàn cảnh đáng tiếc ấy sẽ thay đổi nhưng sức chịu đựng của họ không đủ. Hoàn cảnh đã không biến chuyển như mong đợi mà đôi khi lại còn thay đổi theo hướng tồi tệ hơn. Một người vợ dù rất khao khát nhưng không thể có con vì điều kiện sức khỏe tâm-thể lý của mình chẳng hạn. Hay một người chồng khuyết tật hay ốm yếu thất nghiệp triền miên. Đôi bạn cần ơn Chúa giúp sức, cho nên họ cần cầu nguyện nhiều.
Thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,16-18).
Nói thế có nghĩa là dù hoàn cảnh xấu hơn hay tốt hơn, vợ chồng cũng vẫn tạ ơn Chúa, cầu nguyện không ngừng. Họ vẫn có thể hạnh phúc dù cho có chuyện gì xảy ra, vì hạnh phúc không do chính vấn đề nhưng nhờ Thiên Chúa, Đấng ban sức mạnh cho họ để đối diện và giải quyết vấn đề.
1. Chính tội lỗi là gốc rễ sâu xa
Cầu nguyện gìn giữ cho hôn nhân của đôi bạn được thánh thiện. Nhờ cầu nguyện, đôi bạn đuổi xua được ma quỷ khỏi căn nhà của mình. Satan không thể xâm nhập vào nhà bạn khi hai vợ chồng luôn cầu nguyện cùng nhau và cho nhau. Không cầu nguyện Satan dễ lôi kéo người ta phạm tội, xa lìa Chúa.
Hôn nhân là một định chế Chúa thiết lập, đòi hỏi người chồng người vợ một tình yêu vẹn toàn trong Thiên Chúa. Tội lỗi xuất hiện làm mối quan hệ yêu thương giữa vợ chồng trở nên khó khăn, và xấu đi. Tội lỗi, đặc biệt là tội xúc phạm trực tiếp đến chính hôn nhân và mối quan hệ vợ chồng như ngoại tình, bất trung, ích kỷ, v.v… thì trực tiếp phá hại hạnh phúc gia đình. Hành động nào hoặc thiếu sót nào hủy diệt mối hiệp thông vợ chồng đơn nhất hay sự bền vững hôn nhân đều sinh tội, vì nó trực tiếp tấn công vào sự thánh thiện của hôn nhân. Một tội cũng đủ hủy diệt hạnh phúc vợ chồng. Nó phá vỡ đời sống riêng tư, làm biến dạng đời sống hôn nhân, và ngay cả cắt đứt tương quan với Chúa. Không có cặp vợ chồng nào sống hạnh phúc được trong khi một người hoặc cả hai sống trong tội lỗi. Vì hôn nhân là của Thiên Chúa, còn tội lỗi là thuộc ma quỷ.
“Ai phạm tội, kẻ ấy là người của ma quỷ, vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu. Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ” (1Ga 3,8).
Tình yêu đích thật thì không bao che, cũng không bỏ qua tội lỗi chống lại hôn nhân, vì tội lỗi không tương hợp với tình yêu. Tình yêu không thể là lý do dung túng cho người bạn đời kia tiếp tục phạm tội chống lại hôn nhân. Dù người ta có nói tình yêu phải nhẫn nại, nhân hậu, không ghen tương, nhưng cũng nói tình yêu thì không vui mừng khi thấy điều bất chính và chỉ vui khi thấy điều chân thật (x. 1Cr 13, 4-6).
2. Tội lỗi làm xáo trộn
Có những tội không ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ vợ chồng, chẳng hạn như nghiện ngập, mê cờ bạc hay tham lam, hà tiện, ích kỷ, nhưng có ảnh hưởng gián tiếp và cũng rất nghiêm trọng. Tội lỗi ảnh hưởng lên người bạn đời hay một thành viên trong gia đình cả khi bản thân người ấy không dính bén đến hành vi phạm tội của ta.
Có những tội phá hoại trực tiếp sự thánh thiện của hôn nhân và quan hệ vợ chồng như ngoại tình, bất trung, sống chung (không hôn nhân), đa thê, đa phu (gồm cả quan hệ đồng tính luyến ái). Hầu hết các tội ảnh hưởng trực tiếp đến hôn nhân có liên quan đến các hành vi tính dục bất chính. Nhưng cũng có những tội không liên quan đến tính dục nhưng phá hoại hôn nhân. Đó là khi trong hôn nhân Thiên Chúa không được đặt ở trung tâm cuộc sống, hai người coi thường hoặc thiếu dấn thân sống chức phận vợ hay chồng của mình, không lắng nghe nhau, làm cha làm mẹ thiếu trách nhiệm, đặt những thứ ưu tiên sai lạc, có gì đó nghịch cùng sự duy nhất bất khả phân ly của hôn nhân hợp pháp.
3. Tội về tính dục phá hoại trực tiếp quan hệ hôn nhân
Thế nhưng, hầu hết các tội phá vỡ hôn nhân hay quan hệ hôn nhân có liên hệ đến dục tính.Tính dục được coi là một hành động chỉ giữa vợ chồng, biểu lộ sự dâng hiến hoàn toàn cho nhau. Nó có một vẻ đẹp hơn, đó là diễn tả một tình yêu lớn lao dâng hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Tình yêu của đôi vợ chồng được biểu lộ cụ thể qua tính dục trong hôn nhân. Tính dục trong hôn nhân là một kinh nghiệm dâng hiến cho nhau hay cùng chia sẻ toàn thể con người của họ cho nhau. Tính dục vợ chồng kết hợp hai người nên một, hai thân xác cũng như hai linh hồn, trong tình yêu. Bởi thế, tính dục ngoài hôn nhân làm hư hỏng sự hợp nhất vợ chồng. Dâm ô, phóng đãng, bất trung, ngoại tình, đa thê, đa phu, sống chung, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hoặc nhân tình nhân ngãi, v.v… tất cả đều gây tổn hại cho ý hướng hôn nhân cao cả hợp nhất hai người nên một lòng một ý một linh hồn. Tội liên hệ đến tính dục ngoài hôn nhân, dù có thực sự phạm bằng hành vi hay không, đều cướp đi của đôi vợ chồng nghị lực cùng nhau xây đắp tình yêu hoàn hảo. Nó làm méo dạng giáo lý nói hôn nhân là thánh thiêng, là một ơn gọi từ Thiên Chúa.
Dẫu biết tội lỗi làm hủy hoại hôn nhân, nhưng người chồng hay vợ có thể đôi khi cảm thấy sự việc không tiến triển như mình mong ước. Họ nhận thấy mình vẫn thiếu sót, mắc tội. Họ không ngờ rằng tội lỗi đang dần gặm mòn, hủy hoại hôn nhân của họ từng ngày bởi lẽ trong khi đó họ những tưởng mình đã đề phòng cám dỗ như thế là đủ. Hứa không phạm tội nữa nhưng rồi lại thấy mình tái phạm. Rồi cũng nhận ra mình không thể dựa vào bản thân, sự hiểu biết, sức riêng mình để chống chọi với mưu chước của ma quỷ. “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15).
Kết luận: Để sống hạnh phúc thật
“Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã. Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10,12-13).
Lời khẩn nguyện mà đôi bạn dâng lên Chúa ngày thành hôn là chuẩn mực cho cuộc sống hôn nhân: xin cho chúng con, dù khi xuôi thuận hay lúc trắc trở, khi giàu có hay lúc nghèo hèn, khi ốm đau hay lúc mạnh khỏe, được hợp nhất nên một lòng một ý một linh hồn, từ hôm nay cho tới lúc mãn đời khi cái chết chìa lìa chúng con. Bất cứ điều gì cản trở đôi bạn thực hiện điều đã khấn nguyện là một cám dỗ. Vì thế, nếu họ làm gì chệch hướng với chuẩn mực của đời hôn nhân ấy, thì tội lỗi sẽ trấn áp họ. Cám dỗ trong cuộc sống hôn nhân gia đình khó tránh được; càng khó tránh hơn nếu đôi bạn không làm gì cả để kháng cự. Và khó nhất là khi họ không nhận ra ân sủng Chúa vẫn tuôn tràn trong lúc bị cám dỗ.
“Nhưng ân sủng Người ban còn mạnh hơn; vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can” (Gc 4,6-8).
Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:
1. Bạn có thường xét mình không? Bạn xưng tội bao lâu một lần?
2. Bạn thường phạm tội nào khiến vợ chồng mất sự hòa hợp? Bạn làm gì để tránh những tội lỗi ấy? Cách tránh tội ấy có thực sự và hiệu quả không?
3. Có tội nào bạn giữ kín dù biết rằng nó rốt cuộc sẽ phá vỡ hôn nhân của bạn không? Bạn có cố gắng hết sức để giữ gìn dây liên kết hôn phối của bạn không?