Suy niệm giáo lý: Chương 4 - “Hai nên Một”, tình yêu vợ chồng phải được xây dựng trên những gì bền vững hơn là sự lãng mạn
Một trong những người bạn của tôi nói rằng trong hôn nhân đòi hỏi phải đặt người bạn đời của mình lên hàng đầu. Bởi vì hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ, “hai cá thể” kết hợp trở nên “một” (x. St 2,24). Hy sinh quên mình chính là điều cốt lõi của hôn nhân. Chương 4 trong loạt bài giáo lý của Đại Hội Gia Đình Thế Giới (WMOF) đã làm sáng tỏ lời dạy trong Kinh Thánh này.
Chúng ta đều đồng ý với nhau rằng tình yêu là tâm điểm của Hôn Nhân. Tuy nhiên, “Tình yêu vợ chồng phải được xây dựng trên những gì bền vững hơn là sự lãng mạn” (số 55). Điều này không có nghĩa sự lãng mạn là không tốt, thực ra nó rất hữu ích và làm cho tình yêu thăng hoa. Nhưng lãng mạng không thể hiện được đầy đủ ý nghĩa của tình yêu chân thật. Lãng mạng như một loại hoa trái nho nhỏ của tình yêu dùng để tô điểm và trang trí chiếc bánh. Thiên Chúa mong muốn tình yêu trong hôn nhân nhiều hơn thế nữa.
Tình yêu trong đời sống hôn nhân mời gọi người chồng và người vợ vượt ra khỏi cái tôi, vượt ra những giới hạn của cá nhân và hòa hợp những hy vọng, ước mơ, hoài bão và cuộc sống với người bạn đời của mình. Hôn nhân đòi hỏi các cặp vợ chồng phải chia sẻ những sự khác biệt về đặc điểm giới tính của nhau. Giáo hội nhìn nhận hôn nhân là ơn gọi. Đó là ơn gọi đặc biệt mà Thiên Chúa mời gọi đôi bạn yêu thương trong tương quan hôn nhân để xây dựng sự hiệp thông một xương một thịt và phục vụ sự sống.
Đời sống hôn nhân được tốt đẹp không phải tự nhiên mà có. Người chồng và người vợ cần dựa vào ân sủng của Thiên Chúa và ý thức nuôi dưỡng, sống theo các nhân đức Kitô giáo, nhất là đức khoan dung và đức khiết tịnh (số 62). Chúng ta dễ dàng thấy được sự khoan dung là một phần trong đời sống vợ chồng. Trên hết, sự tha thứ cần thiết cho tất cả mọi mối tương quan tốt đẹp, đặc biệt cần thiết trong đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, lợi ích của đức khiết tịnh thì chưa được thể hiện rõ ràng. Giáo lý của Đại Hội Gia Đình Thế giới đã cung cấp cái nhìn ý nghĩa cho đức khiết tịnh: “ Đức khiết tịnh hình thành những thói quen tốt về sự từ bỏ mình và tự chủ,vốn là tiền đề cho việc đối xử tha nhân với lòng nhân hậu” (số 62). Chúng ta có thể hiểu được lợi ích của đức khiết tịnh sâu sắc hơn qua việc tìm hiểu Giáo Lý của Hội thánh Công giáo: Người khiết tịnh giữ được toàn bộ sức mạnh của sự sống và tình yêu có nơi mình; nhờ đó thống nhất được nhân vị và tránh được mọi thái độ làm tổn thương đến sự thống nhất này (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2338).
Đức khiết tịnh là nhân đức bảo vệ toàn thể con người. Nó thúc đẩy sự tôn trọng và đảm bảo con người không đối xử tồi tệ với nhau. Đức khiết tịnh giúp con người hiểu được ý nghĩa của tính dục và ân sủng của sự truyền sinh. Nhân đức này giúp cho các cặp vợ chồng yêu thương nhau với lòng tôn trọng, niềm vui và sự kính trọng vì nó giúp kiềm chế tính dục. Nó cho phép các cặp vợ chồng nói bằngngôn ngữ thân xác (ngôn ngữ của sự tự hiến hòa toàn và mở ngỏ với sự sống).
Đức khiết tịnh nuôi dưỡng lòng quảng đại. Nó giúp các cặp vợ chồng tránh được những hành động ảnh hưởng đến bản thân hoặc hôn nhân của họ. Chẳng hạn như các cặp vợ chồng lành mạnh không sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc văn hóa phẩm khiêu dâm. Các biện pháp tránh thai bóp méo ngôn ngữ thân xác và ảnh hưởng nặng nề đến ân sủng của việc truyền sinh, trong khi đó nội dung khiêu dâm làm giảm giá trị con người và chế nhạo kế hoạch của Thiên Chúa về tình yêu vợ chồng.
Trong việc xem xét bản chất của tình yêu vợ chồng, một câu quan trọng chúng ta cần nhớ: hôn nhân là phải đặt người bạn đời của mình lên hàng đầu! Bản chất của tình yêu vợ chồng khẳng định rằng người vợ và người chồng hy sinh bản thân, quên mình cho nhau trong suốt cuộc đời. Xây dựng một đời sống hôn nhân vững mạnh là một quá trình dài và con người có thể phải trải qua khó khăn mới đạt được. Việc thi hành các nhân đức Kitô giáo sẽ giúp các cặp vợ chồng đảm bảo họ luôn “Hai trở nên một”.
Tiến Sĩ Theresa Notare
Ngọc Bích chuyển ngữ