Sự trung thành của đời sống vợ chồng là một thông điệp lớn lao trong một nền Văn hóa Ly dị

Sự trung thành của đời sống vợ chồng là một thông điệp lớn lao trong một nền Văn hóa Ly dị

 

Sự trung thành của đời sống vợ chồng là một thông điệp lớn lao trong một nền Văn hóa Ly dị
 
Con cái học biết thế nào là Thiên Chúa Tình yêu qua việc chúng nhìn thấy Cha mẹ yêu thương nhau
 
VATICAN, ngày 8 tháng 6 năm 2011 (Zenit.org). - Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói rằng trong xã hội ngày nay vốn bị tấn công bởi nạn ly dị với tỷ lệ rất cao, sự trung thành trong đời sống hôn nhân tự thân là một dấu chỉ của Tình yêu của Đức Kitô.
 
Đức Giáo hoàng khẳng định điều này hôm nay trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường thánh Phêrô, trong đó ngài nói đến chuyến đi vừa qua của ngài đến Croatia.
Ngài lưu ý ngài đã dùng chuyến đi này như thế nào nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình.
Ngài nói: “Đối với tôi điều thật quan trọng là đặc biệt củng cố đức tin cho các gia đình, mà Công Đồng Vaticano II gọi là “các Giáo hội tại gia. Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolo II người đã viếng thăm Croatia ba lần, nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò của gia đình trong Giáo hội; vì vậy với chuyến đi này, tôi muốn tiếp tục đề cập đến phương diện này trong giáo huấn của ngài”.
Đức Giáo hoàng người Đức nói các quốc gia Châu Âu vốn có một “truyền thống Kitô giáo mạnh mẽ” có “trách nhiệm đặc biệt bảo vệ và cổ võ giá trị gia đình được xây dựng trên hôn nhân, điều mà vẫn có tính quyết định cả trong lĩnh vực giáo dục lẫn trong lĩnh vực xã hội”.
 
Đức Giáo hoàng ở tại Croatia vào Ngày các Gia đình Công giáo Toàn quốc lần đầu tiên. Tại thánh lễ, ngài dâng cho biến cố đó, Đức Giáo hoàng nói, ngài nhấn mạnh đến ân huệ và tầm quan trọng của sự hiệp thông trong Giáo hội, và động viên các cặp vợ chồng trong sứ mạng của họ. 
 
Ngài nói: “Trong ngày riêng của chúng ta đây, trong khi chúng ta đau buồn nhìn thấy số cặp ly thân và ly dị tăng lên, sự trung thành của các đôi vợ chồng tự thân trở thành một chứng tá thật ý nghĩa đối với Tình yêu của Đức Kitô, làm cho hôn nhân có thể được bộc lộ ra bản chất thực sự của nó là gì. Đó chính là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, với ơn Chúa, yêu thương nhau và giúp đỡ nhau suốt đời trong niềm vui hay nỗi buồn, khi yếu đau cũng như khi mạnh khỏe”.
 
Lớn lên với Chúa
Đức Giám mục Roma suy nghĩ việc giáo dục đức tin bám rễ sâu như thế nào trong giao ước hôn nhân. Ngài nói “Qua giao ước này, con cái học biết không phải qua ngôn từ rằng Thiên Chúa là Đấng trung tín, kiên nhẫn, tôn trọng, và là tình yêu quảng đại. Niềm tin vào một Thiên Chúa là Tình yêu được thông truyền lại trước tiên bằng chứng từ về lòng trung thành với tình yêu hôn nhân, được diễn dịch cách tự nhiên qua tình yêu đối với con cái, là hoa trái của sự kết hợp này.”
 
Đức Giáo hoàng nhìn nhận rằng sự chung thủy ấy không thể có được nếu không có ơn Chúa, nếu không có sự nâng đỡ của đức tin và của Thánh Thần.
Ngài nói: “Đó là lý do tại sao Đức Trinh nữ Maria không  ngừng can thiệp với Con mình, để làm sao – như tại tiệc cưới Cana – Ngươi có thể tiếp tục canh tân các cặp vợ chồng trong ơn huệ của “rượu ngon”, nghĩa là trong Ân sủng, giúp cho họ có thể sống như thể “một xác thịt” ngang qua đủ mọi thời và hoàn cảnh sống khác nhau,”
 
Ơn gọi của Châu Âu
Đức Bênêđictô XVI cũng nói chuyến đi Croatia đã chỉ cho thấy “ơn gọi sâu xa nhất của châu Âu. Đó là giữ gìn và canh tân một chủ nghĩa nhân bản bén rễ từ trong Kitô giáo vốn có thể được xác định là “công giáo”, có nghĩa là phổ quát và toàn vẹn”.
 
Ngài nói chủ nghĩa nhân bản này “đặt trọng tâm ở nơi lương tâm con người, sự cởi mở ra với siêu việt và thực tại lịch sử của mình”. Đó là một chủ nghĩa nhân bản “có thể gợi hứng cho nhiều dự phóng chính trị khác nhau, dù sao cũng quy về việc xây dựng một hệ thống dân chủ lành mạnh, được xây dựng trên các giá trị đạo đức bắt nguồn từ cùng bản tính nhân loại”.
 
Ngoài ra, đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến một thách đố cấp bách, theo như ngài nói, đang đặt ra cho người dân lục địa châu Âu. Thách đố này là đừng sợ Thiên Chúa – vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Đấng là Tình yêu và Chân lý, và là Đấng chẳng những hoàn toàn không tước đoạt sự tự do, mà đúng hơn, là phục hồi tự do trở lại với chính nó, mang lại cho nó chân trời của niềm hy vọng có căn cứ.

Gioakim Trương Đình Giai chuyển ngữ