Sự lựa chọn giới tính đang lan rộng

Sự lựa chọn giới tính đang lan rộng

Sự lựa chọn giới tính đang lan rộng

Những bé gái đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử.

Rôma (zenith.org) Bài viết của Cha John Flynn. LC – Thực hiện phá thai do lựa chọn giới tính đang lan rộng hơn người ta tưởng. Trong lúc Trung Quốc và Ấn Độ đã khá nổi tiếng về vấn đề này, thì hiện nay nó lại đang xảy ra tại nhiều quốc gia khác.

“Lựa chọn giới tính ở vùng Caucasus” là tựa đề một bài báo của tạp chí Economist số ngày 21/09. Bài báo cho biết, nếu không có sự can thiệp thì bình thường cứ 105 trẻ trai ra đời, có 100 trẻ gái được sinh ra. Tuy nhiên, ở Armenia và Azerbaijan tỷ lệ này là 115/100 và ở Georgia là 120/100.

Tỷ lệ này trở nên mất cân đối hơn nếu đứa con đầu lòng được sinh ra là bé gái. Sự mất cân bằng trở nên phổ biến hơn do số lượng máy siêu âm nhiều hơn trong mấy thập kỷ qua.

Một nghiên cứu mới đây khảo sát về thực trạng lựa chọn giới tính đã được công bố trên ấn bản tháng Sáu của tạp chí Dân số và Phát triển (Population and Development Review). Bài viết “Việc thực hiện ưu tiên con trai” của John Bongaart cho thấy rằng trong nhiều xã hội, vẫn có truyền thống xem trọng con trai, nhưng trong những năm gần đây, máy siêu âm và các phương pháp phá thai đã hỗ trợ cho khuynh hướng này.

Tính đến năm 2010, Trung Quốc nổi lên như là một quốc gia mất cân đối bậc nhất về giới tính, 119 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Ấn Độ là 108, nhưng một số quốc gia có tỷ lệ vượt quá 110.

Ông Bongaart giải thích rằng các phương pháp được sử dụng trong các gia đình thích con trai cũng khác nhau. Các biện pháp tránh thai được thực hiện thường xuyên hơn sau khi trẻ trai ra đời so với một bé gái ra đời. Phá thai lựa chọn giới tính đang phổ biến với 1.4 triệu ca so với ước tính khoảng 44 triệu ca nạo phá thai trên toàn thế giới. Về khuynh hướng tương lai, Bongaart nhận xét: “Hiện đang có nhu cầu rộng lớn về lựa chọn giới tính”.

Tranh luận tại Anh quốc.

Mới đây, phá thai lựa chọn giới tính nằm trong những tin tức hàng đầu ở Anh. Năm ngoái, tờ Telegraph đã phơi bày những hoạt động đau lòng của hai bác sĩ được ghi nhận là đồng ý thực hiện việc phá thai lựa chọn giới tính.

Vào tháng Chín vừa qua, sau một thời gian dài điều tra, Viện Công tố đã tuyên bố họ không thể truy tố các bác sĩ khi một “thử nghiệm vì lợi ích chung” không được đáp ứng.

Bác sĩ Peter Saunder, Giám đốc điều hành Hiệp hội Y tế Kitô giáo đưa ra nhận xét trong một bài báo của Telegraph hôm 04/09: “Dường như chúng ta lâm vào tình huống, do ý bất chợt của Viện Công tố, mà những thủ tục đã được đề ra một cách rõ ràng trong Luật Phá thai có thể bị các bác sĩ và Bộ Y tế hoàn toàn xem nhẹ”.

Andrea Williams, Giám đốc Trung tâm Pháp lý Kitô giáo cho biết thêm: “Điều này đi ngược lại luật pháp. Quốc hội lập ra luật pháp và Viện Công tố phải thực thi luật đó”.

Ngày 07/09, một bài báo của Telegraph cáo buộc Viện Công Tố sử dụng tiêu chuẩn kép, lưu ý rằng trong khi Viện này từ chối khởi tố các bác sĩ, thì trước đó lại đưa ra hành động chống lại những người biểu tình phò sự sống.

Bài báo mô tả cách mà Viện Công tố chấp thuận khởi tố hai nhà vận động phò sinh Kitô giáo do họ đã trương biểu ngữ bên ngoài một cơ sở phá thai. Sau đó, vụ án đã bị ném ra khỏi tòa với câu nói của Thẩm phán Quận Stephen Nicholls rằng không có vụ án nào để xử. Bài báo đã đưa ra hàng loạt những trường hợp tương tự khác về những hành vi được sử dụng để chống lại những người phò sự sống.

Băn khoăn về quyết định của Viện Công tố không chỉ giới hạn trong những nhóm phò sinh. Theo BBC ngày 5 tháng chín, Bộ trưởng Y Tế Jeremy Hunt tuyên bố ông quan ngại về vấn đề này. Tương tự như thế, Chưởng lý Tư pháp đối lập của Đảng Lao Động Emily Thornberry đã viết cho Giám đốc Công tố yêu cầu khẩn cấp xem xét lại quyết định.

Sau đó, một nhóm 50 thành viên Quốc hội đã gửi một lá thư cho Tổng Chưởng lý nói rằng quyết định đó là “một bước thụt lùi trong cuộc chiến bình đẳng giới”, tờ Telegraph hôm 14/09 đưa tin.

Phiên điều trần Quốc hội.

Tháng trước, Hạ Viện Hoa kỳ đã được nghe những bằng chứng về sự mất cân bằng giới tính tại Ấn Độ. Dân biểu Smith đã trình bày chi tiết sự phản đối của ông về nạn phá thai lựa chọn giới tính trong một bài xã luận trên tờ Washington Times ngày 16/09.

Ông nhận xét rằng hàng chục triệu phụ nữ Ấn Độ đã bị mất tích do nạn phá thai lựa chọn giới tính và giết hại trẻ sơ sinh. Trong khi yếu tố văn hóa đã đóng góp một phần trong vấn đề này, thì các chương trình dân số do Tổ chức Kế hoạch hoá Gia đình và Hội đồng Dân số của Hoa Kỳ thúc đẩy đã có những tác động tiêu cực đối với phụ nữ.

Bằng chứng của những tác động này được thể hiện không lâu sau đó khi hôm 28/09, hãng Reuters mô tả cách mà các công an Trung Quốc giải cứu  92 trẻ em và 2 phụ nữ bị một băng nhóm bắt cóc đem bán. Bài báo viết: “Truyền thống xem trọng bé trai, nhất là ở các vùng nông thôn, và chính sách một con hà khắc đã góp phần gia tăng nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ trong những năm gần đây”.

Tuy nhiên, trong lúc những tranh cãi tại Anh đang diễn ra qua quyết định của Viện Công Tố, thì một số phụ nữ lên tiếng bảo vệ “quyền” phá thai lựa chọn giới tính.

Hôm 21/01, London Times cho biết Ann Furedi, giám đốc điều hành Cơ quan Cố vấn Thai sản Anh quốc, không chỉ nói rằng lựa chọn giới tính không phải là một vấn đề ở Anh, mà còn cho rằng trong mọi trường hợp phụ nữ có quyền được phá thai dựa trên giới tính.

Phụ nữ bảo vệ quyền giết những bé gái có chọn lựa: Tuy nhiên, phải chăng một trong những lý lẽ chính yếu của những nhóm phò phá thai rằng phá thai phải được hợp pháp hóa để bảo vệ phụ nữ và bảo vệ quyền lợi của họ?