QUAN HỆ GIỮA HỘI THÁNH NHƯ LÀ BÍ TÍCH VỚI MỘT THỰC TẠI RẤT XA XƯA : BÍ TÍCH HÔN PHỐI

QUAN HỆ GIỮA HỘI THÁNH NHƯ LÀ BÍ TÍCH VỚI MỘT THỰC TẠI RẤT XA XƯA : BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XCIII

QUAN HỆ GIỮA HỘI THÁNH NHƯ LÀ BÍ TÍCH VỚI MỘT THỰC TẠI RẤT XA XƯA : BÍ TÍCH HÔN PHỐI

 

1. Tác giả Thư gửi Tín hữu Êphêsô viết: «Quả thật, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người» (Ep 5,29-30). Sau câu này, tác giả cho đây là lúc cần trích dẫn lại câu được xem là đoạn văn, trong toàn thể Kinh thánh, là nền tảng về hôn nhân: Sáng thế, chương 2, 24: «Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt» (Ep 5,31; St 2,24). Từ chính văn mạch này của Thư Êphêsô có thể nhận thấy rằng việc trích dẫn Sách Sáng thế (St 2,24) ở đây là cần thiết, trước hết không phải để nhắc nhớ sự hợp kết nên một của đôi vợ chồng như được xác định «từ thuở ban đầu» trong công trình tạo dựng, cho bằng là để trình bày mầu nhiệm Đức Kitô với Hội Thánh, để rồi từ đó tác giả rút ra chân lí về sự kết hợp của vợ chồng. Đây là điều quan trọng nhất của toàn thể bản văn, và theo nghĩa nào đó nó là mấu chốt của sự chuyển hướng bản văn. Tác giả Thư Êphêsô gói ghém trong những lời này tất cả những gì ngài đã nói trong phần trước, bằng sự sánh ví loại suy và trình bày sự giống nhau giữa sự kết hợp vợ chồng và sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh. Khi tham chiếu những lời từ sách Sáng thế (St 2,24), tác giả lưu ý rằng nền tảng của loại suy ấy cần phải tìm theo hướng, trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nối kết hôn phối như mạc khải (và «biểu lộ») cổ xưa nhất của kế hoạch ấy trong thế giới tạo thành, với mạc khải và «biểu lộ» sau cùng, đó là «Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh» (Ep 5,25), như thế là gán đặc tính và ý nghĩa hôn phối cho tình yêu cứu chuộc của Người.

2. Như thế loại suy này ngấm lan trong cả đoạn Thư Êphêsô (5,22-33) có nền tảng cuối cùng nơi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều đó còn rõ ràng và hiển nhiên hơn khi đặt câu mà ta đã phân tích trong toàn văn mạch của Thư Êphêsô. Bấy giờ ta sẽ dễ hiểu hơn lí do tại sao tác giả, sau khi trích dẫn lời của sách Sáng thế (2,24), viết: «Mầu nhiệm này thật là cao cả: tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh» (Ep 5,32).

Trong bối cảnh toàn thể của Thư gửi Tín hữu Êphêsô và trong bối cảnh rộng hơn nữa những lời Sách Thánh mạc khải kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa «thuở ban đầu», cần phải nhìn nhận rằng từ «mystèrion» ở đây có nghĩa là mầu nhiệm được ẩn dấu trong tâm tưởng Thiên Chúa từ trước, nay được mạc khải ra trong lịch sử của con người. Quả thật, đó là một mầu nhiệm «cao cả» rất hệ trọng: mầu nhiệm ấy, nhìn như là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại, theo một nghĩa nào đó, là đề tài trung tâm của toàn thể mạc khải, là thực tại trung tâm mạc khải. Đó chính là điều Thiên Chúa, như Đấng Tạo Hóa và là Cha, muốn thông truyền trên hết cho con người trong Lời của Ngài.

3. Vấn đề không chỉ là thông truyền «tin mừng» về ơn cứu độ, nhưng là đồng thời khởi động công trình cứu độ, xét như hoa quả của ân sủng thánh hóa con người cho đời sống vĩnh cửu kết hợp với Thiên Chúa. Chính trên lộ trình mạc khải–thực hiện này thánh Phaolô nêu bật sự liên tục giữa Giao ước rất Xa Xưa, trong đó hôn nhân vốn đã được Thiên Chúa thiết lập trong công trình tạo dựng, và Giao ước cuối cùng, trong đó Đức Kitô vì đã yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh kết hôn với Hội Thánh, như hình ảnh của hôn phối vợ chồng. Sáng kiến cứu độ liên tục này của Thiên Chúa là cơ sở cốt yếu cho sự so sánh loại suy tuyệt vời trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô. Sự liên tục của sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa cũng là sự liên tục và căn tính của «mầu nhiệm cao cả» được mạc khải và «biểu lộ» cũng đồng thời thực hiện, qua những giai đoạn khác nhau. Giai đoạn «xa xưa nhất» từ quan điểm lịch sử con người và lịch sử cứu độ và giai đoạn «thời gian viên mãn» (Gl 4,4).

4. Ta có thể hiểu «mầu nhiệm cao cả» ấy như là «bí tích» hay không? Phải chăng có lẽ tác giả của Thư Êphêsô nói, trong đoạn trích của chúng ta, về bí tích hôn phối? Nếu như tác giả không nói trực tiếp về bí tích hôn phối, và theo nghĩa chặt - ở đây ta cũng nên đồng ý với ý kiến khá phổ biến của các nhà Kinh thánh và thần học – thì xem ra trong văn mạch ở đây cũng nói đến nền tảng của tính bí tích của toàn thể đời sống Kitô hữu, và cách riêng về nền tảng của tính bí tích của hôn nhân. Như thế, tác giả nói về tính bí tích của toàn thể đời sống Kitô hữu trong Hội Thánh và cách riêng nói về tính bí tích của hôn nhân một cách gián tiếp, nhưng lại có tính nền tảng nhất.

5. «Bí tích» không đồng nghĩa với «mầu nhiệm» [1]. Thật vậy, mầu nhiệm thì vẫn còn được «ẩn dấu» – che dấu chính ở nơi Thiên Chúa –, cả sau khi công bố (tức là được mạc khải) vẫn luôn được gọi «mầu nhiệm», và vẫn còn được rao giảng như là mầu nhiệm. Bí tích thì giả thiết có mạc khải mầu nhiệm rồi và cũng giả thiết là đã được chấp nhận nhờ đức tin từ phía con người. Tuy nhiên, bí tích đồng thời còn là một cái gì đó còn hơn là sự công bố mầu nhiệm và đón nhận mầu nhiệm nhờ đức tin. Bí tích hệ tại ở sự «biểu lộ» mầu nhiệm ấy qua một dấu chỉ vốn không chỉ dùng để công bố mầu nhiệm, mà còn thực hiện mầu nhiệm ấy nơi con người. Bí tích là dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của ân sủng. Nhờ bí tích mà mầu nhiệm ẩn dấu từ muôn thuở nơi Thiên Chúa ấy được thực hiện nơi con người, Thư gửi Tín hữu Êphêsô (cf. Ep 1,9) nói đến mầu nhiệm ấy ngay sau khi khởi đầu – mầu nhiệm của ơn gọi hướng đến sự thánh thiện của Thiên Chúa kêu gọi con người trong Đức Kitô, và mầu nhiệm sự tiền định làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Điều đó được thực hiện một cách mầu nhiệm, bên dưới tấm màn che của một dấu chỉ; thế nhưng dấu chỉ ấy luôn là một sự «làm cho thấy được» mầu nhiệm siêu nhiên đang hoạt động nơi con người dưới tấm màn che.

6. Khi nghiên cứu đoạn văn của Thư gửi Tín hữu Êphêsô mà ta phân tích ở đây, và đặc biệt là câu : «Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh», ta cần nhận thấy rằng tác giả của Thư không chỉ viết về mầu nhiệm cao siêu được ẩn dấu nơi Thiên Chúa, nhưng còn – và nhất là – về mầu nhiệm được thực hiện bởi sự kiện Đức Kitô, Đấng đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh bằng một hành động yêu thương cứu chuộc; bởi cũng chính hành động ấy Người kết hợp như hôn phối với Hội Thánh, nghĩa là giống như hai vợ chồng kết hợp nên một với nhau trong hôn phối mà Đấng Tạo Thành đã thiết định. Những lời lẽ của Thư Êphêsô xem ra là  lí do đủ để Hiến chế Lumen gentium nói những lời sau đây ở đầu văn kiện: «... Trong Đức Kitô Giáo hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người» (LG 1). Bản văn này của Vatican II không nói : «Giáo hội là bí tích» nhưng nói «Giáo hội như là bí tích», điều đó muốn nói rằng cần phải nói đến tính bí tích của Giáo hội một cách loại suy chứ không đồng nhất với thực tại được hiểu khi ta nói về bảy bí tích do Giáo hội quản lí và do Đức Kitô thiết lập[1]. Nếu có cơ sở nào để nói Giáo hội như là một bí tích, thì phần lớn đã nằm ở trong Thư Êphêsô.

7. Người ta có thể nói rằng tính bí tích đó của Giáo hội là do tất cả các bí tích nhờ đó mà Giáo hội mới thực hiện được sứ vụ thánh hóa của mình. Hơn nữa người ta có thể nói rằng tính bí tích của Giáo hội là nền hậu cảnh cho các bí tích, nhất là cho bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, như đoạn văn Thư Êphêsô (Ep 5,25-30) ta đã phân tích cho thấy. Sau cùng cần phải nói rằng tính bí tích của Hội Thánh vẫn có một liên quan đặc biệt với bí tích hôn phối, là bí tích xa xưa nhất[2].

lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

--------------------------------

[1] Ý niệm «bí tích», là trung tâm khảo sát của chúng ta, có một cuộc hành trình dài dọc theo các thể kỉ. Lịch sử ngữ nghĩa của từ ngữ «bí tích» phải khởi đầu từ từ Hi lạp mystèrion, mà nói cho ngay sách Giuđitha còn dùng để chỉ các quyết định quân sự bí mật của nhà vua («quyết định bí mật»: cf. Gđt 2,2), nhưng trong các sách Khôn Ngoan (2,22) và tiên tri Đaniel (2,27) từ ấy dùng để chỉ các kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa và cùng đích mà Ngài gán định cho thế giới, và chúng chỉ được mạc khải cho các chứng nhân trung thành.

Với nghĩa đó «mystèrion» chỉ xuất hiện một lần trong các sách Tin mừng: «Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em» (Mc 4,11 và ss.). Trong các Thư quan trọng của thánh Phaolô từ đó xuất hiện trở lại bảy lần, mà đỉnh điểm là nơi Thư gửi Tín hữu Rôma: «... theo Tin mừng mà tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô. Tin mừng đó mạc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ...» (Rm 16,25-26).

Trong các Thư về sau có sự đồng nhất «mystèrion» với Tin Mừng (cf. Ep 6,19) và thậm chí với cả chính Đức Giêsu Kitô (cf. Cl 2,2; 4,3; Ep 3,4). Người tạo nên một bước ngoặt cho nội hàm của từ «mystèrion», không những chỉ đến kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, nhưng còn là sự thực hiện kế hoạch đó trên mặt đất này được tỏ lộ trong Đức Giêsu Kitô.

Do đó, thời các Giáo phụ «mystèrion» bắt đầu còn dùng để chỉ các sự kiện lịch sử qua đó bộc lộ ý định cứu độ con người của Thiên Chúa. Thế kỉ thứ II trong các văn phẩm của thánh Inhaxiô thành Antiôkia, của thánh Giustinô và Mêlitone, các mầu nhiệm cuộc đời của Đức Giêsu, các sấm ngôn và những hình ảnh biểu tượng của Cựu ước được xác định bởi từ ngữ «mystèrion».

Thế kỉ III bắt đầu xuất hiện những bản dịch Kinh Thánh cổ nhất bằng tiếng La tinh, trong đó từ Hi lạp được chuyển dịch, khi thì với từ «mystèrion», khi thì với từ «sacramentum» (ví dụ như Kn 2,22; Ep 5,32), có lẽ là để tách biệt rõ ràng khỏi các nghi lễ bí nhiệm ngoại giáo và khỏi các nghi lễ khai tâm bí nhiệm của phái ngộ đạo theo hướng tân Plato.

Tuy nhiên, từ «sacramentum» nguyên thủy có nghĩa là lời thề do những người lính trong quân đội La mã tuyên thệ. Trong nội hàm từ này người ta có thể nhận thấy khía cạnh «sự khai tâm vào một lối sống mới», «một sự dấn thân hoàn toàn», «phụng sự trung thành đến mức chấp nhận nguy tử». Từ đó Tertullinaô mới biểu lộ những chiều kích này ra trong bí tích Kitô giáo của phép Rửa, Thêm Sức và Thánh Thể. Thế kỉ III từ «sacramentum» được dùng để chỉ kế hoạch cứu độ mầu nhiệm của Thiên Chúa trong Đức Kitô (cf. vd. Ep 5,32), hoặc chỉ sự thực hiện cụ thể kế hoạch ấy nhờ bảy nguồn của ân sủng, ngày nay gọi là bảy «bí tích của Hội Thánh».

Thánh Augustinô dùng từ này với nhiều nghĩa khác nhau, ngài gọi những nghi lễ tôn giáo của Cựu ước cũng như Tân ước, những biểu tượng và hình ảnh Thánh kinh như mạc khải Kitô giáo, đều là các bí tích. Tất cả các «bí tích» này, theo Thánh Augustinô, đều thuộc về Bí tích siêu vời nhất, là mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh. Thánh Augustinô có ảnh hưởng trên sự xác định ý nghĩa sau đó của từ ngữ «bí tích» này, ngài nhấn mạnh các bí tích là những dấu chỉ thánh thiêng; tự thân chúng là hình ảnh giống như thực tại chúng chỉ hay biểu thị và thông truyền thực tại ấy. Như thế ngài đã đóng góp nhờ những phân tích từ đó hình thành nên một định nghĩa súc tích của thời Kinh viện: bí tích là «dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng» («signum efficax gratiae»).

Thánh Isidoro thành Sevilla (thế kỉ VII) một thời gian sau đó nhấn mạnh một khía cạnh khác: bản tính mầu nhiệm của bí tích, bên dưới những tấm màn phủ vật chất kia ẩn chứa hành động của Chúa Thánh Thần trong linh hồn con người.

Những tổng luận thần học của thế kỉ XII và XIII đã tạo nên những định nghĩa hệ thống các bí tích, thế nhưng định nghĩa của thánh Tôma là quan trọng nhất: «Non omne signum rei sacrae est sacramentum, sed solum ea quae significant perfectionem sanctitatis humanae» (S. Th., III, q. 60, a. 2).

Từ đó trở đi «bí tích» chỉ được hiểu là một trong bảy nguồn mạch ân sủng, và các nghiên cứu của các nhà thần học chủ yếu tập trung đào sâu yếu tính và hành động của bảy bí tích, bằng cách thiết lập nên một cách có hệ thống những nét chính yếu trong truyền thống Kinh viện.

Chỉ trong thế kỉ sau cùng người ta mới chú ý đến các khía cạnh khác của bí tích mà các thế kỉ trước không quan tâm cho đủ, chẳng hạn như chiều kích Giáo hội học của bí tích, sự gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô, những điểm này được nói đến trong Hiến chế về Phụng vụ (số 59). Tuy nhiên, Công đồng Vatican II quay trở lại trước hết ý nghĩa nguyên thủy của «sacramento-misterium», bằng việc xác định Hội Thánh chính là «bí tích phổ quát của ơn cứu độ» (LG 48), bí tích có nghĩa là «dấu chỉ và là khí cụ của sự kết hợp thân mật với Thiên Chúa và sự hợp nhất của toàn thể nhân loại» (LG 1).

Ở đây bí tích được hiểu – hợp với ý nghĩa nguyên thủy – như là sự thực hiện kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa liên hệ tới ơn cứu độ của nhân loại.

 

 



[1] Điều Đức thánh cha lưu ý là quan trọng. Thật vậy, sử dụng phạm trù «bí tích» mà thiếu sự phân biệt rõ ràng rốt cuộc sẽ làm cho ý niệm bí tích liên hệ đến bảy bí tích – vốn đã tốn nhiều thời gian công sức để đạt được như thế – mất đi nét đặc trưng và sự sáng sủa của nó. Trộn lẫn ý niệm khiến nó thêm hàm hồ không là thành quả tiến bộ mà là một sự thụt lùi.

[2] Hôn phối được gọi là «bí tích cổ xưa nhất» theo nghĩa tự nguyên thủy nó đã có một vai trò biểu thị rất ý nghĩa, và và ý nghĩa đó sau cùng đạt tới cao điểm nơi mối quan hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh.