Quan điểm KiTô giáo về phái tính (2)

Quan điểm KiTô giáo về phái tính (2)

 

QUAN ĐIỂM KITÔ GIÁO VỀ PHÁI TÍNH (2)

Đây là thời điểm để hộ giáo, chứ không phải để xin lỗi

(tiếp theo và hết)

Nữ tiến sĩ Janet Smith, tác giả loạt bài về phái tính, dục tính, ngừa thai…đã dùng từ ‘hộ giáo’ (apologetics) đối lại với từ ‘xin lỗi’ (apologies) như một lối chơi chữ để làm bật sáng quan điểm rất tích cực lạc quan chứ không chỉ khắt khe cấm đoán, cởi mở khôn ngoan chứ không hẹp hòi cứng nhắc, đồng thời lại rất căn bản và kiên định, trong truyền thống Kitô giáo nói chung và Hội Thánh Công giáo nói riêng về vấn đề phái tính và dục tính. Quan điểm này cần được vun trồng và truyền đạt đến mọi thế hệ tiếp nối hầu có thể đương đầu với cuộc cách mạng dục tính đầy buông thả và thác loạn nhưng sẽ chỉ dẫn đến những tai hại khôn lường có nguy cơ hủy hoại chính con người. 

Lần đầu tiên được Viện Rockford đăng trong tạp chí “Gia Đình tại Mỹ” số tháng Năm 1996, bài viết này sau đó đoạt giải nhất $10,000 trong cuộc thi ‘Amy Foundation Writing Awards’ năm 1996. 


CHUẨN BỊ CHO HÔN NHÂN

Chỉ nói chuyện một lần với cha sở, đi dự buổi “Đối Diện Hứa Hôn” vào một cuối tuần, hoặc tham gia một khóa hội thảo “Tiền Cana” không thể coi là đã chuẩn bị đầy đủ cho hôn nhân. Chuẩn bị thật sự phải kéo dài vài ba năm trước khi bước vào hôn nhân. Giới trẻ thích kiểu liệt kê một danh sách những đức tính mà mình muốn thấy nơi người bạn đời tương lai của mình. Đúng ra, họ nên liệt kê danh sách những đức tính mà chính mình muốn có để trở thành một người bạn đời xứng đáng. Họ phải suy tư về những hoài bão của mình trước hôn nhân; nhiều người thấy những hoài bão ấy mang đầy nét vị kỷ. Phần nhiều chúng ta mong mỏi người phối ngẫu đem lại hạnh phúc cho mình hơn là chính chúng ta đem lại hạnh phúc cho người ấy. 

Do bởi hôn nhân đòi hỏi ta phải là những con người biết yêu thương, chung thủy, từ ái, kiên nhẫn, bao dung, khiêm tốn, can đảm, khôn ngoan và không vị kỷ--danh sách này có thể còn dài--thế nên giới trẻ cần phải cố gắng rèn luyện cho mình có được các đức tính này. Hôn nhân không thể tồn tại nếu những người phối ngẫu không thủ đắc các đức tính ấy. Hiển nhiên là không cần phải có được tất cả mọi đức tính ấy trước khi bước vào đời sống hôn nhân, bởi vì mấy ai mà hoàn hảo như thế. Vả lại, kinh nghiệm hôn nhân rồi sẽ dần dà khiến ta có được một số những đức tính ấy. Thế nhưng, nếu ta không cố gắng luyện tập trước khi bước vào hôn nhân, ta rất dễ có được những thứ trái ngược lại như ích kỷ, tự cao, bất nhẫn, vốn là những thứ giết hại hôn nhân.

Mặc dù thủy chung là một trong những viên đá góc của hôn nhân, nhưng thật là kỳ nếu ta nói tới nhu cầu phải chung thủy trước khi đi vào cuộc hôn phối. Theo một nghĩa nào đó, ta cần phải chung thủy với bạn tình của mình ngay cả truớc khi gặp gỡ người ấy. Thế có nghĩa là phải để dành việc trao hiến phái tính cho đến khi đã lập gia đình rồi, bởi lẽ theo một nghĩa nào đó, tình dục của mình thuộc về người phối ngẫu tương lai. Đối với một vài thế hệ trước đây, bảo rằng phải “giữ mình” trước khi kết hôn là chuyện thường tình. Hôm nay mà nói thế thì chắc chắn sẽ bị chế nhạo, thế nhưng câu nói ấy vẫn là chỉ dấu của một hiểu biết đúng đắn về tình yêu, dục tính và hôn nhân. Ta phải chuẩn bị mình cho hôn nhân; ta cũng phải giữ mình cho hôn nhân nữa.

Nhưng làm thế nào đây? Hẳn nhiên là bằng cách sống thanh tịnh-và đây là điều không dễ chút nào. Chẳng hạn, phải lưu ý đến những gì khơi gợi nhục cảm, trong tư tưởng cũng như trong ước muốn, và cố tránh những thứ khơi gợi này. Điều đó có nghĩa là phải tách ra khỏi những hình thức tiêu khiển phổ thông thịnh hành hôm nay. Những ai coi dục tính là một tặng ân dành cống hiến cho người phối ngẫu trong hôn nhân thì không thể trở thành nạn nhân của xu hướng kích dục đang lan tràn trong xã hội ngày nay. Cần chú ý đến những lời nhạc ta nghe, những cuốn phim ta thưởng thức, và những chương trình TV ta coi hàng ngày, cũng như quần áo ta mặc. Ta cần cố gắng để dành những tư tưởng và kích thích tình dục cho đến thời gian chúng không còn làm cho ta mất hứng nữa, mà trái lại sẽ trở thành khúc dạo đầu cho sự hợp hoan của ta với người bạn tình. Dĩ nhiên là không thể tránh được cám dỗ, nhất là khi xã hội ta cứ nhan nhản mời mọc. Khi Chúa dậy ta rằng ngay cả sự dâm ô trong tư tưởng cũng là sai quấy thì có nghĩa là ta phải canh giữ sự trinh khiết trong tâm hồn cũng như phải kiểm soát các hành động của mình.

Dù là Kitô hữu hay không, cũng ít có ai nghĩ là hữu lý nếu hai người đã đính hôn mà cứ phải chờ cho đến khi kết hôn thì mới hợp hoan tình dục. Nhiều người cho rằng nếu chờ đến khi kết hôn thì sự thân mật dục tính sẽ gặp tình trạng lúng túng ngượng nghịu. Hầu hết đều cho rằng có còn bao lâu nữa đâu, trước hay sau một thứ nghi lễ hình thức vốn chỉ để hợp thức hóa một cam kết đã lên ngôi rồi, thì việc thân mật phái tính có khác gì đâu.

Như vậy chờ đợi thì sẽ khác biệt ở chỗ nào? Hiển nhiên, một lời thề nguyền sẽ chỉ có ý nghĩa khi được nói lên; những cam kết không lời, âm thầm, không hợp thức hóa sẽ rất dễ đi đến chỗ đổ vỡ. Cũng có những lý do thực tiễn nữa. Cha James Burtchaell tại Đại học Notre Dame đã viết một cuốn sách tuyệt vời “Tốt hơn hay Tệ hơn” (For Better or Worse) nhằm giải thích lý do tại sao đôi lứa nên chờ đợi cho đến khi kết hôn rồi thì hãy thân mật với nhau. Ngài hùng biện mô tả thời kỳ tiền hôn nhân là một cơ hội bất khả thay thế cho cặp tình nhân tìm hiểu nhau. Chưa gì đã vướng vào việc thân mật thì sẽ tạo ra một cảm thức gần gũi giả tạo; nó tạo ra một mối ràng buộc vốn có thể làm lu mờ đi các yếu tố trong mối quan hệ vốn cần phải được kiện cường thêm. Thời kỳ hò hẹn ve vãn là để tìm biết nhau, để xây mộng ước mai sau; để biểu lộ những lắng lo và do dự. Sự hợp hoan phái tính rất dễ làm người ta chia trí không còn chú tâm chuẩn bị cho hôn nhân nữa.

Còn có một lý do sâu xa hơn nữa, đó là vấn đề liêm khiết và trung thực. Ít có ai vướng vào tình dục tiền hôn nhân rồi, nhất là Kitô hữu, lại có thể hoàn toàn cởi mở về các hành động của mình. Có nghĩa là những ai vướng vào các quan hệ này thì nhất định là đang đánh lừa ai đó-cha mẹ, thầy giáo, và có thể cả bè bạn nữa. Khả năng thực hiện sự lừa dối như thế không hề báo trước một điềm tốt về sự liêm khiết của mình. Người phụ nữ nhận thấy người yêu của mình hay lừa dối thì sẽ cảnh giác. Nàng có lý do để tự hỏi không biết rồi trong tương lai chồng nàng có thành thật với mình không, bởi vì dầu sao thì chàng cũng đã ‘thoải mái’ đánh lừa nhiều người kể cả những kẻ đã kính trọng chàng. Nhiều Kitô hữu mang đầy mặc cảm tội lỗi vì đã vi phạm những nguyên tắc luân lý sâu xa; thế nên ngay cả sau khi đã kết hôn, họ vẫn có thể tiếp tục mang mặc cảm tội lỗi về tình dục. Theo một nghĩa nào đó, họ đã rơi vào cái bẫy tự mình giăng ra là nghĩ rằng việc giao hợp là một hành động lén lút và tục tĩu.

Mặt khác, cặp vợ chồng nào biết chờ đợi cho đến khi thành hôn thì sẽ vui tươi hớn hở khi thực sự có được sự kết hợp tình dục. Do biết chờ đợi, họ sẽ thấy được rằng khoái lạc tình dục là một thiện hảo đầy đặc ân dành cho hôn nhân. Họ sẽ thấy dễ dàng hơn để phát triển cho nhau một niềm tin tuởng và cân nhắc sâu xa và bền vững. Việc sẵn sàng chờ đợi, chịu đựng sức ép của sự tiết dục vì tình yêu và niềm tôn trọng lẫn nhau, chính là một chứng tá hùng hồn cho sức mạnh cá tính của họ. Họ đã chứng tỏ rằng sự hấp dẫn phái tính không phải là phần quan trọng nhất của mối quan hệ nam nữ, và họ có thể vui sướng khi ở bên nhau cả trong lúc mà những hứng thú về quan hệ dục tính chưa có sẵn sàng cho họ. Sự thủy chung và thanh tịnh trước hôn nhân sẽ bảo đảm hơn cho lòng chung thủy và khiết tịnh trong hôn nhân. Do thai nghén, bệnh tật hay do xa cách, mọi cặp vợ chồng đều phải kiêng cữ một cách nào đó, trong một giai đoạn nào đó khi đã kết hôn; nếu thủ đắc được tính tự chủ trước hôn nhân, việc kiêng cữ này sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.

NÃO TRẠNG NGỪA THAI

Thanh tịnh trước hôn nhân, và thanh tịnh trong hôn nhân đã bị nhan nhản các phương tiện ngừa thai phá hoại. Quả vậy, ngừa thai có vẻ là một trong những yếu tố chính tạo ra những thói hư tình dục trong thời đại chúng ta hôm nay. Trước khi các phương tiện ngừa thai được phổ biến lan tràn thì có ít hơn các vụ thiếu nữ vị thành niên mang bầu, có ít vụ phá thai hơn, có ít bệnh hoa liễu hơn. Ngừa thai đã khiến người ta cảm thấy an toàn nên dễ tham gia vào những vụ giao hoan tình dục mà không bị ràng buộc bởi hôn nhân hay nuôi nấng con cái. Thế nhưng ngừa thai không hề cởi bỏ các trách nhiệm vốn đi theo khả năng tạo ra con cái trong hành vi giao hợp, bởi vì ngừa thai không phải lúc nào cũng đạt được mục tiêu. Ta phải giúp giới trẻ thấu hiểu rằng khi chưa sẵn sàng trở thành cha mẹ thì họ cũng chưa sẵn sàng cho việc giao hợp, bởi vì giao hợp luôn luôn mang theo với nó khả hữu tính trở thành một người cha hay người mẹ.

Thật không phải dễ làm cho giới trẻ biết liên kết phái tính với việc nuôi dậy con cái, nhưng điều đó lại cần thiết. Quả thế, thiết tưởng việc người lớn khuyến khích giới trẻ suy nghĩ như cha mẹ mình là điều hệ trọng. Khích lệ họ suy nghĩ đến điều họ muốn làm cho con cái mình, điều họ muốn cống hiến cho con cái mình, đó cũng là một điều tốt. Cha mẹ phải đả thông cho con cái biết rằng chúng không hề là gánh nặng cho mình, trái lại chúng chính là những món quà to lớn Thiên Chúa tặng ban. Ngày nay, xã hột ta có xu hướng cho rằng con cái chính là một gánh nặng; nuôi dậy chúng thật tốn kém, mà chúng thì ồn ào hay gây xáo trộn; chúng là trở ngại trên bước đường công danh sự nghiệp và là một phiêu lưu đầy mạo hiểm. Dĩ nhiên quan điểm này đã khiến người ta không muốn có con nữa, nhưng đồng thời lại có quan niệm bảo rằng con cái chỉ là một thứ đồ sở hữu của cha mẹ, hoặc chỉ là một kinh nghiệm khác nữa mà người lớn muốn có được. Cũng có cặp chỉ muốn có con để ‘làm kiểng,’ để trang điểm cho đời, chứ không phải như lẽ sống của đời mình. 

Thế nhưng dường như Thiên Chúa lại dành ưu tiên cho con cái; dầu sao thì Ngài đã truyền lệnh là “hãy sinh sôi nẩy nở cho đầy mặt đất.” Trong suốt Cựu Ước, đông con nhiều cái là chỉ dấu của sự sung túc nói lên niềm ưu ái của Thiên Chúa. Thánh Vịnh 127 viết rằng: 

“Này con cái là hồng ân của Chúa, 
Con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. 
Bầy con sinh hạ thời son trẻ, 
Tựa nắm tên dũng sĩ cầm tay. 
Hạnh phúc thay người nào
Đeo ống đầy loại tên như thế!” 


Trong khi đó Thánh Vịnh 128 lại bảo rằng 

“Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
Ăn ở theo đường lối của Người.
Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
Bạn quả là lắm phúc nhiều may.
Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
Khác nào cây nho đầy hoa trái,
Và bầy con tựa những cây ô liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.
Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.”


Thiên Chúa đã an bài mọi sự để cha mẹ và con cái cần lẫn nhau. Kinh nghiệm nuôi dậy con cái, cũng như kinh nghiệm hôn nhân, đều đòi buộc và nuôi dưỡng nhiều nhân đức. Nói chung, có con cái đem đến cho người lớn nhiều thiện hảo; phần lớn đều cảm thấy bớt ích kỷ, kiên nhẫn hơn, từ ái, đáng yêu và dịu dàng hơn. Biết cách sống với con trẻ thì sẽ được nhiều lợi ích y như sống với một người phối ngẫu: nó uốn nắn người này sao cho thích hợp với người kia, giúp người ấy nhìn nhận rằng mình luôn luôn có xu hướng ích kỷ. Thức đêm vì con cái, hàng ngày đương đầu với niềm vui nỗi buồn của chúng, và cố gắng nêu gương sáng cho chúng noi theo, những điều này góp phần rất lớn cho việc trưởng thành của người lớn.

Một người bà con của tôi mới đây cho biết rằng anh ta muốn có một gia đình đông con, nhưng không biết có cáng đáng nổi về mặt tài chánh không. Anh nhận xét rằng nhiều bè bạn tôi đã sớm có con và lại có nhiều con nữa. Ít có phụ nữ đi ra ngoài làm việc. Anh muốn biết làm thế nào họ đã làm được như thế. Tôi biết câu trả lời: vì họ đã tin tưởng nơi Chúa. Họ sống thường xuyên trong cảnh lao đao gay cấn, trong một vài năm đầu, họ cứ lo lắng băn khoăn liệu có thêm con thì làm sao nuôi nổi, rồi còn xe cộ, nhà cửa, ăn uống lúc khỏe mạnh và thuốc thang khi đau ốm. Nhưng một vài năm sau, họ thấy rồi cũng đâu vào đấy. Thực ra, họ đã học cách sống tiết kiệm, chắt bóp, nhưng không xấu hổ vì những chắt chiu nhỏ mọn, và chấp nhận lối sống dành dụm, bề ngoài mang dáng vẻ xác xơ. Tuy vậy họ không hề thấy thiếu thốn những nhu cầu căn bản nhất, trái lại cũng đôi lúc có được những ‘giây phút huy hoàng’ dù rồi sẽ phụt tắt. Họ tín thác vào Chúa để rồi tiếp tục sống cho dù không được nhiều an ninh bảo đảm. Tín thác vào Chúa thay thế cho tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối kiểu Mỹ: đó là tích lũy cho đủ tiền bạc và vật chất để vênh váo với đời. Với tâm hồn phó thác, họ tiếp tục sống vui với cảnh gia đình đông con chật vật nhưng hạnh phúc trong tình thương lan tràn của một đại gia đình. Gia đình nào đông con thì có vẻ dễ quảng đại và niềm nở hiếu khách. Khách khứa luôn luôn được chào đón và những lần ghé chân bất chợt không trở thành một phiền toái; thành viên của gia đình đông con dường như khá sẵn sàng hy sinh giúp người khác. Chậm mà chắc, họ dần dần trở thành những Kitô hữu trọn hảo hơn.

Bàn về vấn đề Kitô giáo ưu tiên cho các gia đình đông con chắc chắn sẽ động đến một đề tài tế nhị và dễ gây tranh cãi, đó là ngừa thai. Cho dù tin rằng ngừa thai là đi ngược lại ý Chúa, và từ khi ‘Humanae Vitae’ ra đời, niềm tin này hoàn toàn ám chỉ Hội Thánh Công giáo, tuy nhiên sự thực vẫn là: các giáo phái Tin Lành đều chống ngừa thai mãi cho tới năm 1930. Khi đó, sau liên tiếp hai lần lên án ngừa thai, Anh Giáo đã thông qua quyết định vào năm 1930 cho phép người kết hôn đựợc ngừa thai. Do đó, chấp nhận ngừa thai là một hiện tượng tương đối mới. Có lẽ người Công giáo đã gìn giữ giáo huấn chống ngừa thai này khá trung thành, nhưng đây không phải là giáo huấn độc chiếm cho giới Công giáo mà thôi đâu.

Cùng cách thức ấy, các anh em Tin Lành lại trung thành rao giảng sự cần thiết của việc dâng cúng thập phân, tức một phần mười lợi tức, một học thuyết không chỉ độc chiếm dành riêng cho anh em Tin Lành. Nhiều người Công giáo nhìn thấy gương anh em Tin Lành nên đã khám phá ra việc dâng cúng thâp phân. Họ đã tìm được một lối tăng triển tinh thần lớn lao qua việc thực hành này, và vì thế đang vận động để những đồng đạo của mình chấp nhận lối biểu lộ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và tỏ niềm tín thác nơi Ngài. Thiết tưởng học thuyết về dâng cúng thập phân có nhiều điểm tương đồng với giáo huấn về việc nuôi dậy con cái, đó là phải biết sống quảng đại với Chúa. Môt số người bài bác việc dâng cúng thập phân cho rằng thật là điên mới cho đi một số tiền lớn mình đang rất cần để sống. Thế nhưng, những ai thực sự cam kết dâng cúng thập phân lại cho rằng, có lúc mình phải cho Chúa điếu mình thật sự đang cần cho chính bản thân mình. Họ dâng cho Chúa và thực hành lý tưởng này vì biết rằng Chúa muốn họ làm thế, và họ tín thác vào Ngài. Sống quảng đại trong việc nuôi dậy con cái cũng không khác gì mấy. Nhiều cặp vợ chồng đã chứng minh là có thêm một người con tưởng rằng sẽ trở thành gánh nặng không vượt qua được, nhưng rồi sau đó mới khám phá ra rằng có thêm một người con nữa lại là nguồn phúc lành kỳ diệu và niềm hân hoan ngời sáng cho cuộc đời.

Thật kỳ quặc, Kế Hoạch Hóa Gia Đình Tự Nhiên (KHHGĐTN) hay ‘NFP-natural family planning’ là một trong những phương cách, nếu không muốn nói chính là phương cách hữu hiệu nhất cho việc kế hoạch gia đình. Hẳn nhiên, NFP không phải là phương pháp nhịp điệu lỗi thời, vốn chỉ dựa trên lịch mà thôi. Đúng hơn, NFP là một phuơng cách rất khoa học xác định thời điểm nào người nữ có thể thụ thai được, dựa trên quan sát các chỉ dấu của thân thể. Thống kê độ khả tín của phương pháp này có thể thách thức các hình thức thuốc viên. Lại nữa, NFP không hề gây hậu quả tác dụng phụ cho sức khỏe và không vi phạm luân lý như các phương pháp ngừa thai khác. Phương pháp IUD (đặt vòng xoắn) gây ra phá thai, nghĩa là nó tác dụng tạo ra một phá thai sớm-kỳ. Việc rụng trứng vẫn xẩy ra, và vì thế, việc thụ thai có thể khai diễn; nhưng vòng xoắn lại ngăn cản trứng thụ tinh--tức hữu thể con người tí hon--không bám vào thành tử cung được. Hầu hết mọi hình thức thuốc viên hiện nay đều tác dụng như thế. Hơn nữa, thuốc viên và vòng xoắn đã cho thấy nguy cơ gây ra cho phụ nữ về nhiều mặt, và chưa ai có thể biết được hậu qủa lâu dài của nó ra sao. Do đó những ai chống phá thai và muốn bênh vực thiện ích của phụ nữ chắc sẽ không muốn dùng hay quảng bá cho các hình thức ngừa thai. Các hình thức khác, như phuơng pháp rào cản, có những hệ lụy về thẩm mỹ hoặc không đáng tin cậy.

NFP không còn có nghĩa là ‘not for Protestants” (không dành cho anh em Tin Lành). Nhiều người không Công giáo đang quay về với NFP như một phương pháp kế hoạch hoá gia đình vì không muốn dùng chất phá thai, và họ sợ các nguy cơ thể lý của ngừa thai. Họ thấy rằng việc dùng NFP có các hệ quả tích cực cho mối tương giao vợ chồng, tương giao cha mẹ con cái, và tương giao với Thiên Chúa.

Nhiều người lấy làm lạ khi thấy việc tiết dục định kỳ có lợi ích cho hôn nhân. Hẳn nhiên, hầu hết những ai đã dùng NFP, nhất là những ai đã không còn thanh tịnh trước hôn nhân và đã dùng các phương pháp ngừa thai, thì sẽ thấy tiết dục trở thành căn nguyên gây căng thẳng và dễ cáu giận. Tiết dục, giống như bất kỳ hình thức kiêng cữ nào khác, cũng đều mang những khó khăn riêng; nhưng cũng tạo ra những lợi ích rõ ràng. Khi vợ chồng tìm cách truyền đạt tư tưởng, tình cảm cho nhau một cách phi tính dục, và khi tìm cách chế ngự dục vọng, họ sẽ thấy như có được một cuộc giải phóng mới trong khả năng kiêng cữ giao hợp. Nhiều người thấy rằng có một cái gì lãng mạn len lỏi vào trong mối tương giao của họ giữa thời kỳ kiêng cữ, và một cái gì hứng khởi bừng lên khi tái hợp. Vợ chồng dùng NFP sẽ thấy rằng mình hiểu nhau và kính trọng nhau nhiều hơn.

Vợ chồng nào dùng phương pháp NFP sẽ trở thành gương sáng cho con cái, nhất là cho lứa tuổi vị thành niên đang vật lộn với những cảm xúc mới lạ về tính dục. Một người cho tôi biết rằng việc thực hành theo phương pháp NFP đã giúp anh trở thành chứng tá hùng hồn cho đức thanh tịnh giữa giới trẻ nơi anh làm việc. Ho nhạo anh ta là người đã kết hôn rồi mà vẫn có thể chủ động điều chế giao hợp được. Anh trả lời là vì dùng phương pháp NFP nên anh buộc phải kiêng cữ. Anh lập luận rằng, hết đêm này sang đêm khác, ngủ bên cạnh người phụ nữ anh thương yêu mà không giao hợp với nàng, kể điều này ra sẽ giúp họ biết kìm hãm, kiêng giao hợp với bạn gái của mình. Anh tin rằng cha mẹ nào thực hành phương pháp NFP thì sẽ dễ thuyết phục con cái sống thanh tịnh trước khi kết hôn.

Một lý do hào hứng khác là cặp vợ chồng nào thực hành phương pháp NFP sẽ gắn bó với nhau hơn là cặp nào dùng phương pháp ngừa thai. Khi giao hợp không ngừa thai, sự trao thân cho nhau giữa hai vợ chồng sẽ trọn vẹn hơn. Đó là lý do tại sao hầu như không hề có ly dị trong số các cặp vợ chồng thực hành phương pháp NFP.

Hơn nữa, các cặp vợ chồng thực hành phương pháp NFP đều tiết lộ rằng họ thấy như gần gũi Thiên Chúa hơn. Họ tin rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên thân xác, và tôn trọng sinh hoạt của thân xác chính là kính trọng Thiên Chúa. Họ tin rằng ngừa thai không chỉ là một trở ngại cho sự kết hợp vợ chồng, mà còn là một trở ngại cho việc kết hợp với Thiên Chúa nữa. Họ tin rằng Thiên Chúa là nguồn mạch của yêu thương và đời sống; Ngài đã ban một đặc ân cho họ làm người truyền đạt đời sống ấy qua một động tác của tình yêu. Họ thấy rằng họ đang dành chỗ cho Thiên Chúa để Ngài thực hiện động tác tạo dựng một linh hồn mới, nếu Ngài muốn.

Giáo huấn Kitô giáo về ngừa thai thì bất khả ly với sự am hiểu về nhu cầu của các hôn nhân thủy chung. Ta không bao giờ được quên mối dây liên kết giữa hành động tính dục và việc nuôi dậy con cái. Nếu chỉ những ai đã chuẩn bị cho việc chăm sóc con cái thì mới thực hiện động tác giao hợp, thì thế giới tân tiến hôm nay sẽ kinh nghiệm được một thay đổi triệt để trong động thái dục tính.

Kitô hữu cần giải thích cho mọi người biết tại sao lòng chung thủy và trách nhiệm với con cái chính là hai đặc trưng của hôn nhân. Ngày nay, nam nữ đang chán chường với cảnh thiếu thủy chung, mỏi mệt với những tương giao nông cạn và chóng vánh. Họ đang khát khao một cái gì có ý nghĩa hơn, một cái gì có thể tin cậy được. Giới trẻ đã ngao ngán ly dị. Chẳng ai mà không biết con cái khổ sở thế nào trong cảnh ly dị. Nhiều người chúng ta đây, do dại khờ, yếu đuối hay ác độc, hoặc do nỗi khờ dại, yếu đuối hay độc ác của người khác, có thể không tạo lập được cuộc hôn nhân hoặc xây dựng được một gia đình như mình mong muốn. Ta cần tin tưởng vào ơn Chúa, Đấng hằng thương ban cho những ai chạy đến kêu cầu. Là những người mang lấy sự khôn ngoan của thế kỷ, các Kitô hữu cần cố gắng sống thanh tịnh và tạo lập những cuộc hôn nhân đầy yêu thương và những mái gia đình đầm ấm, vì đó là điều thiết yếu cho phần rỗi đời đời cũng như thiết yếu ngay cả cho hạnh phúc tạm bợ của toàn thể xã hội.

Nguyễn Kim Ngân
(VietCatholic)