Quan điểm KiTô giáo về phái tính (1)

Quan điểm KiTô giáo về phái tính (1)

QUAN ĐIỂM KITÔ GIÁO VỀ PHÁI TÍNH (1)


Đây là thời điểm để hộ giáo, chứ không phải để xin lỗi

Nữ tiến sĩ Janet Smith, tác giả loạt bài về phái tính, dục tính, ngừa thai…đã dùng từ ‘hộ giáo’ (apologetics) đối lại với từ ‘xin lỗi’ (apologies) như một lối chơi chữ để làm bật sáng quan điểm rất tích cực lạc quan chứ không chỉ khắt khe cấm đoán, cởi mở khôn ngoan chứ không hẹp hòi cứng nhắc, đồng thời lại rất căn bản và kiên định, trong truyền thống Kitô giáo nói chung và Hội Thánh Công giáo nói riêng về vấn đề phái tính và dục tính. Quan điểm này cần được vun trồng và truyền đạt đến mọi thế hệ tiếp nối hầu có thể đương đầu với cuộc cách mạng dục tính đầy buông thả và thác loạn nhưng sẽ chỉ dẫn đến những tai hại khôn lường có nguy cơ hủy hoại chính con người.

Nếu bảo rằng xã hội của ta hôm nay đang quằn quại trong sự hồ đồ về phái tính, hoặc trong sự suy đồi của dục tính thì thật chẳng có gì mới lạ cả. Chẳng cần phải đưa ra đủ mọi số liệu thống kê mới chứng minh được các hậu quả của cuộc cách mạng phái tính, bởi vì ai mà không biết đến nạn dịch thiếu niên mang bầu, bệnh hoa liễu, ly dị và liệt kháng. Xã hội ta đã trải qua một biến chuyển nhanh chóng về phương diện hạnh kiểm tính dục, mà ít người phủ nhận khía cạnh tiêu cực của nó. Ngày nay, cứ hai cuộc hôn nhân thì một sẽ kết thúc bằng ly dị. Cứ mười thiếu niên thì sáu em kích hoạt về dục tính. Thập niên vừa qua, cả hàng triệu những vụ phá thai và sự gieo rắc nhanh chóng căn bệnh liệt kháng đã cho thấy xã hội ta đang có những vấn đề nghiêm trọng về dục tính. Trong thế hệ vừa qua, sinh hoạt dục tính ngoài vòng hôn nhân-cùng với tất cả mọi vấn đề kèm theo-đã tăng lên gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây. Ta không hề có lý do đặc biệt nào để tin rằng việc gia tăng các vấn đề liên hệ đến phái tính đã lên đến tột đỉnh rồi. 

Thống kê không thực sự nắm bắt được mức lan tỏa của những tai hại gắn liền với sự vô luân tình dục. Dục tính quá sớm và lăng nhăng đã ngăn chặn sự hình thành của những cuộc hôn nhân tốt lành và đời sống gia đình hạnh phúc. Ít có ai phủ nhận rằng một dục tính lành mạnh và một đời sống gia đình kiên vững là những yếu tố cần thiết nhất để xây dựng hạnh phúc và thiện ích của con người. Trong khi có nhiều người cha hoặc mẹ độc thân thực hiện được một trách nhiệm tốt đẹp và đầy dũng cảm trong việc nuôi dậy con cái, thì sự thật đáng buồn là những đứa trẻ lớn lên từ trong những mái gia đình đổ vỡ thì có nhiều xu hướng nghiêng về tội ác, nghiện ngập, sử dụng ma túy và dễ có những thác loạn tâm lý nhiều hơn những trẻ em lớn lên từ trong những gia đình nguyên vẹn.

Những thực tế này đụng chạm đến mọi khía cạnh của đời sống. Nó ảnh hưởng đến khả năng con người giao tiếp với bè bạn và gia đình; nó ảnh hưởng đến khả năng con người học hành và làm việc; nó ảnh hưởng đến toàn thể xã hội vốn cần đến những cá nhân có tính kiên định và an ninh để lãnh đạo và đưa con người thoát ra khỏi những trắc trở. Những ai không kinh nghiệm được tình yêu thương từ trong gia đình và từ nơi bè bạn thì dễ đi tìm kiếm những thứ tương tự với tình yêu ở bất cứ nơi nào có thể tìm được, và thế là sẽ vướng víu vào những quan hệ tình dục bất chính-và rồi cái vòng tròn cứ luẩn quẩn mãi thế. Các hình thức lạm dụng dục tính và các hậu quả nghiêm trọng của các lạm dụng ấy không chỉ đang gây tổn hại đến thế hệ đương thời mà còn đe dọa hủy hoại các cơ hội mà các thế hệ tương lai đang hy vọng có được để sống đời sống hạnh phúc và thành toàn.

Hai mươi năm trước đây, khi cuộc cách mạng phái tính bùng nổ ra, nhiều người cho rằng nó sẽ giải phóng con ngưòi, nam cũng như nữ, thoát khỏi sự kềm kẹp dồn nén đang lan tràn khắp trong xã hội; thiên hạ sẽ được tự do làm tình ngoài vòng cương tỏa của hôn nhân. Nhiều người đã nêu đích danh Kitô giáo như là nguồn gốc của dồn nén dục tính. Thế nhưng quan điểm của Kitô giáo về dục tính thực ra rất giống với sự khôn ngoan. Người Kitô hữu không cần phải nói lời xin lỗi vì đã nhấn mạnh đến luân lý dục tính, vì đã cương quyết dành riêng tình dục cho hôn nhân. Một số người có địa vị cao trong xã hội hôm nay đang cố gắng cổ võ cho sự tiết dục trước hôn nhân và tán dương những cuộc hôn nhân chung thủy một vợ một chồng. Họ đã bắt đầu nhìn thấy những việc thực hành này mang đầy những nét khôn ngoan thực tiễn.

Theo một nghĩa nào đó, luân lý Kitô giáo, nhất là luân lý dục tính, rất giống với luân lý tự nhiên và theo công cảm. Chẳng cần phải là Kitô hữu mới hiểu được tại sao một số những lối hành xử về dục tính là sai quấy. Người Kitô hữu khác với người không tin không phải ở chỗ thấu hiểu điều gì hợp hay không hợp với luân lý, mà ở chỗ cam kết sống thực sự đời sống luân lý. Người Kitô hữu hiểu rằng, khi làm điều sai quấy, họ không chỉ vi phạm ý thức về thiện hảo, mà còn vi phạm giới luật của Thiên Chúa; khi đó, họ không còn là một nhân vị biết yêu thương và có trách nhiệm như Thiên Chúa muốn nữa. Do đó sự biện hộ cho phái tính xét dưới quan điểm Kitô giáo thì không khác biệt nhiều so với sự biện hộ cho phái tính xét dưới quan điểm công cảm, thế nhưng truyền thống Kitô giáo đã rất trung thành bảo tồn và phát huy sự khôn ngoan về phái tính. Thực ra, thật dễ ‘quên’ hay lẫn lộn trong vấn đề khôn ngoan về phái tính; người Kitô hữu thật có phúc bởi vì có được sự trợ giúp mạnh mẽ của mạc khải và truyền thống cố vấn cho họ về vấn đề luân lý dục tính.

Thế nhưng, cho dù hầu hết mọi giáo phái Kitô đều bền bỉ trung thành với sự khôn ngoan Kitô giáo truyền thống trong các vấn đề phái tính, chỉ có ít người Kitô hữu là chưa bị ảnh hưởng sâu xa bởi sự lan tràn của nền văn hóa mới với quan điểm về dục tính hoàn toàn trái nghịch với quan điểm Kitô giáo. Chỉ cần coi chương trình nhạc trẻ MTV hay kịch quảng cáo chừng 10 phút; chỉ cần mở đài phát thanh chừng mươi phút nghe một chương trình nhạc Rock, Pop, hay nhạc đồng quê nào đó; chỉ cần một lần đứng trước quầy sách báo; hay chỉ cần ra bờ biển chừng vài ba phút…là ta có thể thấy ngay rằng xã hội hôm nay chẳng hề có, hoặc có rất ít niềm kính trọng đối với các quy tắc luân lý Kitô giáo về quan hệ phái tính. Ngay cả người Kitô hữu cũng đã bắt đầu đánh mất sự hiểu biết về dục tính mà truyền thống Kitô giáo đã lưu truyền lại. Vì thế đã đến lúc người Kitô hữu phải đưa ra những lời biện giải cho sự hiểu biết của mình về vai trò của quan hệ phái tính trong các mối tương quan nhân bản. “Hộ giáo” là một từ ngữ dùng để ám chỉ nỗ lực kiên định trong việc giải thích lập trường của mình cho người khác. Nhưng thiết tưởng, người Kitô hữu cần quan tâm gửi đi các lời hộ giáo về phái tính đến cho chính bản thân mình, đến cho những đồng đạo của mình cũng như cho mọi người khác nữa. Việc phúc âm hóa từ trong nội bộ ra đến bên ngoài đều cần thiết cả, lý do là vì có ít người, nếu không muốn nói rằng không ai có thể tránh né được tầm ảnh hưởng tai hại do sự bóp méo quan điểm của thời đại chúng ta. Kitô hữu và đồng hương của họ đều phải được củng cố và xác tín.

Kitô hữu phải học để hiểu thấu đáo về chính truyền thống của mình trước khi có thể trở thành những chứng nhân hữu hiệu cho những kẻ đang sống trong một xã hội rộng lớn hơn vốn đang rất cần gặp gỡ những cá nhân nào có khả năng kiểm soát được dục tính của mình và đồng thời biết sống hạnh phúc với sự tiết chế đó. Có rất nhiều những chân lý Kitô giáo có khả năng trợ giúp ta tránh thoát được những tàn phá của một dục tính thác loạn. Thời gian đã chín muồi để ta minh chứng một cách đầy thuyết phục cho mọi ngưòi về nền luân lý Kitô giáo. Hẳn nhiên, nhiều người không còn dám lăng nhăng tình dục nữa bởi vì sợ nhiễm bệnh liệt kháng. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất làm tan đi cơn ảo mộng về cuộc cách mạng phái tính. Nhiều người thấy những cuộc tình lăng nhăng của mình đã để lại một khoảng trống cô đơn mênh mông không khỏa lấp được và vì thế cứ tiếp tục kiếm tìm. Ngày càng có nhiều phúc trình cho thấy có sự dửng dưng về tình dục, mất hứng thú về dục tính, ngay cả với những ngưòi mình thương yêu. Dường như đang gia tăng những chán chường trong những giao du tình dục tiền hôn nhân và trong việc phá thai, cũng như có sự gia tăng mối quan tâm phải giảm thiểu cả hai thứ. Nhiều người đã bắt đầu thấy rằng cần phải kêu gọi nhiều hơn nữa để ngày càng có nhiều chương trình tốt đẹp hơn về giáo dục tính dục, cũng như cho thấy rằng giải pháp thoả đáng không nằm trong việc khuyến khích ngừa thai tối đa. Đúng hơn, cần có sự hiểu biết thông suốt hơn về mối tương quan giữa phái tính, tình yêu, hôn nhân và con cái. Đó chính là kiến thức mà Kitô giáo có thể cung ứng được.

BA SỰ THẬT VỀ DỤC TÍNH

Ta thử tập trung vào ba chân lý nền tảng về dục tính đã được nhấn mạnh rất nhiều trong toàn bộ truyền thống Kitô giáo, đó là:

(1) hôn nhân là môi trường duy nhất xứng hợp cho sinh hoạt tình dục;

(2) hôn nhân phải thủy chung thì tình yêu vợ chồng mới tiến triển được;

(3) con cái là món quà tặng lớn lao dành cho bậc làm cha mẹ.

Tại sao sự kết hợp phái tính lại chỉ nên xẩy diễn trong vòng hôn nhân mà thôi? Thật khó mà chối cãi rằng các quan hệ tình dục thì tạo ra những mối dây mãnh liệt giữa các cá nhân, ngay cả giữa những ai không hề ước muốn những sợi dây như thế. Những ai có giao hợp tình dục với nhau thì đã cùng dấn thân trong một hành động nói lên một cam kết sâu xa với nhau. ĐGH Gioan Phaolô gọi đây là “ngôn ngữ của xác thân.” Theo ngài, cũng như ngôn ngữ, các hành động của thân xác cũng mang các ý nghĩa, do đó, trừ khi không muốn nói lên ý nghĩa bằng các hành động của mình, thì đừng nên hành động cũng y như ta không nên nói điều mà ta không muốn ám chỉ. Trong cả hai trường hợp đều là nói láo hết. Kết hợp tình dục là muốn nói: “Anh/em thấy em/anh đầy quyến rũ”; “Anh/em muốn em/anh dược hạnh phúc”; “Anh/em muốn có mối dây thật khắng khít với em/anh.” Một số người khi có giao hợp tình dục với nhau đã không muốn ám chỉ điều ấy bằng hành động của mình; họ chỉ muốn sử dụng người kia để thỏa mãn khoái lạc dục vọng của mình. Họ đã dùng thân xác mình để nói láo y như ai đó nói rằng “Anh/em yêu em/anh” mà chỉ nhằm mục đích đạt đến một điều gì đó mình đang muốn nơi người kia.

Thế nhưng vẫn có người có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân mà cứ cho rằng hành động của mình mang đầy đủ ý nghĩa mà sự kết hợp phái tính mang lại, và vì thế, họ đang nói láo bằng chính thân xác mình. Lại nữa, họ cũng đang “hứa cuội,” bởi vì giao hợp dục tính ngoài hôn nhân thì không thể nào hoàn thành được những lời hứa mà các hành động xác thân nói lên. Họ chẳng hề sửa soạn để làm tròn lời hứa là mang lại hạnh phúc cho ngưòi kia, hoặc để hoàn tất mối dây khắng khít với người ấy. Phải dành trọn cả một đời mới mong thực hiện được những điều vừa nói, chứ đâu phải vài ba cuộc gặp gỡ là làm được ngay. 

Do đó, việc Kitô giáo nhấn mạnh đến chuyện dành riêng kết hợp phái tính cho hôn nhân là muốn biện minh rằng các quan hệ tình dục mang ý nghĩa bộc lộ niềm khao khát về một tương quan sâu đậm và đầy cam kết với người khác. Môt tương quan như thế chỉ có thể xây dựng được trong vòng hôn nhân, bởi vì hôn nhân được xây dựng trên một lời nguyền trung thành với người mình yêu. Thánh Kinh, nhất là Cựu Ước, liên tục lên án tội ngoại tình. Hôn nhân thủy chung được dùng như mẫu mực cho mối tương quan mà Dân Thiên Chúa phải có với Thiên Chúa. Ai không trung thành với Thiên Chúa thì chẳng khác gì những kẻ ngoại tình. Sách Châm Ngôn và toàn bộ các sách khôn ngoan đều nặng lời lên án người vợ/chồng bất trung. Vợ chồng nào mà không tuyệt vọng khi nghe tin người yêu của mình đang hướng đến một kẻ khác, nói gì đến chuyện vợ chồng đã bất tín bất trung thực sự. Chung thủy là yếu tố thiết yếu tạo ra mối tương quan tin tưởng vốn là nền tảng cho mọi thiện hảo xuất phát từ hôn nhân.

Ta nói lên lời thề hôn phối bởi vì ta biết rằng mình dễ đầu hàng khi chông gai bắt đầu giăng lối; ta biết rằng tình yêu rồi cũng sẽ phai tàn. Nói chung thì xã hội vẫn còn qúy trọng hôn nhân. Dầu sao chăng nữa, trong một thời đại mà ít có áp lực luân lý chống lại lối sống chung chạ ngoài hôn nhân, phần đông vẫn còn sẵn sàng chọn lựa nói lên lời hôn ước. Đôi tân hôn biết rằng hôn ước giúp họ biểu lộ và hữu hiệu hóa lời cam kết trao hiến cho nhau. Thế nhưng, nhìn vào con số những cuộc hôn nhân vỡ đổ vì ly dị, ta thấy rõ là xã hội tân tiến rốt cuộc chẳng coi trọng gì những lời hôn ước, và các cặp tân thời chẳng hề chuẩn bị kết hôn cũng chẳng hề sẵn sàng giữ lời hôn ước ấy.

Nguyễn Kim Ngân
(VietCatholic)