Ơn gọi hôn nhân
ƠN GỌI HÔN NHÂN
Câu chuyện hy hữu sau đây được cặp vợ chồng Anthony và Martha kể lại cho báo Inside The Vatican: Đức Hồng Y Joseph Ratzinger bây giờ là Đức Giáo Hoàng Beenedicto XVI, thực sự là người như thế nào?
“Đối với thế giới, Ngài là con người nổi tiếng, còn đối với chúng tôi ngài là người đã cử hành lễ cưới cho chúng tôi tại đền thờ Thánh Phêrô ngày 24 tháng 6 năm 2004, nghĩa là chỉ 10 tháng trước khi Ngài trở thành Giáo Hoàng Benedicto XVI.
“Đối với thế giới, Ngài là con người nổi tiếng, còn đối với chúng tôi ngài là người đã cử hành lễ cưới cho chúng tôi tại đền thờ Thánh Phêrô ngày 24 tháng 6 năm 2004, nghĩa là chỉ 10 tháng trước khi Ngài trở thành Giáo Hoàng Benedicto XVI.
Còn chúng tôi là ai? - Chỉ là hai sinh viên bình thường, gặp nhau cách đây 3 năm tại bậc thềm của ngôi giáo đường ở Rô ma sau khi dự lễ xong.
Vào tháng hai năm 2004, chúng tôi dự thánh lễ hàng tuần do Đức Hồng Y Josheph Rtazinger chủ tế vào lúc 7 giờ sáng tại nguyện đường Campo Teutonico trong nội thành Vatican .
Sau thánh lễ ĐHY Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo Lý và Đức Tin trong phẩm phục Hồng y niềm nở đón chào và chuyện vãn với đám đông. Họ từ khắp nơi trên thế giới đến và ai cũng náo nức được gặp Ngài.
Ngài có cách xử sự như người trong gia đình, đồng thời cũng có cách cư xử như mục tử chăn dắt đoàn chiên.
Đến gặp Đức Hồng y, chúng tôi tự giới thiệu với Ngài, hôn nhẫn, sau đó nói vài câu chuyện vui. Bỗng nhiên tôi buộc miệng hỏi Ngài:
- Xin Đức Hồng y cho chúng con một ơn huệ? Ngài kiên nhẫn chờ tôi nói tiếp:
- Đức Hồng y có thể cử hành lễ cưới cho chúng con được không?
- Để cha xem, cha có thể làm được gì cho chúng con. Sao chúng con không viết cho cha lá thư báo ngày và giờ các con cử hành lễ cưới?
- Vâng, Thưa Đức Hồng y đây ạ, chúng con đã chuẩn bị sẵn chương trình.
Một tuần sau Martha nhận được phong thơ do Bộ Giáo Lý và Đức tin gửi. Chúng tôi mở ra. Trời đất ơi! Mừng quá! ĐHY đã nhận lời!
Vài tháng sau, trước khi cưới vài ngày, theo lời yêu cầu của Đức Hồng y, vị thư ký đã sắp xếp cho chúng tôi gặp Ngài vì muốn biết rõ hơn về chúng tôi. Vị thư ký có trách nhiệm căn dặn:
Nhớ là chỉ được gặp Đức Hồng y trong vòng 10 phút thôi vì Ngài bận rộn lắm. Tôi có trách nhiệm phải giữ đúng thời khoá biểu của Ngài
Cửa văn phòng mở, chúng tôi bước vào, Ngài đón tiếp chúng tôi thật niềm nở. Chúng tôi mừng rỡ quá, cuối cùng được Ngài tiếp hơn 30 phút.
Điều chúng tôi nhận thấy ngay trong câu chuyện tiếp xúc với Ngài hay khi Ngài cử hành thánh lễ là không hề thấy dáng dấp trí thức cao vợi của một thiên tài, mà chỉ thấy nơi Ngài sự đơn sơ khiêm tốn và thánh thiện.
Hai ngày sau khi gặp Đức Hồng y chúng tôi cử hành lễ thành hôn, lòng tràn đầy hạnh phúc vì được lãnh nhận Bí Tích hôn phối, được muôn đời kết hiệp với nhau trong Chúa Kitô. Tất cả được diễn ra trong Kinh Thành Muôn Thuở, trong trái tim của Giáo Hội và từ một vị mà trái tim của Ngài bừng cháy vì lòng yêu mến Đức Kitô cách sâu xa.
Điều gì đã làm cho vị chức sắc bậc nhì Giáo Hội, sau Đức Giáo Hoàng, đã “đồng ý” để cử hành lễ cưới cho một cặp trai gái mà Ngài không hề biết là ai?
Và trong lễ cưới điều gì đã khiến Ngài dành nửa tiếng đồng hồ để giảng trong lúc người ta nghĩ Ngài có thể giảng ngắn hơn vì Ngài còn bận rộn nhiều trách nhiệm nặng nề khác.
Và hơn thế nữa, điều gì đã khiến Ngài tặng cho cho chúng tôi một cuốn sách có ký tên Ngài làm quà lưu niệm cho ngày cưới?
Chính chúng tôi đã tự hỏi những câu hỏi này nhiều lần và trong thâm tâm chúng tôi chỉ có một câu trả lời duy nhất là vì Tình Yêu. Một con người có tình yêu thắm thiết với Chúa Kitô đến nỗi chính ngài đã trở thành Người Yêu Của Những Người Yêu.
Và đó là tất cả sự thật về con người Ratzinger mà chúng tôi được biết”.
(Anthony và Martha)
Anh chị thân mến!
Đôi vợ chồng trẻ Anthony và Martha ngập tràn niềm vui và hạnh phúc nên đã đặt cho Đức Giáo Hoàng một danh hiệu: “Người Yêu Của Những Người Yêu.”
Vâng, chính tình yêu đã khiến Đức Giáo Hoàng cho dù rất bận công việc mà vẫn nhận lời cử hành lễ hôn phối cho một đôi bạn trẻ chưa một lần quen biết.
Chính tình yêu đã dẫn đôi trai gái đang yêu mạnh dạn xin Đức Giáo Hoàng chứng hôn trong thánh lễ hôn phối trọng đại của mình.
Chính tình yêu đã kết nối họ với nhau suốt đời trong Bí Tích Hôn Phối mà chúng ta gọi đó là Ơn gọi hôn nhân. Để từ nay họ hoàn toàn thuộc về nhau. Vì thế, Thánh Phaolô đã quả quyết: “Thân xác của người vợ không thuộc về vợ, nhưng thuộc về chồng và thân xác của chồng cũng không còn là sở hữu của chồng mà là sở hữu của vợ” (1Cr7,4)
Thật vây, tất cả chúng ta, khi đến trần gian, đều có một ơn gọi đặc biệt, là trở nên thánh. Nhưng mỗi người lại có một bậc khác nhau. Vì thế, việc nên thánh của mỗi bậc cũng khác nhau. Có người sống trong độc thân. Có người sống trong bậc tu trì, đó là Ơn gọi Dâng Hiến, và đa số sống trong bậc vợ chồng, đó là ơn gọi Hôn Nhân. Tông Huấn về Gia đình đã quả quyết: “Hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực” (FC 66)
Hôn nhân là một ơn gọi, vì trong đó hai người tình nguyện gắn bó giúp nhau nên thánh. Thánh hoá bản thân và thánh hoá lẫn nhau. Cố gắng làm cho gia đình mình thành gia đình thánh.
Hôn nhân là một ơn gọi, vì trong đó hai người yêu nhau thắm thiết, để minh hoạ cho tình yêu cao đẹp và mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội Thánh.
Hôn nhân là một ơn gọi, vì hai người yêu nhau được Thiên Chúa trao nhiệm vụ kiến tạo một thế giới nồng nàn tình yêu và chứa chan hạnh phúc.
Hôn nhân là một ơn gọi, vì hai người yêu nhau được Thiên Chúa trao trách nhiệm, là giáo dục con cái trở nên những con người thánh thiện của Thiên Chúa.
Chính vì thế mà Tông Huấn Gia Đình đã xác định: “Nhờ Bí Tích Hôn Nhân, sứ mạng giáo dục được nâng lên thành phẩm giá,và ơn gọi của một thừa tác vụ đích thực trong Hội Thánh” (FC 38)
Như vậy trách nhiệm này là bắt nguồn từ ơn gọi của đôi bạn là tham dự vào công việc sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa, là chia sẻ và thông phần vào sứ mệnh làm Cha của Người. Trách nhiệm nặng nề, nhưng với tình yêu lại trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustino quả quyết: “Ubi amatur, non laboratur, Silaboratur labor amatur”. Nghĩa là ở đâu có yêu thương ở đó chẳng còn lao nhọc, mà giả có lao nhọc thì lao nhọc cũng biến thành yêu thương.
Để chu toàn ơn gọi này, Chúa Kitô đã hứa ban những ơn cần thiết cho vợ chồng qua tình yêu mà họ trao cho nhau, qua kinh nghiệm và các bí tích, nhất là Bí tích Hoà Giải để họ vượt qua những lỗi lầm trong tương quan vợ chồng và trong trách nhiệm làm cha mẹ. Đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, giúp họ luôn kết hiệp với Chúa và hiệp thông với nhau.
Anh chị thân mến!
Ơn gọi cao trọng của anh chị đã được Thiên Chúa trao ban, và phương thế để chu toàn ơn gọi của Người đã gửi tới. Như trái đất phải cần mặt trời thế nào, thì tâm hôn con người cũng cần đến Thiên Chúa như vây.
Qua Bí tích Hôn phối, anh chị đã trao ban và đón nhân trọn vẹn cho nhau. Đúng như lời Giáo sư Rosalind Cherian: “Tình yêu hôn nhân là một trao hiến trọn vẹn con người mình cho người kia và đón nhận trọn vẹn con người của họ” . Trao ban và đón nhận tình yêu là để nương tựa lẫn nhau, cùng nhau bước đi trên con đường hạnh phúc:
“Xét ra trong đạo vợ chồng
Cùng nhau nương tựa cậy nhờ nắng mưa”
Chúc anh chị hoàn thành sứ vụ cao cả là mang tình yêu Chúa đến cho nhau, cho con cái của anh chị và để gia đình anh chị luôn sống trong tình yêu và hạnh phúc của Người.
“Trăm năm hạnh phúc trần gian
Ngàn năm hạnh phúc thiên đàng vinh quang”