NHỮNG HÀNG RÀO TỐT TẠO NHỮNG HÀNG XÓM TỐT

NHỮNG HÀNG RÀO TỐT TẠO NHỮNG HÀNG XÓM TỐT

 

NHỮNG HÀNG RÀO TỐT TẠO NHỮNG HÀNG XÓM TỐT

 

Robert Frost đã từng nói, “những hàng rào tốt tạo những hàng xóm tốt.” Điều này dường như thể  tránh cho người khác không xâm phạm vào không gian cá nhân của ta, nhưng đồng thời hàng rào cũng thông tri cho biết những ai và cách thức ta muốn cho họ bước vào.

Các lọai hàng rào mà chúng ta xây dựng thường phụ thuộc vào những hàng rào mà người khác đã xây dựng gần bên ta, đặc biệt là những người mà họ đã xây dựng không tốt. Chúng ta cần phải nhận ra và tôn trọng hàng rào của họ, nếu chúng ta mong đợi họ cũng ý thức và tôn trọng hàng rào của chúng ta. Cũng đúng như thế đối với những ranh giới (boundaries). Những  ranh giới cá nhân lành mạnh tạo nên những tương quan lành mạnh.

Ranh giới cá nhân là gì?

Một ranh giới cá nhân có thể được mô tả như là khỏang không gian quanh ta (thể lý và cảm xúc) đánh dấu nơi cá nhân ta kết thúc và người khác bắt đầu. Những ranh giới nhằm hướng dẫn chúng ta cách thức để ta tác động trên người khác và cách thức để người khác tác động trên cá nhân ta. Thí dụ: ranh giới cảm xúc là mức độ mà căn cứ vào đó chúng ta cho phép những trạng thái cảm xúc của ngừơi khác ảnh hưởng trên chính bản thân ta.

Những ranh giới thường rơi vào một trong ba mức độ lỏng lẻo, cân bằng, hay cứng nhắc. Những cá nhân với những ranh giới lỏng lẻo có khuynh hướng quá gần gũi và lệ thuộc vào ngừơi khác. Họ thường cậy dựa nhiều vào những ý kiến của ngừơi khác, thỏa hiệp giá trị của chính họ để tránh xung đột, mau chóng chia sẻ thông tin riêng tư, và thật khó để trả lời “không”.

Những cá nhân với những ranh giới cứng nhắc có khuynh hướng giữ mọi ngừơi trong tầm tay.  Họ hiếm khi chia sẻ những thông tin riêng tư, bày tỏ những cảm nghĩ hoặc ngỏ lời xin giúp đỡ. Những ngừơi có ranh giới hoặc là lỏng lẻo, hoặc là cứng nhắc thường phải vật lộn để đạt được nhu cầu của họ trong những cách thức trực tiếp hay lành mạnh.

Những ranh giới của chúng ta sẽ phải cân bằng và linh động để chúng ta có thể thích ứng với những mối tương quan và điều chỉnh chúng khi những mối tương quan thay đổi. Lọai và độ sâu đậm của mối tương quan, và mức độ của sự tin tưởng ảnh hưởng đến mức độ của thái độ cởi mở. Những ranh giới cũng thay đổi  tùy theo vai trò giữa các cá nhân với nhau. Ranh giới sẽ khác biệt giữa những ngừơi bạn, giữa những thành viên trong gia đình, và giữa những ngừơi đồng nghiệp. Chúng ta thường có những ranh giới khác nhau nhằm đến cho chính bản thân ta và trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.

Những trách nhiệm và những rủi ro

Giám sát và duy trì những ranh giới lành mạnh là việc quan trọng cụ thể cho các linh mục và tu sỹ. Vai trò chuyên nghiệp của họ tạo cho họ cả về đặc quyền cũng như trách nhiệm trong họat động với giáo dân và những ngừơi khác qua những cách thức cá biệt. Tính năng động độc đáo này có thể gây nên sự mất quân bình về quyền lực và gây tổn thương cho giáo dân, vì lẽ đó nó đòi hỏi các giáo sỹ một trách nhiệm đạo đức rất cao để bảo vệ những ranh giới lành mạnh. Ơn gọi cũng đặt họ trong những mối tương quan mà thường xuyên lẫn lộn giữa vai trò cá nhân và vai trò của nhà chuyên nghiệp. Những vai trò chồng chéo, phức tạp làm gia tăng nguy cơ rủi ro cho sự vi phạm những ranh giới - cho dẫu cố ý hay không.

Ơn gọi của họ được giả định một sự cam kết mạnh mẽ để xả thân và sống một cuộc sống phục vụ mọi người bằng thời gian, sức khỏe, tri thức, tình cảm, niềm tin… Điều này có thể dẫn đến một khuynh hướng thái quá đến độ quên cả những nhu cầu thiết yếu của chính bản thân mình, gia tăng nguy cơ cạn kiệt cả về thể lý lẫn cảm xúc.

Những dấu chỉ nguy hiểm tinh tế

Như các công việc khác, chúng ta có quy tắc ứng xử cho các giáo sỹ và các nhân viên làm việc trong các giáo xứ nhằm giúp họ xác định và ngăn chận những xâm phạm ranh giới nghiêm trọng. Tuy nhiên, những “xé rào” nghiêm trọng thường có nguồn gốc từ những lần “xé rào” hết sức tinh tế đã được lặp đi lặp lại nhiều lần. Những lần xâm phạm ranh giới tinh tế có thể gây ra những hậu quả không rõ ràng, thậm chí những xâm phạm này cũng chẳng vượt lằn ranh của những chuẩn mực về đạo đức và pháp lý. Để ngăn chận những xâm phạm ranh giới đòi hỏi chúng ta phải trung thực và không ngừng phải phản tỉnh về chính bản thân mình. Marilyn Peterson đã xác định bốn dấu chỉ nguy hiểm tiềm tàng tiến triển hành vi xâm phạm ranh giới. Chúng bao gồm những tình huống trong đó: (1) vai trò bị đảo ngược (thí dụ: thay vì Cha Sở chăm sóc cho giáo dân, giáo dân lại quá săn sóc Cha Sở); (2) một sự ràng buộc đôi bên xuất hiện (thí dụ: “bánh ít đi, bánh quy lại”); (3) liên quan đến một bí mật nào đó (thí dụ: Trưởng ban giáo lý của giáo xứ biết đuợc một bí mật gì đó, hệ quả là anh ta có thế thượng phong bất cân đối); (4) và lạm dụng những đặc quyền trong chức vụ, nghề nghiệp (thí dụ: cha sở dùng quyền để đạt được một nhu cầu cá nhân) (cf. At Personal Risk: Boundary Violations in Professional-Client Relationships).

Thiết lập một ranh giới lành mạnh

-         Cần xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh. Quan tâm đến việc tự chăm sóc những nhu cầu thiết yếu: nghỉ ngơi đầy dủ, dinh dưỡng, và tập thể dục. Duy trì những mối tương quan bạn hữu bên ngòai những công việc mục vụ.

-         Giữ tầm nhìn của một nhà chuyên môn. Luôn phản tỉnh về những ranh giới thích hợp dành cho những mối tương quan trong mục vụ.

-         Tìm kiếm sự nâng đỡ. Hãy tìm đến với một đồng nghiệp trưởng thành hay nhóm giám sát thường xuyên. Tạo giá trị của bản thân mà người khác có thể nhận ra được, và sẵn sàng thảo luận những vấn đề tiềm ẩn. Thực hiện việc linh hướng và tính đến cả những buổi thảo luận về những mối tương quan phức tạp với giáo dân.

-         Nhận định về những giới hạn và điểm yếu của bản thân cả về mặt thể lý, cảm xúc, và tâm linh. Dựa trên quá khứ lịch sử cuộc đời của chính bạn, xác định những lọai ranh giới đặc biệt dễ gây thách đố cho bạn để có sự cảnh giác và xử lý.

-         Quan tâm nhiều đến những cảm xúc. Đó có thể là những dấu hiệu chỉ cho thấy những ranh giới phải lưu ý. Thí dụ người ta cảm thấy phẫn uất khi cố gắng để đạt được những kỳ vọng thiếu thực tế, hoặc cảm thấy khó chịu khi một ai đó “vượt rào” để rồi quá gần gũi về mặt thể lý hay tình cảm.

Duy trì những ranh giới lành mạnh sẽ giúp cho chúng ta và cả người khác cảm thấy an tòan, đẩy mạnh thế cân bằng trong cuộc sống, và phân định rõ giữa công việc với cuộc sống riêng của mỗi chúng ta. Điều này đòi hỏi một cam kết chân thật liên tục trong việc tự phản tỉnh chính mình, có trách nhiệm và những biện pháp đề phòng.

 

Joseph DNH (dịch từ bài viết của bác sỹ Sam Stodghill, Psy.D.)