NHÂN VỊ NÊN TRỌN HẢO NHỜ PHỤC SINH

NHÂN VỊ NÊN TRỌN HẢO NHỜ PHỤC SINH

1. «Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời» (Mt 22,30; tương tự Mc 12,25). «Họ ngang hàng với các thiên thần, và là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại» (Lc 20,36).

Chúng ta thử tìm hiểu những lời này của Đức Kitô, những lời nói về sự phục sinh tương lai, để từ đó rút ra một kết luận về sự tâm linh hóa con người, khác với tinh thần thế gian. Ở đây, người ta cũng có thể nói đến một hệ thống sức mạnh hoàn hảo trong các tương quan giữa những gì thuộc tâm linh và những gì thuộc thể xác trong con người. Con người «lịch sử», sau tội nguyên tổ, kinh nghiệm hệ thống sức mạnh này rất bất toàn, về điều này thánh Phaolô đã diễn tả với những lời nổi tiếng sau đây: «Trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lí trí» (Rm 7,23).

Con người «cánh chung» thì sẽ thong dong đối với lực «đối kháng» này. Trong tình trạng phục sinh, thân xác sẽ quay về với sự thống nhất trọn vẹn và hài hòa với tinh thần, không còn cảm thấy trong con người mình sự đối nghịch giữa tinh thần và thể xác nữa. «Tâm linh hóa» không chỉ có nghĩa là tinh thần làm chủ thể xác, nhưng có thể nói là, tinh thần thấm ngập thể xác, những sức mạnh của tinh thần thấm vào các năng lực của thể xác.

2. Trong cuộc sống trần gian, việc tinh thần làm chủ thân xác – và đồng thời thể xác chịu phục tùng tinh thần – có thể, như kết quả của một nỗ lực kiên trì nơi bản thân, diễn tả một nhân cách trưởng thành về tâm linh. Thế nhưng, việc các năng lực tinh thần khống chế được sức mạnh thể xác không phải là không còn khả năng chúng đối kháng nhau nữa. «Tâm linh hóa» mà các Phúc âm nhất lãm ám chỉ tới trong các bản văn ta phân tích ở đây (Mt 22,30; Mc 12,25; Lc 20, 34-35) đã ở ngoài khả năng đối kháng ấy rồi. Đó là tình trạng một tâm linh đã nên trọn hảo, hoàn toàn không còn khả năng có «một luật khác chiến đấu chống lại luật của... lí trí» (x. Rm 7,23). Tình trạng đó dĩ nhiên khác (không chỉ về mức độ) về cơ bản với tình trạng ta đang sống ở thế gian, nhưng không hề có nghĩa là vứt bỏ thân xác này («phi nhập thể»), như thế là «phi nhân hóa» con người. Mà đúng hơn, ngược lại, đó là «thể hiện» hoàn hảo của tình trạng này. Quả thật, trong hữu thể phức hợp tâm-thể-lí như con người, sự hoàn hảo không hệ tại nơi sự đối kháng giữa tinh thần và thể xác, nhưng nơi một sự hài hòa sâu xa giữa hai yếu tố đó, và giữ được ưu thế của tinh thần. Ở «đời sau», ưu thế đó sẽ được thể hiện và được bộc lộ ra cách hoàn toàn tự phát, không hề có một chút đối kháng nào từ phía thể xác. Thế nhưng, không nên hiểu điều đó như một «chiến thắng» cuối cùng của tinh thần trên thể xác. Phục sinh là tình trạng tất cả những gì thuộc thể xác nơi con người sẽ tham dự hoàn toàn vào phần tinh thần của nó. Đồng thời, ngã vị tính nơi con người sẽ được thực hiện hoàn hảo.

3. Những lời lẽ trong Phúc âm nhất lãm xác nhận rằng tình trạng của con người ở «đời sau» không chỉ là đạt được mức tâm linh tuyệt hảo,  mà còn là một tình trạng nhân tính căn bản được «thần hóa». «Con cái của sự sống lại» – như trong Lc 20,36 – không chỉ «giống như các thiên thần», mà còn là «con cái của Thiên Chúa». Người ta có thể từ đó rút ra kết luận rằng mức độ tâm linh của con người «cánh chung» vốn bắt nguồn từ tình trạng họ được «thần hóa», hoàn toàn siêu vượt mức tâm linh mà họ đạt được trong đời sống trần gian. Ở đây, cần phải nói thêm rằng đó không chỉ là một cấp độ khác, nhưng theo một nghĩa nào đó đấy là một loại «thần hóa» khác. Đó là tình trạng con người bấy giờ được thông dự vào bản tính của Thiên Chúa, được thông dự vào đời sống nội tại của chính Thiên Chúa, thực tại nhân linh được thấm nhập sâu xa bởi thực tại có yếu tính thần linh, đạt tới đỉnh cao của nó, nhờ đó đời sống tâm linh của con người đạt tới tầm mức viên mãn mà trước đó nó tuyệt đối không thể có được. Như thế, tình trạng tâm linh hóa mới này là hoa quả của ân sủng, nghĩa là Thiên Chúa tự thông ban trong chính thần tính của mình, không chỉ cho linh hồn nhưng cho toàn thể con người như một chủ thể tâm-thể-lí. Ở đây, chúng ta nói đến «chủ thể» (chứ không chỉ nói về «bản tính»), bởi vì sự «thần hóa» ấy cần được hiểu không chỉ như một «tình trạng thấp kém hơn» của con người (tức là của chủ thể) có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa «diện đối diện», mà còn như là toàn thể chủ thể nhân vị của con người được hình thành mới. Điều đó xảy ra ở tầm mức kết hiệp với Thiên Chúa trong mầu nhiệm ba ngôi, và sống thân mật với Người trong sự hiệp thông trọn vẹn với các ngôi vị. Sự thân mật này – với tất cả mức độ đậm sâu chủ quan nhất – cũng không làm mất hút chủ vị tính của con người, mà đúng hơn, ngược lại, còn làm cho nó lớn lên và viên mãn hơn vô cùng.

4. Việc «thần hóa» ở «đời sau» mà Đức Kitô ám chỉ sẽ mang đến cho tâm linh con người một «chuỗi những kinh nghiệm» về chân lí và tình yêu mà con người chưa bao giờ biết đến trong cuộc sống trần gian. Khi Đức Kitô nói về sự phục sinh, Người đồng thời cho thấy rằng cả thân xác con người, theo cách của nó, cũng tham dự vào kinh nghiệm cánh chung này về chân lí và tình yêu cùng với thị kiến Thiên Chúa «diện đối diện». Khi Đức Kitô nói những ai sẽ dự phần vào cuộc phục sinh tương lai «sẽ không còn lấy vợ lấy chồng» (Mt 12,25), những lời của Người, như đã nêu nhận xét trước đây, khẳng định không những sự chấm dứt của lịch sử trần gian, cùng với điều ấy hôn nhân và sinh sản cũng chấm  dứt, mà dường như còn mạc khải ý nghĩa mới của thân xác. Trong trường hợp này ta có thể nghĩ – ở bình diện cánh chung Kinh thánh đến sự khám phá ý nghĩa «hôn phối» của thân xác, nhất là như ý nghĩa «trinh khiết» của thân xác người nam và người nữ, hay chăng? Để trả lời cho câu hỏi (nảy sinh từ các đoạn Phúc âm nhất lãm) này, ta cần đi sâu hơn vào chính bản chất của phúc lành hưởng kiến Thiên Chúa, nhìn thấy Chúa «diện đối diện», trong đời sống tương lai. Cũng cần để cho «chuỗi những kinh nghiệm» về chân lí và tình yêu đó hướng dẫn, đó là những kinh nghiệm vốn vượt quá những giới hạn của các khả năng trí thức và tâm linh của con người trong đời tạm này, và là kinh nghiệm mà ta sẽ được tham dự vào «đời sau».

5. «Kinh nghiệm cánh chung» về Thiên Chúa Hằng Sống ấy tập trung không những vào toàn thể các năng lực tâm linh của con người, nhưng đồng thời còn mạc khải cho ta biết, cách sinh động bằng kinh nghiệm, việc Thiên Chúa «tự thông ban mình» cho toàn thể thụ tạo, và nhất là cho con người, như thế nào. Đó là: sự tự trao hiến (trong chính thần tính của Ngài) cách cá vị nhất của Thiên Chúa cho con người, là loài thụ tạo mà tự thuở ban đầu đã mang trong mình hình ảnh giống như Ngài. Bởi thế, ở «đời sau» đối tượng của sự «hưởng kiến» sẽ là mầu nhiệm ẩn dấu tự muôn thuở nơi Chúa Cha, mầu nhiệm ấy đã được mạc khải trong thời gian trong Chúa Kitô, không ngừng được thực hiện bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm ấy sẽ trở thành (nếu có thể nói được như vậy) nội dung của kinh nghiệm cánh chung và là «mô thể» của toàn thể cuộc sống con người trong chiều kích «đời sau». Sự sống đời đời cần phải được hiểu theo nghĩa cánh chung học, tức là, như một kinh nghiệm viên mãn và hoàn hảo về ân sủng ( = charis) Thiên Chúa. Con người được tham dự vào kinh nghiệm ấy là nhờ đức tin mình sống suốt hành trình trần gian, và được mạc khải không chỉ cho những ai tham dự vào «đời sau» trong mức độ sâu sắc nhất, nhưng ân sủng ấy còn được kinh nghiệm trong thực tại vinh phúc của nó.

Chúng ta tạm dừng suy tư về lời Đức Kitô nói về sự phục sinh tương lai của thân xác ở đây. Trong sự «tâm linh hóa» và «thần hóa» này, điều mà con người sẽ được tham dự khi sống lại, chúng ta khám phá – trong chiều kích cánh chung – chính những đặc tính diễn tả ý nghĩa «hôn phối» của thân xác. Chúng ta khám phá ra nó trong cuộc gặp gỡ mầu nhiệm Thiên Chúa Hằng Sống, đượcmạc khải nhờ thị kiến «diện đối diện» với Thiên Chúa.

 Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch