Người công giáo và đời sống gia đình
NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
Để bắt đầu bài này, cho phép chúng tôi đặt một câu hỏi: Ông (Bà) mong muốn gì nhất cho con cái?
Dĩ nhiên mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau.
Có người bảo: “Cháu nó sẽ làm xướng ngôn viên truyền hình”.
Người khác lại bảo: “Tôi mong cháu sẽ làm một kế toán viên tài ba”.
Mỗi người một ước mơ tốt đẹp cho con cái. Thôi chúng ta tạm khép lại câu chuyện này và hãy tưởng tượng ra một bà tiên hiện ra đề nghị với quí ông quí bà thế này:
Ta sẽ ban cho ngươi hai bình nhiệm mầu. Bên trong chứa đựng những món quà quí hiếm. Ngươi được chọn 3 món quà cho con mình. Chỉ ba món thôi nhé. Trước khi chọn, ta đưa ra một điều kiện duy nhất là: cả 3 món ngươi chọn phải nằm trong cùng một bình đấy. Nào bây giờ ngươi chọn gì, bỏ gì ?
Bây giờ chúng ta hãy ghé mắt xem hai cái bình nhé. Một cái bình bằng hồng ngọc đỏ chói chứa đựng nào là sắc đẹp, sức khỏe, tài lộc, hạnh phúc, quyền lực, danh tiếng, sống lâu. Bình bọc bằng pha lê xanh biếc, trong đó thấp thoáng những kiên nhẫn, tử tế, đại lượng, hòa nhã, tự trọng, cảm thông, nhẫn nại, khoan dung , chịu dựng, lương thiện, chân thực , trung tín.
Bạn chọn 3 món quà nào đây? Nhớ nhé, cả 3 món đều phải trong một bình thôi đấy !
Trong khi chọn lựa, nhiều vị phụ mẫu cũng có lắm nhận định khác nhau:
Ông Bà A có thể nhìn vấn đề như thế này :
- “Chúng tôi chọn 3 món trong bình đỏ : sức khỏe dồi dào, tiền tài sung túc và có nhiều quyền thế”
- “Chúng tôi muốn con trai chúng tôi sau này đi theo con đường chính tr . Mà đó là 3 thứ mà chúng tôi thiết tưởng nó sẽ cần nhất.”
Ông Bà B có thể nghĩ như thế nầy:
- “Chúng tôi chọn cho con cái 3 món trong bình màu xanh vì những thứ trong đó xem ra sẽ mang lại hạnh phúc cho một con người hơn là những món trong bình màu đỏ “
- “Nên chi , chúng tôi chọn “Lòng tốt, tự trọng, trung thực”.
Ông Bà C lại nghĩ khác:
- “Chúng tôi chọn 3 món trong bình màu đỏ: Thể hình Thẩm Mỹ (Sắc), An toàn Tài Chính (Lộc) và Sức Khỏe dồi dào (Thọ )”
- “Tại sao chúng tôi không xin bà tiên những món trong bình xanh? Vì chúng tôi nghĩ chính mình làm cha làm mẹ phải tặng cho con cái những món quà ấy.
- Và cũng vì những món trong bình đỏ vuợt quá “tầm tay” chúng tôi, nên chúng tôi đành “nhờ vả” bà tiên giúp cho con cái chúng tôi vậy”.
Còn Ông Bà theo quan điểm nào?
Có lẽ Ông Bà cũng thấy là quan điểm của Ông Bà C là “tối ưu” . Những món trong bình đỏ vượt tầm kiểm soát của con người, còn những món trong bình xanh thì không. Cha mẹ có thể nhờ việc chăm sóc, ảnh hưởng và gương tốt của mình để xây nền cho con cái biết cách tự hình thành những báu vật chứa đựng trong chiếc bình màu xanh đó.
Đó là lý do tại sao Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của đời sống gia đình. Một gia đình hạnh phúc và ổn định sẽ cung cấp cho con cái một bầu khí thuận lợi để học hỏi sống tương giao với tha nhân: quan tâm, chia sẻ, yêu thương và tha thứ.
Nói cách khác, những hành trang thực sự trong đời con cái không do nhà trường hay do nhà thờ cung cấp, mà là do gia đình chuẩn bị thu xếp ngay từ đầu. Chính trong gia đình, con cái biết mình được yêu thương và được đón nhận như thế nào. Qua đó hình thành những nét chính yếu về chính bản thân, về mối tương quan giữa chúng và với người khác và với Thiên Chúa.
Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con cái. Nhiệm vụ này không bao giờ chấm dứt. Cha mẹ không thể và không bao giờ có thể thoái thác đuợc vai trò trách nhiệm này. Bất cứ làm gì, nói gì cũng đều “đập” vào tai mắt con cái và đều để lại một ấn tượng nào đó, tốt có mà xấu cũng có. Con cái nghĩ thế nào về những lời như thế này:
“Bảo với mẹ mày là tao đi vắng nghe chưa !”
“Về bảo thằng bố mày cứ đi đâu cho khuất mắt, đừng vác xác về đây làm gì cho mệt”.
Cái cung cách bố mẹ nói chuyện hay cư xử với nhau, cách dàn xếp chuyện bất hòa, cách đối xử khoan dung, tha thứ đều hết sức quan trọng. Ngoài ra, gia đình còn là nơi dậy dỗ nhiều điều quan trọng hơn, đặc biệt là nơi hun đúc lòng đạo. Người công giáo tin rằng rất cần giúp trẻ thiết lập một mối liên hệ yêu thương với Thiên Chúa ngay từ thời còn thơ. Việc này được thực hiện rất đơn giản bằng cách vun đắp óc thẩm mỹ của trẻ khi nhìn ngắm thiên nhiên chung quanh. Rồi từ đó, chỉ cần một bước ngắn, là có thể giúp trẻ dệt thành những lời nguyện ngắn bầy tỏ với Thiên Chúa sự ngạc nhiên khâm phục, lòng cảm tạ biết ơn và lời ca ngợi chúc tụng. Trong các gia đình công giáo, cha mẹ thường đọc những lời nguyện này chung với con cái vào giờ đi ngủ. Nếu cả hai vợ chồng cùng phối hợp với nhau, cùng đến với con thì giây phút cầu nguyện sẽ là thời gian đẹp nhất trong ngày của con cái.
“Lạy Cha, chúng con dâng lời cảm tạ Cha đã thương cho chúng một ngày tuyệt đẹp, một ngày vui bên nhau...”
Trẻ em Công giáo thường Xưng tội - Rước Lễ lần đầu vào khoảng 8 hay 9 tuổi, và chịu Phép Thêm Sức vào khoảng giữa 11 và 14 tuổi. Cần học hỏi giáo lý tại các giáo xứ trong thời gian chuẩn bị đón nhận những bí tích này. Ngày nay cha mẹ được khuyến khích tham gia vào quá trình chuẩn bị này tích cực hơn, chẳng hạn cha mẹ được mời dự những buổi họp phụ huynh, cùng với giáo xứ tổ chức lễ mừng, tĩnh tâm dọn lòng cùng rước lễ với con cái, gặp gỡ trao đổi những vấn đề liên quan ...
Những bí tích này là những dấu mốc trên những chặng đường sống đạo của con cái, vì vậy các ông bố bà mẹ Công giáo thường tỏ ra háo hức lo lắng đủ chuyện để làm cho những dịp này thành những kỷ niệm tươi đẹp đáng nhớ của con mình.
Thông thường trong đời sống xã hội, người ta cũng thích những lễ lạc hội hè nhưng đối với người công giáo còn có những ngày lễ như Giáng Sinh, Phục Sinh, các ngày Chúa Nhật và một số lễ trọng theo niên lịch phụng vụ. Những ngày lễ này có vị trí quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Các lễ nghi này mang một ý nghĩa sâu xa được đặt lên vị trí cao trong tâm hồn mỗi người. Vì vậy, trong những dịp lễ đặc biệt này, vợ chồng con cái ngoài việc cùng nhau đến thánh đường thờ phượng và tôn vinh Chúa, còn cần phải cùng nhau sống những ngày lễ này sao cho ý nghĩa ngay trong ngày sống của mình. Có như thế những lễ hội này mới trở nên dấu chỉ Lễ Hội Muôn Đời trên Thiên Quốc.
Sau cùng, trong thế giới ngày nay để xây dựng một gia đình theo khuôn khổ Kitô-giáo thật là khó, vì những bậc thang giá trị của xã hội tiêu thụ thường hay đối lập với những giá trị của Đức Giêsu Kitô. Vì vậy để gia đình sống theo đường lối Chúa, chúng ta phải chịu sức ép từ nhiều phía: nào là lối sống tự do buông thả chạy theo vật chất, nào là những quan niệm và trào lưu ngược lại với nền luân lý truyền thống và đôi khi chịu áp lực cả từ phía con cái...
Các bậc làm cha mẹ Công giáo cần ý thức rõ như vậy, để cùng nhau nỗ lực xây dựng gia đình mình trở nên một tổ ấm hạnh phúc, tràn ngập yêu thương, niềm vui, an bình và ân sủng của Chúa.
Jos. Nguyễn Hùng Cường
(Tác phẩm gốc: How to survive being married to a Catholic, 1993, <Chương 11>.
Biên dịch với nhan đề: Làm thế nào chung sống suốt đời với người bạn Công giáo, 1997)