Ngộ nhận tha thứ
Tha thứ và yêu thương tha nhân, đặc biệt với kẻ thù của mình, là trung tâm điểm của giáo huấn Tin Mừng Kitô giáo. Vì thế, trước hết cần phải vạch ra những quan niệm sai lầm về sự tha thứ và những áp dụng của nó. Hiểu biết những bế tắc về tâm lí cũng như tâm linh do quan niệm sai lầm về sự tha thứ, chúng ta sẽ tránh được không bị ngã lòng, tránh những bất công, những ảo tưởng về mặt thiêng liêng, phản lại chính mình, và những kiểu phát triển, về nhân bản cũng như đức tin, gây ức chế và cản ngại.
Những quan niệm sai lầm về sự tha thứ:
1. THA THỨ KHÔNG PHẢI LÀ QUÊN ĐI
Hành trình tha thứ đòi hỏi khả năng nhớ tốt và ý thức rõ về vết thương tổn do bị xúc phạm, nếu không sẽ không thể có sự biến đổi tâm hồn triệt để để thứ tha. Tha thứ giúp chữa lành vết thương của kí ức. Khi tha thứ, kí ức người bị xúc phạm cách nào đó không còn mang tính độc hại. Sự kiện đáng tiếc kia có thể phai mờ đi và bớt ám ảnh, dần dà vết thương được lành thành sẹo. Sự kiện có được nhắc nhớ cũng không còn gây đau nhức như trước. Kí ức được chữa lành không còn mang nặng những tâm tư phiền muộn về sự xúc phạm.
2. THA THỨ KHÔNG PHẢI LÀ PHỦ NHẬN
Sẽ không có tha thứ chừng nào nạn nhân còn chối bỏ hay không nhìn nhận mình bị xúc phạm và đang đau đớn. Đè nén sự thương đau do bị xúc phạm hay cắt bỏ một phần của bản ngã sẽ rất nguy hiểm, rốt cuộc có thể dẫn đến tâm bệnh. Những triệu chứng có thể biếu hiện như căng thẳng (stress), lo âu (anxiety), mất ngủ (insomnia), không còn thèm ăn, cảm giác có lỗi. Ta cần lưu ý đến những cảm xúc bộc phát của mình (sự nhục nhã, tức giận, ...). Đối diện và dần dần chấp nhận những cảm xúc đó, ta mới có thể được giải phóng khỏi những lo âu, phiền não và cảm giác lỗi tội.
3. THA THỨ ĐÒI HỎI CÁI GÌ HƠN SỨC MẠNH CỦA Ý CHÍ
Biến tha thứ thành một hành động đơn sơ của ý chí thôi thay vì là một cao đỉnh của học tập qua kinh nghiệm, là một sai lầm. Tha thứ cần có thời gian; lâu hay mau còn tùy thuộc sự thương tổn nặng hay nhẹ, tùy thuộc những phản ứng của người gây thương tổn, và tùy thuộc vào nguồn lực nội tâm của người bị xúc phạm. Tha thứ huy động tới mọi năng lực khác trong con người chứ không chỉ có ý chí, đó là: sự nhạy cảm tinh tế, trái tim, sự thông minh, óc phán đoán, trí tưởng tượng, và vân vân.
4. THA THỨ KHÔNG THỂ DO MỆNH LỆNH
Không nên giản lược sự tha thứ, hay bất cứ một thực hành thiêng liêng nào, chỉ như là một nghĩa vụ luân lí. Đặc tính của tha thứ là tự do, tự phát. Xin hãy hiểu câu kinh Lạy Cha “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12) theo tinh thần “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì... anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13).
5. THA THỨ KHÔNG PHẢI LÀ TRỞ VỀ GIỐNG TÌNH CẢNH TRƯỚC ĐÂY
Không nên lẫn lộn tha thứ như là một sự tái lập các quan hệ như trước khi sự cố xảy ra. Tha thứ không đồng nghĩa với hòa giải. Khác với hòa giải, chúng ta có thể tha thứ cho một người vắng mặt, đã chết, hoặc vô danh. Trong những trường hợp bạo hành hay bị lạm dụng chẳng hạn, nạn nhân được khuyên chấm dứt quan hệ với kẻ gây sự để bảo vệ mình, điều đó không có nghĩa là gạt bỏ dứt khoát khả năng tha thứ trong tương lai. Tha thứ không có nghĩa là trở về quan hệ như xưa với người gây ra thương tổn cho ta. Tốt nhất, là lợi dụng sự xung đột để xem xét lại phẩm chất của mối quan hệ này và tái thiết nó trên một nền tảng vững chắc hơn.
6. THA THỨ KHÔNG PHẢI LÀ TỪ BỎ QUYỀN LỢI CỦA TA
Tha thứ không có nghĩa là bỏ qua những quyền lợi và những đòi hỏi của công lí, nếu không rốt cuộc có thể lại tạo dịp cho kẻ những gây sự và bạo ngược tiếp tục lộng hành, phạm pháp. Cẩn thận kẻo rồi tha thứ lại trở nên “nơi ẩn náu cho kẻ lừa đảo”. Đôi khi Kitô hữu bị lên án như thế khi “đưa má kia” ra cho người ta tát quá sẵn! Nên nhớ, công lí thì lo thiết lập lại quyền của bên bị hại trên một cơ sở khách quan, còn tha thứ tùy thuộc trước hết ý muốn tự do tốt lành. Điều này không có nghĩa là tha thứ thì phải từ bỏ sự thiết yếu của công lí. Tha thứ mà không đấu tranh cho công lí, thì chỉ biểu lộ là một kẻ nhát đảm, yếu đuối, dung túng sai lầm cho kẻ kia lại phạm tội.
7. THA THỨ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ MIỄN QUI TRÁCH KẺ XÚC PHẠM
“Tôi tha thứ cho anh ta, đó không phải là lỗi của ảnh”. Đây là một quan niệm sai lầm khác. Vì tha thứ không phải là miễn truy cứu trách nhiệm luân lí. Thông cảm không có nghĩa là miễn qui trách. Miễn thứ sai lầm thường được dùng như những thủ thuật thông minh khéo ngụy trang để làm dịu bớt nỗi đau của ta. Tự cho là người kia không có trách nhiệm thì dễ giải quyết vấn đề hơn là chấp nhận họ đã tấn công mình cách chủ ý và tự do. Miễn tha quá dễ dàng có thể là con dao hai lưỡi. Một đàng, nó xoa dịu ta, đàng khác nó biểu lộ một sự khinh thị đối với kẻ phạm tội, ngầm muốn nói: “em không đủ khôn ngoan để gánh trách nhiệm cho việc làm tồi tệ ấy!”
8. THA THỨ KHÔNG CÓ THÁI ĐỘ ĐẠO ĐỨC CỦA KẺ CẢ
Một số hành động hay thái độ trong tha thứ có thể khiến người khác cảm thấy bị hạ nhục hơn là giải phóng họ. Đó có thể là thái độ của kẻ cả, nghĩ mình đạo đức. Dưới mặt nạ của sự quảng đại, có thể ẩn một tìm kiếm quyền lực thuộc bản năng.
Tha thứ thật trước hết và trên hết là hành động xuất phát từ sức mạnh nội tâm. Cần sức mạnh nội tâm để nhận biết và chấp nhận ta mỏng manh dễ bị thương, hơn là ngụy trang che đậy bằng vẻ bề ngoài nhân lành.
9. THA THỨ KHÔNG CÓ NGHĨA PHÓ MẶC CHO CHÚA
Hẳn chúng ta đã từng nghe nhiều “chỉ có Chúa mới có thể tha thứ”, và hiểu theo nghĩa như thể nơi con người phàm nhân chúng ta không có chỗ cho hành động tha thứ. Đó là một cớ hợp lí để đào thoát và phó mọi trách nhiệm của ta cho Chúa!
Chúa Giêsu dạy:
“Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37).
“Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12).
“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).
Thiên Chúa không làm thay cho ta những gì thuộc tự do trách nhiệm của ta. Tha thứ phụ thuộc vào hành động ân sủng và cũng phụ thuộc vào con người. Tự nhiên và ân sủng không đối nghịch nhau, nhưng phối hợp và bổ túc cho nhau.
Bước đi trên nẻo đường của tha thứ có lẽ đòi hỏi nhiều sức mạnh của lòng can đảm, đồng thời, tránh ảo ảnh của sự tha thứ ngộ nhận cũng đòi ta cố gắng nhiều như thế.
LỮ-Y