Năm điểm mấu chốt của Thần Học Thân Xác: 4. Sự trần truồng nguyên thủy
Sáng thế ký 2,25 muốn nhấn mạnh điều gì khi nói Adam và Eva “trần truồng mà không xấu hổ"? Xấu hổ gắn với sợ hãi một người khác, khi chúng ta không chắc chắn mình có thể tin người đó. Chúng ta sợ bị lợi dụng hoặc tổn thương; vì vậy, chúng ta sợ bị người khác nhìn thấy chúng ta như thực sự chúng ta là.
Ban đầu, Adam và Eva không thấy xấu hổ. Họ từng hoàn toàn tin tưởng, có niềm tin và sự an toàn trong mối tương quan của họ. Sự trần truồng thân xác của họ chỉ ra một "sự trần truồng" sâu thẳm trong ngã vị, nơi đó họ cảm thấy tự do để lộ hoàn toàn tâm hồn của họ với nhau mà không sợ bị lạm dụng, hiểu lầm, hoặc xúc phạm. Adam và Eva hiểu "ý nghĩa hôn phối của thân xác" - không chỉ với những giá trị bên ngoài, nhưng là khả năng thân xác biểu lộ tình yêu và sự hiệp thông của con người.
Làm thế nào mà họ có thể có mối tương quan lý tưởng này?
Hãy tưởng tượng đến việc sống trong mối tương quan mà nơi đó có hoàn toàn không sự hiện diện của tính ích kỷ. Bạn biết rằng người yêu của bạn luôn tìm kiếm những gì tốt nhất cho bạn, chứ không chỉ tìm lợi ích cho riêng mình. Chàng thật sự xem nàng như một quà tặng đã được trao phó cho riêng anh và anh đón nhận vai trò này một cách nghiêm túc với một ý thức trách nhiệm sâu xa.
Đó là mối tương quan mà Adam và Eva đã có trong vườn Địa đang ngày ấy. Trước khi sa ngã, tội lỗi vẫn chưa bước vào thế gian, và con người có thể làm chủ được dục vọng và ham muốn của mình. Như vậy, với một trái tim hoàn toàn trong sáng, họ tự do trước những ham muốn ích kỷ và đến với nhau cách trân trọng, tìm kiếm nơi nhau những điều tốt đẹp và không bao giờ xem người kia như một món đồ vật.
Đức Gioan Phaolô II giải thích rằng Adam và Eva nhìn nhau với một viễn tượng siêu nhiên - với "tầm nhìn của Đấng Tạo Hóa". Nói cách khác, họ nhìn thấy nhau như cách chính Thiên Chúa đã nhìn họ. Adam không chỉ nhìn thấy vẻ đẹp của cơ thể của Eva, nhưng toàn bộ sự thật về người yêu của mình như một ngã vị. Và bởi vì Thiên Chúa vui mừng khi tạo dựng nên con người có nam có nữ, nên Adam có thể nhìn vào vợ mình với một ý nghĩa sâu xa của sự trân trọng và ngạc nhiên, nhìn thấy nàng là con gái của Thiên Chúa, nàng đã trao hiến chính mình cho ông trong hôn nhân. Tương tự như vậy, Eva đã đón nhận Adam như một tặng phẩm trao hiến và đáp trả ông bằng tình yêu và trách nhiệm tương tự. "Không chỉ là ánh nhìn thân xác thuần túy, thông qua các mầu nhiệm sáng tạo, người đàn ông và người phụ nữ nhìn thấy nhau cách đầy đủ hơn và rõ ràng hơn. Họ nhìn và thấu hiểu nhau với ánh mắt tâm hồn tràn đầy bình an, tạo ra sự thân mật ngã vị cách viên mãn ".
Trong một môi trường ngập tràn tình yêu và trách nhiệm, sự thân mật cá nhân có thể phát triển mạnh. Trong mối tương quan hoàn toàn an toàn và tín thác vào nhau - khi nỗi sợ hãi bị lợi dụng hoặc tổn thương không tồn tại – con người tự do trao hiến như họ thực sự là, với niềm tin mình sẽ được đón nhận như một tặng phẩm. "Sự củng cố nhân vị là gì nếu không phải là việc đón nhận quà tặng... tạo nên sự hiệp thông nhân vị". Vì vậy, thuở ban đầu người nam và người nữ không gặp phải bức tường của sự xấu hổ trong mối tương quan của họ. Họ không phải sợ người khác sẽ lợi dụng, làm tổn thương hay từ chối họ bao giờ. Tự do khỏi tội lỗi, con người được tự do trong tình yêu. Trong mối tương quan tình yêu hoàn toàn tương xứng, các bức tường của sự xấu hổ không cần tồn tại. Thật vậy, như Đức Gioan Phaolô II giải thích, "trần truồng mà không xấu hổ" là "kết quả của tình yêu".
(còn tiếp)
Theo EDWARD P. SRI, Catholic Education Resource Center
Song Ân chuyển dịch