Một thế hệ đặt hôn nhân lên ưu tiên hàng đầu

Một thế hệ đặt hôn nhân lên ưu tiên hàng đầu

Trong sự nghiệp lớn lao còn để lại, ĐGH Gioan Phaolô II chắc sẽ được tưởng nhớ về nỗ lực tiếp cận với những người trẻ tuổi. Việc thiết lập Ngày Giới Trẻ Thế giới, một truyền thống đến nay vẫn được Benedict XVI duy trì, đã chứng tỏ là một cơ hội giảng dạy mang tính cách viễn kiến, một đường lối để đến được với thế hệ sắp tới của những bậc cha mẹ Công giáo, linh mục và tu sĩ.

Cuộc thăm dò do Hội Hiệp sĩ Columbus (Knights of Columbus) cộng tác với Viện Marist thực hiện mới đây, đã chứng tỏ tầm quan trọng thực sự trong nhu cầu phải tìm cách tiếp cận với thế hệ sắp tới của người Công giáo. Kết quả cuộc thăm dò những người trẻ Hoa kỳ (sanh trong khoảng những năm từ 1978 đến 2000) đã tiết lộ cho thấy có cả niềm hy vọng lẫn những địa hạt đáng quan ngại đối với Giáo hội Công giáo. Đó là những điều rất hữu ích cho những ai đang rao giảng Tin mừng Công giáo – giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ – đặc biệt là những người phụ trách giới trẻ.

Điều đáng khích lệ là cuộc thăm dò cho thấy trong số những người trẻ tự nhận mình theo đạo Công giáo – không chỉ riêng những người Công giáo sống đạo mà thôi – có tới 85% tin ở Thiên Chúa. Ưu tiên hàng đầu của họ là lập gia đình và kết hợp gần gũi với Chúa. Khoảng 82% nghĩ rằng hôn nhân hiện nay bị coi thường, và trên 60% nghĩ rằng phá thai và an tử là những điều sai phạm về luân thường đạo lý.

Đó là những tin đáng mừng. Nhưng điều thật đáng lo là có tới 61% tin rằng người Công giáo có thể cùng lúc thực thi một hay nhiều tôn giáo khác. Gần 2 phần 3 nghĩ rằng họ chỉ có tính cách tâm linh (spiritual) chứ không sùng đạo (religious), và 82% coi những vấn đề luân lý đạo đức chỉ có tính cách tương đối.


Những khó khăn này không còn chỉ là suy đoán – mà là sự kiện có thật. Và đó là một sự kiện thực tế đã được Benedict XVI tiên đoán và nói lên khoảng 5 năm trước đây.

Trong đám tang ĐGH Gioan Phaolô II, chỉ mấy ngày trước khi được bầu chọn làm giáo hoàng, Hồng y Joseph Ratzinger lúc đó đã cảnh giác thế giới rằng một “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” đang hoành hành.

Ngài nói: “Ngày nay, ai có một niềm tin rõ rệt đặt căn bản trên Kinh Tin Kính của Giáo hội thì lại được dán cho nhãn hiệu là đi theo chủ thuyết cơ bản (fundamentalism). Trong khi đó, chủ thuyết tương đối (relativism), nghĩa là để cho mình “rơi vào hết chỗ này đến chỗ khác, cuốn đi theo mỗi luồng gió giáo điều”, dường như là thái độ duy nhất để có thể đương đầu với thời đại tân tiến. Chúng ta đang xây dựng một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, đã không công nhận bất cứ cái gì là xác thực, và mục tiêu tối hậu chỉ gồm có bản ngã và dục vọng riêng tư.”

Một mục tiêu khác

Trái ngược lại với nhãn quan lệch lạc như thế đối với thế giới, ngài đưa ra điều này: “Một mục tiêu khác: Con Thiên Chúa, con người thật. Người là thước đo của chủ nghĩa nhân bản chân chính. Một đức tin “trưởng thành” không phải là một đức tin theo khuynh hướng thời thượng và theo điều gì mới mẻ nhất; một đức tin trưởng thành ăn rễ sâu xa trong sự kết hợp với Chúa Kitô. Đó là một mối tình kết hợp mở ra cho chúng ta tất cả những gì là tốt đẹp và cho chúng ta một tiêu chuẩn để phân biệt giữa điều đúng điều sai, giữa sự giả trá và chân lý.”

Ngài cũng còn đưa ra cho chúng ta một giải pháp: “Chúng ta phải phát triển đức tin trưởng thành này; chúng ta phải dẫn dắt đàn chiên của Chúa Kitô hướng đến niềm tin này. Và chính đức tin này – chỉ có đức tin mà thôi – mới có thể tạo nên hiệp nhất và được thực hiện trong tình yêu.”

Thế hệ này đang đi tìm tình yêu. Họ muốn có hôn nhân – tức là tình yêu đích thực -- hơn bất cứ điều gì khác. Họ thấy tình yêu trong hôn nhân bị đánh giá thấp, bị coi thường.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho giới truyền thông nước Đức năm 2006, ĐGH Benedict XVI đã trình bầy chính xác cách thức để thực hiện được giải pháp cần thiết. Ngài nói: Điều cần thiết là trình bầy mặt tích cực, trình bầy niềm hạnh phúc mà Kitô giáo sống động cống hiến cho con người:

“Kitô giáo, Công giáo, không phải là một tập hợp những điều cấm kỵ: mà đó là một chọn lựa tích cực. Điều rất quan trọng là chúng ta cần nhìn lại bởi vì ý tưởng này ngày nay đã gần như biến mất. Chúng ta đã nghe quá nhiều về những điều không được phép làm, nên nay là lúc nói lên: chúng tôi có một tư tưởng tích cực để đưa ra, đó là người nam và người nữ đã được tạo dựng cho nhau, và thang độ tính dục, tức là tình yêu xác thịt (eros), tình yêu xả kỷ (agape) là các cấp độ của tình yêu, và chính trong chiều hướng đó mà hôn nhân phát triển, trước nhất, như là một cuộc giao kết hân hoan và tràn đầy hạnh phúc giữa một người nam và một người nữ, và sau đó đến gia đình, để bảo đảm sự tiếp nối của các thế hệ, và qua đó các thế hệ được hòa giải với nhau và cũng là nơi các nền văn hóa có thể gặp gỡ. Vì thế, trước nhất điều quan trọng là phải nhấn mạnh đến điều chúng ta mong muốn.”

Tháng này, ngài nhắc lại thông điệp đó cho các giám mục nước Scotland, và nói thêm điều này: “Hãy cố trình bầy giảng huấn này cách nào để có thể nhận ra đó là một thông điệp hy vọng.”

Đối với một nhóm người coi hôn nhân là ưu tiên hàng đầu, và thấy hôn nhân bị xã hội coi thường, thì một Giáo hội yểm trợ và tuyên dương vẻ đẹp trong ý nghĩa Kitô giáo của hôn nhân, là một Giáo hội sẽ trình bầy được một thông điệp có tiếng vang dội cho thế hệ kế tiếp của những bậc cha mẹ Công giáo.

Con đường Benedict XVI vạch ra đúng là con đường sẽ có tiếng vang dội đối với thế hệ này.

Sẽ có một số người cho rằng họ chẳng lắng nghe đâu. Nhưng hãy để ý sự kiện này: gần 2 phần 3 đang rất mực hay phần nào quan tâm đến vấn đề học hỏi thêm về đức tin của mình.

Đó là lý do tại sao công việc soạn thảo tài liệu về hôn nhân, đang được Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình chuẩn bị, là điều rất quan trọng. Công trình này nay được hưởng lợi từ tiến trình thần học và mục vụ của các giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benedict XVI

Còn lại là phần chúng ta phải trình bầy niềm tin này sao cho có ý nghĩa đối với cuộc sống của người trẻ Công giáo, và không chỗ nào tốt đẹp hơn để khởi sự, bằng cách chứng tỏ cho những thanh niên nam nữ này cách thức xây dựng những cuộc hôn nhân hạnh phúc, lành mạnh, và nhất là thánh thiện, dựa trên gia tài phong phú lớn lao về tiến độ thần học và mục vụ của cả hai Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benedict XVI.

(Carl Anderson là chủ tịch Hội Hiệp sĩ Columbus)

 
Nguồn: Carl Anderson/Zenit.org.
 
Phụng Nghi