Một ngày ghi dấu

 

MỘT NGÀY GHI DẤU


                                                                                    Nguyên Hương
 
 
“Ai thờ Cha thì bù đắp lỗi lầm,
Ai kính Mẹ thì tích trữ kho báu”
                                                      (Hc 3, 3-4)
 
Không như các buổi tọa đàm mà Chương Trình Chuyên Đề thực hiện vào mỗi chiều thứ Bảy, ngày hội “Mừng Ngày của Cha Năm 2011” tổ chức vào ngày 12/06/2011 tại Trung Tâm Mục Vụ, đã thu hút hơn 700 khán giả và khách mời đến tham dự, để lắng nghe lời chia sẻ từ những người làm con và cảm nhận về công ơn sinh thành, dưỡng dục của người Cha. Ngày hội ghi dấu một bước phát triển trong sứ vụ phục vụ Giáo Hội của Chương Trình Chuyên Đề, đồng thời để lại trong lòng khán giả những cảm nhận sâu lắng.
“Ngày Của Cha”, ý niệm ấy còn xa lạ lắm với những người dân quê Việt Nam. Nếu nói ngày của Cha, người ta dễ liên tưởng tới ngày người cha phải vất vả làm việc nuôi gia đình. Vậy thì cả năm, ngày nào chẳng là ngày của Cha? Nỗ lực giúp cho người dân Việt tiếp cận với “Ngày của Cha” - mà cả thế giới đã tổ chức mừng mỗi năm - là một việc làm hữu ích, nhằm nâng cao đời sống đạo đức và củng cố vững chắc nền luân lý về đạo hiếu cho con người.
Chương Trình Chuyên Đề đã tổ chức ngày dành riêng cho Cha, như một ngày hội lớn và đặc biệt trong mỗi năm. Chỉ những ai đến tham dự, được chứng kiến từ cách trang trí, phục vụ đến nội dung chương trình mới có cảm nghiệm sâu sắc và khó quên về sự sáng tạo và thái độ phục vụ tận tâm của những người làm chương trình: Những pho tượng sống động trong mắt người xem, trên thực tế lại là những tu sĩ đang hy sinh đứng làm nhân tượng cho ngày hội, những băng rôn, câu tâm niệm về công ơn Cha, đội ngũ tiếp tân tận tình, cởi mở, lịch thiệp, các quầy hàng bày bán những món ăn dân giã với giá rất ưu đãi, góc triển lãm và viết chữ thư pháp của các nghệ nhân.... 
 
Song, có lẽ tâm tình chia sẻ của Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn, Đức Cha Phêrô Nguyễn Khảm, các chứng nhân và khán giả đã để lại nhiều ấn tượng hơn cả bởi ý niệm về vai trò của người cha trong thời đại ngày nay. Điều được đặt ra không phải làm thế nào để giáo dục con cái cho tốt mà làm thế nào để mối quan hệ giữa người cha và các con trong gia đình hòa hợp. Làm thế nào để cho thế hệ con cháu biết trân trọng công đức của bậc sinh thành khi mà những quyến rũ của thời đại về một đời sống hưởng thụ đang lôi kéo các bạn trẻ.  Khơi dậy tinh thần đạo hiếu trong lòng xã hội hôm nay là việc làm không đơn giản chút nào. Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân Việt không khỏi băn khoăn trước những cảnh con cái bạc đãi cha mẹ; những người cha già cô đơn không nơi nương tựa hay phải tự bươn chải lo cho tuổi già của mình trong khi con cái thành công và giàu có. Nhìn nhận thực trạng xã hội đầy biến động, luân lý đang có chiều hướng đi xuống, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn đã bày tỏ tâm tình: “Tôi xin gửi tặng những món quà từ những người cha về kinh nghiệm điều hành gia đình giữa một thời đại mới với những thách thức mới, đồng thời tìm ra định hướng cho hiện tại trong việc giáo dục và đối thoại với con cái... Chúng ta là những người tin Chúa và theo Chúa, làm thế nào trong mọi hoàn cảnh, những hoàn cảnh gây bất đồng bất hòa, ta làm gì, nói gì mà không làm cho tình gia đình sứt mẻ. Chỉ Thiên Chúa là gốc của con người, gốc của Tình yêu, Ngài sẽ mở cho con người đi đến sự hài hòa trong gia đình và thế giới”. 
 
Đức cha Phêrô Nguyễn Khảm bày tỏ suy tư của mình về trách nhiệm của người cha: “Làm cha không chỉ là một chức năng sinh lý vì tôi sinh ra một đứa con. Làm cha không chỉ là một chức năng tâm lý như người ta nói: Một thanh niên lập gia đình sinh con thì trưởng thành hơn vì lãnh nhận một trách nhiệm. Làm cha trước hết là chức năng thiêng liêng, chức năng chia sẻ chức năng làm cha của chính Thiên Chúa là Cha. Cho nên người công giáo dùng từ rất trang trọng để nói chức năng làm cha: Đó là một ơn gọi.”
Thực vậy, nếu mỗi con người ý thức được vai trò của người cha là họa lại tình yêu Thiên Chúa - Người Cha tuyệt hảo của nhân loại, thì thế giới sẽ tốt đẹp biết bao. Một trật tự kỷ cương và đạo đức được sắp đặt và tiến triển theo đúng vòng quay của nó mà Đấng Tạo Hóa đã sắp đặt.
 
Anh Lê Hữu Tuấn – giáo xứ Hạnh Thông Tây, chia sẻ tâm tình của người cha: Những trăn trở của người cha về môi trường sống của mình, về cách giáo dục con sao cho con mình biết sống yêu thương mọi người.
Khán giả không khỏi rơi nước mắt khi nghe chứng nhân về cuộc đời làm cha của bác Huỳnh Văn Ẩn, giáo xứ Gò Vấp: Bác đã chăm sóc một người con bị rối loạn chức năng vận động trong suốt 30 năm dài và hiện nay vẫn tiếp tục chăm sóc người con ấy, mặc dù sức khỏe bác đã suy yếu sau cơn tai biến từ 3 năm trước. Điều bác cầu mong là những người cha trần thế luôn đem lại hạnh phúc cho con mình.
 
Để chuẩn bị chứng nhân chia sẻ cho khán giả trong ngày hội, Chương Trình Chuyên Đề đã phát động cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ” từ nhiều tháng trước. Bài chia sẻ “Cho Con Một Lý Do Đi Ba”của tác giả Nguyễn Hoàng Phương Khanh, giải nhì thể loại Văn, đã gây chấn động lòng người: “Nhớ những lần ba tôi “ghé” qua dúi vào tay tôi khoản tiền trợ cấp, may mắn thì hỏi thăm vài câu qua loa rồi vụt đi. Tôi thoáng buồn và chạnh lòng! Tiền thì cũng cần cho cuộc sống đấy, nhưng đối với tôi lúc này, tiền sao bạc quá! Lẽ ra, ba có thể cho con nhiều hơn thế nữa mà. Ôi! Con thuyền gia đình tôi ngày nào với người chèo, người lái, giờ thì mỗi nơi một mảnh. Ba ơi, có day dứt, hối tiếc điều gì không hả ba, dù chỉ là một chút? Nước mắt như đã cạn, thoáng nghĩ, một chút buồn, để rồi cũng xếp vào trong ký ức mà thôi…” 
 
Ban Tổ Chức đã nhận được tin phản hồi của một người cha tới tham dự ngày hội. Anh nói:“Ngay sau khi nghe Phương Khanh chia sẻ, tôi đã chạy ra khỏi hội trường, khóc thật nhiều và quyết định trở về với vợ con.” Đồng thời, một khán giả khác cho biết: Hai vợ chồng anh đã sẵn sàng giấy tờ, thủ tục để ly dị, nhưng sau buổi chiều này họ đã ngưng lại. Gia đình anh đã gửi tin nhắn tới Ban Tổ Chức xin hiệp ý cầu nguyện.
Chương Trình “ngày của Cha” đã thành công trong cách tổ chức không phải bởi những hình thức bên ngoài, mà nhờ nội dung phong phú và đặc sắc. Đúng như dự kiến ban đầu của chương trình, trước khi tổ chức ngày hội, Ban Chuyên Đề đã đặt ra mục tiêu: “Chương Trình Mừng Ngày của Cha góp phần chuyển tải thông điệp để nhữngngười làm cha nhìn lại vai trò và trách nhiệm của mình đối với con cái; đồng thời để xã hội và những người làm con có cơ hội bày tỏ lòng tri ân với các bậc hiền phụ đã âm thầm gánh vác trách nhiệm lớn lao trong “sự nghiệp trồng người”.
 
nguồn web: chuongtrinhchuyende.com