MỐI QUAN HỆ ĐỨC KITÔ – HỘI THÁNH VÀ QUAN HỆ HÔN NHÂN CHỒNG – VỢ CỐT YẾU LÀ NHỮNG TƯƠNG QUAN GIỮA HAI CHỦ VỊ- Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

MỐI QUAN HỆ ĐỨC KITÔ – HỘI THÁNH VÀ QUAN HỆ HÔN NHÂN CHỒNG – VỢ CỐT YẾU LÀ NHỮNG TƯƠNG QUAN GIỮA HAI CHỦ VỊ- Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XCI

MỐI QUAN HỆ ĐỨC KITÔ – HỘI THÁNH VÀ QUAN HỆ HÔN NHÂN CHỒNG – VỢ CỐT YẾU LÀ NHỮNG TƯƠNG QUAN GIỮA HAI CHỦ VỊ

 

1. Trong những suy tư trước về chương năm của Thư gửi Tín hữu Êphêsô (5,22-23), chúng ta đã đặc biệt lưu ý đến cách thức loại suy của tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh và tương quan giữa người chồng và người vợ kết hợp với nhau trong hôn nhân. Trước khi phân tích những đoạn kế tiếp của bản văn đang tìm hiểu, chúng ta phải biết điều này, rằng trong phạm trù loại suy cơ bản của thánh Phaolô : một đàng, quan hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh, và đàng khác, quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, xét như là chồng vợ, còn có một loại suy bổ túc, đó là loại suy tương quan giữa  đầu và thân mình. Chính so sánh loại suy này cho lời tuyên bố mà ta đang phân tích một ý nghĩa chính yếu về giáo hội học : Hội Thánh, xét như là Hội Thánh, được tạo nên bởi Đức Kitô; được hình thành bởi Người nơi thành phần cốt yếu nhất, như là thân mình bởi đầu. Sự kết hợp thân mình với đầu trước hết là sự kết hợp hữu cơ, là sự kết hợp, nói cho đơn giản, của các cơ quan trong thân thể con người. Chính trên nền tảng của sự kết hợp hữu cơ này mà sự kết hợp về mặt sinh học trực tiếp diễn ra, bởi vì người ta có thể nói rằng «thân mình sống nhờ đầu» (dẫu đồng thời, theo cách nào đó khác, đầu cũng sống nhờ thân mình). Hơn nữa, nếu nói về con người, chính trên nền tảng sự kết hợp hữu cơ này mà có sự kết hợp về mặt tâm lí hiểu theo nghĩa trọn vẹn của nó và, xét cho cùng cũng là nền tảng cho cả toàn thể nhân vị thống nhất.

2. Như đã nói (ít nhất là trong đoạn văn đang được phân tích), tác giả của Thư gửi Tín hữu Êphêsô đã giới thiệu hình ảnh loại suy bổ sung về đầu và thân mình trong lãnh vực loại suy của hôn nhân. Xem ra tác giả đã dùng loại suy thứ nhất «đầu-thân mình» như là trung tâm điểm quan niệm của mình từ quan điểm của chân lí mà ông tuyên bố về Đức Kitô và về Hội Thánh. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng ông đã không đặt loại suy này đứng ở bên cạnh hay ở bên ngoài loại suy hôn nhân như dây liên kết vợ-chồng. Đúng hơn, còn ngược lại là đàng khác. Trong toàn thể bản văn Ep 5,22-33, và nhất là trong phần đầu mà chúng ta đang xem xét (5,22-23), tác giả nói trong hôn nhân cả người chồng cũng là «đầu của vợ», và người vợ là «thân mình của chồng», và hai vợ chồng còn nên một như sự hợp nhất của hai cơ phận đó trong thân thể. Có thể thấy cơ sở Kinh thánh cho điều ấy nơi bản văn sách Sáng thế nói đến con người và vợ mình nên «một xương một thịt» (St 2,24), và cũng bản văn ấy được tác giả Thư Êphêsô tham chiếu đến trong khuôn khổ của hình ảnh loại suy hoành tráng của nó. Thế nhưng, trong Sách Sáng thế rõ ràng vấn đề là người đàn ông và người đàn bà được xem như hai chủ thể ngã vị khác biệt quyết định kết hôn với nhau một cách có ý thức, sự kiện ấy được bản văn cổ xác định qua cách nói nên «một xương một thịt». Và trong Thư Êphêsô điều này cũng rất rõ ràng. Tác giả dùng hai loại suy: đầu-thân mình, chồng-vợ, để minh họa cách rõ ràng bản tính của sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Theo một nghĩa nào đó, cách riêng trong phần đầu của bản văn Êphêsô 5,22-33 này, chiều kích giáo hội học xem ra có tính quyết định và phổ dụng[1].

3. «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng Cứu Chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh...» (Ep 5,22-25). Cách loại suy bổ sung «đầu-thân» này được dùng trong toàn văn cảnh Ep 5,22-33 diễn tả hai chủ thể khác biệt, nhờ một mối tương quan đặc biệt, theo một nghĩa nào đó đã trở nên một chủ thể duy nhất. Đầu cùng với Thân làm thành một chủ thể (theo nghĩa thể lí và siêu hình), một cơ thể, một nhân vị, một hữu thể. Chắc chắn Đức Kitô là một chủ thể khác biệt với Hội Thánh, thế nhưng, bởi một tương quan đặc biệt, Người phối kết với Hội Thánh theo cách thức như trong mối kết hợp giữa đầu và thân trong một cơ thể. Hội Thánh càng là chính mình mạnh mẽ hơn và cốt yếu hơn nhờ một kết hợp (thần nhiệm) với Đức Kitô. Ta có thể nói cách tương tự như thế về đôi bạn nam-nữ là chồng-vợ phối giao với nhau trong quan hệ hôn nhân được không ? Nếu như tác giả của Thư Êphêsô nhìn thấy cách loại suy kết hợp đầu với thân cả ở trong hôn nhân nữa, thì kiểu loại suy này, theo nghĩa nào đó, xem ra khi liên hệ trong hôn nhân loài người phải đồng thời được xét trong mối kết hợp của Đức Kitô và Hội Thánh. Bởi thế, loại suy này liên hệ trước hết đến chính hôn nhân xét như là một sự kết hợp bởi đó «cả hai sẽ thành một xuơng một thịt» (Ep 5,31; x. St 2,24).

4. Tuy nhiên, kiểu loại suy này không làm lu mờ đi tính cá biệt của chủ thể : cá vị tính của người chồng và cá vị tính của người vợ. Có nghĩa là, ở nền tảng của hình ảnh «một thân thể duy nhất» chủ yếu vẫn là hai chủ thể : người chồng và người vợ, trong dây liên kết hôn phối vốn kết hợp họ lại thành «một thân thể duy nhất». Nay trong bối cảnh bản văn chúng ta đang khảo sát (Ep 5,22-33) loại suy ấy chuyển thành hình ảnh của Hội Thánh – Thân Mình kết hợp với Đức Kitô như là Đầu. Điều này sẽ được thấy cách đặc biệt trong phần tiếp theo của bản văn, tác giả mô tả mối tương quan giữa Đức Kitô với Hội Thánh qua chính hình ảnh quan hệ của người chồng với người vợ. Trong bức mô tả đó, Hội Thánh – Thân Mình của Đức Kitô hiện ra rõ ràng như là chủ thể thứ hai trong mối liên kết hôn phối này, và Đức Kitô chủ thể thứ nhất tỏ lộ tình yêu của Người dành cho Hội Thánh qua việc «hiến mình vì Hội Thánh». Tình yêu ấy là hình ảnh và là mẫu mực cho tình yêu mà người làm chồng dành để yêu thương vợ mình trong đời hôn nhân, khi cả hai người tùng phục lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô».

5. Chúng ta hãy cùng đọc tiếp: «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh ; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể Người. Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt» (Ep 5,25-31).

6. Dễ nhận thấy rằng trong khắp phần này của đoạn văn Ep 5,22-33 nổi rõ lên hai chủ thể : hoặc qua tương quan Đức Kitô – Hội Thánh, hoặc qua tương quan vợ – chồng. Điều đó không có nghĩa là hình ảnh về một chủ thể duy nhất biến mất đi: hình ảnh «một thân thể duy nhất». Duy nhất tính ấy cũng được bảo toàn trong đoạn văn của chúng ta, và theo nghĩa nào đó, nó còn được hiểu rõ hơn nữa. Điều đó sẽ còn được thấy rõ hơn khi chúng ta phân tích đoạn trích dẫn trên đây một cách đặc biệt. Như thế, tác giả Thư gửi Tín hữu Êphêsô nói về tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh, đồng thời giải thích cách thức tình yếu ấy được diễn tả, và trình bày tình yêu ấy như mẫu mực mà người làm chồng phải theo khi yêu thương vợ mình. Tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh chủ yếu nhằm mục đích thánh hóa Hội Thánh: «Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh... để thánh hóa Hội Thánh» (Ep 5,25-26). Khởi thủy của sự thánh hóa này là phép Rửa, hoa quả đầu tiên và cốt yếu của sự hiến thân của Đức Kitô cho Hội Thánh. Trong đoạn văn này phép Rửa không được gọi đích danh nhưng được định nghĩa như là việc thanh tẩy «nhờ tắm rửa bằng nước và lời» (Ep 5,26). Sự tắm rửa (nơi Giếng Rửa tội) này, với quyền năng xuất phát từ sự hiến thân cứu chuộc của Đức Kitô dành cho Hội Thánh, thực hiện việc tẩy sạch cơ bản nhờ đó tình yêu của Người dành cho Hội Thánh, trong con mắt của tác giả Thư này, mang tính chất hôn phối.

7. Chúng ta biết rằng chủ thể tham dự bí tích Rửa tội là một cá nhân trong Hội Thánh. Tuy nhiên, tác giả bức Thư qua chủ thể cá nhân này của phép Rửa nhìn thấy toàn thể Hội Thánh. Tình yêu hôn phu của Đức Kitô hướng đến Hội Thánh, mỗi khi có một ai đó lãnh nhận trong Hội Thánh sự thanh tẩy cơ bản này qua phép Rửa. Ai đón nhận phép Rửa, nhờ quyền năng của tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô, cũng đồng thời tham dự vào tình yêu hôn phu của Người dành cho Hội Thánh. «Sự tắm rửa bằng nước và lời», trong đoạn văn của chúng ta, diễn tả tình yêu phu phụ theo nghĩa nó chuẩn bị vị hôn thê (Hội Thánh) cho Hôn Phu, nó làm Hội Thánh thành hôn thê của Đức Kitô, «trong hành động đầu tiên» («in actu primo»). Một vài học giả Kinh thánh nhận xét trong bản văn ta trích dẫn ở đây «sự tắm rửa bằng nước» (hay Giếng nước) gợi nghi thức tắm rửa trước lễ cưới – là một nghi thức tôn giáo quan trọng trong xã hội Hi lạp bấy giờ.

8. Xét như là bí tích, phép Rửa tội «bằng nước và lời» (Ep 5,26) làm Hội Thánh thành hôn thê không những như là «hành động đầu tiên», mà còn ở trong một viễn tượng xa hơn, đó là viễn tượng cánh chung. Viễn tượng này mở ra trước mắt chúng ta, trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô, khi chúng ta đọc thấy Hội Thánh «được tắm rửa bằng nước» bởi vị Hôn Phu «để trước mặt Người có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền» (Ep 5,27). Thành ngữ «xuất hiện trước mặt» như muốn ám chỉ đến yếu tố trong lễ cưới, lúc cô dâu, được trang điểm và trong trang phục lễ cưới, được dẫn đến trước mặt chú rễ. Bản văn mà chúng ta trích dẫn nêu lên điểm này, là chính Đức Kitô – Chàng rễ chăm chút điểm trang cho Cô dâu – Hội Thánh, để nàng nên xinh đẹp lộng lẫy nhờ cái đẹp của ân sủng, xinh đẹp nhờ quà tặng ơn cứu độ viên mãn, được trao ban kể từ bí tích Rửa tội. Nhưng phép Rửa chỉ mới là khởi đầu, từ đó còn phải làm cho xuất hiện diện mạo xinh đẹp lộng lẫy của Hội Thánh, và hoa quả cuối cùng của tình yêu cứu chuộc và hôn phối chỉ chín muồi khi Chúa Kitô lại đến trong vinh quang lần cuối cùng (Ngày Quang lâm).

Chúng ta thấy tác giả Thư gửi Tín hữu Êphêsô nhìn thật sâu thực tại bí tích khi tuyên bố hình ảnh loại suy tuyệt vời của nó. Cả cuộc phối kết của Đức Kitô với Hội Thánh, lẫn phối hôn giữa người nam và người nữ trong hôn nhân đều được soi sáng bằng một ánh sáng siêu nhiên đặc biệt như thế đó.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

[1] Cần lưu ý tính cách «tương đối» của việc sử dụng những hình ảnh và so sánh loại suy đó của Kinh thánh. Cần phải áp dụng chúng sao cho «thích hợp» với thực tế.