Máng cỏ cho Con

 

MÁNG CỎ CHO CON
 
Đã hơn hai ngàn năm trôi qua kể từ khi biến cố Giáng Sinh xuất hiện trong lịch sử nhân loại, nhưng cho đến hôm nay và mãi mãi sau này, ý nghĩa thần thiêng của biến cố trọng đại ấy vẫn là một đề tài vô tận cho nhân loại chiêm ngưỡng và khám phá. Con Một Thiên Chúa từ tột đỉnh uy quyền chốn trời cao đã giáng trần để chuẩn bị sứ vụ vĩ đại là cứu chuộc muôn loài thụ tạo. Thế nhưng, buổi đầu đời xuất hiện trong thân phận con người nơi trần gian, Ngài lại chọn một máng cỏ trong chuồng gia súc ngoài đồng giữa đêm đông lạnh giá để giáng sinh. Tiếng khóc của trẻ thơ Giêsu nơi máng cỏ Belem ngày ấy đã làm thổn thức tâm hồn con người bao thế hệ. Một trọng trách siêu việt nhất lịch sử nhân loại đã âm thầm thực hiện từ nơi đây. Hơn ai hết, Mẹ Maria biết rõ điều đó. Mẹ biết kể từ khi đáp lời “Xin vâng” với sứ thần Gabriel. Và Thánh Giuse cũng nhận thức được điều này qua lời sứ thần nói lúc ngài định tâm kín đáo lìa bỏ Đức Maria. Và rồi, hai con người trần gian khó nghèo và khiêm hạ ấy đã gánh lấy trách nhiệm cả thể là cưu mang và nuôi dưỡng Đấng Cứu Tinh của loài người.

1. Máng cỏ năm xưa.

Trong sự quan phòng của Thiên Chúa Cha, Ngài đã để cho Con Một Ngài ra đời trong hoàn cảnh vượt ra ngoài mọi tiên liệu của người đời. Ngày đó, vâng lệnh hoàng đế trần gian, Thánh Giuse đưa gia đình trở về quê hương để thực hiện công việc điều tra dân số. Giữa đường trở về, Đức Maria chuyển dạ. Mọi phòng trọ đều đã chật và đóng cửa. Dẫu rằng vâng phục và phó thác trọn vẹn, nhưng cả Thánh Giuse và Đức Maria đã không khỏi ngỡ ngàng khi Thiên Chúa lại để cho Con Một Ngài sinh ra trong hoàn cảnhthảm thương đến vậy.

Không trực tiếp chứng kiến cảnh đó, và Phúc Âm cũng chẳng thuật lại cách chi tiết, nhưng chúng ta phần nào hình dung được sự nhọc nhằn của gia trưởng Giuse lúc bấy giờ. Không một quán trọ nào ngài không gõ cửa, quyết tìm cho bằng được một chỗ trú thân an toàn cho Con Trời giáng sinh. Quán trọ này khoát tay, quán trọ kia lắc đầu từ chối, gia trưởng Giuse như bơi giữa trời đêm lạnh giá, vừa dìu đỡ Mẹ Maria vừa lần lượt gõ từng cánh cửa đến sưng tấy bàn tay. Chỉ còn thiếu một điều mà gia trưởng Giuse đã không làm lúc bấy giờ, đó là ngài hét lên với mọi người rằng Đấng sắp sinh ra là Vị Cứu Tinh của muôn người, hãy dọn ngay một phòng tốt nhất cho Con Trời giáng sinh.

Khi không còn trông đợi vào lòng người, và khi cũng đã gõ đến cửa quán trọ cuối cùng, gia trưởng Giuse cũng quyết chẳng đầu hàng. Ngài đã đưa Đức Maria rời khỏi khu dân cư, vượt qua đồng không mông quạnh, vào trú thân nơi chuồng gia súc. Và máng cỏ của chiên lừa đã thành ngai vàng cho Con Trời giáng hạ. Ai dám bảo rằng gia trưởng Giuse đã không đổ mồ hôi giữa trời đông tuyết rơi ?

Như vậy, chuồng gia súc và máng cỏ ngày ấy không phải và không thể là sự chọn lựa cho qua lần của Thánh Giuse. Đó là tất cả những gì tốt nhất trong khả năng có được, mà gia trưởng Giuse đã làm cho người bạn đời Maria và cho Người Con sắp được sinh ra.

2. Những máng cỏ hôm nay

Bàn về máng cỏ năm xưa là để tìm một sự liên hệ với những máng cỏ hôm nay mà mỗi gia trưởng chúng ta, những người cha trong từng gia đình có thể làm được cho con cái của mình. Ở máng cỏ năm xưa, nhân tính nơi con trẻ Giêsu có thể cảm nhận được cái lạnh cắt da thịt của mùa đông thiếu thốn nệm ấm chăn êm, nhưng thiên tính trong hài đồng Giêsu lại hoàn toàn cảm nhận được cái ấm áp đầu đời của tình yêu thương mà cha mẹ trần gian đã dành cho. Đó là sự giàu có vô song về tinh thần mà trẻ thơ Giêsu nhận được so với cái thiếu thốn tột cùng về vật chất. Xét thế để thấy rằng, nhiều gia trưởng hôm nay đã chẳng cho con mình có được một máng cỏ như vậy. Trái lại, nhiều trẻ thơ Giêsu hôm nay đã phải chào đời trong những máng cỏ lạnh tanh, hoàn toàn thiếu vắng hơi ấm của yêu thương :

a. Đó là những máng cỏ dư thừa về vật chất nhưng thiếu thốn về tinh thần :

Nơi đây vẫn hoàn toàn có thể là nhà cao cửa rộng, nệm ấm chăn êm. Con trẻ sinh ra trong những gia đình này không thiếu thốn về vật chất nhưng thiếu vắng tình yêu thương. Trẻ lớn lên như cây chồi hoang dã, mặc sức học hành hoặc vui chơi, mặc sức kết giao và đua đòi, mặc sức hành xử mà không hề đắn đo phân biệt thiệc ác. Và trong khi ấy, người cha đang mải mê theo đuổi nhiều lạc thú khác : là những tham vọng cho quyền lực, những mưu toan tính toán chuyện bạc tiền, những cuộc vui thâu đêm có màu đỏ đen canh bạc và mùi phấn son phù du. Còn người mẹ khi ấy cũng đang vung tiền chưng diện, đang hồi hộp hoặc cay cú bên những phơi đề, đang chăm chút tỉa tót hàng giờ cho làn da, mái tóc. Trẻ thơ “Giêsu” khi ấy, dù có nằm trong máng cỏ vàng son vẫn bơ vơ giá lạnh, vì thiếu một ánh nhìn nồng ấm yêu thương của mẹ cha.

b. Đó là những máng cỏ vừa nghèo nàn về vật chất vừa thiếu thốn về tinh thần :

Ngày nay cũng có những trẻ thơ Giêsu không hề được mong đợi sinh ra. Hoàn toàn không biết mặt cha, con trẻ vừa mở mắt chào đời đã buốt giá thịt da vì máng cỏ em nằm chính là cửa chùa, cửa nhà thờ, gốc cây ven rừng, hoặc bất cứ chỗ nào có thể mà người mẹ đã tàn nhẫn lạnh lùng bỏ lại. Không mẹ không cha, không cả hơi ấm của bò lừa. Tiếng khóc của trẻ thơ “Giêsu” khi ấy vang lên như xé rách không gian, như vạch vào lòng người một dấu hỏi nhức buốt về quyền con người : Đâu là máng cỏ của con ?

Đau lòng hơn, còn có những trẻ thơ “Giêsu” hôm nay được hoài thai mà không được sinh ra. Hình hài non dại chưa kịp cảm nhận sự ấm áp của cung lòng mẹ đã phải tức tưởi lìa đời. Máng cỏ là thùng rác bệnh viện, và hài nhi “Giêsu” khi ấy chẳng nguyên vẹn hình hài, thành một thứ rác thải của thế giới bi hài yếu tố văn minh.

3. Máng cỏ cho con

Được cộng tác vào công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa, mỗi gia trưởng chúng ta đang thay mặt Thiên Chúa để dưỡng nuôi những người con của ngài ở trần gian. Hãy dành tất cả tình yêu thương và trách nhiệm để nuôi dạy những trẻ thơ Giêsu hôm nay được lớn lên. Mầu nhiệm Giáng Sinh soi rọi cho mỗi chúng ta ý nghĩa thiêng liêng của máng cỏ Belem :
-      Đó là sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau giữa cha mẹ và những người trong gia đình.
-      Đó là một mái ấm gia đình thực sự, có thể chưa đầy đủ về vật chất nhưng luôn rộn ràng niềm vui.
-      Đó là một sự chuẩn bị chu đáo cho con cái về chỗ ăn ở, sức khỏe, chuyện học hành, môi trường sống đức tin.

Có như vậy, mỗi Mùa Giáng Sinh về, bên cạnh muôn ngàn ánh điện màu trang trí nơi các máng cỏ Belem, còn có niềm vui thực sự từ mỗi bậc làm cha mẹ khi cũng đã hết mình làm một máng cỏ cho con.
 
Raphael N.
(Gia trưởng giáo phận Xuân Lộc)