LỜI TRONG «CUỘC ĐỐI CHẤT VỚI NHỮNG NGƯỜI SAĐĐUCÊU» THIẾT YẾU ĐỐI VỚI THẦN HỌC THÂN XÁC

LỜI TRONG «CUỘC ĐỐI CHẤT VỚI NHỮNG NGƯỜI SAĐĐUCÊU» THIẾT YẾU ĐỐI VỚI THẦN HỌC THÂN XÁC
1. Chương này bắt đầu một phần mới những suy tư tiếp nối các chương trước về thần học thân xác.
Lần này, để tiếp nối chúng ta cần trở lại với những lời Tin mừng Đức Kitô nói tới sự phục sinh : những lời có tầm quan trọng căn bản để hiểu hôn nhân kitô giáo và «sự chối từ» đời sống vợ chồng «vì Nước Trời».
Những nố luật phức tạp của Cựu ước về hôn nhân khiến những người Sađđucêu đến với Đức Kitô để không những đặt ra cho Người vấn đề hôn nhân bất khả phân li (x. Mt 19,3-9; Mc 10,2-12), mà còn để (ở một lần khác) chất vấn Người về luật gọi là Lêviratô [1]. Cuộc trao đổi này được các Tin mừng Nhất Lãm kể lại khá tương hợp nhau (x. Mt 22,24-30; Mc 12,18-27; Lc 20,27-40). Dù cả ba bản văn được soạn hầu như giống nhau, thế nhưng người ta cũng nhận thấy có vài điểm dị biệt nhỏ nhưng cũng rất ý nghĩa. Vì cuộc trao đổi được kể lại trong ba bổn (Matthêu, Marcô và Luca), cho nên nó cần đi sâu phân tích, xét vì nó chứa đựng nội dung với một ý nghĩa thiết yếu đối với thần học về thân xác.
Ngoài hai cuộc trao đổi quan trọng, đó là : cuộc trao đổi trong đó Đức Kitô nhắc đến «thuở ban đầu» (x. Mt 19,3-9; Mc 10,2-12) và cuộc trao đổi trong đó Người gợi đến phần thâm sâu của con người («lòng») và cho thấy khát vọng và dục vọng xác thịt như mạch nguồn của tội lỗi (Mt 5,27-32), cuộc trao đổi mà chúng ta đưa ra ở đây để phân tích, có thể nói, là phần thứ ba của bộ sưu tập những phát biểu của chính Đức Kitô : bộ sưu tập những lời của Đức Kitô cốt yếu và cơ bản đối với thần học thân xác. Trong cuộc trao đổi này Đức Giêsu liên hệ đến sự phục sinh, điều này mở ra một chiều kích hoàn toàn mới của mầu nhiệm con người.
 
2. Mạc khải của chiều kích này của thân xác, thật kì diệu về nội dung – và được nối kết với Tin mừng được đọc lại trong toàn thể và tận chiều sâu của nó – xuất hiện trong cuộc đối chất với những người Sađđucêu, là «những người khẳng định không có sự phục sinh» (Mt 22,23) [2]. Họ đã đến với Đức Kitô để trình bày một lập luận, mà theo đánh giá của  họ, củng cố cho quan điểm của họ hợp lí. Lập luận ấy phải đối nghịch cùng «giả thuyết về sự phục sinh». Những người Sađđucêu lí luận như sau: «Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng nếu anh hay em của một người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình» (Mc 12,19). Những người Sađđucêu ở đây qui chiếu đến một luật gọi là lêviratô (x. Đnl 25,5-10), và nối kết lại với luật cổ ấy họ trình bày “trường hợp” sau đây: «Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày phục sinh, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì cả bảy người đó đã lấy bà làm vợ» (Mc 12,20-23) [3].
 
3. Câu trả lời của Đức Kitô là một trong những chìa khóa của Tin Mừng mạc khải – chính khởi đi từ những lí luận thuần túy nhân loại và tương phản với chúng – một chiều kích khác của vấn đề, đó là sự khôn ngoan và quyền năng của chính Thiên Chúa . Tương tự, ví dụ như, trường hợp của đồng xu nộp thuế có in hình hoàng đế Cêsar và mối tương quan trong lãnh vực năng quyền đúng đắn giữa cái gì thuộc về Thiên Chúa và cái gì thuộc về thế gian («thuộc về Cêsar») (x. Mt 22,15-22). Lần này Đức Giêsu trả lời như sau: «Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời» (Mc 12,24-25). Đây là câu trả lời căn bản cho «trường hợp» này, tức cho vấn đề đang nói đến ở đấy. Biết quan niệm của những người Sađđucêu và nhận ra ngay đích thị ý hướng của họ, ngài nói tiếp vấn đề về sự sống lại mà những người Sađđucêu vốn khước từ: «Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacop. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống» (Mc 12,26-27). Như ta thấy, Đức Kitô trích dẫn chính Môsê, cũng là người mà những người Sađđucêu đã nại đến, và kết thúc bằng một lời khẳng định: «Các ông lầm to» (Mc 12,27).
 
4. Lời khẳng quyết này cũng được Đức Kitô lặp lại lần thứ hai. Quả thật, lần thứ nhất ngài tuyên bố như thế vào lúc bắt đầu giải thích. Khi ấy Người nói: «Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa» chúng ta đọc thấy như vậy trong Matthêu (Mt 22,29). Và trong Marcô: «Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?» (Mc 12,24). Thế nhưng, cùng một câu trả lời ấy của Đức Kitô trong bản của Luca (20,27-36) lại thiếu đi tính chất tranh luận, không có câu «các ông lầm to». Tuy nhiên, Người tuyên bố cùng một sự kiện ấy đang khi giới thiệu qua câu trả lời của mình một vài yếu tố cả trong Matthêu và trong Marcô cũng không có. Sau đây là chính bản văn: «Đức Giêsu đáp : “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại» (Lc 20,34-36). Về vấn đề phục sinh, Luca – cũng như hai tác giả nhất lãm kia – tham chiếu đến Môsê, hay đúng hơn là đoạn Sách Xuất Hành 3,2-6 kể lại rằng vị lập pháp vĩ đại của Cựu ước đã nghe từ bụi cây «cháy bừng nhưng không bị thiêu rụi» những lời sau đây: «Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacop» (Xh 3,6). Cũng nơi ấy, khi Môsê hỏi Tên của Thiên Chúa, ông đã nghe đáp rằng: «Ta là Đấng Hiện Hữu» (Xh 3,14).
Như vậy, khi nói về sự phục sinh tương lai của thân xác, Đức Kitô nại tới chính quyền năng của Thiên Chúa hằng sống. Chúng tôi sẽ xét đến luận cứ này một cách đặc biệt trong lần sau.


Louis Nguyễn Anh Tuấn Chuyển dịch

 
--------------------------------
[1] Luật này, nói trong Đnl 25,7-10, liên hệ đến những người anh em sống trong cùng một mái nhà. Nếu một người trong số đó chết đi mà không có con, người anh/em của kẻ đã chết đó phải lấy người phụ nữ góa chồng ấy làm vợ. Đứa con sinh ra do cuộc kết hợp này được công nhận như con của kẻ quá cố, hầu dòng dõi của người ấy không bị tắt ngấm và của thừa kế được bảo tồn trong gia đình (x. St 38,8).
[2] Vào thời của Đức Kitô, những người Sađđucêu, trong bối cảnh của Do thái giáo, thành một giáo phái liên kết với tầng lớp tư tế quí tộc. Ngược với truyền thống truyền khẩu và thần học do những người Pharisêu chủ trương, những người Sađđucêu không chấp nhận lối giải thích sát mặt chữ sách Ngũ Thư, sách mà họ xem như nguồn chính yếu của tôn giáo Giavê. Vì trong những quyển sách Thánh cổ nhất không hề có đề cập tới đời sống bên kia nấm mồ, những người Sađđucêu từ chối cánh chung luận mà những người Pharisêu chủ trương, và khẳng định rằng «các linh hồn chết cùng với thân xác» (x. Joseph., Antiquitates Judaicae, XVII, 1. 4,16).
Thế nhưng các quan niệm của những người Sađđucêu không được trực tiếp biết đến nhiều, bởi lẽ mọi văn thư của họ đã bị mất mát sau khi thành Giêrusalem bị hủy diệt năm 70 và giáo phái đó cũng tan biến. Thông tin về nhóm Sađđucêu rất hiếm hoi. Chúng ta biết gì về họ là nhờ các tài liệu còn lưu lại của các đối thủ về ý thức hệ của họ.

[3] Liên hệ tới Đức Giêsu trong một “vụ việc” thuần túy lí thuyết, những người Sađđucêu cũng muốn tấn công những người Pharisêu về quan niệm từ xa xưa của họ về sự sống sau khi xác sống lại. Họ nói bóng gió rằng nếu tin có sự sống lại vị tất người ta phải chấp nhận tình trạng đa thê, đó là điều nghịch cùng Lề Luật của Thiên Chúa.