LỜI ĐỨC KITÔ NÓI VỀ SỰ PHỤC SINH - HOÀN TẤT MẠC KHẢI VỀ THÂN XÁC

LỜI ĐỨC KITÔ NÓI VỀ SỰ PHỤC SINH - HOÀN TẤT MẠC KHẢI VỀ THÂN XÁC
1. «Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời» (Mt 22,30; tương tự Mc 12,25). «Họ ngang hàng với các thiên thần, và vì là con cái sự sống lại họ cũng là con cái Thiên Chúa» (Lc 20,36).
Sự hiệp thông (communio) cánh chung của con người với Thiên Chúa, vốn được tạo nên bởi một sự kết hợp tình yêu toàn hảo, được nuôi dưỡng bởi thị kiến «diện đối diện», bởi chiêm ngưỡng mối hiệp thông hết sức hoàn hảo ấy. Nói thế là vì, đó là sự hiệp thông có tính chất thuần thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cùng một thần tính duy nhất.
2. Những lời của Đức Kitô mà Phúc âm nhất lãm thuật lại trên đây cho phép ta kết luận rằng những ai dự phần vào «đời sau» sẽ – trong khi kết hợp với Thiên Chúa hằng sống nhờ hưởng thị kiến phúc lành Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất và hiệp thông – không những vẫn giữ được chủ thể tính đích thật của mình, mà chủ thể tính ấy còn đạt tới tầm mức hoàn hảo hơn rất nhiều so với khi ở trong đời trần gian. Hơn nữa, từ đó người ta càng xác tín qui luật của nhân vị toàn diện, theo đó, không những sự hiệp thông càng trọn vẹn khi ta (chủ thể) càng trưởng thành trong đời thiêng liêng, mà ngược lại đời thiêng liêng của ta (chủ thể) sẽ càng trọn lành nhờ sự hiệp thông kia càng trọn hảo. Những ai được dự phần vào «đời sau», nghĩa là tham dự vào mối hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa hằng sống, sẽ có được một chủ thể tính hoàn toàn sung mãn. Nếu như trong chủ thể hoàn hảo ấy, dẫu thân xác phục sinh vinh quang vẫn còn giữ lấy giới tính là nam/là nữ của nó, người ta «chẳng còn lấy vợ lấy chồng», điều đó có nghĩa là không những lịch sử đã đến hồi kết thúc, mà còn và nhất là, đấy là một lời đáp trả «đích thực tối hậu» đối với Chủ Thể Thần Linh đã «thông ban chính mình», vốn là kinh nghiệm chân phúc về sự hiến thân của Thiên Chúa hoàn toàn vượt trổi mọi kinh nghiệm trần gian của ta.
3. Dâng hiến mình cho Chúa – dâng hiến là hành động con người tập trung và biểu lộ toàn thể sức lực của con người chủ thể, cả tâm hồn và thể lí – là sự đáp trả lại việc Thiên Chúa tự hiến cho con người [1]. Trong hành động tự hiến thân đáp trả này từ phía con người, lễ phẩm hiến dâng cuối cùng sẽ trở thành mối phúc lành, như một lời đáp trả xứng hợp của con người, chủ thể nhân vị, đáp lại tình yêu tự hiến từ phía Thiên Chúa, «sự trinh khiết» hay tình trạng tinh tuyền của thân xác sẽ được bộc lộ đầy đủ như là sự hoàn tất cánh chung ý nghĩa «hôn phối» của thân xác, xét như là dấu chỉ đặc biệt và là diễn tả đích thực của toàn thể chủ thể ngôi vị. Như thế, hoàn cảnh cánh chung trong đó «người ta không còn lấy vợ lấy chồng» có cơ sở chắc chắn dựa trên tình trạng tương lai của chủ thể nhân vị, đó là khi, nhờ chiêm ngưỡng Thiên Chúa «diện đối diện», mà nẩy sinh trong con người một tình yêu sâu đậm và một sức tập trung mãnh liệt lên chính Thiên Chúa đến độ cuốn hút trọn vẹn toàn thể con người cả tâm hồn và thể lí.
4. Một khi tập chú vào Thiên Chúa như thế với cả trí khôn («thị kiến») và con tim (tình yêu) – tập chú này không thể là gì khác hơn là sự tham dự trọn vẹn vào đời sống nội tại Thiên Chúa, tức là tham dự vào chính Thực Tại Ba Ngôi – con người đồng thời cũng sẽ khám phá trong Thiên Chúa toàn thể «thế giới» các tương quan cơ bản, là nền tảng của trật tự trường tồn của nó («vũ trụ»). Từ phía con người, thiền định (tập chú) như thế trước hết là ta tái khám phá bản thân, không những trong cái ngã vị sâu thẳm của mình, mà còn trong tương giao kết hợp, vốn là đặc tính riêng của thế giới các ngã vị với cấu trúc tâm-thể-lí. Hiển nhiên, đây là một sự kết hợp thuộc về Hiệp thông. Tập chú vào chính Thiên Chúa bằng trí tuệ và con tim trong mối hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi như thế có thể phát sinh, nơi những ai sẽ được dự phần vào «đời sau», một lời đáp trả ân phúc chỉ khi người ta thực hiện một sự hiệp thông tương xứng với các ngã vị thụ tạo. Bởi thế, chúng ta tuyên xưng niềm tin «các thánh thông công» (communio sanctorum) và tuyên xưng đức tin ấy trong liên hệ hữu cơ với niềm tin «kẻ chết sống lại». Những lời Đức Kitô nói khi khẳng định ở «đời sau... người ta sẽ không lấy vợ lấy chồng» là nền tảng của nội dung đức tin này của chúng ta, và đồng thời chúng đòi phải được giải thích phù hợp dưới chính ánh sáng của Người. Chúng ta phải nghĩ đến thực tại «đời sau» theo phạm trù của sự tái khám phá một chủ thể mới và hoàn hảo của mỗi người, và đồng thời tái khám phá một tương giao liên chủ thể mới và hoàn hảo của mọi người. Như thế, thực tại «đời sau» này có nghĩa là một sự hoàn tất thực sự và sau cùng của chủ thể nhân vị, và (trên nền tảng đó) là sự hoàn tất sau cùng của ý nghĩa «hôn phối» của thân xác. Sự kiện một chủ thể được tạo dựng, cứu chuộc và tôn vinh tập chú hoàn toàn vào chính Thiên Chúa không tước mất khỏi con người nhiệm vụ phải kiện toàn này, trái lại, càng dẫn nó đến chỗ đó và củng cố thêm việc đó. Sau cùng, người ta có thể nói rằng thực tại cánh chung sẽ trở nên nguồn suối cho sự thực hiện hoàn hảo chiều kích ba ngôi trong thế giới các ngã vị thụ tạo này.
5. Những lời Đức Kitô nói khi nhắc đến sự phục sinh tương lai – được xác nhận đặc biệt bởi sự sống lại của Người – kiện toàn những gì trong suy tư của chúng ta thường gọi là «mạc khải của thân xác». Mạc khải đó theo nghĩa nào đó đi sâu vào chính trung tâm của thực tại mà chúng ta kinh nghiệm, và thực tại này trước hết là con người, là thân xác con người, thân xác của con người «lịch sử». Đồng thời, mạc khải này cho phép ta vượt trên lãnh vực kinh nghiệm theo hai hướng. Trước hết, là theo hướng của «thuở ban đầu» mà Đức Kitô đã nại đến trong cuộc trao đổi với những người Pharisêu liên quan tới sự bất khả phân li của hôn nhân (x. Mt 19,3-9). Kế đến, là hướng của «đời sau», điều mà Đức Kitô kêu gọi các thính giả của Người chú ý, trước sự hiện diện của phái Sadducêu, là những người «khẳng định không có sự sống lại» (Mt 22,23). Hai «sự mở rộng phạm vi» của kinh nghiệm thân xác này (nếu có thể nói được như vậy) đối với sự hiểu biết (thần học) về thân xác của chúng ta, không hoàn toàn là không thể đạt tới. Thân xác con người trong phạm vi kinh nghiệm lịch sử không hoàn toàn tách biệt với hai chiều kích ấy của hiện hữu, đã được mạc khải nhờ lời của Đức Kitô.
6. Hiển nhiên, vấn đề ở đây không phải chỉ là nói về «thân xác» chung chung, nhưng là con người thống nhất với cả tâm linh và thể xác. Tiếp tục theo hai hướng đi do lời Đức Kitô đã chỉ ra, và nối lại với kinh nghiệm về thân xác trong cuộc sống trần gian này của chúng ta (tức chiều kích lịch sử), chúng ta có thể xây dựng lại cách nào đó, về mặt thần học, kinh nghiệm của thân xác trên cơ sở của cái «thuở ban đầu» đã mạc khải cho con người, và cả những gì là thân xác của «đời sau». Khả năng xây dựng này mở rộng kinh nghiệm về con người-thân xác và cho thấy, ít là cách gián tiếp, hính ảnh thần học của con người trong sự kết nối chặt chẽ của ba chiều kích đó, tất cả cùng trên đường đi tới xây dựng nên nền thần học về thân xác.
-----------------------------------
[1] «Sự bất tử, theo quan niệm của Kinh thánh, là một sự bất tử “đối thoại” (phục sinh !), nghĩa là sự bất tử không do đơn thuần rút ra từ chân lí hiển nhiên: cái không thể phân hủy (indivisibile) thì không thể chết, nhưng bởi hành động cứu độ của Đấng yêu thương, Đấng có quyền năng làm điều ấy. Bởi thế con người không thể biến mất hoàn toàn được, vì được Thiên Chúa biết đến và yêu thương. Nếu mọi tình yêu đều đòi hỏi sự vĩnh cửu, thì tình yêu Thiên Chúa không chỉ muốn bất tử, mà còn thực hiện và là sự bất tử.
... Xét vì sự bất tử do Kinh thánh trình bày không được hiểu như là phát xuất từ sức riêng của những gì tự thân bất hoại, nhưng từ sự kiện mình được đón nhận vào cuộc đối thoại với Đấng Tạo Hóa, và bởi thế nó phải được gọi là sự phục sinh...» (J. Ratzinger, Risurrezione della carne – aspetto teologico, in Sacramentum Mundi, vol. 7., Morcelliana, Brescia 1977, pp. 160-161).